Monday, May 25, 2015

"Cho Người Vào Cuộc Chiến"

Tóm lược: Ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến," ra đời năm 1971 tại miền Nam Việt Nam, là lời tâm sự một cô gái bày tỏ cho người yêu đi lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) nơi vùng chiến trận xa xôi. Bài hát có nội dung tương tự như "Chinh Phụ Ngâm" của Đặng Trần Côn và ca khúc "Xa Vắng" của Y Vân, nhưng có nhiều điểm khác biệt quan trọng, nhất là về khía cạnh cao thượng và tế nhị của mối tình cô gái dành cho người yêu. Bải hát có giai điệu chậm êm dịu với chuyển tiếp lên cao trong điệp khúc nhấn mạnh lời hứa hẹn chung thủy. Với cách dùng chữ đơn giản, so sánh ngầm, và điệp ngữ, bài hát tạo tác dụng hữu hiệu trên khán giả. Ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến" nói lên đức tính nhẫn nại, thương yêu, và chung thủy của đa số phụ nữ miền Nam trong thời chiến.

*

Ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến" là một bài hát thịnh hành trong miền Nam Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Bài hát ra đời năm 1971, khi cuộc chiến tại miền Nam đang bước sang giai đoạn khốc liệt (sau trận Tết Mậu Thân năm 1968 và trước Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972). Trong khoảng thời gian này, lệnh Tổng động viên được ban hành, kêu gọi thanh niên thi hành nghĩa vụ quân dịch. Những cậu trai 17-18 tuổi, nếu không được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, sức khỏe, hoặc học vấn, phải gia nhập quân đội. Hàng ngàn học sinh, sinh viên trong tuổi quân dịch phải bỏ dở việc học hành lên đường làm nghĩa vụ công dân. Biết bao nhiêu chuyện tình trong cuộc chiến phải dở dang vì chàng trai phải đi lính. Những cô gái có người yêu ra đi thường phải chịu cảnh cô đơn trong thời gian xa vắng người yêu, như người chinh phụ chờ chồng đi đánh giặc ngoài biên ải xa xôi trong "Chinh Phụ Ngâm Khúc." Ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến" nói lên tâm trạng một cô gái chấp nhận việc cho người yêu cô "vào cuộc chiến" và lời tâm tình của cô dành cho người yêu.

Tác giả của "Cho Người Vào Cuộc Chiến" ghi trên tờ nhạc gốc là Phan Trần. Phan Trần là tên ghép của Phan Công Thiệt và Trần Nhật Ngân. Phan Công Thiệt, còn có bút hiệu là Mặc Thế Nhân, viết nhạc và nhờ Trần Nhật Ngân, hay nhạc sĩ Nhật Ngân, sửa lại lời. Ta không rõ phần đóng góp thực sự của mỗi người như thế nào, nhưng vì cả hai hợp tác với nhau, ta nên coi họ là đồng tác giả. Sau đây tôi chỉ trình bày vắn tắt tiểu sử của Mặc Thế Nhân (Wikipedia 2015). Trong bài trước (Cao-Đắc 2014a), tôi đã trình bày tiểu sử của nhạc sĩ Nhật Ngân. Trong bài này, tôi dùng "tác giả" để chỉ cả Mặc Thế Nhân và Nhật Ngân.

Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt, sinh năm 1941 ở Gò Vấp, tỉnh Gia Định trong một gia đình tầng lớp trung lưu. Ông cho biết bút danh Mặc Thế Nhân có nghĩa là "Góp giọt mực cho đời." Ngoài ra ông còn có bút hiệu khác là Nhã Uyên.

Năm 17 tuổi, ông học nhạc lý từ các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hùng Lân tại Trường Ca Vũ Nhạc Phổ thông Sài Gòn. Hai năm sau ra trường, ông gia nhập ban Hoa Niên. Ngoài ra ông còn cộng tác với ban nhạc Xuân Bình trình diễn nhạc trên đài truyền thanh. Ngoài các hoạt động âm nhạc và lưu diễn, ông còn là ký giả tân nhạc kịch trường cộng tác với nhật báo Lẽ Sống, tuần báo Bình Dân với bút hiệu Mộng Thu, Giang Ái Sĩ. Ngoài ra, ông còn thực hiện băng nhạc Nhã Ca và mở lớp nhạc tại Đakao.

Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm có "Trăng Quê Hương," "Vui Tàn Ánh Lửa," "Em Về Với Người," "Mùa Xuân Cưới Em," v.v. Các bài ký tên Phan Trần gồm có "Cho Vừa Lòng Em," "Một Lần Dang Dở," và "Cho Người Vào Cuộc Chiến."

Sau ngày cộng sản Bắc Việt chiếm đóng miền Nam, ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông ở lại Việt Nam.

Nguyên văn lời bài hát "Cho Người Vào Cuộc Chiến" như sau (Xem, Hợp Âm Việt):

Anh bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh
theo tiếng gọi lên đường
Anh đi vì đất nước khổ đau
Anh đi anh quên thân mình
Em vì anh tóc bới chẳng lược cài
Thôi điểm trang, má phấn chẳng cần dồi
Xa phồn hoa với những chiều dập dìu
Cho anh vững lòng anh đi.

