Friday, December 7, 2012

Lá thư từ Đức Quốc :Đại Hội đảng CDU 2012 kết thúc, FDP áp lực CDU.

Thử phân tích tình hình chính trị Đức trước cuộc bầu cử tháng Chín năm 2013.

Trọng điểm trong chiến dịch bầu cử 2013 của CDU là kinh tế. Chủ tịch của đảng CSU, Seehofer tuyên bố hợp tác với CDU.
Đó là kết quả sau hai ngày đại hội của đảng CDU (Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đức) tại thành phố Hannover thuộc tiểu bang Niedersachsen.
Chủ tịch khối dân biểu CDU tại quốc hội Đức, ông Volker Kauder đã lên tiếng trước Đại hội đảng lần thứ 25 của CDU tại Hannover là sự hợp tác giữa CDU, CSU và FDP cũng sẽ được tiếp tục, ngay cả sau cuộc bầu cử lại quốc hội Đức!
Với sự nhấn mạnh về tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi một hạn ngạch cho giới phụ nữ và một dự án “flexi-lương” liên quan đến mức lương tối thiểu, CDU đã đặt cơ sở nội dung đầu tiên cho chiến dịch tranh cử vào năm 2013. Kết thúc hai ngày hội nghị tại Hannover, các đại biểu hiện diện đã thống nhất trong biểu quyết bản dự thảo có tên “Đức Mạnh- Cơ hội cho mọi người” (nguyên văn: “Starkes Deutschland – Chancen für Alle”).
Sau khi “đấu đá nội bộ” trong liên đảng (CDU+CSU), chủ tịch đảng CSU (Xã Hội Cơ Đốc Giáo), ông Horst Seehofer cho biết trong bài phát biểu của mình “với tư cách người khách” là sẽ ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2013. Seehofer đã ví von: “Trong những tháng tới CSU sẽ là “một con mèo âu yếm yêu thương” và “không phải là một con sư tử rống! “.
Trong bản đề nghị, CDU đã nêu lên những thành công trong những năm gần đây, đặc biệt là sự thành công của chính phủ đương nhiệm trên thị trường lao động. Mục tiêu được đưa ra là “mọi người ở Đức trong tương lai sẽ sống thịnh vượng!”. Với những chủ đề chính như đảm bảo sự thịnh vượng, tăng trưởng và công việc, CDU hy vọng có một điểm khởi đầu tốt cho cuộc tổng tuyển cử vào nằm 2013.
CDU cam kết trong “bản kiến nghị chính” (phóng dịch từ Leitantrag) của họ về mức lương tối thiểu. Đã được phê duyệt mà không cần tranh luận là nhu cầu do các công ty tự thiết lập “tỷ lệ Flexi”, nhằm mục đích tăng tỷ lệ phụ nữ trong các chức vụ lãnh đạo. Nhưng điều này được bổ sung bởi các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, lúc đó trung bình sẽ có 30% phụ nữ nằm trong ban giám sát của các công ty lớn!
Chủ tịch đảng CDU (như tôi đã nói trong bài viết hôm 04-12-2012, bà Merkel đã được bầu với sự ủng hộ kỷ lục hơn 97% của 1000 đại biểu tham dự, lần thứ bảy vào chức đảng trường CDU) và đồng thời cũng là thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi các đại biểu trong bài diễn văn bế mạc của mình là “đem sự thành công của đảng thực hiện cho đất nước!”. CDU phải “đến với người dân“. Sẽ không đủ nếu chỉ có việc đã gửi đi một chương trình bầu cử.
Các chính trị gia hàng đầu của Liên đảng (CDU+CSU) khẳng định, nhấn mạnh sự tiếp tục hợp tác với đảng Tự Do Dân Chủ Đức (FDP). Ông Seehofer, đương kim chủ tịch đảng CSU nói: “Liên đảng phải cam kết điều đó”, với “liên minh” mà chúng ta hiện đang nắm quyền. Đảng Xanh, với sự đòi hỏi cho một loại thuế thừa kế và sự giàu có “chứng tỏ có huynh hướng đi về phía tả hơn nữa“. Ngay cả trưởng khối dân biểu của liên đảng tại quốc hội, ông Volker Kauder (CDU) cho biết là vẫn muốn tiếp tục liên minh với FDP. “Hiệu suất” có thể được cải thiện hơn. Để chứng minh cho thiện chí của mình, CDU đã mời một số tổng trưởng của FDP thuộc nghị viện tiểu bang Niedersachsen đến tham dự đại hội đảng CDU với tư cách là khách.
