Saturday, April 7, 2018

Mỏ dầu Việt Nam và đường lưỡi bò Trung cộng

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Ngày 23/3/2018 các hãng truyền thông quốc tế BBC, Reuter đã loan tin tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam) vừa chính thức yêu cầu công ty dầu khí Repsol (Tây Ban Nha) ngừng các hoạt động tiến tới khoan khai thác dầu khí tại lô 07/03, thuộc cụm Red Emperor trong tiểu vùng tìm kiếm dầu khí Nam Côn Sơn, ở cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 440km.

Phối kiểm và tổng hợp các nguồn tin rời rạc, có thể thấy được tổng thể sơ lược sự việc như sau. 

Năm 2009 các hoạt động thăm dò dầu khí ở tiểu vùng Nam Côn Sơn (Nam Con Son Basin) trong vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) của Việt Nam, có tọa độ địa lý từ 6,6 đến 9,45 độ vĩ bắc và 106 đến 109,30 độ kinh đông, đang do công ty dầu khí Talisman Energy – Canada thực hiện, được bán lại cho công ty dầu khí Repsol – Tây ban Nha trong tháng 12/2014, tiếp tục công tác thăm dò tìm kiếm trên các lô 133, 134, 135, 136, 052/10 và 07/03, tất cả đều nằm về phía đông nam Vũng Tàu – Côn Đảo, sát đường cơ sở 200 hải lý của vùng EEZ Việt Nam, với Repsol có quyền nắm giữ từ 40% đến 46,75% cổ phần tùy từng lô. 

Tháng 7/2015 dầu khí tìm thấy tại lô 07/03, Repsol đặt tên là Red Emperor và tuyên bố Red Emperor có đủ giá trị để khai thác thương mại. 

Tháng 4/2017 kế hoạch khai thác dầu khí tại cụm Red Emperor được chính phủ Việt Nam chấp thuận. Theo đó, có tất cả 12 giếng dầu lần lượt được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2019, có tổng công suất khai thác mỗi ngày từ 25.000 đến 30.000 thùng dầu và 60 triệu m3 khí thiên nhiên. 

Mỏ Cá Rồng đỏ (Red Dragonfish) thuộc lô 07/03 nhưng nằm gần bờ nhất nên được ưu tiên phát triển trước. 

Tháng 9/2017 liên doanh dịch vụ kỹ thuật dầu khí giữa PVS (PetroViệt Nam Technical Services Corporation) với công ty Yinson Clover Ltd của Malaysia được thành lập, tiến hành thuê bể chứa dầu nổi FPSO (Floating Production Storage and Offloading) của tập đoàn Yinson có chi phí gần 1 tỷ USD trong 10 năm, thuê công ty Keppel FloaTEC – Hoa Kỳ xây dựng giàn chân đế đầu giếng TLWP (Tension Leg Wellhead Platform) ở độ sâu 320m nước, trị giá 700 triệu USD từ tháng 10/2017 và bước sau cùng ngày 21/3/18 tàu khoan dầu Ensco 8504 do Repsol thuê với giá 475 triệu USD, rời khỏi Singapore để đến vùng mỏ Cá Rồng đỏ ngày 29/3, bắt đầu khoan khai thác cho liên doanh dầu khí gồm công ty Repsol (46,75%), Mubadala Petroleum của tiểu vương quốc Arab (21,25%), tập đoàn dầu khí Petro Việt Nam PVN (14,25%), Petro Việt Nam Exploration & Production (12,75%) và Pan Pacific Petroleum của Úc và Tân tây Lan (5%), một nguồn tài nguyên ước tính lên đến 45 triệu thùng dầu, 172 tỷ feet khối khí thiên nhiên và 2,3 triệu thùng condensate (khí ngưng tụ). 

Việc hủy bỏ kế hoạch khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng đỏ được cho là bởi áp lực đe dọa của Trung cộng, khiến các bên tham gia có thể phải gánh chịu thiệt hại lên tới 200 triệu USD. 

Đây là lần thứ hai Repsol bị phía Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan thăm dò dầu khí trên biển Đông. Lần đầu cụ thể là tại lô 136/03 nằm nữa trong, nữa ngoài đường cơ sở 200 hải lý, sát cạnh và ở phía bên ngoài lô 07/03. 

