Rõ
ràng là không cần kiến nghị xin xỏ, chẳng phải lý luận loanh quanh,
nhân dân chỉ việc kéo nhau xuống đường, dùng chính sự đông đảo của mình
để áp lực lên đám thống trị CS xưa nay vẫn coi thường quần chúng, coi
như đám thảo dân nô lệ. Tuy nhiên, lực lượng đông đảo này cần được thúc
giục, hướng dẫn, tổ chức bởi thành phần có trí tuệ để hành vi không rơi
vào hỗn loạn, hoạt động đạt được kết quả và kết quả lâu dài. Vậy xin các
trí thức nhân sĩ, chức sắc tôn giáo - và cả các tổ chức xã hội dân sự
độc lập - hãy bớt đi những tuyên bố, kháng thư, kiến nghị gởi lên cho
tai điếc độc tài mà đến với quần chúng, đi vào quần chúng, tổ chức quần
chúng. Tài năng và tâm huyết của quý vị nên thể hiện nơi giới nông dân,
công nhân, sinh viên học sinh, tín đồ giáo hữu, giúp họ đứng lên, đoàn
kết để trở thành cuồng phong quét sạch chế độ! Bài học của các cuộc cách
mạng tự cổ chí kim, kể cả cách mạng cộng sản, vẫn còn đó!...
*
Mới đây, ngày 18-04-2015, trong một bức thư dài gởi Bộ Chính trị và Ban
Chấp hành Trung ương đảng CS, 42 nhân sĩ trí thức có đưa ra một số nhận
định về mối quan hệ Việt-Trung, thúc giục giới lãnh đạo cảnh giác với
chủ trương bá quyền bành trướng của Tàu cộng, một chủ trương núp dưới vỏ
bọc “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” nhằm “thâm nhập, lũng đoạn,
uy hiếp” Việt Nam. Bức thư nhắc nhở hàng ngũ chóp bu đảng về các hành
động Tàu cộng dựa thế bá quyền nước lớn, không tôn trọng chủ quyền lãnh
thổ nước Việt trên Đông Hải. Bức thư cũng mạnh mẽ tố cáo: “Trung Quốc
ngày càng phơi bày bộ mặt của một siêu cường ham hố và hiếu chiến đang
bị công luận trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á và cả thế giới lên án”
đồng thời kêu mời hãy “tạo ra một bước đột phá, bứt khỏi sự kìm kẹp, áp
lực nặng nề trong “quỹ đạo” của TQ, hay khiếp nhược đầu hàng trước những
dụ dỗ, mua chuộc hoặc uy hiếp, đe doạ của giới cầm quyền hiếu chiến Bắc
Kinh để tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng, sụp đổ niềm tin, khiến đất
nước lạc hậu”.
Nhắc đến chuyến đi sắp tới của Tổng bí thư đảng sang Hoa Kỳ, 42 nhân sĩ trí thức kỳ vọng: “Chúng
ta rất cần liên minh với ai có thể giúp chúng ta thêm sức mạnh chống
lại kẻ cướp đang xông vào nhà mình... Lúc này đây thực lực của Mỹ đang
là một sức mạnh giúp chúng ta giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ
quốc ta trên đất liền cũng như trên biển”.
Thế nhưng, chỉ mới hôm qua thôi, trong diễn văn kỷ niệm 40 năm ngày Hà
Nội xâm lược Việt Nam Cộng Hòa để áp đặt lên toàn thể đất nước một chế
độ toàn trị độc tài, độc ác và độc hại, thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng đã “chân thành cảm ơn các nước XHCN, nhất là Liên Xô, Trung Quốc”,
hai tên đầu sỏ từng xúi dại thằng em VN ngu xuẩn giết dân và phá nước
mình bằng súng đạn của chúng để phục vụ ý đồ của chúng là mở rộng đế
quốc đỏ. Tiếp đó, với giọng điệu xuyên tạc lịch sử như xưa rày, Nguyễn
Tấn Dũng mạnh miệng chửi bới kẻ thù không đội trời chung của đảng:
“Đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền
Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp tàn bạo Cách mạng miền
Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc. Chúng đã gây
ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng
bào ta, đất nước ta”. Hỡi 42 trí thức nhân sĩ, các vị nghĩ sao về vấn đề này?
Khi viết bức thư tâm huyết trên, các vị hẳn biết chính trong cùng ngày
(18-04), ông Dũng cũng ra Quyết định 501/QĐ-TTg, thí điểm tổ chức Diễn
đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức nhằm tạo cho họ cơ hội tham gia
hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính
sách, dự án phát triển kinh tế xã hội của chính phủ. Oái oăm thay, theo
RFA 26-04-2015, “nhà báo Huy Đức đã bình luận rằng việc Thủ tướng
Chính phủ vừa quyết định thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên
nghiệp của trí thức, nếu so với cung cách “đóng cửa làm chính sách” của
nhà nước VN lâu nay thì đã có vẻ như cởi mở hơn. Tuy vậy, theo Điều 25
Hiến pháp VN năm 2013 quy định công dân có quyền “tiếp cận thông tin và
phát biểu công khai ý kiến của mình về các chủ trương, chính sách, dự án
phát triển kinh tế–xã hội” thì thấy quyết định của Thủ tướng quy định
“chỉ những trí thức được chọn mới có quyền phản biện” lại là vấn đề vi
hiến”.
