Saturday, May 4, 2013

QUYỀN LỰC MỀM: NHỮNG ĐIỀU TÀU VÀ NGA CHƯA HIỂU

Khi tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) đăng bài “Quyền lực mềm” (Soft Power) của tôi vào năm 1990, ai có thể ngờ rằng một ngày nào đó những người như Hồ Cẩm Đào hay Vladimir Putin lại sử dụng thuật ngữ đó? Nhưng tại Đại hội Đảng vào năm 2007, ông Hồ đã nói rằng Trung Quốc phải gia tăng quyền lực mềm, gần đây Putin cũng thúc giục các nhà ngoại giao áp dụng quyền lực mềm một cách tích cực hơn. Nhưng dường như cả hai ông này đều không hiểu làm sao đạt được mục đích của mình.
Quyền lực là khả năng tác động vào người khác nhằm đạt được kết quả mong muốn. Có ba biện pháp chính: cưỡng ép, bằng tiền hay bằng sự hấp dẫn. Nếu bạn có thể đưa tính hấp dẫn của quyền lực mềm vào kho vũ khí của bạn thì bạn có thể tiết kiệm được cả cây gậy lẫn củ cà rốt. Đối với một cường quốc đang lên như Trung Quốc, nền kinh tế và sức mạnh quân sự đang gia tăng của họ có thể làm cho các lân bang hoảng sợ, buộc họ phải thành lập những liên minh làm đối trọng; chiến lược khôn ngoan, trong đó có quyền lực mềm, sẽ làm cho Trung Quốc trông có vẻ bớt đáng sợ hơn và liên minh đối trọng sẽ kém hiệu quả hơn. Còn đối với một cường quốc đang đi xuống như nước Nga (hay trước đó là nước Anh) thì quyền lực mềm còn sót lại sẽ giúp làm cho cú ngã bớt đau đớn hơn. Quyền lực mềm của một nước trước hết nằm ở ba nguồn: văn hóa (văn hóa hấp dẫn được những người khác), giá trị về mặt chính trị (khi đất nước giữ những giá trị đó cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài) và chính sách đối ngoại (khi những chính sách này được coi là chính danh và có giá trị đạo đức). Nhưng liên kết những nguồn lực này thành một khối không phải là công việc dễ dàng. Thí dụ, thành lập Viện Khổng Tử ở Manila để dạy văn hóa Trung Quốc có thể giúp tạo ra quyền lực mềm, nhưng dường như họ lại không làm như thế trong bối cảnh khi mà Trung Quốc hăm dọa Philippines về quyền sở hữu dải đá ngầm Scarborough. Tương tự như thế, Putin bảo các nhà ngoại giao của mình rằng “chuyển ưu tiên sang sử dụng quyền lực mềm, tăng cường vị trí của tiếng Nga” nhưng ông Sergei Karaganov, một nhà khoa học Nga, lại nói rằng sau cuộc tranh cãi với Georgia, Nga đã sử dụng “quyền lực cứng, trong đó có sức mạnh quân sự, vì nước này sống trong một thế giới nguy hiểm hơn nhiều… và vì nước này có ít quyền lực mềm – nghĩa là có ít sự hấp dẫn về xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế.” Phần lớn quyền lực mềm của Mỹ là do xã hội dân sự chứ không phải chính phủ Mỹ tạo ra, đấy là các trường đại học và các quỹ, Hollywood và văn hóa đại chúng. Đôi khi nước Mỹ còn giữ được một phần sức mạnh mềm của mình là nhờ có một xã hội dân sự có thái độ phê phán và không bị kiểm duyệt, mặc dù hành động của chính phủ xói mòn nó (thí dụ như cuộc xâm lăng Iraq). Nhưng chiến lược khôn ngoan phải là quyền lực cứng và mềm hỗ trợ lẫn nhau.
