Thursday, May 2, 2013

Bình Nhưỡng kết án tù công dân Mỹ, tạo cớ mặc cả với Hoa Kỳ

Kenneth Bae, tên tiếng Hàn là Pae Jun-Ho, bị bắt giữ từ tháng 11/2012 (DR)
Kenneth Bae, tên tiếng Hàn là Pae Jun-Ho, bị bắt giữ từ tháng 11/2012 (DR)
Hôm nay, 02/05/2013, Bắc Triều Tiên thông báo kết án một công dân Mỹ 15 năm lao động khổ sai, vì có những “hành động thù địch” đối với chính quyền Bình Nhưỡng. Theo giới quan sát, qua vụ này, Bình Nhưỡng tạo cớ để mặc cả với Mỹ, như họ đã từng làm trong quá khứ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Pae Jun-Ho, quốc tịch Mỹ với tên Kenneth Bae, 44 tuổi, có giấy nhập cảnh du lịch vào Bắc Triều Tiên, đã bị chính quyền Bình Nhưỡng bắt giam ngày 03/11/2012. Làm việc trong ngành du lịch, ông Pae đã cùng với một nhóm du khách tới Bắc Triều Tiên. Một người trong số này đã cất giấu một ổ đĩa cứng của máy tính, trong đó có những thông tin được cho là nhạy cảm đối với Bình Nhưỡng.
Một nhà hoạt động xã hội ở Hàn Quốc nói với AFP là có thể ông Pae đã bị bắt sau khi chụp những bức ảnh trẻ em Bắc Triều Tiên có những dấu hiệu suy dinh dưỡng, nhằm vận động cộng đồng quốc tế giúp đỡ nhân đạo cho người dân nước này.
Chính quyền Washington đã yêu cầu Bình Nhưỡng trả tự do ngay lập tức cho ông. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Patrick Ventrell tuyên bố : Vấn đề sức khỏe của các công dân Mỹ là ưu tiên tuyệt đối của chính phủ và ông kêu gọi Bắc Triều Tiên trả tự do không chậm trễ cho công dân Kenneth Bae, vì lý do nhân đạo.
Cũng trong ngày hôm nay, hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA lại tố cáo « chính sách thù địch xấu xa của Hoa Kỳ », coi đây là nguyên nhân làm cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng.
Theo các quan chức Mỹ, Bình Nhưỡng có thể khai thác vụ ông Pae như một thứ hàng để trao đổi về chính trị. Trong những năm gần đây, nhiều công dân Mỹ đã bị Bắc Triều Tiên bắt và kết án tù, lao động khổ sai, nhưng sau đó, tất cả đều được trả tự do, nhờ có sự can thiệp của các chính khách Hoa Kỳ.
Năm 2011, Robert King, đặc phái viên Mỹ về vấn đề nhân quyền, đã giúp giải thoát một doanh nhân California Eddie Jun Yong-Su, bị bắt, theo Bình Nhưỡng, vì đã có những hoạt động truyền bá tôn giáo trái phép.
Trong năm 2010, cựu tổng thống Jimmy Carter đã thương lượng thành công việc trả tự do cho Aijalon Mahdi Gomes, bị kết án 8 năm lao động khổ sai vì đã nhập cảnh trái phép vào Bắc Triều Tiên.
Trước đó một năm, hai nhà báo Mỹ, Laura Ling và Euna Lee, cũng được thả nhờ có sự can thiệp của cựu tổng thống Bill Clinton.
Tháng Giêng vừa rồi, chủ nhân tập đoàn tin học Google Eric Schmidt và cựu đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Bill Richardson, đã thất bại trong việc đàm phán trả tự do cho ông Pae.
Thế nhưng, giáo sư Yang Moon-Jin, đại học nghiên cứu Bắc Triều Tiên, ở Seoul lại cho rằng, bối cảnh quan hệ Washington – Bình Nhưỡng lần này tương đối khác các vụ trước đây trong lĩnh vực bắt con tin. Ông nhận định : « Tình hình ngoại giao và quân sự căng thẳng đến mức mà Hoa Kỳ không nên thay đổi hẳn lập trường của mình, không đề xuất việc nối lại đàm phán với Bắc Triều Tiên chỉ để cứu thoát nhân vật này ».
Bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên trở nên nóng bỏng, kể từ khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa tầm xa, núp dưới danh nghĩa phóng vệ tinh, hồi tháng 12 năm ngoái, và đến tháng Hai, lại thực hiện vụ thử hạt nhân. Do bị Liên Hiệp Quốc áp dụng thêm các trừng phạt mới, Hàn Quốc và Mỹ tiến hành tập trận, Bắc Triều Tiên đã lớn tiếng đe dọa tấn công hạt nhân nhắm vào Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Mặt khác, quốc tế kiên quyết không đáp ứng các điều kiện mà Bình Nhưỡng đưa ra để nối lại đàm phán như hủy bỏ lệnh trừng phạt, đòi được công nhận có quy chế cường quốc hạt nhân, trong lúc đồng minh duy nhất là Trung Quốc lại gây sức ép, kinh tế khốn đốn, nạn đói triền miên, đất nước ngày càng bị cô lập, Bắc Triều Tiên cần phải tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay mà vẫn giữ được thể diện trước người dân trong nước.
Do vậy, việc kết án ông Pae, rồi lại tha bổng, sau khi một chính khách Mỹ sang tận nơi để thương lượng, sẽ được chính quyền Bắc Triều Tiên tuyên truyền như một thắng lợi.
Theo báo chí Hàn Quốc, dường như cựu tổng thống Jimmy Carter sẵn sàng sang Bình Nhưỡng để thương lượng về vụ ông Pae Jun-Ho.

0 comments:

Powered By Blogger