Người ta vẫn thường bảo, Tự Do là ánh sáng của cuộc sống. Hơn thế, có
thể được đánh giá là hơi thở chân thật của con người. Theo đó, không có
một cá nhân nào được sinh ra ở dưới bầu trời này mà lại không muốn có
được Tự Do. Tự Do trong hơi thở, Tự Do trong lời nói và Tự Do trong tôn
giáo. Và không có một thời nào mà con người ngừng đi tìm kiếm sự tự do.
Chính ước muốn có sự Tự Do, con người đã phải trốn chạy sự bạo tàn, hay
đứng dậy, lấy máu xương mình mà đạp đổ mọi ách thống trị từ quân chủ
chuyên chế, đến cộng sản để giái thoát con người khỏi ách nô lệ, áp bức.
Ở Việt Nam ta có ngoại lệ không?
Sẽ
chẳng bao giờ có ngoại lệ. Hơn thế, người Việt Nam là những chứng nhân
trong phương cách phải chọn lựa này. Thật vậy, ngay từ ngày 3-2-1930,
sau khi ông Hồ chí Minh nhận lệnh Tầu, Nga để lập tổ cộng sản Đông Dương
ở trên phần đất Việt Nam thì chả có một người Việt Nam nào mà không học
được chữ chạy. Chạy trốn bạo tàn, chạy đi tìm Tự Do. Mà một trong những
cuộc chạy đi tìm Tự Do vĩ đại nhất trong lịch sử là cuộc di cư của hơn
một triệu đồng bào miền Bắc vào Nam năm 1954. Họ rời miền Bắc vì phần
đất này sẽ nằm trong tay của ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản.
Họ bỏ làng thôn, bỏ quê cha đất tổ, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, chạy từ
Bắc vào Nam mà vẫn chưa yên. Bởi lẽ, Hồ Chí Minh theo lệnh của Cộng sản
Quốc tế Tàu và Nga, sau cuộc đấu tố – Cải cách Ruộng đất tàn bạo những
người còn ở lại và giết chết hơn 172000 ngàn người Việt Nam để tạo ra
cuộc thống trị bạo tàn mới, đã mở chiến tranh vào miền Nam Việt Nam. Từ
cuối năm 1963, nhiều người dân tại miền Nam lại phải bỏ làng thôn, bỏ
đồng ruộng chạy về thành phố để tìm lấy hơi thở Tự Do. Họ thà chết để ra
đi chứ không thể sống chung với cộng sản, dù rằng khi ấy cái họa bị Tàu
đô hộ chưa đến phút lâm nguy như hôm nay.
Điển
hình trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh này là hàng hàng lớp lớp
ngươi rời Quảng trị và bỏ mình trên Đại lộ Kinh hoàng. Hàng hàng lớp
lớp người làm bia cho đạn pháo trên các tuyến đường số 7, số 10 khi họ
rời bỏ Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum… Rồi bãi biển Đà Nẵng, bãi Tư Hiền
nhuộm máu hồng của người dân Việt cũng chỉ vì họ mong có Tự Do. Và sau
cùng là cuộc di tản, vượt biên, vượt biển làm rúng động lương tâm thế
giới. Trong những cuộc vượt biên, vượt biển này đã có hơn một triệu
người thoát nạn cộng sản, đến được bến bờ Tự Do, nhưng cũng có hàng trăm
ngàn đồng bào Việt Nam bỏ mình trên đại đương hay trên những cánh đồng
chết ở Campuchia. Tuy biết là gian nan, có khi đổi bằng sinh mạng, nhưng
họ vẫn muốn ra đi. Nay thì sao rồi?
Không
còn đường chạy nữa. Tất cả các nước Âu tây đều khóa sổ tỵ nan đối với
người Việt Nam rồi. Bây giời chỉ còn lại phương án thứ hai cho dân ta
thôi. Phải đạp đổ cộng sản dù là tầu hay là ta, để mình và con cháu mình
được sống.
Nghĩa là, đối với cộng sản, chúng ta đừng bao giờ mơ mộng viển vông
trong cuộc sống chung. Ngược lại chúng ta hãy mạnh dạn, dứt khoát nhìn
vào và làm theo Boris Yelsin, ông ấy bảo: “Cộng sản không thể sửa chữa, nhưng phải đào thải nó”. Tại sao ta chỉ có con đường một chiều?
Bạn biết rồi đấy, con chim bị nhốt ở trong lồng, tuy nó được nuôi ăn,
nhưng nó đã mất bầu trời, cỏ cây để bay nhảy, ca hót rồi. Tệ hơn thế,
sức sống và nguồn truyền sinh của nó cũng không còn. Nghĩa là, đa số các
loại chim bị nhốt ở trong lồng đều không còn khả năng sinh sản. Nó
không còn khả năng đẻ trứng, ấp trứng để có thêm đàn chim non. Như thế
có phải là nó đã mất sự sống ngay khi còn sống không? Và nếu, nó còn
được hót tiếng hót truyền đời của nó trước khi chết, thì thật là may cho
nó. May bởi vì nó chưa bị tước đoạt mất tiếng hót, tiếng nói giống nòi
của mình.