Công tác khoan thăm dò ở lô 136/3 cho liên doanh dầu khí Repsol, PVN và Mubadala Petroleum khởi sự từ tháng 6/2017. Tàu khoan Deepsea Metro I thuộc sở hữu của hãng Odfjell Drilling Ltd – Na Uy đang khoan mũi đầu tiên, được phía Việt Nam gọi là mỏ Cá Kiếm nâu, với khoản chi phí 27 triệu USD, trong tổng số 300 triệu USD của Repsol đã bỏ ra cho lô 136/3 (?), thì bị chính phủ Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động ngày 24/7/2017 và tàu Deepsea Metro I đã tháo gỡ trang bị, lui về cảng Labuan ở Malaysia ngày 14/8/2017. 

Các tin tức chính thức và công khai về việc ngưng đột ngột công tác thăm dò, tìm kiếm dầu khí tại lô 136/3, đều không được chính phủ Việt Nam và công ty Repsol tiết lộ. Tuy nhiên, các nguồn tin khả tín từ giới kinh doanh dầu khí quốc tế đều cho rằng do áp lực của Trung cộng căn cứ trên đòi hỏi chủ quyền của đường lưỡi bò, với sự đe dọa tấn công các đảo đang do Việt Nam kiểm soát tại Trường Sa thuộc vùng nước nông bãi Tư Chính (Vanguard Bank) đã là lý do chính khiến nhà nước cộng sản Hà Nội phải nhượng bộ và thoái lui. 

Ngược về phía bắc, tiến triển của việc chính thức thực hiện khai thác khí đốt tại mỏ khí Cá Voi xanh, liên doanh giữa Petro Việt Nam với đại công ty dầu hỏa Exxon Mobil của Hoa Kỳ, cũng ngày càng tỏ ra ảm đạm, không chắc chắn, khác hẳn với những khẳng định đầy tự tin của hai phía Việt – Mỹ khi mới bắt đầu. 

Mỏ khí đốt Cá Voi xanh (Blue Whale gas field) nằm tại lô thăm dò 118, là một trong ba lô 117, 118 và 119 thuộc bồn trầm tích sông Hồng, ở ngoài khơi hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam, do Exxon Mobil của Hoa Kỳ (64%), liên doanh với PVN (36%), khởi sự thăm dò, tìm kiếm dầu khí từ tháng 6/2009. 

Tháng 10/2011 dấu vết khí thiên nhiên được tìm thấy và qua năm 2012 mỏ khí Cá Voi xanh được định hình là mỏ khí lớn nhất tại Việt Nam trong thời điểm, có tổng trữ lượng khoảng 150 tỷ m3 khí thiên nhiên và ở cách bờ biển Việt Nam chưa tới 90km. 

Năm 2014, Exxon Mobil và PetroViệt Nam Exploration & Production ký hai tiền thỏa thuận (head of agreement) về khung dự án và giá khí đốt, để tiến hành đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho kế hoạch khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ khí đốt từ mỏ Cá Voi xanh. Theo đó đến năm 2023 Exxon Mobil hoàn tất hệ thống khai thác mỏ khí và hệ thống ống dẫn khí dài 88km từ biển vào đất liền, trong khi PVN xây dựng xong một trung tâm chế hóa khí công suất 10 tỷ m3 một năm, với 4 nhà máy nhiệt điện khí tổng công suất 3.000MW ở Chu Lai và Dung Quất. Hai bên cũng dự trù chính thức công bố khởi công kế hoạch vào dịp hội nghị APEC (Asia Pacific Economic Cooperation) diễn ra trong tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. 

Tuy nhiên việc khởi động mỏ Cá Voi xanh không suôn sẻ như dự tính. Phát biểu trước diễn đàn APEC ngày 7/11/2017, Liam Mallon, giám đốc Exxon Mobil Development Company, cho biết công ty sẽ hoãn lại các kế hoạch đầu tư tới năm 2019 vì "có các thỏa thuận đặc biệt mà chúng tôi cần phải bàn bạc". Dù không một ai nói ra, nhưng rõ ràng cái phức tạp đưa đến việc cần có các thỏa thuận đặc biệt, là dù mỏ Cá Voi xanh và lô 118 hoàn toàn nằm trọn trong EEZ của Việt Nam, nhưng đường lưỡi bò tự vẽ của Trung cộng cũng ngang ngược trùm lên 1/3 phần phía đông của lô 118. 