Đêm rồi lại đêm, một bóng đơn côi
em nhớ người phương trời
Tâm tư chẳng biết nói cùng ai
Đơn sơ em ghi đôi dòng
Mong người đi giữa súng đạn chập chùng
Xin hiểu cho giữa cát bụi thị thành
Bao giờ em cũng vẫn bền một lòng
Thương anh suốt đời anh ơi!

Mai kia anh trở về, anh trở về
Dẫu rằng dẫu rằng không còn vẹn như xưa
Dù anh trở về trên đôi nạng gỗ
Dù anh trở về bằng chiếc xe lăn
Hoặc anh trở về bằng chiến công đầy
Tình em vẫn chẳng đổi thay

Anh giờ ở đâu?
Đồi núi cao nguyên hay cuối miền sông hậu?
Đêm nay ở đó gió lạnh không?
Sương khuya có giăng giăng đầy?
Phương này em với những lời nguyện cầu
Cho người đi sẽ có ngày trở về
Cho tình ta thắm thiết tựa ngày đầu
Xin cho chúng mình còn nhau.


Trong bài này, như thường lệ, tôi sẽ thảo luận về các khía cạnh của bài hát, nội dung và hình thức. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.

A. "Cho Người Vào Cuộc Chiến" là "Chinh Phụ Ngâm" ở thế kỷ thứ 20, nói lên tâm trạng người phụ nữ trông chờ người yêu đi tòng quân.

Chuyện một người con gái hay thiếu phụ ở nhà chờ người yêu hoặc chồng đi đánh giặc nơi tiền tuyến là đề tài của, hoặc thường được nhắc nhở trong, nhiều tác phẩm văn học. Các câu chuyện này không nhất thiết là hoàn toàn giả tưởng. Thực ra, đa số phản ảnh khá trung thực bối cảnh lịch sử, văn hóa, và xã hội của tác phẩm. Tôi sẽ không đi sâu vào đề tài này, mà chỉ dùng hai tác phẩm để so sánh và đối chiếu với ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến." Hai tác phẩm đó là "Chinh Phụ Ngâm" do Đặng Trần Côn viết vào thế kỷ thứ 18 (Xem, thí dụ như, Lê và Phạm 2001; Nguyễn 1971; Nguyễn 2000; Việt Nam Thư Quán) và ca khúc "Xa Vắng" do Y Vân viết vào năm 1964 trong miền Nam Việt Nam (Xem, thí dụ như, Nhạc Việt trước 75).

"Chinh Phụ Ngâm" là tác phẩm nguyên tác do Đặng Trần Côn viết bằng tiếng Hán và được nhiều người dịch sang tiếng Nôm. Bản tiếng Nôm nổi tiếng nhất thường được quy gán là do Đoàn Thị Điểm dịch. Trong bài này, tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết về "Chinh Phụ Ngâm" và cuộc tranh cãi về tác giả bản dịch (Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích). Văn bản tôi dùng thường được coi là do Đoàn Thị Điểm dịch (Xem, thí dụ như, Lê và Phạm 2001; Việt Nam Thư Quán).

Văn bản "Chinh Phụ Ngâm" tiếng Nôm là một văn bản dài (trên 400 câu thơ theo thể song thất lục bát), nên có cơ hội diễn tả tâm trạng người chinh phụ một cách đầy đủ. Qua lời thơ, ta thấy những nỗi niềm của người chinh phụ gồm có: thương sợ, thương nhớ, lẻ loi, trông ngóng, sầu muộn, chán nản, mong mỏi, ngờ vực, lo già, ao ước, và cầu khuẩn (Nguyễn 1971, 183-202). Tâm trạng nàng có thể được diễn gỉải theo một cách khác qua nhiều giai đoạn: tiếng oán hờn, nỗi quan hoài, tình cô độc, cảnh buồn, nỗi buồn chán, một chờ mộng xuân, một giấc mơ, và hòa bình và hy vọng (Lê và Phạm 2001, 230-240). 

Ca khúc "Xa Vắng" ra đời năm 1964, bảy năm trước "Cho Người Vào Cuộc Chiến" nên có sự tương đương về hình thức và nội dung. Có ý kiến cho rằng bài "Xa Vắng" thực ra là thể hiện một khía cạnh của "Chinh Phụ Ngâm" trong cảnh chiến tranh Việt Nam, có lẽ dựa vào hai câu trong "Chinh Phụ Ngâm" ("Nương song luống ngẩn ngơ lòng/ Vắng chàng, điểm phấn trang hồng với ai?") ghi trong tờ nhạc gốc; do đó, nội dung cũng không khác "Chinh Phụ Ngâm" gì mấy. Tuy nhiên, ý kiến này chưa được xác định. "Chinh Phụ Ngâm" có thể cho tác giả Y Vân nguồn cảm hứng nhưng không nhất thiết khiến ông viết "Xa Vắng" theo ý của "Chinh Phụ Ngâm." Dầu sao, "Xa Vắng" có rất nhiều điểm tương đồng với "Chinh Phụ Ngâm," biểu lộ tâm trạng cô gái qua nỗi thương nhớ, buồn bã, cô đơn, và sự biếng nhác trong việc trang điểm phấn son, lời thề hẹn ước, và niềm hy vọng hội ngộ.