Bình luận chuyện này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A (không ký tên trong thư ngỏ
và là người đã cay đắng vì Quyết định 97 cũng của Nguyễn Tấn Dũng năm
2009 đã khiến cho Viện Nghiên cứu Phát triển IDS của ông và thân hữu
phải tự đóng cửa) nói với đài RFA hôm 26-04: “Tôi cũng không quan tâm
lắm khi ông Thủ tướng vẽ ra cái phản biện hay là cái nghiên cứu. Ông ấy
có giỏi hay cởi mở thì hãy hủy cái quyết định 97 của ông ấy 5-7 năm
trước đi, lúc ấy tôi mới có thể tin được. Chứ còn cái quy định về phản
biện hay về thế nọ thế kia cho các nhà khoa học thì cũng chả ra đâu vào
đâu cả. Một mặt thì ông ấy vẫn muốn nghe, nhưng một mặt thì ông ấy vẫn
muốn bịt mồm những người khác và ông ấy chỉ muốn nghe để cho ông ấy nghe
thôi thì tôi nghĩ rằng một môi trường như thế chẳng phải là một môi
trường phản biện và cũng chẳng phải là một môi trường khuyến khích”.
Quý trí thức nhân sĩ hẳn cũng còn nhớ ngày 04-02-2013, 72 vị [nay rớt đi
30] đã trao cho cái gọi là Quốc hội VN một kiến nghị nhằm góp ý sửa đổi
Hiến pháp. Khi ấy, trong thời gian chờ Quốc hội nghiên cứu các đề xuất,
thì “Nhóm Kiến nghị 72” (tên gọi xuất phát từ sự kiện ấy) đã bị truyền
thông nhà nước - dưới sự chỉ đạo của đảng và chính phủ - đánh cho tơi
bời. Đám báo chí công cụ này chẳng những bác bỏ chỉ trích mọi ý kiến tâm
huyết, xây dựng, đầy tính dân chủ mà còn vu khống, thóa mạ những nhà
trí thức viết ra nó. Và cuối năm ấy, cái Đảng pháp (tên gọi đúng nhất
của Hiến pháp 2013) cho thấy đảng đã hoàn toàn vất vào sọt rác mọi ý
kiến của nhóm 72 cũng như của bao cá nhân và tổ chức tôn giáo, tổ chức
đấu tranh hay tổ chức xã hội dân sự.
Tiếp đó, Thư ngỏ gửi Ban chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên đảng
CSVN ngày 28-07-2014 của 61 đảng viên trí thức có khiến đảng bỏ đi
chăng “đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo
điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ
tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt
hậu so với nhiều nước xung quanh”, có khiến đảng tỉnh ngộ chăng trước “mưu
đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta,
[để] từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và
lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi
tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc” ???
Tới giờ phút này, sau 40 năm cai trị toàn thể đất nước của cái đảng luôn
tự xưng là tinh hoa nhân kiệt đất nước, đỉnh cao trí tuệ loài người
nhưng chỉ đẻ ra sai lầm, tội ác và thất bại mọi mặt, quý vị trí thức có
tinh thần dân chủ và thiện chí xây dựng không thấy rằng cái đảng đó chỉ
nghe những “nhà trí thức” kiểu Vũ Khiêu, Trần Đăng Thanh, Hoàng Chí Bảo,
Vũ Quang Hiển... thôi sao? (Đúng ra những kẻ này - hiểu biết nhiều và
học vị cao đấy - chỉ nghe theo đảng để một lòng xưng tụng đảng, dù phải
xuyên tạc chân lý, lý luận quàng xiên và phán đoán lệch lạc).
Thiết nghĩ đã đến lúc các nhà trí thức (dân sự lẫn tôn giáo) nên hướng
về một sức mạnh khác, một quyền lực khác: sức mạnh của quần chúng, quyền
lực của nhân dân để xoay chuyển tình thế, chấn hung đất nước, canh tân
xã hội (như bên Đông Âu thế kỷ trước và Trung Đông thế kỷ này). Sức mạnh
đó đang dần dần biểu lộ qua những cuộc xuống đường biểu tình, đình công
của hàng ngàn, hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn công nhân, nông
dân, thường dân vì những vấn đề nhân sinh, nhu cầu cuộc sống. Xin nhắc
lại vài vụ việc tiêu biểu gần đây:
Kể từ ngày 26-3-2015, hàng chục ngàn công nhân thuộc công ty Pou Yuen
của Đài Loan tại Sài Gòn đã đình công liên tục để phản đối điều 60 Luật
Bảo hiểm Xã hội sắp có hiệu lực đầu năm tới. Luật này không cho phép
người lao động lãnh tiền bảo hiểm xã hội một lần khi kết thúc hợp đồng
với công ty nơi mình làm việc, mà phải chờ đến tuổi nghỉ hưu (60 đối với
nam và 55 đối với nữ). Cuộc đình công sau đó lan tới các công ty ở Bình
Dương, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang, lôi kéo tới cả 100 ngàn công
nhân biểu tình trong ôn hòa bất bạo động.
