ĐÀ NẴNG (VietBaoTổng hợp) – Có phải để
đương đầu với việc Trung Quốc tiếp tục củng cố phòng vệ trên đảo Trường
Sa, Hoàng Sa đã xâm chiếm của Việt Nam mà chính quyền thành phố Đà Nẵng
sắp lập trụ sở huyện Hoàng Sa, theo bản tin trên trang mạng BBC hôm Thứ
Ba, 6-8-2013, cho biết.
Bản tin BBC viết rằng, “Huyện Hoàng Sa, đơn vị hành chính trực thuộc
thành phố Đà Nẵng, sẽ chính thức có trụ sở riêng sau nhiều năm nằm chung
với Sở Nội vụ, chính quyền thành phố này vừa quyết định. Theo tường
thuật của báo chí trong nước thì huyện đảo này được chính quyền thành
phố ưu ái dành cho một trong những vị trí đắc địa nhất của thành phố để
xây trụ sở. Mặc dù có trách nhiệm quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa,
nhưng Ủy ban nhân dân của huyện này trong những năm qua không thể đóng
trên các hòn đảo vốn đang thuộc quyền quản lý của Trung Quốc.
Hòn đảo lớn nhất của quần đảo có tranh chấp này đang được phía Trung
Quốc xây dựng thành thủ phủ của thành phố Tam Sa mà họ xem là đơn vị
hành chính trực thuộc tỉnh Hải Nam.”
Bản tin BBC cũng cho biết là chính quyền thành phố Đà Nẵng chỉ mở trụ
sở Huyện Hoàng Sa trên lãnh thổ đất liền Việt Nam chứ không phải xây
dựng cơ sở ngay trên các đảo ở Hoàng Sa. Trong khi đó Trung Quốc đã làm
việc này từ trước. BBC viết tiếp, “Theo quyết định của chính quyền Đà
Nẵng sau một cuộc họp hôm 2/8 thì Ủy ban huyện Hoàng Sa sẽ nằm tại góc
đường Hoàng Sa và Lê Văn Thứ trên một diện tích 700 mét vuông. Ngoài
chức năng là ủy ban huyện thì đây cũng là nơi trưng bày tư liệu và hiện
vật chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.”
Vì vậy, bản tin BBC đã nhấn mạnh việc xây trụ sở huyện Hoàng Sa trong
đất liền chỉ là để tuyên truyền cho người dân về chủ quyền hơn là nơi
làm việc hành chánh.
BBC cũng nhắc đến việc Trung Quốc đã xây trụ sở huyện Tam Sa trên đảo
Phú Lâm, “Trong khi Việt Nam mới chỉ đang xúc tiến xây dựng trụ sở cho
huyện Hoàng Sa thì Trung Quốc đã tiến rất nhanh trong việc xây dựng cơ
sở hạ tầng cho ‘thành phố Tam Sa’ trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất của
quần đảo này mà phía Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng. Họ đã xây dựng đường
sá, cầu cảng, cửa hàng bách hóa, nhà máy nước ngọt, nhà sách và một trụ
sở của đảng ủy và chính quyền ‘thành phố Tam Sa’ hoành tráng trên đảo.
Mới đây, Trung Quốc cũng đã đưa du khách của họ ra tham quan Hoàng Sa.”
Trong khi đó một bản tin khác của đài phát thanh quốc tế Pháp RFI hôm
Thứ Ba cho biết Trung Quốc củng cố cơ sở quân sự tại Trường Sa. RFI
viết rằng, “Hải quân Trung Quốc gần đây đã thiết lập một tuyến tuần tra
mới bao trùm hầu như toàn bộ các thực thể đảo, đá, bãi ngầm, rạn san hô
trong vùng quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông. Theo tiết lộ của hãng tin
Nhật Bản Kyodo ngày 05/08/2013, dựa trên một báo cáo mật của quân đội
Philippines, Bắc Kinh còn cho củng cố các cơ sở trên các hòn đảo mà họ
đánh chiếm của Philippines và Việt Nam trong khu vực, biến các nơi này
thành tiền đồn cho Hải quân Trung Quốc. Theo Kyodo, Hạm đội Nam Hải của
Trung Quốc vừa thiết lập tuyến tuần tra này vào năm nay, một lộ trình đi
qua hầu hết các vùng biển đảo đang tranh chấp với các láng giềng Đông
Nam Á, bên trong đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để xác định chủ quyền
của họ. Thậm chí tuyến này còn đi qua cả khu vực 85 hải lý ngoài khơi
đảo Palawan của Philippines.”
Liên quan đến tình hình Biển Đông, một bản tin khác của đài tiếng nói
Hoa Kỳ VOA hôm Thứ Ba cho biết Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương
Nghị hôm Thứ Hai, 5-8, nhân phát biểu tại Hà Nội đã nói đến 3 cách giải
quyết tranh chấp Biển Đông.
Bản tin đài VOA viết như sau: “Thứ nhất, ông nói, là đạt thỏa thuận
thông qua tham vấn và đàm phán giữa các bên liên hệ trực tiếp. Ông nhấn
mạnh đây là cách cơ bản và cách duy nhất có thể dẫn đến giải pháp chung
cuộc. Cách thứ hai là tiếp tục thực hiện bản Tuyên bố Ứng xử DOC và dần
dần tiến đến chuyện tham vấn về bộ Quy tắc Ứng xử COC. Cách thứ ba là
tìm cách thực hiện các cuộc thăm dò và khai thác chung.”
0 comments:
Post a Comment