Muốn xây dựng lại một đất nước đổ vỡ, phải chấm dứt chế độ Cộng sản. Sự
tồn tại của một chế độ kỳ quái như vậy là một hiện tượng bất bình
thường trong một quốc gia bất bình thường trong thế kỷ 21. Nhưng khi chế
độ kỳ quái đó sụp đổ, có chắc chắn sẽ có tự do dân chủ? Theo văn Nga
Svetlana Alexievitch, dân chủ, tự do đã không thực hiện ở Nga sau khi
Liên Bang Xô Viết sụp đổ những năm 1990, vì “chúng tôi, giới trí thức tiến bộ, đã có một thái độ lãng mạn”,
trong khi xây dựng dân chủ là một tiến trình lâu dài, phải chuẩn bị.
Muốn có dân chủ, phải có tổ chức dân chủ, có người dân chủ (démocrates),
văn hóa dân chủ.
Svetlana Alexievitch, tác giả chiếm giải Médicis-Essai 2013, trong một cuộc phỏng vấn dành cho tập san Philosophie, số Đặc biệt (1), nói “chúng
tôi tưởng tự do nằm sau cửa sổ, muốn có, chỉ việc dẹp chế độ Cộng Sản.
Khi chúng tôi ngồi thảo luận với nhau trong phòng ăn, chúng tôi nhìn sự
việc như vậy. Những người Cộng sản đã ra đi dễ dàng một cách đáng ngạc
nhiên, không hề chống cự. Chỉ sau này, chúng tôi mới hiểu họ chỉ cần
hoạt động ngầm cũng đủ để trở lại nắm quyền.”
Bà Alexievitch, một nhà văn có cái nhìn sắc bén, là tác giả của nhiều cuốn sách về xã hội hậu Cộng sản ở Nga (2)
mà những người tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam nên đọc, để tránh khỏi
cái bi kịch dã tràng, bao nhiêu hy sinh, tù đầy mà cuối cùng dân chủ vẫn
chỉ là một ảo tưởng.
“Chúng tôi đã có ảo tưởng về một dân tộc chống Cộng, khao khát tự do,
dân chủ. Điều đó chỉ có trong đầu chúng tôi (giới trí thức). Khi tự do
rơi xuống đầu dân tộc đó những năm 1990, họ không đổ xô tìm đọc
Soljenitsyne hay tìm hiểu sự thực về goulag như chúng tôi tưởng tượng.
Họ muốn, trước hết, sống và tiêu thụ. Một số người, mà chúng tôi không
nghĩ tới, đã lợi dụng, bám vào trào lưu này để leo lên cầm quyền, như
Loukachenko ở Biélorussie năm 1994 hay Poutine ở Nga năm 2000. Tóm lại,
chúng tôi đã hoàn toàn không chuẩn bị cho đời sống thực tế. Bởi vì dân
chúng không muốn kinh tế tự do (libéralisme). Hãng xưởng đóng cửa, tình
trạng thất nghiệp khiến chúng tôi, những người trí thức tự do, đã rất
sớm trở thành thiểu số. Hơn nữa, chúng tôi không có chương trình hành
động gì cụ thể, ngoài chuyện đẩy Cộng Sản ra khỏi chính quyền. Chúng tôi
nghĩ chỉ việc dẹp CS là một bảo đảm cho tự do. Chúng tôi không có một
kinh nghiệm gì trong việc xây dựng một xã hội bình thường; chúng tôi chỉ
có kinh nghiệm bạo lực.”
Svetlana Alexievitch giải thích tại sao ngày nay vẫn còn những người Nga
tưởng nhớ chế độ Cộng sản: Khi một nhóm chính trị và kinh tài cướp
đoạt, vơ vét hết tài nguyên của đất nước, dân chúng trở thành tay trắng,
không nghề nghiệp, không tương lai, họ mơ tưởng trở lại chế độ bao cấp
của Cộng sản. Nhất là từ những năm 1990, người ta không còn bị gởi đi
Goulag, không còn những vụ đàn áp đẫm máu, và đa số dân Nga sống trong
xã hội tương đối bình đẳng - tất cả đều nghèo như nhau, lối sống đó
thích hợp với nhiều người Nga.