1. Tương tự như "Chinh Phụ Ngâm" và "Xa Vắng," ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến" nói lên tâm trạng người con gái thương nhớ người yêu ra đi chinh chiến:

Chàng thanh niên đến tuổi thi hành nghĩa vụ tòng quân. Anh phải bỏ học, bỏ trường, bỏ áo học trò, đi theo "tiếng gọi công dân" lên đường gia nhập quân ngũ ("Anh bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh theo tiếng gọi lên đường.") Trong bài trước (Cao-Đắc 2014b), tôi đã trình bày vấn đề gia nhập quân đội dưới thời VNCH, kể cả lý do hoãn dịch vì học vấn. Hình ảnh chàng trai xếp sách vở đi tòng quân đánh giặc được diễn tả trong Chinh Phụ Ngâm một cách tương tự:

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
("Chinh Phụ Ngâm," câu 18-19).

Như bao thanh niên khác, chàng trai ra đi vì đất nước trong thời chinh chiến và chàng quên thân mình trong việc bảo vệ non sông ("Anh đi vì đất nước khổ đau/ Anh đi anh quên thân mình.") Cảnh đất nước trong thời chinh chiến như "thuở trời đất nổi cơn gió bụi" khiến vua phải "nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh" như được diễn tả trong "Chinh Phụ Ngâm."

Trước ngày chàng ra đi, cô gái muốn chàng yên tâm là cô không trang điểm giữ gìn sắc đẹp với thiên hạ và xa rời nơi thị tứ có trai thanh gái lịch dập dìu qua lại để tránh cám dỗ ("Em vì anh tóc bới chẳng lược cài/ Thôi điểm trang, má phấn chẳng cần dồi/ Xa phồn hoa với những chiều dập dìu/ Cho anh vững lòng anh đi.") Đây là một khía cạnh đặc sắc của bài hát vì nó nói lên tính chất trung thực, biết lo lắng và quan tâm người yêu của cô gái. Với câu "em vì anh" và "cho anh vững lòng," cô gái cho thấy cô tự nguyện làm những chuyện đó, và không phải do chàng trai yêu cầu. Cô gái không lo là chàng trai có bồ bịch khi xa nhà, mà cô chỉ lo chàng không yên tâm sợ cô có bồ bịch. Đó là một hành động tế nhị và sâu sắc, rất ít thấy trong phái nữ. 

Ta thấy hình ảnh người con gái không thiết gì đến giữ gìn nhan sắc mình vì xa người yêu. Việc này có thể có nhiều lý do. Thứ nhất, cô gái nghĩ rằng sắc đẹp của cô là dành cho người yêu và không cho ai khác. Do đó, khi không có người yêu ở bên cạnh cô không có động lực để chăm sóc sắc đẹp mình. Thứ nhì, cô gái buồn bã vì xa ngươì yêu nên không còn thiết tha đến những hoạt động khác, kể cả việc trang điểm. Thứ ba, cô muốn giữ gìn son sắt với người yêu, và không muốn mời mọc những người trai khác, và cô muốn giữ trọn vẹn lời hẹn ước với người yêu. Đó là hình ảnh cô gái trong ca khúc "Xa Vắng" của Y Vân phản ảnh phần nào tâm trạng của người thiếu phụ trong "Chinh Phụ Ngâm" như những lời sau:

Ngày anh xa vắng
Em không trang điểm đợi chờ
. . . 
Phấn son xếp lại chẳng dùng.
. . . 
Tóc buông giữ vẹn lời thề.
("Xa Vắng" của Y Vân.)

Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói,
Sớm lại chiều, dòi dõi nương song 
Nương song luống ngẩn ngơ lòng
Vắng chàng, điểm phấn trang hồng với ai?
("Chinh Phụ Ngâm," câu 233 – 236)

Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở,
Tiếc quang âm lần lữa gieo qua.
Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa,
Gái tơ mấy chốc xảy ra nạ dòng.
("Chinh Phụ Ngâm," câu 345 – 348)

Tuy nhiên, ta để ý có sự khác nhau giữa cô gái trong "Cho Người Vào Cuộc Chiến," cô gái trong "Xa Vắng," và người thiếu phụ trong "Chinh Phụ Ngâm." Trong "Chinh Phụ Ngâm," người thiếu phụ không cho biết cô không giữ gìn nhan sắc vì thương nhớ chồng hoặc vì muốn tránh mời mọc thiên hạ và muốn giữ vẹn lời thề. Cô ta chỉ cho biết vì thương nhớ chồng mà không thiết gì đến trang điểm giữ gìn nhan sắc, khiến cô tiều tụy và trở thành già nua. Cô gái trong "Xa Vắng" biểu lộ rõ rệt việc cô không màng đến trang điểm ("không trang điểm đợi chờ," "Phấn son xếp lại chẳng dùng"). Cô cho biết lý do là cô muốn giữ vẹn lời thề chung thủy với người yêu ("Tóc buông giữ vẹn lời thề.") Sự khác biệt giữa ba tác phẩm này sẽ được trình bày sau.

