Theo blog Đào Tuấn
Sau 40 năm sống trong rừng thẳm, Hồ Văn Loan, hay Lang- đã được những người văn minh “giải cứu”, để trở về với cuộc sống văn minh.
Khuôn mặt ngơ ngác con nai vàng, hoang dã đến không một nếp nhăn cùng với “bộ nhá đen một cách kinh điển” của “cậu bé 41 tuổi” chưa bao giờ phải lo toan, cũng chưa bao giờ biết đến cây bàn chải, ngay lập tức trở thành tâm điểm hiếu kỳ của dư luận từ Việt Nam, sang Trung Quốc, thậm chí cả Vương Quốc Anh…
Ồ, cha con anh sống trên một cây cổ thụ ở độ cao 6m, để tránh thú. Sống bằng săn bắn, hái lượm. Mặc áo vỏ cây. Tự làm bác sĩ bằng những cây thuốc trong rừng. Đối mặt với hiểm họa tự nhiên. Chạy trốn mỗi khi thấy người. Một Robinson Crusoe thực thụ của thời hiện đại, thậm chí không thiếu cả một “Thứ Sáu”.
Dư luận có lý khi ca ngợi sức sống tuyệt với mà ngay cả Bear Grylls, chuyên gia sinh tồn hàng đầu thế giới của Discovery cũng phải cúi đầu bái phục.
Nhưng thưa người rừng. Rồi anh cũng sẽ phải chắp bái phục chúng tôi, vì những thử thách mà con người văn minh gặp phải hàng ngày, hàng giờ, còn khắc nghiệt gấp trăm ngàn lần.
Trong rừng, anh sẽ phải dựng lều cao 6m để để phòng thú hoang, mỗi khi tấn công sẽ gầm gừ báo trước. Còn chúng tôi, không hề được báo trước, phải đối mặt với…đồng loại. Thì đó, hôm nay, giả sử biết đọc, anh hiểu được nỗi kinh hoàng khi khắp nơi là tin về vụ xử kẻ chặt phăng tay đồng loại, chỉ vì một chiếc điện thoại.
Giữa rừng xanh núi đỏ, anh bỏ tất cả mọi thứ vào mồm khi đói mà không lo ngộ độc, không lo formon, không lo huỳnh quang, không lo melamine, hay Clostridium Botulinum- những thứ không chỉ những “người rừng” mà cả người văn minh cũng chẳng thể trở thành “thông thái” được.
Còn chẳng hạn có bị đau bụng, anh sẽ nhận được sự công bằng bác ái từ thiên nhiên để chẳng bao giờ phải nhiễm bệnh của người khác, Thứ Sáu chẳng hạn.
Và tất nhiên, “người rừng” thì không thể tưởng tượng được việc phải trả tiền đều như vắt chanh ngay cả khi anh chỉ dùng duy nhất “động cơ chạy bằng cơm”….
|Thưa “người rừng” vừa được “giải cứu” và thưa những người văn minh vừa giải cứu “người rừng”, chúng tôi, những người mang danh “giải cứu” anh cũng đang cần được giải cứu.
Trong ngày đầu tiên, thật ngộ, người rừng được người ta “cho tiền”!!!. Được gí cho một chiếc máy điện thoại, để chụp ảnh chẳng hạn. Nhưng đêm văn minh đầu tiên “người rừng” đã mất ngủ. Anh không hiểu tại sao có lá rừng mà người văn minh vẫn cần tiền? Anh thắc mắc vì sao chỉ vì một “cục gạch” mà người văn minh có thể chém đứt tay nhau? Anh cảm thấy lạc lõng “như bị lạc vào rừng”, hay đơn giản là vì anh “nhớ rừng”, một cuộc sống không có quá nhiều phức tạp?!.
Cũng trong đêm đó, có một “người rừng” khác đang sống giữa lòng xã hội văn minh cũng mất ngủ.
Ông là Nguyễn Hữu Định, hộ cận nghèo ở Phương Tú, Ứng Hòa, cha ruột của thủ khoa ĐH Y Nguyễn Hữu Tiến.
