Bốn năm về trước, vào một buổi tối cuối tháng 8, tôi bị “bắt khẩn cấp” tại một quán café ở trung tâm Hà Nội, với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, vi phạm Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Tôi vẫn nhớ rõ họ tên, vẻ mặt hầm hầm đe doạ và giọng trấn áp của viên sĩ quan an ninh đọc lệnh bắt ngày hôm đó. Tôi cũng nhớ tôi đã như thế nào những ngày sau đó: ngơ ngác, ngây ngô, và bất lực. Đã có lúc tôi bật khóc trong phòng hỏi cung vì không biết phải làm sao để cơ quan an ninh điều tra tin rằng mình không làm gì thật, không liên quan gì, và không hiểu tại sao đây lại là vấn đề an ninh quốc gia. Đã có nhiều lúc tôi tái mặt, run lẩy bẩy, vì không biết… tội đâu ra mà lắm thế, sao tôi phạm những tội nghiêm trọng thế, như thế này phải ngồi tù bao nhiêu năm đây…
Vào những ngày ấy, tôi không bao giờ nghĩ rằng bốn năm sau, tôi sẽ là một trong những người ký tên vào bản Tuyên bố 258 của Mạng lưới blogger Việt Nam, yêu cầu Nhà nước xoá bỏ Điều 258 Bộ luật Hình sự để chứng tỏ cam kết khi chạy đua vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Nhưng có một điều tôi vẫn nghĩ suốt từ đó đến nay, và ngày càng nghĩ nhiều hơn: Luật pháp phải là công cụ bảo vệ quyền tự do của người dân, chứ không phải bảo vệ chế độ; và người dân phải hiểu luật pháp ở mức tối thiểu – tức là hiểu các quyền tự do của mình, nếu không họ sẽ bị Nhà nước lợi dụng, trấn áp, nói nôm na là “bắt nạt”.
Càng chứng kiến những vụ việc công an, an ninh lạm quyền để “được việc mình” mà gây thiệt hại cho xã hội, cho người dân, tôi càng thấy những hiểu biết căn bản về chính trị, về luật pháp, các khái niệm như nhà nước pháp quyền, tinh thần thượng tôn pháp luật, nhân quyền, v.v. đã trở thành nhu cầu khẩn thiết đối với chúng ta. Hãy biết quyền của mình. Hãy biết cách sử dụng pháp luật như công cụ để tự bảo vệ. Và khi hệ thống pháp luật đó bất ổn, hãy biết tìm cách bác bỏ nó.
Trong chừng mực trình độ rất hạn chế của mình, tôi sẽ cố gắng, cả gan làm một việc vượt quá sức, là viết những bài viết rất đơn giản về luật pháp và nhân quyền, gắn với các tình huống cụ thể trong đời thực, để chúng ta cùng tìm hiểu về lĩnh vực rộng lớn, phức tạp và đang cực kỳ cần thiết trong việc cải tạo xã hội này.
Những điều tôi viết chắc chắn không phải là chân lý, và xin để ngỏ mọi khả năng khác để độc giả thảo luận và kết luận.
Câu chuyện hôm nay bắt đầu bằng một tình huống xảy ra mới đây mà tôi có dự phần.
* * *
CHỤP ẢNH CÔNG AN
Tình huống
Vào ngày thứ sáu, 9/8/2013, một nhân viên an ninh đến nhà tôi, như đã hẹn với mẹ tôi trước đó qua điện thoại, gọi là “đến chơi, nói chuyện”. Mẹ tôi không quen biết cô ấy, còn tôi thì biết nhưng lại không có nhà, nói đúng hơn, không ở Việt Nam: Tôi ở Bangkok (Thái Lan) để tham gia việc trao Tuyên bố 258 cho một số tổ chức quốc tế đóng tại Bangkok.
Hôm đó trời Hà Nội mưa gió, và cô ấy đã đến nhà tôi đúng hẹn. Ngoài mẹ tôi và cô nhân viên an ninh, trong nhà còn có thêm một số bạn bè của tôi, đều là blogger. Cuộc trò chuyện, tất nhiên, chủ yếu xoay quanh tôi và công việc tôi làm. Không khí hoà nhã. Tuy nhiên, giữa chừng thì thêm một blogger xuất hiện: Anh Nguyễn Chí Đức. Anh giơ máy ảnh nhằm vào nhân viên an ninh, bấm “tách”.