Vào tối thứ Ba, sau nhiều cuộc tranh luận, các đại biểu đã biểu quyết bác bỏ đề nghị bình đẳng thuế dành cho những người đồng tính sống cung với nhau. Đại hội cũng quyết định cải thiện lương hưu từng bước một cho các bà mẹ có trẻ em được sinh ra trước năm 1992. Điều luật này có lẽ sẽ được thông qua trong nhiệm kỳ còn lại của liên minh đang cầm quyền.
Thành viên phe đối lập, và ngay cả trong FDP đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ sự từ khước không chấp nhận “bình đẳng thuế cho các cuộc hôn nhân đồng tính” của CDU. Thành viên hội đồng quản trị FDP, ông Michael Kauch chỉ trích mục đích hiện tại của CDU đã chứng minh cho một “ảo ảnh”. Phó chủ tịch đảng SPD, Manuela Schwesig còn lên án đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo cho rằng đó là một hình ảnh lỗi thời của xã hội: “sự chung sống đồng tính phải được đối xử liên quan đến thuế má  như cuộc hôn nhân khác!“. Giám đốc điều hành khối nghị sĩ của Xanh tại quốc hội, ông Volker Beck đã “chứng nhận” rằng CDU có khung hướng “kỳ thị” (Diskriminierung).
Song song với đại hội đảng CDU thì FDP cũng lên tiếng. Westerwelle muốn có một tuyên bố liên minh ràng từ Liên đảng. Ông ta cảnh báo “đồng minh” đừng nên chao đảo lập trường!
Hôm 04-12-2012, khi đại hội đảng CDU bắt đầu thì Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle (FDP) đã yêu cầu “đồng minh CDU+CSU” trong Liên minh chính quyền hiện tại phải có một thái độ dứt khoát, tuyên bố rõ ràng sẽ “liên minh” với đảng của ông!. Westerwelle nói: “Tôi khuyến cáo CDU và FDP, hãy rõ ràng cho việc tiếp tục liên minh của chúng ta”. Kết quả trong trường hợp được đặt ra “liên minh với ai?” có tính cách lỏng lẻo là kinh nghiệm vào mùa Xuân 2012 trong cuộc bầu cử xảy ra ở tại tiểu bang NRW: “FDP đã đạt được kết quả tốt nhất thứ hai trong 50 năm qua, CDU ngược lại có kết quả tồi tệ nhất.” Cuối cùng người thứ ba cười và trục (hưởng) lợi đó là đỏ-xanh.
Westerwelle nhấn mạnh rằng bà Angela Merkel (CDU) đã từng nói và cam đoan cùng ông ta là CDU sẽ tiếp tục liên minh với FDP. Ông Westerwelle còn nói thêm qua báo Passauer Neue Presse: “Việc mà có nhiều thành viên CDU muốn thành lập liên minh lớn với SPD hay những đảng viên khác chủ trương liên minh với Xanh, có lẽ bởi vì họ muốn chuyển sang màu xám, xem như chẳng đáng được để ý đến qua sự tuyên bố rõ ràng này của Merkel.
Trưởng khối dân biểu của FDP tại quốc hội, Rainer Brüderle, qua nhật báo Bild đã nhấn mạnh “sự trung thành liên minh” từ phía đảng của ông ta và “tôi đặt tin tưởng hoàn toàn vào nữ thủ tướng Merkel!”. Liên minh chính quyền đương nhiệm làm việc “rất thành công” với nhau. Chúng tôi muốn tiếp tục sau năm 2013.
Dựa theo kết quả thăm dò ý kiến cử tri Đức được công bố gần đây của nhật báo Bild do viện nghiên cứu INSA ủy nhiệm thì sự ủng hộ FDP đang có xu hướng đi lên nhẹ. Nếu cuộc bầu cử xảy ra vào chủ nhật tới, FDP chiếm được 5% số phiếu bầu. Như vậy trên lý thuyết nếu không có gì thay đổi, tuy suýt soát nhưng FDP “sẽ tái nhập cảnh vào Quốc hội (Bundestag) Đức”, có nghĩa FDP cũng sẽ được tham chính!.
Sự ủng hộ dành cho FDP gia tăng thì ngược lại CDU+CSU mất đi sự ủng hộ của cử tri, giảm 1 điểm chỉ còn 35%. Một liên minh chính phủ như đang có giữa Đen (CDU+CSU) và Vàng (FDP) xem như bất thành. Trong khi đó thì sự ủng hộ cho Xanh không thay đổi, vẫn 15%, SPD được 29% và đảng Tả Khuynh chiếm 7%. Chưa nói đến đảng Hải Tặc (khoảng 6%).