Trở về với bài hát, cô gái trong "Cho Người Vào Cuộc Chiến" cư xử khác hẳn với cô gái trong "Xa Vắng" và người thiếu phụ trong "Chinh Phụ Ngâm": cô quyết định không trang điểm giữ gìn nhan sắc, và xa lánh nơi thiên hạ dập dìu trước khi người yêu cô ra đi. Cô ta muốn người yêu cô an tâm và vững lòng ra đi, và anh không phải lo âu gì về cô. Như trình bày ở trên, hành động này cho thấy cô gái là người có tâm, có tình, và bản chất sâu sắc. Ta sẽ thấy khía cạnh này được nổi bật thêm nữa qua lời lẽ của cô. Sau khi người yêu ra đi, tuy cô gái không nói ra, ta cũng hiểu là cô gái tiếp tục không trang điểm hoặc lui tới những nơi nhộn nhịp người ta để giữ vẹn lòng chung thủy với người yêu.

Xa người yêu, cô gái cảm thấy cô đơn, nhất là trong đêm khuya thanh vắng. Cô nhớ người yêu đang đi phương trời xa xôi. Cô không biết tâm tình với ai, và chỉ biết ghi xuống và hàng tâm sự ("Đêm rồi lại đêm, một bóng đơn côi/ em nhớ người phương trời/ Tâm tư chẳng biết nói cùng ai/ Đơn sơ em ghi đôi dòng.") Buồn bã và cảm thấy cô đơn cũng là tâm trạng của người thiếu phụ trong "Chinh Phụ Ngâm." Nàng nhớ chồng da diết:

Trời hôm tựa bóng ngẩn ngơ,
Trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai.
Há như ai, hồn say bóng lẫn, 
Bỗng thơ thơ thẩn thẩn như không.
("Chinh Phụ Ngâm," câu 187-194)

Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun.
("Chinh Phụ Ngâm," câu 211 – 216)

Biếng cầm kim, biếng đưa thoi,
Oanh đôi thẹn dệt, bướm đôi ngại thùa.
("Chinh Phụ Ngâm," câu 231 – 232)

Cô gái trong "Xa Vắng" có nỗi niềm cô đơn tương tự:

Những đêm gió lạnh đầu hè
Khuê phòng phủ kín tâm tư.
. . .
Trắng đêm đối ngọn đèn tàn
Trăng mờ lạnh giấc cô miên.
("Xa Vắng" của Y Vân.)

Cô gái ghi nhận những cảm nghĩ gì? Một cách cao thượng, cô không than phiền, trách móc, hoặc than vãn. Cô chỉ muốn nói với người yêu cô là tuy cô sống nơi thị thành tấp nập, cô lúc nào cũng một lòng thương yêu anh ("Mong người đi giữa súng đạn chập chùng/ Xin hiểu cho giữa cát bụi thị thành/ Bao giờ em cũng vẫn bền một lòng/ Thương anh suốt đời anh ơi!"). Chữ "anh ơi" trong câu cuối nói lên nỗi niềm thiết tha cho tình yêu cô gái dành cho người yêu.

Người chinh phụ trong "Chinh Phụ Ngâm" nhớ chồng và cảm thấy cô đơn. Nhưng nàng nghi ngờ chồng và không có niểm tin là chồng có còn thương yêu mình nữa không:

Chẳng hay muôn dặm ruổi giong,
Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng.
Lòng chàng ví cũng bằng như thế,
Lòng thiếp đâu dám nghĩ gần xa.
Hướng dương lòng thiếp như hoa,
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương.
("Chinh Phụ Ngâm," câu 299 – 304.)

Cô gái xác nhận thêm lần nữa là cô lúc nào cũng yêu chàng trai. Hơn thế nữa, cô còn khẳng định là cho dù người yêu cô có bị thương tích tật nguyền hoặc trở về nguyên vẹn với chiến công hiển hách, tình yêu cô dành cho anh vẫn không thay đổi ("Mai kia anh trở về, anh trở về/ Dẫu rằng dẫu rằng không còn vẹn như xưa/ Dù anh trở về trên đôi nạng gỗ/ Dù anh trở về bằng chiếc xe lăn/ Hoặc anh trở về bằng chiến công đầy/ Tình em vẫn chẳng đổi thay."). Lời hứa hẹn đó khiến ta liên tưởng đến bài "Kỷ Vật Cho Em" do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Linh Phương (Ngô 2014). "Kỷ Vật Cho Em" không phải là lời cô gái nói với người yêu, mà là lời chàng trai nói với cô gái. Do đó, câu nói có phần chua chát, thực tế, và có chút gì xót xa. Chàng trai trong "Kỷ Vật Cho Em" tưởng tượng những gì có thể xảy ra với anh: chàng có thể trở về nguyên vẹn và ca khúc khải hoàn với các chiến công hiển hách, chàng có thể chết nằm trong hòm gỗ, bị thương tích nằm trên băng ca, hoặc chống nạng gỗ vì cụt chân:

Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime,
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã,
Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa,
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
. . . 
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân,
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá.
("Kỷ Vật Cho Em" - nhạc Phạm Duy/ lời Linh Phương.)