Trong cuốn sách mới xuất bản, với nhan đề “Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc toàn cầu” (China Goes Global), David Shambaugh, Giáo sư của Đại học George Washington, chỉ ra rằng Trung Quốc đã chi hàng tỉ đô là trong “chiến dịch hấp dẫn” nhằm gia tăng quyền lực mềm của họ. Khác với các nước phương Tây, các chương trình trợ giúp của Trung Quốc cho châu Phi và Mỹ Latin không chỉ giới hạn trong những mối lo lắng về quyền con người. Người Trung Quốc thích hào phóng. Nhưng mặc cho những cố gắng như thế, Trung Quốc chẳng nhận được bao nhiêu. Những cuộc thăm dò dư luận về ảnh hưởng của Trung Quốc cho thấy họ có ảnh hưởng tích cực ở nhiều nước châu Phi và châu Mỹ Latin, nhưng nói chung là tiêu cực ở Mỹ, châu Âu cũng như ở Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngay cả những thành công vang dội của quyền lực mềm, thí dụ như Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, cũng nhanh chóng trở thành tiêu cực. Chẳng bao lâu sau khi những vận động viên cuối cùng ra đi, việc Trung Quốc đàn áp những nhà hoạt động nhân quyền ở trong nước đã làm tiêu mòn quyền lực mềm mà họ vừa thu được. Triển lãm ở Thượng Hải năm 2009 (Shanghai Expo) là một thắng lợi lớn, nhưng ngay sau đó là vụ bỏ tù Lưu Hiểu Ba, người được giải Nobel về hòa bình và màn hình trên khắp thế giới chiếu chiếc ghế trống trong lễ trao giải ở Oslo. Có thể Putin hi vọng là quyền lực mềm sẽ được củng cố nhờ Thế vận hội mùa đông ở Sochi, nhưng nếu ông ta tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến thì có lẽ ông ta cũng sẽ thất bại. Trung Quốc và Nga đã lầm khi nghĩ rằng nhà nước là công cụ chủ yếu của quyền lực mềm. Trong thế giới hiện nay, thông tin thì thừa, nhưng chú ý lại thiếu. Mà muốn được người ta chú ý thì phải khả tín. Tuyên truyền của chính phủ thường ít khả tín. Tuyên truyền tốt nhất là không tuyên truyền gì cả. Mặc cho tất cả những nỗ lực nhằm đưa Tân Hoa Xã và Truyền hình trung ương Trung Quốc thành những hãng cạnh tranh với CNN và BBC, chẳng có mấy người chịu xem hoặc nghe những chương trình sặc mùi tuyên truyền như thế. Như tờ Economist nhận xét về Trung Quốc “Đảng không hiểu quan điểm của ông Nye rằng quyền lực mềm có xuất xứ chủ yếu từ các cá nhân, từ khu vực tư nhân, và từ xã hội dân sự. Vì vậy mà chính phủ tìm cách quảng bá những thần tượng của nền văn hóa cổ đại, họ nghĩ rằng những hình tượng đó có thể tạo được sức hấp dẫn trên toàn thế giới.” Nhưng quyền lực mềm không hoạt động theo cách ấy. Như ông Pang Zhongying ở trường Đại học Nhân dân (Renmin University) nhận xét, điều đó chứng tỏ “sự nghèo nàn trong tư duy” của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Sự phát triển của quyền lực mềm không cần phải là một trò chơi có tổng bằng không. Tất cả các nước đều được lợi nếu thấy rằng họ là những nước có sức hấp dẫn lẫn nhau. Nhưng muốn thành công thì trong chính sách, Nga và Trung Quốc phải có lời nói đi đôi với việc làm, phải có thái độ tự phê bình và giải phóng toàn bộ tài năng của những xã hội dân sự của chính họ. Đáng tiếc là chuyện này sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều.
Joseph S. Nye Jr. (*)
Phạm Nguyên Trường dịch
(*) Joseph S. Nye, Jr. là giáo sư đại học xuất sắc tại Đại học Harvard và là tác giả của “forthcoming Presidential Leadership and the Creation of the American Era”, là cha đẻ của lý thuyết “Quyền lực Mềm”.

0 comments:

Powered By Blogger