Thay lời kết:
Kết quả cuộc khảo sát của viện nghiên cứu Forsa vừa công bố NẾU trong trường hợp “bầu cử trực tiếp Thủ tướng Đức” thì Steinbruck (SPD) hiện nay rất ít cơ hội chống lại Merkel (CDU).
Theo “xu hướng lựa chọn” của cử tri Đức hiện tại cho báo “Stern” và đài truyền hình  RTL sẽ chỉ có 26% quyết định chọn chính trị gia Steinbruck của SPD (vào cuối tháng 10-2012 đã còn chiếm được 35%, tuy nhiên sau đó uy tín bị sút kể từ khi bắt đầu cuộc tranh luận về “tiền thù lao cao trả cho những bài giảng của ông ta), ngược lại có đến 50% thích chọn bà Merkel vào chức vụ thủ tướng Đức.
Điều rất rõ ràng chúng ta có thể nhìn thấy được là dù bất cứ ở đâu từ chính quyền, tổ chức, đảng phái v.v…uy tín của con người nói chung đóng vai trò quan trọng!. Bà nữ thủ tướng Merkel không những là người đàn bà được đánh giá có quyền lực cao nhất thế giới hiện nay mà đối với dân chúng chúng Đức bà ta (hiện nay) rất có uy tín, hầu như chưa nghe báo chí viết xấu về bà. Vì thế Merkel chiếm nhiều ưu thế, được ưa chuộng hơn so với đối thủ Steinbrueck, ứng cử viên hàng đầu vào chức thủ tướng Đức của SPD cũng là chuyện dễ hiểu.
Một nhận định khác không kém quan trọng là chủ tịch đảng FDP, Philipp Roesler (người Đức gốc Việt) chẳng lên tiếng gì cả, trong khi đó thì ngược lại Westerwelle công khai xuất hiện, đưa ra yêu sách này kia với Merkel và CDU.
Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy rằng nội đảng FDP đang chuẩn bị thay đổi nhân sự lãnh đạo đảng?. Chính trị là vậy. Thành công thì được tán thưởng (Westerwelle, 2009) mà nếu thất bại là bị chỉ trích nặng nề, cuối cùng phải từ chức (Westerwelle, 2011). Mất uy tín cũng cuốn gói ra đi (TT Wulff, bộ trưởng quốc phòng Guttenberg). Westerwelle khôn khéo ra đi từ áp lực nội đảng vì FDP khủng hoảng và có lẽ đang đóng vai trò khá quan trọng trong việc củng cố lại FDP!
Theo nhận xét riêng của người viết, điều này sẽ xảy ra rất nhanh sau cuộc bầu cử lại nghị viện tại Niedersachsen vào đầu năm 2013 tới, tại tiểu bang “nhà” của Roesler và nếu FDP thất bại, bị loại ra khỏi chính quyền tiểu bang Niedersachen. Lúc đó ban lãnh đạo FDP sẽ “truất phế Roesler” không nhân nhượng vì sự sinh tồn của FDP trên chính trường Đức!.
Phải chăng qua tiếng nói của hai chính trị gia hàng đầu của FDP là Westerwelle và Bruederle cho thấy FDP bắt đầu thực hiện dự tính mà theo tin thông tấn xã DAPD loan đi từ  Hamburg và Mainz hôm 11-10-2012 thì “hậu cảnh” hay đúng hơn “vấn đề chính trị thầm kín” liên quan đến sự yếu kém liên tục của đảng Tự Do Dân Chủ Đức (FDP) trong suốt thời gian qua kể từ khi Roesler trở thành chủ tịch FDP đã và đang được bàn thảo rốt ráo. Người ta suy đoán rằng trong nội đảng FDP sẽ có sự thay thế nhà lãnh đạo đảng và Philipp Rösler, người Đức gốc Việt phải ra đi. Tờ tuần báo “Die Zeit” báo cáo về một cuộc họp mật giữa cựu lãnh đạo đảng FDP, ông Guido Westerwelle, đương kim ngoại trưởng Đức và chủ tịch khối nghị sĩ FDP tại nghị viện Schleswig-Holstein là ông Wolfgang Kubicki tại nơi nghỉ mát nổi tiếng Mallorca.

Đức là một quốc gia Tự Do, đa đảng nên lá phiếu dân chủ đã đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn thủ tướng và đại biểu trong chính quyền Đức.