Với lời lẽ trong "Kỷ Vật Cho Em," ta thấy việc người lính trở về mang tật nguyền vì thương tích trong cuộc chiến là sự kiện rất có thật và có lẽ là hình ảnh thông thường. Nhưng người chinh phụ trong "Chinh Phụ Ngâm" không tưởng tượng ra hình ảnh chồng mình trở về với thân thể bị tàn phá bởi cuộc chiến. Nàng chỉ lo là chồng có an toàn không. Tương tự, cô gái trong "Xa Vắng" không nghĩ đến cảnh người yêu mình bị tàn phế vì thương tích do chiến tranh. Đây là điểm khác biệt quan trọng với cô gái trong "Cho Người Vào Cuộc Chiến" như sẽ được trình bày sau.

Cô gái suy nghĩ vẩn vơ, tự hỏi không biết người yêu hiện giờ đang ở đâu, đêm về có lạnh và có sương giăng phủ mờ không ("Anh giờ ở đâu?/ Đồi núi cao nguyên hay cuối miền sông hậu?/ Đêm nay ở đó gió lạnh không?/ Sương khuya có giăng giăng đầy?") Với chi tiết người lính có thể đi lưu động khắp nơi từ vùng cao nguyên tới vùng sông ngòi, ta có thể suy đoán người yêu cô đi trong một trong các binh chủng Tổng trừ bị (Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến).

Ta biết chiến sĩ trong các binh chủng này chiến đấu rất vất vả vì họ thường phải ra trận nhanh chóng và tham gia các trận đánh khốc liệt. Do đó, mức độ nguy hiểm rất cao. Cô gái biết rõ những gian nan nguy hiểm người yêu mình đối phó. Cô không biết làm gì hơn là nguyện cầu cho chàng được bình an và trở về ("Phương này em với những lời nguyện cầu/ Cho người đi sẽ có ngày trở về.") Cô gái chỉ mong ước hai người còn có nhau và tình yêu hai người vẫn thắm thiết như lúc ban đầu ("Cho tình ta thắm thiết tựa ngày đầu/ Xin cho chúng mình còn nhau.").

Tương tự, người thiếu phụ trong "Chinh Phụ Ngâm" mơ đến ngày chồng trở về ca khúc khải hoàn, danh vang và được triều đình trọng đãi:

Hộ chàng trăm trận nên công,
Buông tên ải Bắc, treo cung non Đoài.
Bóng kỳ xí giã ngoài quan ải,
Tiếng khải ca trở lại Thần Kinh.
Đỉnh non khắc đá đề danh,
Triều thiên vào trước cung đình dâng công
("Chinh Phụ Ngâm," câu 379 – 384.)

Nàng ao ước cùng kết lại mối duyên với chồng, sống hạnh phúc bên nhau cho bõ những ngày xa vắng nhớ nhung:

Thiếp xin muôn kiếp sau này,
Như chim liền cánh, như cây liền cành.
("Chinh Phụ Ngâm," câu 363 - 364.)

Liên ngâm đối ẩm đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.
Cho bỏ lúc xa sầu, cách nhớ,
Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình.
("Chinh Phụ Ngâm," câu 407 - 410.)

Cô gái trong "Xa Vắng" cũng mong người yêu trở về chiến thắng vinh quang, và mơ ước đoàn tụ người yêu cho dù phải chờ đợi đến lúc tóc bạc già nua:

Chàng đi chinh chiến
Gieo neo rừng khuya
Là mong chiến thắng vai mang vòng hoa
. . .
Đợi chàng một hai năm
Hay là cả đời xuân xanh.
Ngày nao đầu pha tuyết sương
Vẫn mong tái ngộ một lần.
("Xa Vắng" của Y Vân.)

Cùng một đề tài về người con gái trông chờ người yêu hoặc chồng mình đi đánh giặc nơi xa, các tác giả của "Chinh Phụ Ngâm," "Xa Vắng," và "Cho Người Vào Cuộc Chiến" trình bày tâm tình người con gái có cùng nỗi nhớ nhung thương yêu, buồn bã vì cô đơn, và trông mong ngày hội ngộ. Nhưng ba tác phẩm có vài điểm khác biệt quan trọng, như sẽ được trình bày sau đây. 

2. Khác với "Chinh Phụ Ngâm" và "Xa Vắng," ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến" biểu lộ tình yêu cao thượng và bản chất tế nhị của cô gái:

Người chinh phụ trong "Chinh Phụ Ngâm" được coi là bày tỏ ý tưởng "rất thật" (Nguyễn 1972, 151). Ngoài ra, "nàng đau buồn, thất vọng song nàng không bao giờ tuyệt vọng" (sđd., 161) và có "niềm tin chắc chàng sẽ sống trở về" (sđd., 163). Nàng thương nhớ chồng, nhớ những kỷ niệm bên nhau. Nàng không màng gì ̣đến phấn son trang điểm ("Vắng chàng, điểm phấn trang hồng với ai?"). Nàng bày tỏ lòng chung thủy với chồng và tự ví mình như hoa hướng dương ("Lòng thiếp đâu dám nghĩ gần xa/ Hướng dương, lòng thiếp đường xa"), nhưng nghi ngờ lòng dạ chung thủy của chồng ("Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng?" "Lòng chàng lẩn thẩn, e tà bóng dương").

