Monday, March 11, 2019

Tùy Bút: Hãy Sống Thật Với Chính Mình

Tôi có một nhóm bạn thân; chúng tôi quen nhau từ những năm một ngàn chín trăm tám mươi ... mấy, dưới mái trường Mission College. Thời gian đó chúng tôi đến trường học với bộ dạng lạ lẫm của dân tị nạn, chân ướt chân ráo ở xứ người, nên nhìn thoáng qua nhau là biết "đồng hương" ngay và sau vài câu hỏi, đại loại như:
-Anh đến đây năm nào?
-Anh sống chung với gia đình hay diện "mồ côi"?
-Mùa này anh lấy "courses" gì?...
là đủ để kết tình bè bạn của buổi ban đầu...

Hai mươi mấy năm trôi qua, tình bạn của chúng tôi vẫn khắn khít, dù đứa nào đứa nấy đều có gia đình con cái đùm đề. Bộ dạng không còn như thuở đầu đời "con nai vàng ngơ ngác nữa". Hễ mỗi lần có dịp họp mặt, có ai đó nhắc lại thời dĩ vãng thì cả bọn cười lên ha hả, rồi cùng đưa ly bia lên, hô to: "Dzô!.." như thể thân thương, như thể che dấu cái "quê một cục" ấy!

Nhóm chúng tôi gặp nhau cũng thường xuyên lắm, vì nếu chưa có đứa nào đến ngày tổ chức mừng sinh nhật cho con, thì cũng có đứa khác - "Ê! cuối tuần rảnh tới nhậu nghen ...", và phải nói cho đúng hơn nữa là các bà vợ cũng hợp "gu" với nhau, mấy ông nhậu thì mấy bà cũng "tía lia" hoặc "cà-ra-ô-ki" để khen lẫn nhau còn chất giọng tuyệt vời ...


Mấy năm gần đây, họp nhóm không còn đông đủ nữa, hỏi thăm nhau chỉ biết rằng "có mời nó nhưng nó bảo bận không tới", và điệp khúc ấy cứ lập lại tới bây giờ . Không biết đến khi nào mấy bạn thân ơi, bao giờ mới hết bận để có giờ ngồi uống bia với nhau, nhắc nhớ cho nhau nghe những kỷ niệm của buổi đầu tị nạn, và ngày xưa ấy: cắp sách đi đến trường hễ gặp "đầu đen" là nhận "đồng hương", "bù khú" với nhau bằng tiếng Mẹ đẻ "dzui hơn" là phải nói tiếng "Ăng-lê ngọng"; rồi còn những đêm ngồi bên nhau học ôn thi "final" với những ly cà phê sữa đá và tô mì gói trụng nước sôi!

Mới đây, tôi được biết những bạn thân ấy bận ... hợp tác đầu tư ở trong nước! Có đứa trở về quê hương, mở dịch vụ buôn bán; có đứa về mở hãng tiện, hãng điện tử ... Hỏi về lợi tức kiếm được ... cũng "ô-kê" thôi, chỉ được mỗi một cái "mã" với người trong nước, là "Việt-kiều về nước xây dựng, đầu tư"; hách chưa? Tôi không hiểu mấy người bạn thân có bao giờ nhớ đến cảnh "bỏ của chạy lấy người", chạy bán sống, bán chết, biết bao nhiêu kinh hoàng mới tới bến bờ TỰ DO, và ngơ ngác, "chân ướt chân ráo", bắt đầu làm lại cuộc đời trên xứ người? Còn nhớ chăng những câu thề, lời hứa - thoát móng vuốt của loài quỷ đỏ (csvn) - sẽ không bao giờ đội chung trời, đạp chung đất với bọn khốn kiếp ấy. Giờ đây, chẳng lẽ trí óc đã quá tệ, không còn đủ nhớ và suy nghĩ rõ ràng ... với cùng tiếng đập của con tim hay sao? Lạ quá!

Có đứa bạn bảo tôi, thời buổi đổi thay rồi, hãy cởi mở tốt hơn là bảo thủ và quá khích. Tôi hỏi người bạn ấy, cho rõ: "Thời buổi đổi thay là thay đổi ra làm sao?, và bảo thủ và quá khích thì có gì là xấu?" . Cộng sản VN đổi thay có phải là không còn xếp hàng cả ngày, ăn theo khẩu phần và các thành phố lớn, nhỏ đều có những tòa nhà trọc trời "hô-teo", "cờ-lấp", đầy dẫy những nơi ăn chơi đàng điếm? Lợi ích của sự thay đổi kia có thực sự hữu ích cho đời sống của người dân trong nước, hay chỉ để phục vụ cho tầng lớp cán bộ và thân nhân, bè đảng? Luật pháp XHCN bảo vệ con dân nước Việt có quyền cạnh tranh trong công bằng và ngay thẳng? Hãy nhìn cảnh tình của Dân Oan đi khiếu kiện từ Nam ra Bắc, ròng rã mấy mươi năm mà chẳng một cơ quan hành chính hoặc cơ quan truyền thông, báo chí nào dám lên tiếng báo động về thảm trạng ấy! Nỗi khổ đau của tầng lớp dân nghèo đâu có khác gì thời "bao cấp". Một sự thật mà nhiều người không thấy hoặc cố tình không nghĩ đến, đó là, những tụ điểm ăn chơi, đàn điếm, những chiếc xe hơi đắt tiền chạy lòng vòng trong thành phố ... đều chỉ dành cho giới nhà giầu và cán bộ đảng viên cùng gia đình . Họ có quyền hưởng thụ công khai, muốn ăn chơi cứ thả dàn, không còn phải dấu giếm như ăn con gà phải đào lỗ chôn xương, chôn lông cho thật kỹ như thời chuyên chính vô sản nữa . Tầng lớp người dân nghèo khổ, lao động, kiếm miếng cơm đút miệng đã là khó, làm gì mơ tưởng đến những thú vui thâu đêm suốt sáng .