Mặc dù hàng ngàn công an và dân phòng đã được huy động đến các công ty
này để đàn áp họ, đánh đập hoặc bắt bớ nhiều công nhân tiên phong và
tích cực, thế nhưng công nhân đã chẳng còn sợ hãi, họ đuổi đám dân phòng
chạy dài, còn phá hàng rào xông vào giải cứu những đồng nghiệp đang bị
giam giữ. Rồi mặc dầu Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là Đặng
Ngọc Tùng, một tay sai của đảng, ngày 31-03-2015, ra lời kêu gọi công
nhân quay trở lại làm việc và “chớ để kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi
giục”, theo giọng điệu thông thường của cộng sản, các công nhân vẫn bỏ
ngoài tai. Khiến cho ngày 01-04-2015, trước ảnh hưởng lớn mạnh của phong
trào đòi quyền lợi chính đáng của người lao động, thủ tướng CS buộc
phải tuyên bố sẽ đề nghị Quốc hội sửa lại luật BHXH. Nay dù các cuộc
biểu tình đã lặng xuống, nhưng chắc chắn sẽ lại bùng phát nếu Nguyễn Tấn
Dũng và Quốc hội nuốt lời.
Tiếp đến là vụ tại miền Trung. Liên tục trong hai ngày 14 và 15-04-2015,
hàng ngàn người dân Bình Thuận đã tràn xuống quốc lộ 1A để biểu tình
phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (do Trung Cộng xây dựng và làm
chủ) đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bằng cách thả xỉ than,
khói độc vào không khí. Cuộc biểu tình đã khiến giao thông trên quốc lộ
1A tê liệt, xe cộ kẹt cứng hàng chục cây số. Với quyết tâm bảo vệ đám
chủ nhân nhà máy (mà cũng là chủ nhân của mình) bằng mọi giá, nhà cầm
quyền CS đã huy động lực lượng cảnh sát cơ động hùng hậu kéo đến nổ
súng, ném lựu đạn cay nhằm giải tán đám đông nhân dân phẫn nộ. Hành động
này như đổ thêm dầu vào lửa, người dân phản ứng lại bằng cách dùng gạch
đá, bom xăng đánh trả lại lực lượng CA. Xung đột giữa nhân dân và chính
quyền nhanh chóng bùng phát thành bạo lực dữ dội, khiến cả đoạn đường
rực lửa như bị thiêu cháy.
Trước áp lực của người dân, chiều ngày 15-4-2015, phó thủ tướng CS Hoàng
Trung Hải đã phải chỉ đạo nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 khắc phục tình
hình. Rồi gần 10 ngày sau khi xảy ra vụ bạo động, Tập đoàn điện lực Việt
Nam (EVN) đã phải lên tiếng xin lỗi, đồng thời cam kết sẽ không để
người dân phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm nữa.
Rõ ràng là không cần kiến nghị xin xỏ, chẳng phải lý luận loanh quanh,
nhân dân chỉ việc kéo nhau xuống đường, dùng chính sự đông đảo của mình
để áp lực lên đám thống trị CS xưa nay vẫn coi thường quần chúng, coi
như đám thảo dân nô lệ. Tuy nhiên, lực lượng đông đảo này cần được thúc
giục, hướng dẫn, tổ chức bởi thành phần có trí tuệ để hành vi không rơi
vào hỗn loạn, hoạt động đạt được kết quả và kết quả lâu dài. Vậy xin các
trí thức nhân sĩ, chức sắc tôn giáo - và cả các tổ chức xã hội dân sự
độc lập - hãy bớt đi những tuyên bố, kháng thư, kiến nghị gởi lên cho
tai điếc độc tài mà đến với quần chúng, đi vào quần chúng, tổ chức quần
chúng. Tài năng và tâm huyết của quý vị nên thể hiện nơi giới nông dân,
công nhân, sinh viên học sinh, tín đồ giáo hữu, giúp họ đứng lên, đoàn
kết để trở thành cuồng phong quét sạch chế độ! Bài học của các cuộc cách
mạng tự cổ chí kim, kể cả cách mạng cộng sản, vẫn còn đó!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 218 (01-05-2015)
0 comments:
Post a Comment