Không mất ngủ không được, bởi trong khi con người ta “ba điểm 9” cũng
khóc ròng vì trượt ĐH thì đứa con thủ khoa của ông Định lại có nguy cơ
không được nhập học.Sau khi câu chuyện cậu bé thủ khoa ĐH Y Nguyễn Hữu Tiến sẽ phải “đi lính” thay vì được nhập học, báo chí phát hiện ra rằng trong suốt 10 năm qua, người cha Nguyễn Hữu Định đã sống như “người rừng” bên một vỉa hè nào đó giữa thủ đô. Cần câu cơm là một chiếc bơm xe, dăm chiếc cờ lê, mỏ lết cũ kỹ, hoen rỉ. Và nơi trú thân, thật kinh khủng, là một ống cống bỏ hoang. Tất cả những sự hoang dã đó là để hàng tháng khỏi phải trả tiền điện, tiền nhà, tiền nước, tiền xăng dầu, tiền…Tất cả những khó nhọc đó chỉ là để dành tiền nuôi những đứa con với một giấc mơ đại học.
Từ trái sang phải: Nguyễn Hữu Tiến, mẹ em và em trai Nguyễn Hữu Tiền lo lắng vì việc Tiến có thể phải bảo lưu kết quả thi đại học, đi nhập ngũ ngay.
Và 2 tuần qua, người cha mất ngủ, không phải vì muỗi, 10 năm qua ông ngủ không màn đã quen, không phải vì không quạt, không chăn, trong những ngày thủ đô vừa nắng 34-35 độ, vừa lụt lội khắp nơi. Cũng không phải vì lo lắng cho tấm lưng thêm còng khi những đứa con nhập học. Người cha mất ngủ vì chưa kịp mừng cho đứa con thủ khoa đã phải buồn vì giấc mơ dang dở.
Điều gì sẽ xảy ra ngày mai?
Cậu bé thủ khoa con một “người rừng” sẽ nhập ngũ, thay vì giấc mơ đại học. Còn “người rừng” ai sẽ “giải cứu” cho ông, hay có khi sẽ lại xảy ra câu chuyện “trách nhiệm lên tiếng không đúng chỗ”, rằng: “ông đã vi phạm nghị định 36 CP. Xin mời ông biến”. Biến về đâu? Về rừng.
Trong tác phẩm kinh điển của Daniel Defoe, Robinson Crusoe đã sống một cuộc sống thanh thản và hạnh phúc sau khi trở về từ hoang đảo. Nhưng trong thực tế, nguyên mẫu của Robinson Crusoe, Alexander Selkirk, người đã từng sống 4 năm 4 tháng trên hoang đảo Mas-a-Tierra, từng được mô tả “mặc áo da dê, hoang dã hơn cả dê hoang”, sau khi được giải cứu để trở về “thế giới văn minh”, sau khi nổi tiếng khắp thế giới, đã không thể hòa nhập. Ông trở lại với nghề cướp biển, cũng là lý do trước đó phải bỏ trốn ra hoang đảo. Và năm 1721, Selkirk chết ở tuổi 45 vì bệnh sốt rét vàng da, một căn bệnh ông bị nhiễm khi về lại với… thế giới văn minh. Thậm chí, bi thảm hơn, vị tu sĩ ẩn cư, nguyên mẫu của Thứ Sáu, thế giới hoàn toàn không rõ số phận của ông sau khi được thế giới văn minh “giải cứu”.
Để một người dân lưu lạc trong rừng là một cái lỗi lớn của…xã hội. Nhưng để những dân trở thành “người rừng” giữa thế giới văn minh, phải đối mặt với nỗi ấm ức không thể trả lời, thì có lẽ, không thể chỉ gọi là một cái lỗi được nữa. Liệu có khi nào chúng ta sẽ đến gặp “người rừng” để xin chỉ lỗi vào hoang dã? Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
0 comments:
Post a Comment