Theo Alievitch, vài năm sau khi chế độ CS bị lật đổ, người Cộng Sản có
thể trở lại cầm quyền nếu họ muốn. Trong cuộc bầu cử 1996, bà tin rằng
đã có thỏa hiệp giữa Eltsine với những người Cộng Sản. CS có thể thắng
cử nếu họ muốn, vì họ vẫn chiếm đa số cử tri. Nhưng họ không muốn công
khai nắm chính quyền một lần nữa, họ lựa chọn đứng đằng sau đẻ giật dây
và trên thực tế vẫn nắm vận mệnh nước Nga. Đó là một chế độ Công sản
“giả dạng thường dân” communisme de seconde main, đề tài của cuốn sách La fin de l’homme rouge (3) của Alievtch. Người Cộng sản không mặc áo đỏ nữa, nhưng vẫn nắm quyền.
Thực trạng nước Nga cho thấy những quan sát của Svetlana Alievitch không
sai sự thực. Quyền lực nằm trong tay Poutine, một cựu trùm KGB. Tất cả
sinh hoạt chính trị, kinh tế đều nằm trong tay những tay cựu KGB đồng
lõa với Poutine. Dân chủ Nga chỉ là dân chủ giả hiệu. Tham nhũng cao độ,
bất công xã hội cùng cực, kinh tế thị trường man rợ. Những người lợi
dụng được chế độ lao đầu vào phong trào tiêu thụ, những người bị gạt ra
ngoài xã hội ngồi hối tiếc một xã hội Công sản trong đó không có thất
nghiệp và những nhu cầu tối thiểu được nhà nước bao cấp. Trong bối cảnh
đó, xây dựng một xã hội dân chủ, tự do là một ảo tưởng, một tiếng kêu
giữa sa mạc.
Đó là hiện tượng chung ở những nước hậu cộng sản nghèo, dân trí thấp,
như những quốc gia trước đây thuộc liên bang Xô Viết. Hiện tượng đó
không có ở Đức hay Ba Lan.
Hiện tượng đó không xảy ra ở Đức bởi vì Đông Đức được Tây Đức gồng mình
xây dựng lại theo mô hình Tây Đức, một quốc gia tiến bộ và thịnh vượng
nhất Âu Châu. Nhất là một văn hóa dân chủ cao, cao hơn nhiều nước Âu
Châu khác, bởi vì họ còn ám ảnh bởi những kỷ niệm đen tối, ghê rợn của
những năm độc tài Phát xít, ý thức rằng dân chủ là con đường sống duy
nhất. Dân tộc Đức đã đạt một thành quả vĩ đại: đưa một nửa quốc gia từ
xã hội độc tài, nghèo đói tới một xã hội dân chủ đích thực.
Hiện tượng đó không xảy ra ở Ba Lan bởi vì Ba Lan, với trợ cấp khổng lồ
của Cộng Đồng Âu Châu, đã xây dựng một nền kinh tế lành mạnh và có khả
năng phát triển. Adam Michnik, một trí thức đấu tranh cho dân chủ Ba
Lan: "nếu bạn ghé thăm Ba Lan, sẽ thấy ít có chuyện hồi tưởng chế độ CS. Không có ai muốn quay lại với quá khứ" (1).
Chính mô hình Ba Lan hậu Cộng Sản đã khiến những người tranh đấu ở Ukraine nổi loạn.
Những gì xảy ra ở Nga có thể lập lại ở Việt Nam. Chế độ CS đổ nhưng vẫn
không có dân chủ và người CS vẫn nắm quyền, mặc dầu không mặc áo đỏ nữa.