Nhân viên an ninh tái mét mặt, nổi giận, mắng anh Chí Đức là “vô văn hoá”, tự ý chụp ảnh mà không xin phép. Mẹ tôi can, nói rằng “đây là nhà tôi kia mà”, “anh ấy thích chụp ảnh bạn anh ấy thì có sao”. Nhưng cô nhân viên an ninh vẫn cực kỳ giận dữ, to tiếng và bỏ về, sau đó gọi điện lại nói với mẹ tôi: “Nếu bác còn mời bạn bè của Đoan Trang đến nữa thì chỉ làm khổ con bác thôi”.
Vấn đề
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Hành động chụp ảnh khi chưa xin phép người được/bị chụp của anh Nguyễn Chí Đức có sai không?
Đây là câu trả lời của tôi:
Việc anh Nguyễn Chí Đức chụp ảnh nhân viên an ninh là việc không phải xin phép, và đúng luật. Bởi vì anh Đức đang ghi hình một nhân viên công quyền, nhận tiền thuế của dân để tiến hành một công vụ, cụ thể là đi làm việc với một người dân thường (công dân).
Hành động của anh Đức nằm trong phạm trù giám sát cơ quan công quyền và nhân viên công lực. Nó hợp hiến (Điều 53 Hiến pháp, “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội”), và phù hợp với tinh thần pháp luật “công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, “công dân có quyền giám sát nhân viên công quyền”.
Nhân viên an ninh có thể lập luận (giả định): “Nhưng tôi chỉ đến nhà bà mẹ của Đoan Trang để chơi, thăm hỏi, nói chuyện cho vui, chứ tôi không làm công vụ. Công dân Nguyễn Chí Đức chụp ảnh tôi là vi phạm Điều 31 Bộ luật Dân sự về quyền của cá nhân đối với hình ảnh”.
Câu trả lời của tôi là: Các nhân viên an ninh, công an (gọi chung là công an) lâu nay thường né tránh yếu tố “công vụ” bằng cách nói rằng họ chỉ “tiếp xúc thân tình”, “mời café, trao đổi” với “đối tượng” mà thôi, không có gì nghiêm trọng. Nhưng có 3 vấn đề ở đây:
Nếu đề nghị gặp gỡ thân mật, vui vẻ, họ phải được sự đồng ý và hưởng ứng cũng vui vẻ như thế của bên kia; và câu chuyện không được liên quan tới những thông tin có thể gây bất lợi cho bên kia hoặc cho một bên thứ ba.
Nếu đề nghị gặp gỡ thân mật, công an không được tự giới thiệu rằng họ là nhân viên công quyền; trong thời gian gặp, tuyệt đối không được khai thác thông tin và không được sử dụng thông tin thu được (nếu có) vào bất kỳ mục đích gì.
Và, quan trọng nhất, khi được/bị công an “mời café, trao đổi”, “tiếp xúc thân tình”, công dân có quyền từ chối.
Toàn bộ thông tin đều cho thấy buổi thăm hỏi hôm đó của nhân viên an ninh chính xác là thi hành một công vụ, và do vậy, nhân viên công quyền hoàn toàn có thể bị công dân chụp ảnh và đưa lên mạng sau đó mà không được hỏi ý kiến trước.
Trích dẫn
“Việc thực hiện quay phim, chụp ảnh là quyền của người dân và đó là hoạt động thể hiện chức năng kiểm tra, giám sát của người dân đối với hoạt động của cơ quan công an. Do đó người dân sử dụng máy quay phim, chụp ảnh đối với công an không phải là sai phạm” (Thượng tướng Lê Thế Tiệm trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, bài đăng ngày 4/12/2010)
“Khủng bố tinh thần người thân và bạn bè là “nghiệp vụ” cơ bản và quen thuộc của những viên an ninh điều tra, nhất là với những người được/bị cho là bất đồng chính kiến với chính quyền. Tiếc rằng không mấy người dân hiền lành nào biết cách đối phó với những thủ đoạn có tính chất “bụi đời chợ Lớn” nhưng khoác trên mình tấm vỏ bọc màu xanh. Đôi khi sự sợ hãi làm cho nhiều người quên mất một điều cơ bản rằng: mình liên quan gì đến việc này mà phải khai báo với mấy ông công an về chuyện của con mình, bạn mình? Hậu quả là, họ càng sợ hãi bao nhiêu, công an càng khai thác họ nhiều bấy nhiêu” (Luật gia – nhà báo Trịnh Hữu Long, tức Facebooker Trịnh Hự)
Theo Blog Đoan Trang
0 comments:
Post a Comment