Nhưng
xem ra con sáo Việt Nam ngày nay không có được cái may mắn ấy. Trái
lại, thê thảm hơn thế nhiều. Bởi vì, đã mất bầu trời, đã mất tự do, nó
cũng không còn được hót theo tiếng hót truyền thống của nó. Trái lại nó
bị buộc phải gào thét lên những tiếng “lạ”, tiếng phản tộc. Nó bị buộc
phải tập hót lên cùng một thứ tiếng hót tố cha, tố mẹ, tố anh, tố chị,
tố em, tố người thân, tố láng giềng, tố đồng loại… Trường hợp nó cứ hót
lên tiếng hót du dương theo loài của nó. Nó sẽ được những đầy tớ là kẻ
làm lồng, cho nó ăn, lôi ra cắt móng, bẻ mỏ, xỉa cánh. Như vậy có phải
là một thê lương không?
Người Việt Nam dưới chế độ cộng sản, xem ra còn bị đối xử tàn tệ hơn
con sáo trong lồng ấy nhiều. Tự Do, dĩ nhiên là không có. Ngay đến tiếng
nói truyền thống của mình cũng không được nói. Nghĩa là, họ phải giả
mù, giả câm. giả điếc để không thấy, không nghe, không nói bất cứ những
gì thuộc về dân tộc, sự thật và lẽ phải. Nhưng phải biết học nói tiếng
“lạ”, tiếng gian dối, tiếng phản giống nòi để sống. Trái lại, sẽ bị lôi
ra cắt cánh, bẻ mỏ, bị hành hạ không thương tiếc. Bạn thấy đó có là một
thảm cảnh không? Và có phải là chúng ta tuy còn sống đây, nhưng sức sống
truyền thống Nhân Bản, Tự Do, Độc Lập của dân tộc ta đã bị tước đoạt?
Phải, chuyện là như thế. Nhưng đừng ngồi than khóc nhé. Trái lại, hãy
đứng dậy, tìm lấy cho mình và cho đời phong cách sống Tự Do, Độc Lập
của mình. Mỗi người có một phương cách khác nhau. Tôi không dám nói đến
chuyện lớn đâu. Ở trong trang giấy hạn hẹp này, tôi xin đề nghị với bạn
một cách thức khởi đầu thật nhỏ bé, thật dễ thi hành, nhưng chắc chắn
bạn sẽ có được những giây phút hoàn toàn thoái mái với sự tự do của bạn
trong tiếng thở với quê hương. Nó như một gợn sóng nhỏ của cuộc khởi đầu
làm cho ta thoát ra ngoài áp lực. Tuy nhiên, nếu không có những gợn
sóng nhỏ khởi đầu thì không thể tạo nên một cơn sóng thần.
Ở gần nhà bạn có cái công viên nào không? Ở phường, xã, quân huyện,
tỉnh lỵ nào mà chả có công viên công cộng phải không? Nếu có, bạn hãy ra
đó, mang theo cho bạn một cái điện thoại cầm tay, hay cái Mp3, trong đó
có một bản nhạc mà bạn yêu mến nhất. Thì dụ như: “Dậy mà Đi”
của nhạc sỹ Tôn thất Lập. Nếu được, bạn rủ thêm vài người bạn thân nữa.
Ra đó, cùng nhìn trời nhìn đất. Hít thở lấy không khí trong lành, rồi
nắm lấy tay nhau, mở bản nhạc lên mà nghe. Nghe vài ba lần bạn sẽ thấy
lòng bạn gần kề với quê hương. Như thế là bạn thở hơi, tâm sự với quê
hương và với tình người rồi đấy. Tuần sau, lại rủ bạn cùng đi, nhưng
thêm những bản nhạc khác. Thí dụ như “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của nhạc sỹ Nguyễn Đức Quang, hay “Hội Diên Hồng”,
lại ra công viên, bờ hồ cùng hát cho nhau nghe. Nếu bạn tiếp tục hành
trình này, tôi tin chắc bạn sẽ có cùng một nhịp thở với nhiều bằng hữu
khác, dù ta chưa một lần gặp nhau. Nhưng chắc chắn những gợn sóng nhỏ sẽ
gặp nhau.
Trường hợp ở gần nhà bạn không có công viên thì ta áp dụng sách của cụ Nguyễn Công Trứ, “tri túc đãi túc, hà thơi túc”.