Họ tranh cử rất dân chủ, tuy cũng có phe phái nhưng vì quyền lợi Quốc Gia Dân Tộc. Đặc biệt “nhờ đa đảng” cho nên chuyện phân quyền nước Đức không tránh khỏi, chính vì thế khó bị đưa đến độc tài đảng trị!. Trong nghị viện hay quốc hội hầu như không có chuyện “nghị gật” như ở VN hay các nước xã hội chủ nghĩa và độc tài đảng trị. Họ chọn người khả năng, có uy tín để lãnh đạo, đa số chính trị gia Đức (có lẽ vì có tay nghề chuyên môn hoặc tốt nghiệp đại học, từng hành nghề (luật sư, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, giáo sư, chuyên viên ngân hàng, điện toán ..v.v… trước khi làm chính trị vì vậy sau khi rút lui, thất bại trên chính trường họ trở về với nghề nghiệp cũ!) nên hầu như họ không tham quyền cố vị nếu so với các nước theo chủ nghĩa cộng sản hay độc tài đảng trị. Đảng nào, nghị sĩ nào làm việc bê bối, mất uy tín thì sẽ bị đào thải trong lần bầu cử sau. Điển hình FDP đã thất bại và bị loại ra khỏi nghị viện tại các tiểu bang Saarland, Bá Linh, Mecklenburg-Vorpommern hoặc như đảng Tả Khuynh (hậu thân cộng sản DDR) chỉ còn 2,2% cử tri ủng hộ và bị loại ra khỏi nghị viện Schleswig-Holstein và tương tự với 2,6%) đã bị loại ra khỏi chính quyền tiểu bang NRW trong cuộc bầu cử tháng 5-2012.
Cũng xin nhắc lại dữ kiện ảnh hưởng không ít đến việc các chính đảng Đức như CDU hay SPD “không muốn” liên minh với Tả Khuynh. Đảng cộng sản thời DDR đã đưa tình trạng kinh tế Đông Đức “đi xuống thế nào”, dân Tây Đức đều biết chứ đừng nói chi dân DDR, vì Tây Đức cho đến nay đã phải bỏ bạc tỷ để nâng cao đời sống dân DDR cũng như tân trang lại tất cả hệ thống giao thông, nhà cửa .v.v…, chưa nói đến chuyện dân DDR “từng nếm mùi” chế độ độc tài, cộng sản trị! Vì thế dân Đức thiếu tin tưởng vào Tả Khuynh, hậu thân của đảng cộng sản Đông Đức cũ.
Chưa hết, nhân sinh nhật 85 tuổi của Fidel Castro hôm 13-8-2011, cấp lãnh đạo đảng Tả khuynh (Die Linke) tại Đức biên thư tâng bốc chúc mừng lãnh tụ cộng sản nước Cuba là Fidel Castro mà không chịu đưa ra lời giải thích xác đáng đã bị các đảng đối thủ chính trị chỉ trích nặng nề.
Ông Philipp Missfelder, chuyên gia ngoại vận, chủ tịch tổ chức Thanh Niên Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (Junge Union), cho hay bức thư của bà Gesine Lötzsch và ông Klaus Ernst, hai vị đồng chủ tịch đảng Tả Khuynh là một “xì-căn-đanh” hạ mình trước một tên lãnh tụ độc tài từng đàn áp dân tộc Cuba hàng thập niên qua. Theo ông Missfelder đảng Tả khuynh qua đó đã “đồng tình với một chế độ độc tài đảng trị”! Missfelder dẫn chứng từ thư của Lötzsch và Ernst bị báo chí phanh phui, lên án thêm rằng lãnh tụ Fidel Castro đã bắt bớ tiêu diệt có hệ thống những ai bất đồng chính kiến và chế độ này hiện vẫn đang tống tù ngay tức khắc ai tận dụng quyền tự do chống lại.
Tại Bá Linh, một phát ngôn nhân đảng Tả Khuynh đã tránh né vấn đề trả lời câu hỏi của nhật báo “Tagesspiegel”, cho rằng đó là chuyện riêng, thư từ riêng của hai người đảng trưởng nên xin được miễn bàn, mặc dù sự việc đã vượt khỏi ranh giới cá nhân khi nội dung bức thư có cả chữ ký của bà Lötzsch và ông Ernst đã được trang nhà Bộ Ngoại giao Cuba đăng tải chính thức bằng tiếng Tây Ban Nha quảng cáo như thành tích gặt hái được từ các “đồng chí cộng sản bên Đức” khen ngợi. Cả hai vị đảng trưởng Tả Khuynh cũng không đá động gì đến tình trạng vi phạm nhân quyền trắng trợn tại Cuba, ngược lại còn tâng bốc “Đồng chí kính yêu Fidel Castro” đã có thành tích lịch sử mang lại sự nghiệp “thắng lợi vẻ vang cho dân tộc Cuba trong giáo dục, khoa học. văn hoá, y tế và thể thao cùng nhiều lãnh vực khác…”. Sau cùng, Lötzsch và Ernst lại còn hứa hẹn sẽ ủng hộ Fidel Castro hết mình cũng như “xiết chặt tình hữu nghị với dân tộc Cuba” (sic)!