Các sự kiện Cá Kiếm nâu tháng 7/2017, Cá Voi xanh tháng 11/2017 và Cá Rồng đỏ tháng 3/2018, chỉ làm dài thêm chuỗi sự kiện cản trở ngang ngược, dựa trên trò hề đường lưỡi bò của Trung cộng đang áp dụng tại biển Đông đối với nhà nước cộng sản Hà Nội và các công ty dầu khí quốc tế muốn vào làm ăn ở Việt Nam. 

Nạn nhân đầu tiên là công ty dầu khí Anh Quốc BP (British Petroleum) với mỏ khí Lan Tây, trong lô thăm dò 6.1, thuộc tiểu vùng Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu 362km, có trữ lượng khí đốt lý thuyết 57 tỷ m3 và trữ lượng khai thác kinh tế là 44 tỷ m3. Mỏ được BP khai thác từ năm 2002, dẫn vào bờ qua hệ thống đường ống ngầm dưới biển dài hơn 360km, tới trung tâm chế hóa khí Dinh Cố và cung cấp nguồn nhiên liệu cho nhà máy điện khí Phú Mỹ. Khi BP mở rộng thăm dò sang lô 5.2, 5.3 kế cận từ tháng 3/2007, thì Bắc Kinh bắt đầu gia tăng áp lực thông qua đe dọa không bảo đảm về quyền lợi trị giá 4,2 tỷ USD của BP tại Hoa lục, cũng như sinh mạng của nhân viên BP đang làm việc ở các vùng biển tranh chấp. BP rút lui khỏi thị trường dầu khí Việt Nam tháng 11/2008 và các vùng mỏ Lan Tây, Lan Đỏ chuyển nhượng quyền khai thác sang cho PVN (20%), Rosneft - Nga (35%) và ONGC (Oil and Natural Gas Corporation Ltd) của Ấn Độ (45%). 

Trong tháng 6/2007 các công ty dầu Idemitsu, Nippon Oil và Teikoku Oil của Nhật, đang hoạt động thăm dò trong các lô 5.1B, 5.1C, bên cạnh các lô của BP và qua tháng 8/2007 đến lượt công ty Chevron của Hoa Kỳ, với lô thăm dò 122 dù nằm sâu trong vùng EEZ của Việt Nam, cũng đều lần lượt ngừng hoạt động, bỏ các dự án thăm dò, tìm kiếm dầu khí trên vùng biển Việt Nam, trước các áp lực đe dọa của Trung cộng, để bảo vệ quyền lợi qua các hợp đồng công ty có tại Hoa lục. 

Có thể nói thông qua việc xử dụng yêu sách đường lưỡi bò phi pháp tự vẽ, dù bị tòa án trọng tài thường trực quốc tế PCA (Permanent Court of Arbitration) vô hiệu hóa tính pháp lý, bằng phán quyết đưa ra ngày 12/7/2016, trong vụ kiện do Philippines đệ trình, nhưng Bắc Kinh vẫn bất chấp cứ tiếp tục dùng đường lưỡi bò, để giăng bẫy, dàn trận và tung ra hai mũi tấn công đồng thời, hầu tranh giành chủ quyền và quyền lợi trên vùng biển Đông. Trong đó ý đồ tiếm đoạt chủ quyền là mục tiêu chính, thủ đắc quyền lợi dầu khí, đánh bắt cá là thứ yếu, nhưng cả hai đều tương quan chặt chẽ với nhau và tác động qua lại hỗ tương cho nhau. 

Đối với các công ty ngoại quốc - ngoại trừ Nga hay những công ty nhỏ khác của Canada, Úc, Ấn Độ và Nam Hàn có rất ít quyền lợi kinh tế ở Trung cộng - đang thực hiện các hợp đồng tìm kiếm, khai thác dầu khí ở Việt Nam, thì với đường lưỡi bò hoang tưởng, chồng lấn trắng trợn và thô bạo lên vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam, ngang ngược tạo ra áp lực mất an toàn trong vùng tranh chấp và do sự đe dọa trắng trợn về viễn cảnh phải xóa bài kinh doanh trên thị trường Hoa lục rộng lớn, luôn là các lợi thế giúp Bắc Kinh gặt hái thành công dễ dàng, trong việc trắng hóa sân chơi dầu khí, hay ít ra cũng làm đình trệ hoạt động của các công ty dầu khí tây phương tại Việt Nam. 