Cô gái trong "Xa Vắng" cũng bày tỏ nỗi niềm cô đơn và thương nhớ chồng. Cô ta cũng không màng đến trang điểm nhan sắc. Ngoài ra, cô có nỗi buồn tủi cho thân phận mình, và diễn tả cảnh khóc lóc, cho dù buồn thảm vì chia ly hoặc vui mừng khi hội ngộ:

Thương đời biển sầu bao la
Để cho cành hoa héo khô
Lỡ cung ái ân xuân thì.
. . .
Ước mong ngấn lệ ngày về 
Thay dòng nước mắt chia ly 
Lệ rơi nhiều hơn nước mưa 
Dẫu cho bốn biển chẳng vừa.
("Xa Vắng" của Y Vân.)

Qua những điểm trên, ta thấy so với "Chinh Phụ Ngâm" và "Xa Vắng," ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến" có ít nhất ba điểm khác biệt đáng kể. Ba điểm này không hoàn toàn do sự khác biệt giữa ý tưởng riêng tư của Đặng Trần Côn, Y Vân, và Phan Trần vì các tác giả thường cố gắng viết phản ảnh tình trạng xã hội và con người lúc bấy giờ, hơn là trình bày ý kiến cá nhân.

Ba điểm đó như sau. Thứ nhất, như đã trình bày ở trên, cô gái trong "Cho Người Vào Cuộc Chiến" có suy nghĩ sâu sắc và tế nhị. Nàng biết tâm lý người yêu lo lắng nàng có thể bị cám dỗ hoặc quên anh. Do đó nàng cố gắng trấn an anh qua hành động không trang điểm phấn son, và tránh đi lại những nơi phồn hoa đông người, trước khi anh ra đi. Thứ nhì, nàng thẳng thắn nhắc đến những gì có thể xảy đến với người yêu khi anh trở về, kể cả anh chống nạng gỗ hoặc ngồi xe lăn. Nàng cho anh biết lúc nào nàng cũng yêu anh, cho dù anh bị tật nguyền vì thương tích. Thứ ba, tuy nàng thương nhớ người yêu, nàng không biểu lộ nỗi buồn thảm quá đáng, hoặc nghi ngờ người yêu, hoặc tủi thân cho cuộc đời mình. Khía cạnh này quan trọng vì nó nói lên bản chất lo xa và biết tâm lý của cô gái. Nàng không muốn người yêu phải bận tâm và lo sợ nàng buồn bã. 

Cả ba đặc điểm này phù hợp lẫn nhau và biểu lộ tình yêu cao thượng của cô gái dành cho người yêu, vượt quá sự nhỏ nhen ích kỷ tầm thường của nhiều thiếu nữ trong tình yêu. Ta nên tìm hiểu thêm về lý do cho sự khác biệt này.

Một lý luận có thể đưa ra để giải thích sự khác biệt này. "Chinh Phụ Ngâm" và "Xa Vắng" là lời tâm sự của cô gái cho chính cô ta, như lời trong một quyển nhật ký, và không định cho người chồng hoặc người yêu cô đọc. Do đó, lời lẽ không có sự tế nhị hoặc sâu sắc. Ngược lại, cô gái "Cho Người Vào Cuộc Chiến" đang viết lời tâm sự như một lá thư gửi cho người yêu ngoài chiến tuyến. Vì vậy cô ta diễn tả khéo léo và có những nét tinh tế sâu sắc để trấn an người yêu.

Tôi không đồng ý hoàn toàn với lý luận này. Trước hết, sự tinh tế và sâu sắc không phải là một khía cạnh "xã giao" hoặc hình thức bên ngoài, mà là sự suy nghĩ chân thành, biết lo cho người khác, và biết đặt những việc quan trọng của người mình yêu lên trên những việc quan trọng của mình. Cho dù "Chinh Phụ Ngâm" và "Xa Vắng" là lời trong nhật ký hoặc lời chỉ cho người viết đọc, điều đó không có nghĩa là người viết không có quyền diễn tả sự suy nghĩ chân thành. Thực ra, chính vì là lời trong nhật ký, những ý tưởng được ghi nhận hoặc không được ghi nhận phản ảnh trung thực bản chất của người tâm sự. Thứ nhì, lời cô gái trong "Cho Người Vào Cuộc Chiến" không phải là lời khéo léo, nói ra để làm người yêu vui. Việc cô không trang điểm, không đi lại những nơi phồn hoa, không phải là lời nói suông, mà là những hành động cô đã làm trước khi người yêu cô ra đi. Ngoài ra, lời hứa chung thủy cho dù chàng chống nạng gỗ hay ngồi xe lăn không phải là lời làm cho người yêu mình vui hơn, mà trái lại có thể tạo những phản tác dụng vì anh ta có thể tin tưởng vào việc đó nên trở nên liều lĩnh hơn trong trận chiến.

Ta có thể hiểu sự khác biệt giữa "Chinh Phụ Ngâm" và "Cho Người Vào Cuộc Chiến" vì hai tác phẩm cách nhau khoảng hai trăm năm. Xã hội và các quan điểm sống, nề nếp, gíá trị con người, đương nhiên có nhiều điểm khác nhau. Nhưng "Xa Vắng" và "Cho Người Vào Cuộc Chiến" chỉ cách nhau có bảy năm, làm sao có thể có sự khác biệt nhiều được? 