Chính vì thế Tả Khuynh bị nghi ngờ rằng chưa lột xác, chưa từ bỏ hẳn chế độ cộng sản và theo thiển ý người viết đây là nguyên nhân SPD và nhất là CDU và FDP luôn khước từ việc liên minh phân quyền với đảng Tả Khuynh bởi lẽ họ chưa có lập trường chính trị rõ ràng, sợ rằng nếu “hợp tác với Tả Khuynh” thì thế nào cũng bị cử tri Đức “bỏ phiếu bằng chân“, ảnh hưởng đến việc tham chính hầu đem lại phúc lợi, no ấm cho dân chúng Đức nói riêng.
Thêm vào đó, dựa vào những dữ kiện nêu trên, người viết đưa ra vài nhận định cá nhân sau đây (chỉ là thiển ý nên có thể đúng mà cũng có thể sai), thử phân tích xem diễn tiến tình hình chính trị Đức sau cuộc bầu cử quốc hội 2013 sẽ đi về đâu ??.
Như chúng ta thấy:
  • FDP muốn kèm chân “đồng minh CDU+CSU” khi đòi hỏi thành phần lãnh đạo, nhất là thủ tướng Merkel phải dứt khoát, rõ ràng cho biết sẽ liên minh với đảng nào sau cuộc bầu cử lại quốc hội Đức vào hạ tuần tháng 09-2013.
  • CDU tuy đã làm vừa lòng FDP trên lý thuyết nhưng thực tế khác hẳn, tại sao?. Tôi xin giải thích như sau: Ví dụ FDP không đạt được 5% số phiếu thì tự động sẽ bị loại ra khỏi chính quyền, làm gì có cơ hội tham chính nữa mà đòi hỏi này kia.
  • Tính chung lại (theo kết quả thăm dò cử tri mới nhất ở trên) cho dù ví dụ FDP được 5-7% số phiếu, cộng với CDU (35%) thì vẫn thua SDP+Xanh chiếm đến 44%.
  • Đóng vai trò quan trọng cho liên minh cầm quyền sẽ là Tả Khuynh và Hải Tặc.
  • CDU và ngay cả SPD xưa nay cho biết (và đã xảy ra) là trên bình diện liên bang không bao giờ liên minh với Tả Khuynh (hậu thân của đảng cộng sản Đông Đức cũ) vì có sự cách biệt rất lớn, hầu như không có điểm nào tương đồng trên lãnh vực chính trị nói chung. Còn Hải Tặc thì quá mới, chưa có nhiều kinh nghiệm tham chính và đường lối chính trị cũng chưa có gì đặc biệt, rõ ràng và đến mùa Thu 2013 biết đâu có thể còn nhiều thay đổi nên CDU hay SDP “hiện nay chưa vội nghĩ đến”!
  • Qua đó, một liên minh lớn giữa CDU và SPD sẽ xảy ra hoặc có thể sẽ có một liên minh CDU + Xanh (nếu thí dụ rằng CDU được hơn 35% và Xanh hơn 15%) vì như vậy hai đảng CDU+Xanh chiếm đa số phiếu tuyệt đối sau khi bầu cử xong. Dĩ nhiên đây chỉ là dự kiến của người viết!
  • Một giả thuyết khác cũng có thể xảy ra. Nếu FDP không đạt được 5% tổng số phiếu và Hải Tặc cũng cùng số phận thì đương nhiên cả hai bị loại ra khỏi chính quyền Đức. Một mình CDU không làm gì nổi cả vì SPD+Xanh sẽ hơn phiếu CDU. Và trong trường hợp này, Tả Khuynh chẳng đóng vai trò nào cả và SPD+Xanh sẽ lên nắm quyền.
Tóm lại, có thể nói tình hình chính trị Đức hiện nay đang lâm vào tình trạng khá phức tạp. Chắc chắn sẽ còn nhiều bất ngờ sau cuộc bầu cử lại quốc hội Đức vào tháng 9 năm 2013 tới!
  • © Lê-Ngọc Châu (Nam Đức, 06-12-2012) 
(Tài liệu tham khảo: AFP, DAPD, Spiegel Online, die Welt, Yahoo-News)

0 comments:

Powered By Blogger