Đối với chính phủ cộng sản Hà Nội, đường lưỡi bò là vũ khí chính được Bắc Kinh xử dụng tối đa, bạo ngược hơn và trong mọi lúc, mọi nơi, để đe dọa, uy hiếp trên mọi lãnh vực trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. 

Trong lãnh vực dầu khí, khác với lối tiếp cận gián tiếp, đe dọa ở hậu trường và đưa ra chiếc bánh Hoa lục làm đối trọng so sánh và mồi nhữ - như trường hợp các công ty và các mỏ dầu khí kể trên, thái độ và cách hành xử của Trung cộng với Hà Nội là hai mặt của đồng tiền, cụ thể là thi hành chính sách phối hợp các hoạt động vừa đấm, vừa xoa. 

Quan điểm chính luôn được Bắc Kinh đề cao và khuyến nghị trên các diễn đàn công khai, là hai bên Việt – Hoa thỏa thuận gạt sang một bên những bất đồng để tìm kiếm phát triển chung. Mặt kia là cho tiến hành nhiều hành vi ngăn cản, phá hoại càn rở hơn, tấn công trực tiếp và có chọn lọc đối với các hoạt động trên biển của tập đoàn dầu khí PVN. 

Tháng 5/2011, ba tàu hải giám Trung cộng đã ngang nhiên cắt cáp khảo sát thả chìm trên biển của tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 thuộc PVN, đang hoạt động khảo sát địa chấn trên các lô 125, 126, 148 và 149 hoàn toàn trong vùng EEZ Việt Nam, chỉ cách Đại Lãnh - Phú Yên 120 hải lý. Hai tuần sau, tàu Viking II do PVN thuê từ công ty dịch vụ địa vật lý CGG (Compagnie Générale de Géophysique) của Pháp, đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D trên lô 136/03 trong ngày 9/6/2011, bị một tàu cá người Hoa, có hai tàu ngư chính Trung cộng yểm trợ, càn lướt qua vùng biển đang thả cáp của tàu Viking II để gây rối và phá hoại, buộc tàu thăm dò phải ngừng hoạt động. 

Cả hai trường hợp, Trung cộng đều ngang ngược cho rằng đó là hành động hợp pháp, chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền trên vùng biển bị Việt Nam xâm phạm, cũng như giải cứu ngư dân Hoa lục, bị tàu võ trang của Việt Nam bức hại trên vùng biển đánh cá truyền thống của họ (?). Phía Hà Nội chỉ biết đánh võ miệng "cực lực phản đối việc Trung cộng đã vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, đồng thời mạnh mẽ yêu cầu phía Bắc Kinh phải chấm dứt ngay, không để tái diễn các hành động trên"???. 

Điều thực tế và duy nhất mà cả hai phía chưa nói thẳng ra, hoặc phải công khai thừa nhận là mọi hoạt động mạnh hiếp yếu, bất chấp công pháp quốc tế của Bắc Kinh chỉ nhằm tới mục đích tối hậu tạo ra điều kiện chỉ có công ty dầu khí hải dương của Trung cộng CNOOC (China National Offshore Oil Corporation) mới có quyền độc chiếm khai thác dầu khí trong vùng EEZ Việt Nam, dưới vỏ bọc hợp tác khai thác (Joint Development), tức thâm ý qua đó gián tiếp công nhận chủ quyền Trung cộng trong vùng tranh chấp, bởi sự chồng lấn của đường lưỡi bò. 

Trong lãnh vực khai thác ngư nghiệp, Trung cộng đã ngông cuồng ra lệnh cấm đánh cá trong các tháng 5 tới tháng 8 hàng năm từ năm 1999, rồi tung ra chiến thuật huy động một số lượng tàu cá đông đảo, chắc chắn, có sự bảo vệ chặt chẽ của các lực lượng hải cảnh, ngư chính, đổ dồn vào hải phận Việt Nam từ năm 2005 trở đi, tha hồ đánh bắt, vơ vét tận lực mọi nguồn lợi thủy, hải sản, bên cạnh nỗ lực giành giựt, xua đuổi các ngư dân Việt Nam - bằng các hành vi côn đồ, thảo khấu như ngăn cản, đánh đập, cướp bóc, tịch thu, phá hoại phương tiện, tài sản, bắt bớ, giam cầm đòi tiền chuộc, đến đâm chìm tàu, thuyền và cả bắn giết người vô tội trên biển. 