VN có đầy đủ những yếu tố của xã hội Nga: một giai cấp trí thức lãng
mạn, (cộng thêm cái thói chia rẽ khủng khiếp, bệnh hoạn độc quyền của
dân tộc ta), không chuẩn bị, không tổ chức, một văn hóa dân chủ mơ hồ
trong quần chúng, một hàng ngũ Cộng Sản có tổ chức, dư tiền bạc để lũng
đoạn các sinh hoạt chính trị.
Dân chủ là một tiến trình lâu dài, đòi hỏi những điều kiện khách quan.
Một trong những nguyên tắc căn bản: muốn có dân chủ (démocratie), phải
có người dân chủ (démocrates). Hàng ngũ những người dân chủ phải đông
đảo để bảo vệ khi dân chủ đang thành hình, để những người tranh đấu cho
dân chủ không bị cô đơn, những lực lượng phản dân chủ không thể lộng
hành.
Muốn có một hàng ngũ những người dân chủ, phải có một giai cấp trung
lưu. Bởi vì giai cấp thượng lưu thường thường đồng loã với chính quyền
đẻ bảo vệ quyền lợi. Giai cấp bình dân chỉ nghĩ đến nhu cầu thực tiễn
trước mắt là lo ăn, kiếm sống. Giai cấp trung lưu có ý thức, có nhu cầu
tự do dân chủ, là giường cột cho bất cứ một xã hội dân chủ nào. Huấn
luyện, đào tạo một văn hoá dân chủ trong giai cấp trung lưu là chuyện
cần thiết, lâu dài và cấp bách. Vừa lâu dài vưà cấp bách. Cấp bách vì
nước đã đến chân, nếu không muốn nói đã tới cổ. Lâu dài vì nếu La Mã
không được xây trong một ngày, xây dựng văn hóa dân chủ còn nhiều đường
đất hơn nữa. Một thí dụ: những người cổ võ cho dân chủ không thể chỉ
thoả mãn với những lời hô hào suông, những khẩu hiệu rỗng tuyếch đã nhắc
đi nhắc lại ngàn lần. Phải có những bài, những sách mổ xẻ cụ thể dân
chủ là gì, cần những điều kiện khách quan nào, phải tránh những cạm bẫy
nào, tại sao không thể xây dưng lại đất nước nếu không có dân chủ...
Đó là chỉ là một thí dụ nhỏ trên mặt lý thuyết, chưa nói đến vấn đề tổ
chức vốn là yếu điểm của người Việt. Nhưng lý thuyết không phải là
chuyện vô bổ. Trái lại, đó là nền tảng cho việc xây dựng sau này. Làm
thế nào đẻ biến hàng ngũ trung lưu càng ngày càng đông đảo trở thành nền
móng của một xã hội dân chủ sơ khai, trước khi họ trở thành những cái
máy tiêu thụ.
Những nhận xét rất thực tế của những người trong cuộc như Svetlana
Alexievitch khiến người Việt phải suy nghĩ. Nếu không muốn đi vào bánh
xe đổ. Công sản đổ, chưa chắc đã có ngay dân chủ nếu không chuẩn bi,
không có tổ chức, không có ý thức chính trị đứng đắn. Con đường sẽ còn
nhiều chông gai.
Đó là một cái nhìn thực tiễn, không phải một cái nhìn bi quan. Dân chủ
không ở trên trời rơi xuống, nhưng mặc dù dân chủ chưa thành hình, mặc
dù những người cựu CS sẽ còn lộng hành, điều chắc chắn là chủ nghĩa CS
đã chết. Svetlana Alexievitch trích dẫn một câu của sử gia Nga Serguei
Averintsev: chế độ CS “đã xây dựng những cái cầu trên một con sông của ngu dốt, nhưng dòng sông ngày nay đã hoàn toàn là dòng sông khác.”
(Paris, tháng 4.2014)
0 comments:
Post a Comment