Bạn ra đứng ngay trước cửa nhà hay ngay trong sân trường để mà thưởng
thức những giây phút đặc biệt này. Nhưng nhớ, đừng mở nhạc lớn kẻo làm
phiền lòng người khác. Ước mong từ bắc tới nam, từ trong các làng mạc,
xã thôn ra thành thị, mọi người, đặc biệt là bạn trẻ đều tự tin, tìm
được những giây phút tự do, êm đềm, đầm ấm và giao hòa với quê hương cho
mình. Thế là ta đã có cuộc khởi đầu. Khi người người, nhà nhà đã có
niềm vui đi lên thì hạnh phúc của quê hương đã là ở trong tầm tay rồi.
Nước triều dâng, có ai cản nổi không? Mời bạn thử đi. Không bao giờ là
quá trễ đâu.
Tuy thế, cũng có vài điều tôi xin nói trước với bạn nhá. Có thể những
lần đầu bạn lẻ loi lắm, chẳng có ai đến với bạn đâu. Nhưng mình đi tìm
hơi thở Tự Do mà, sớm muộn cũng có những cánh chim đồng cảm với tâm tình
của bạn. Khi nhóm của bạn có 4, 5 người là vui rồi, cứ thế mà giữ lấy
niềm vui với nhau, và giữ lấy nhau bằng chân tình. Kế đến, bạn cũng
biết, bò vàng nhiều lắm đấy, chúng sẽ dí mũi vào những cuộc gặp gỡ của
bạn, nên tuyệt đối bạn phải cảnh giác bạn hữu là không mang theo cờ quạt
biểu ngữ băng rôn gì hết. Kẻo lại bị chúng chụp mũ cho bạn thì phiền
lắm.
Bạn
nhớ đấy, chủ đích của mình chỉ ra bờ hồ, đến công viên, sân nhà thờ,
tìm hơi thở trong lành để thư giãn, tìm không khí tự do, nên phải tránh
những lối sinh hoạt ồn ào. Dĩ nhiên là mình sẽ đón bạn mới, nhưng đường
đi rất dài, không thể gây ra phiền phức cho mình và cho người khác bằng
cách tập hợp lớn. Mỗi nhóm lý tưởng là có từ 5- 7 người, nhiều hơn thì
nên tách ra, thêm nhóm, kết thêm bạn mới, sinh hoạt ôn hòa. Kế đến, công
viên rộng lớn lắm, nhóm của bạn cũng không nên gia nhập vào nhóm của
các bạn khác để sinh hoạt chung (lâu lâu một lần thì chẳng sao, tuyệt
đối không thể thường xuyên). Nếu có quen biết thì nên tìm cách trao đổi
bạn với nhau hơn nhà sát nhập lại với nhau. Bởi lẽ, nhóm đông thì vui
thật nhưng rất phiền toái và dễ bị bể lắm. Ấy là chưa kẻ đến bò vàng
chúi mũi vào phá đám. Chúc bạn vui và tìm thêm bằng hữu trong mục đi tìm
hơi thở Tự Do trong tình tự của quê hương nhá. Bạn có ý kiến gì không?
Phần tôi, tôi tin rằng, mỗi ngày bạn làm cho chính bạn, dù chỉ là vài
cái vươn vai trước nhà như một gợn sóng, và nói với đất trời rằng: Tôi
Muốn Tự Do, Tôi Yêu Nước Tôi, và mỗi tuần bạn làm với bạn hữu của bạn ở
công viên, sân trường, bờ hồ, bạn sẽ thấy sự thay đổi kỳ diệu sẽ đến.
Trước hết lòng bạn sẽ vui hơn và kiên tâm hơn trong lý tưởng bạn theo
đuổi. Sau là đem niềm vui ấy cho người chung quanh và đem vào non nước.
Dần dần tạo ra một phong trào rộng lớn cho mọi người cùng đi tìm Tự Do.
Cho hàng triệu triệu người mặc áo No U. Khi đó, sự thay đổi kỳ diệu kia
sẽ không dành cho riêng bạn, nhưng là cho cả đất nước của chúng ta. Bạn
hãy bắt đầu thực hiện và nói cho bằng hữu cùng thực hiện xem sao. Dĩ
nhiên, bài báo này cũng sẽ có nhiều bò vàng bò vào đọc, nhưng mình có
làm gì sai đâu. Chỉ vươn vai và nói với mây với gió với đất nước cho vừa
đủ nghe Tôi Muốn Tự Do, chắc không ai làm hại mình.
Cầu chúc cho hoa Tự Do nở tràn ra khắp non sông Việt. Để nhà Việt Nam
mãi là mái ấm Độc Lập của dân Việt. Ở đó, người dân sẽ cùng nhau xây
dựng và chung hưởng sự Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Nhân Quyền trong cuộc
sống Thái Bình, Ấm No, Hạnh Phúc và Thịnh Vượng.
Bảo Giang
0 comments:
Post a Comment