Bi kịch cho ngư dân Việt Nam là chính quyền cộng sản Hà Nội đã nhắm mắt, không dám có bất kỳ một phản ứng phản kháng tích cực, thích đáng nào trước sự lộng hành của Bắc Kinh, đồng thời cũng làm ngơ luôn những hoạt động bảo vệ, bênh vực, can thiệp, giúp đỡ cụ thể cho các ngư dân khốn khổ, đang bị áp bức và bơ vơ ngay trên chính vùng biển quê hương của họ. Để gìn giữ tình cảm vô sản cộng sản anh em, Hà Nội giấu nhẹm triệt để mọi sự việc, trừ các trường hợp bất khả kháng, báo chí và các phương tiện truyền thông chính thức của chính phủ CHXHCNVN, mới nhắc qua như những trường hợp tai nạn chưa xác định và do tàu lạ của nước lạ gây ra??!! 

Các biện pháp "nóng" của Trung cộng cứ diễn ra liên tục, trong khi Hà Nội đang ngày thêm lún sâu vào nợ công, phải đối mặt với một nền kinh tế lụn bại do chính quyền quản lý yếu kém, tham nhũng và thối nát, giữa một xã hội tiềm tàng bất ổn, bởi hàng triệu lý do bất mãn của người dân đang ngấm ngầm sôi sục, bên cạnh những hoạt động "mềm" vin vào 4 tốt và 16 chữ vàng trong quan hệ láng giềng hữu hảo và giữa hai đảng cộng sản anh em, như thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, không làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông, do tổng bí thư hai đảng cộng sản Nguyễn phú Trọng và Hồ cẩm Đào ký kết năm 2011 tại Bắc Kinh. 

Trên một bình diện rộng hơn, song song với những quấy nhiễu có mức độ nhẹ hơn so với Việt Nam, Trung cộng cũng ra sức mê hoặc các quốc gia liên quan đến biển Đông trong hiệp hội ASEAN (Association of South East Asian Nations) bằng kế hoạch hợp tác quốc tế hàng hải tại biển Đông và khu vực biển lân cận giai đoạn 2016 – 2020, cũng như Bắc Kinh hoàn toàn thay đổi thái độ, trở nên tích cực hơn khi đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông COC (Code of Conduct) sau gần 4 năm luôn ù lỳ chống đối. Theo tướng Daniel Schaeffer, cựu tùy viên quân sự Pháp tại Thailand, Việt Nam và Trung cộng, đây chỉ là một trò ma mãnh mới của Trung cộng, một khi quy tắc COC có tính ràng buộc pháp lý với các quốc gia liên quan trong vùng được thông qua, mà đường lưỡi bò không bị biến mất, thì các quốc gia ven biển Đông sẽ phải tiếp tục gánh chịu các tố cáo vi phạm của Trung cộng, bởi những hoạt động hợp pháp của họ, mà Trung cộng cho là sai trái, khi chồng lấn lên đường lưỡi bò tự vẽ của Bắc Kinh. Như vậy Trung cộng sẽ xử dụng chính các quy tắc mà các quốc gia ASEAN đặt ra để chống lại họ, thay vì COC sẽ bảo vệ họ như mong đợi. 

Tất cả chỉ nhằm đến mục đích biến không thành có trong vấn đề tạo ra chủ quyền cho Trung cộng (?) ở biển Đông. 

Trong 4 ngày, từ 30/3 đến 2/4/2018, tức chỉ vỏn vẹn một tuần lễ sau vụ Repsol và Cá Rồng đỏ, ngoại trưởng Trung cộng là Vương Nghị lại có chuyến công du sang Việt Nam. Vương Nghị đã lần lượt hội đàm với bộ trưởng ngoại giao Phạm bình Minh, chủ tịch nước Trần đại Quang và tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn phú Trọng, với chủ đề chung kêu gọi kiềm chế trong việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông. 