Có vài giải thích cho sự khác biệt giữa "Xa Vắng" và " Cho Người Vào Cuộc Chiến." Thứ nhất, cả hai đều là ca khúc diễn tả một khía cạnh nào đó xã hội, và không nhất thiết là khía cạnh đó phải giống nhau. Mỗi tác giả có một nguồn cảm hứng và mục tiêu khác nhau trong việc diễn tả ý tưởng. Y Vân có thể biết những suy nghĩ sâu sắc và tế nhị của người phụ nữ miền Nam, nhưng ông quyết định không nhắc đến vì đó không phải là mục tiêu nghệ thuật ông muốn đưa vào ca khúc "Xa Vắng." Thứ nhì, tuy chỉ cách nhau bảy năm, quả thực là tình trạng xã hội và vấn đề tình yêu trai gái trong miền Nam Việt Nam có sự khác biệt. Năm 1964, khi "Xa Vắng" ra đời, chiến tranh chưa đến mức tột đỉnh khốc liệt và chưa có lệnh Tổng động viên kêu gọi thanh niên trẻ ở tuổi học sinh và sinh viên. Năm 1971, khi ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến" ra đời, cuộc chiến đang đi qua sự khốc liệt nhất của chiến tranh và lệnh Tổng động viên đã được ban hành. Hàng ngàn sinh viên học sinh phải bỏ dở chuyện học hàng để gia nhập quân ngũ. Với chiến trường ngày càng khốc liệt, số người chết ngày càng gia tăng và thương binh trở về ngày càng nhiều, ý tưởng của các cô gái có người yêu trong quân đội ngày càng khác đi và phản ảnh thực tế của chiến tranh bấy giờ.

Cho dù có sự khác biệt giữa ba tác phẩm, ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến" vẫn phản ảnh trung thực tình trạng xã hội miền Nam bấy giờ và bản chất người phụ nữ miền Nam với lòng dạ sắt son chung thủy, và sâu sắc lo cho người yêu. Có thể có người cho rằng cô gái trong "Cho Người Vào Cuộc Chiến" chỉ là nhân vật giả tưởng, và không có ai có tình yêu cao thượng như vậy. Tuy nhiên, đối với người dân sống trong miền Nam trong thời chiến tranh, chuyện đó không có gì khác thường. Trong tình yêu hay tình vợ chồng, người con gái Việt Nam được dạy những đức tính trung thành, đoan trang, nhẫn nại, lo lắng chăm sóc cho người yêu, người chồng cả về vật chất lẫn tinh thần. Đương nhiên cũng có những người không tôn trọng tình nghĩa hoặc phản bội người yêu người chồng. Nhơng đó chỉ là một thiểu số và không tiêu biểu cho giới phụ nữ miền Nam. Trong bài "Cái Cò," (Cao-Đắc 2015) tôi đã trình bày những khía cạnh này của người phụ nữ miền Nam. Những đức tính này còn được biểu lộ mãnh liệt trong thời chiến như đã được chứng tỏ qua những tài liệu phỏng vấn hoặc hồi ký.

B. Ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến" diễn tả tâm tình cô gái hữu hiệu qua giai điệu êm ái và cách dùng chữ khéo léo

Một bài hát về lời kể lể tâm sự thường có giai điệu chậm và nhẹ nhàng, nhưng phải có sự quyến rũ để khán gỉả không cảm thấy nhàm chán. Ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến" đạt được mục đích kể lể hữu hiệu qua sự phối hợp của giai điệu, tiết tấu, và lời nhạc.

1. Bài hát có giai điệu chậm chạp và êm dịu với điệp khúc lên cao nhấn mạnh lời hứa mạnh mẽ cho lòng chung thủy của cô gái:

Bài hát có ba phiên khúc và một điệp khúc. Ba phiên khúc có giai điệu và tiết tấu tương tự. Ba phiên khúc này có giai điệu chậm chạp êm dịu, với các quãng nhạc lên xuống rất ít trong mỗi câu, khiến khán gỉả có cảm tưởng nghe lời cô gái tâm sự nhẹ nhàng qua lời nói. Câu chuyển tiếp bắt đầu bằng "Em vì" ("Mong người"/ "Phương này") lên cao để thay đổi nhịp điệu và tạo nét linh động cho câu chuyện.

Đặc sắc nhất là phần điệp khúc. Phần điệp khúc khởi đầu bằng "Mai kia anh trở về" có chuyển tiếp khác biệt, nhấn mạnh lời cô gái trong lời hứa hẹn nàng giữ lòng chung thủy cho dù người yêu bị tàn phế vì thương tích hay lành lặn trở về khải hoàn. Phần này còn có những câu nhắc lại để tăng thêm sức mạnh của ý nghĩa, và tạo giai điệu xuống dần sau nốt cao, tránh sự thay đổi đột ngột. Thí dụ như "anh trở về," "dẫu rằng," "dù anh."

Tiết tấu và nhịp điệu bài hát không có gì đặc biệt, nhưng chính sự không đặc biệt này đóng góp vào nét độc đáo của bài hát. Bài hát có những câu kéo dài hoặc quãng nghỉ thông thường như trong các bài khác. Cái quyến rũ của bài hát là giai điệu êm ả nhẹ nhàng, chứ không phải là nhịp điệu thay đổi, kéo dài hoặc dồn dập. Bài hát là lời cô gái nói với người yêu. Do đó, giọng nói lên xuống của cô đóng phần quan trọng hơn là nhịp điệu câu nói. Ngoài ra, ý nghĩa lời lẽ rất quan trọng trong bài này, nên những khía cạnh hấp dẫn của nhịp điệu nên được giữ tối thiểu để tránh chia trí cho người nghe.