Tôi nói thẳng với những người bạn về VN đầu tư, chẳng khác gì những ông Tây "thực dân" khoác áo nhân đạo . Cái cốt lỏi của sự đầu tư vào XHCN VN chẳng phải với mục đích XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG mà chính là lợi dụng mỹ từ đó để TỰ DỐI LỪA LƯƠNG TÂM, đúng không? Phải thành thật nói rằng, LỢI DỤNG cái thời "kinh tế thị trường" đang đua nở, tụi bay quay về VN kiếm ăn! Lòng tham đã khiến trí mờ, mắt lòa nên chỉ thấy cái bã lợi trước mắt, để rồi quên hết những gian manh ác độc của một chế độ "vô tổ quốc, vô tôn giáo, vô gia đình" sẽ ụp phủ lên đầu những Việt kiều đầu tư một thời đã bị kết án "phản động, phản quốc", chưa được tháo ra (và đang chờ xiết lại). Bao nhiêu bài học của những Việt kiều về VN đầu tư, khi kinh doanh phát triển, tiền của sẽ bị niêm phong, bản thân khó thoát được tù tội; may lắm, chỉ còn cách "bỏ của chạy lấy người" trở lại với quốc gia tạm dung.

Mới đây một số bạn khác lên kế hoạch "về quê hương nghỉ hè", cho lũ trẻ con có dịp gần giũ với quê nhà bao năm xa cách. Nghe nói thế, có lý lắm, sao không? Nhưng ... tôi đã trả lời với đám bạn ấy rằng, tôi chưa quên, quê hương VN của tôi đã mất từ sau 30 tháng 4 năm 1975; nhất là khi tôi quay lưng bỏ đi để tìm một cuộc sống tự do . Thoát khỏi vòng tay "Mẹ Mìn" VC trong đường tơ kẽ tóc, bây giờ không tởn, lại quay về chịu nằm trong vòng tay ấy à?

Lũ bạn lại cho tôi là "chống cộng quá khích"; người Việt hải ngoại về VN như đi chợ, có xẩy ra gì đâu, chỉ lo lắng hão! Tôi cười, bộ chuyện xẩy ra với họ, nạn nhân sẽ lên đài phát thanh tố cáo VC hay phải ngậm miệng chịu ức? Mà nè! sống ở xứ sở tự do, nhân quyền được đề cao, luật pháp bảo vệ cùng mình, vậy mà chịu "cúi đầu", "khoanh tay" nghe bọn VC hải quan hạch họe, đòi tiền cà phê cà pháo, không kẹp vào sổ thông hành 5 đô, 10 đô thì bị làm tình làm tội đủ kiểu; tại sao không biết tự xấu hổ khi buộc phải làm điều đó?

Bạn tôi lại đánh trống lảng: A!... quê hương là của mọi người đâu phải chỉ riêng của tụi nó . Mình về với quê hương, đất tổ, ai cười gì mình?. Ôi! bạn tôi lại tự đánh lừa lương tâm của chính mình rồi nhé! Bạn nói vậy là nói lấy được, sao ngày tìm đường vượt biên bạn không dùng hai chữ "quê mình" để cắn răng mà sống cho có tình với quê hương, sao lại bỏ quê hương mà đi? Thôi!... tôi chúc bạn của tôi về quê nghỉ hè an lành, may mắn và vui vẻ (chắc là vui lắm rồi, vì ở đâu có nhiều nỗi khổ đau, để mình ngó xuống thì niềm hạnh phúc trong lòng lại cao hơn; chứ ở quê người, ít thấy cảnh khổ nên sao thấy khổ quá!).

Nhân tiện, tôi trích đăng một bản tin liên quan đến chuyện quê nhà mà bạn tôi cần biết, trước khi ra phi trường, lên máy bay, về quê nghỉ hè:
--------------------------------------------

"VC làm tiền trắng trợn, khi xét AH1N1
Thưa các bạn,

Tôi vừa được một người cháu cho biết bạn cùa nó vừa trở lại Mỹ sau chuyến về thăm VN. Anh này cho hay đã bị bọn kiểm dịch y tế phi trường TSN sau khi xét đo nhiệt độ qua máy và bị nghi có triệu chứng sốt nên giữ lại. Sau đo được đưa lên xe chở về cơ quan y tế thành phố kiểm tra. Tại đây việc đầu tiên người bị nghi là có triệu chứng bệnh AH1N1 phải đóng tiền nhập viện ( $ 250 USD). Tai đây,test xét nghiệm ghi nhận nhiệt độ binh thường, thế nhưng muốn xuất viện phải đóng đủ $600. USD để được trả lại passport và visa. Anh này không chịu đóng tiền còn lại vì cho rằng bi làm tiền trắng trợn. Bọn y tá va bs bỏ đi để anh này nằm chờ cho đến hơn nửa đêm vẫn không ai giải quyết.Đợi mãi không thấy ai giải quyết, anh ta ra phòng trực hỏi thì được trả lời: " Các anh từ Mỹ về có nhiều tiền thì sá gì mấy trăm đô mà phải mất hết ngày giờ. Thôi đóng mẹ nó cho xong để còn về thăm thân nhân". Giằng co mãi rút cục anh ta phải chìa ra số tiền 350 đô để lấy lại giấy tờ. Các bạn thử nghĩ coi có nơi nào trên qu3a đất này đã hành xử vô liêm sỉ như vậy không? Vậy thì về VN làm cái chi ????


CVL

*nguồn: www.anhduong.net
------------------------------------------
Phú Yên

0 comments:

Powered By Blogger