Trong tư thế kẻ mạnh – đối với Việt Nam lẫn vai trò chức quyền trong chính phủ Trung cộng, do mới được bầu làm ngoại trưởng nhiệm kỳ hai (2018 – 2023) đồng thời cũng là ủy viên quốc vụ viện quyền thế hơn hẳn chức trách bộ trưởng, phụ trách cao nhất về mặt ngoại giao của Hoa Lục – Vương Nghị đã lật hẳn bài tẩy khi thẳng thừng toạc móng heo cho rằng "cả hai bên cần phải tuân thủ các quy tắc căn bản trong việc giải quyết tranh chấp trên biển, không được áp dụng các biện pháp đơn phương làm phức tạp hóa thêm tình hình. Việc giải quyết các vấn đề trên biển là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển tốt đẹp, lâu dài mối quan hệ song phương, do đó hai bên cần tăng cường hợp tác trên biển, gồm cả việc tiến hành thảo luận về hoạt động khai thác chung". Nói trắng phớ ra theo Vương Nghị, ngoài CNOOC của Trung cộng, thì Việt Nam không thể hợp tác trong lãnh vực khai thác dầu khí với bất kỳ ai, Repsol cũng như Exxon Mobil, tức phải chấp nhận sự thật phải hợp tác với kẻ cướp và tương lai đánh mất chủ quyền trên biển bởi phương thức làm ăn chia chác chung, dưới tác hại kềm tỏa từ vòng kim cô đường lưỡi bò oan nghiệt. 

Trong đáp từ của mình, Nguyễn Phú Trọng cũng kêu gọi hai bên nên xử lý vấn đề một cách đúng đắn, thông qua các biện pháp tham vấn thân thiện (?), kể cả việc hai bên có thể cùng phát triển, khai thác chung để cùng bảo vệ hòa bình và sự ổn định trên biển Đông??!. 

Ngày 3/4/2018 trong một tuyên bố hiếm hoi về mối quan hệ Việt – Hoa, Petro Việt Nam đã lên tiếng cho rằng việc tranh chấp với Trung cộng tại biển Đông sẽ gây phương hại đến hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam trên khu vực đó, cũng như sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư nước ngoài hầu tìm kiếm các mỏ dầu khí của Việt Nam ở ngoài khơi. Kẻ tung, người hứng, báo cáo gần đây nhất của bộ kế hoạch và đầu tư cho thấy chính phủ Hà Nội trong cơn khát tiền vì công nợ và dự báo giá dầu thô có khuynh hướng tăng lên, đang nôn nóng quay trở lại với dự án Cá Rồng đỏ và Cá Voi xanh, nhưng chưa có tiết lộ thực hiện với đối tác nào. 

Theo giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc "Trở ngại chính là khi Trung cộng (nếu không được tham gia đối tác song phương) quyết định sẽ có các hành động gây hấn, có thể là dùng tàu tuần duyên, hay thậm chí cả tàu chiến để gây ảnh hưởng lên hoạt động của các công ty nước ngoài, buộc Việt Nam phải có hành động để bảo vệ cho quyền lợi của các công ty đó (tức rất dễ xảy ra cuộc xung đột quân sự)". Trong khi theo tướng Daniel Schaeffer "Các nước Đông nam Á nên hợp tác với Trung cộng trên chính những vùng đặc quyền kinh tế của họ và đây là vấn đề rất quan trọng đối với tất cả các bên có liên quan. Ví dụ như Việt Nam hoàn toàn có thể cùng công ty dầu khí CNOOC của Trung cộng khai thác chung ở những mỏ dầu mà Việt Nam chưa tiến hành khai thác và thỏa thuận khai thác song phương sẽ được soạn thảo theo hướng để Trung cộng phải thừa nhận tiến hành thực hiện việc khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không phải của Trung Hoa" (?). 

Bối cảnh chung như vậy, cho thấy có vẻ cuộc cờ tranh giành chủ quyền và quyền lợi dầu khi trên biển Đông, giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang có khuynh hướng đi vào giai đoạn kết thúc, với phần thắng lợi nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh. Hà Nội đã không còn đường lui và cũng chẳng có bao nhiêu cơ hội để toan tính, hoặc lựa chọn khác, trong khi khả năng phải chấp nhận bộc phát một cuộc chiến tranh với Trung cộng là điều không thể đối với đảng cộng sản Việt Nam hay có thể nói mạnh hơn đó là điều không tưởng. Hơn ai hết, Hà Nội biết rất rõ vị thế bấp bênh của chế độ trong cộng đồng quốc tế, cũng như thái độ bất dung chấp đảng cộng sản đã lên tới cao trào trong xã hội Việt Nam. Một khi quyền lực thanh gươm, lá chắn và nền chuyên chính vô sản tan rã, thì bên kia biên giới mới hy vọng dung thân cuối cùng và duy nhất cho đảng cộng sản Việt Nam. 

04/2018

0 comments:

Powered By Blogger