2. Bài hát có lối dùng chữ đơn giản, dựa vào so sánh ngầm và cách dùng điệp ngữ gây tác dụng vương vấn:

Tác gỉả dùng chữ đơn giản, không màu mè, nói lên được tâm tình chân thành của cô gái. Vì đây là lời tâm sự của cô gái, tác giả chú trọng đến lời lẽ kể lể hơn là mô tả hình ảnh. Tuy vậy, tác gỉả khéo léo dùng từ ngữ so sánh ngầm để mô tả hữu hiệu. Thí dụ, "dập dìu" trong "những chiều dập dìu" không có chủ từ hoặc túc từ, mà được dùng như tính từ để mô tả cảnh "dập dìu tài tử giai nhân"; "chập chùng" trong "súng đạn chập chùng" vẽ ra hình ảnh loạt đạn bắn ra như mưa rào phủ đầy trời; "cát bụi" trong "cát bụi thị thành" mô tả xe cộ qua lại tung cát bụi nơi đô thị đông người; "giăng giăng" trong "Sương khuya có giăng giăng đầy" vẽ ra hình ảnh màn sương đêm mờ dày dặc.

Lối dùng so sánh hoặc cho thấy ngầm này rất có tác dụng mạnh trên khán giả vì nó khiến khán giả phải dùng trí tưởng tượng để vẽ ra hình ảnh mô tả. Để tạo tác dụng đó, người viết phải chọn lọc từ ngữ cẩn thận. Thí dụ, ta có thể nói "phiên chợ lác đác (người đi chợ)," "mặt nước lăn tăn (những gợn sóng)," "khuôn mặt ràn rụa (nước mắt)," "thân thể (run) lập cập" mà không cẩn viết ra những chữ trong ngoặc. Người nghe/đọc tự động điền vào những chữ bỏ trống, và, một cách vô tình, tham gia vào việc mô tả hình ảnh mà người viết muốn tạo dựng. Do đó, người nghe/ đọc được lôi cuốn vào lời ca và bản nhạc.

Một khía cạnh đặc biệt khác trong "Cho Người Vào Cuộc Chiến" là cách dùng điệp ngữ. Dùng điệp ngữ để gây một ấn tượng nào đó trên khán giả là một kỹ thuật khó, vì nếu dùng sai, kết quả sẽ có phản tác dụng. Tác giả lập lại từ ngữ để tạo một cảm xúc dây dưa kéo dài. Ngay từ câu đầu, tác giả dùng chữ "bỏ" hai lần, nhấn mạnh hành động bỏ học của chàng trai. Phiên khúc đầu chất chứa với 3 chữ "đi." Phần điệp khúc đầy những điệp ngữ ("trở về," "dẫu rằng," "dù anh"). Phiên khúc chót có 3 chữ "cho." Các điệp ngữ này được dùng một cách hữu hiệu vì chúng liên hệ đến ý tưởng chính của bài hát về ra đi, hội ngộ, và nghịch cảnh.

C. Kết Luận:

Ca khúc "Cho Người Vào Cuộc Chiến" là một "Chinh Phụ Ngâm Khúc" ở thế kỷ thứ 20, bày tỏ nỗi niềm cô đơn và thương nhớ của một cô gái hậu phương mong chờ người yêu trở về sau cuộc chiến. Bài hát cho thấy tình yêu cao thượng và suy nghĩ sâu sắc của cô gái biết lo cho người yêu, khác hẳn với cách diễn tả tầm thường, có chút ích kỷ của người chinh phụ trong "Chinh Phụ Ngâm" và cô gái trong ca khúc "Xa Vắng" của Y Vân. Với giai điệu êm dịu, chuyển tiếp nổi bật của điệp khúc, cách dùng chữ đơn giản nhưng hữu hiệu, và ý nghĩa tế nhị sâu sắc, "Cho Người Vào Cuộc Chiến" biểu lộ trung thực bản chất thương yêu và chung thủy của phụ nữ miền Nam trong thời chiến.

Là những chiến sĩ thầm lặng trong bóng tối, phụ nữ miền Nam, gồm có người yêu, vợ, mẹ, dì, thím, chị, em, con, cháu của các quân, cán, chính, nhất là các chiến sĩ xung pha nơi trận mạc, không nhận được sự tri ân và kính trọng chính đáng. Họ là nguồn sống cho chiến sĩ VNCH trong cuộc chiến và đã chịu biết bao nhiêu gian khổ và hy sinh lớn lao. Sau cuộc chiến, họ còn là nguồn sống cho chiến sĩ và hậu duệ VNCH để nung nấu hào khí dân tộc Việt Nam trong thảm cảnh đất nước hiện tại dưới sự áp bức đô hộ của nhóm cầm quyền cộng sản.

CẢM TẠ

Tôi xin có lời cám ơn các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn Cánh Dù lộng gió.

25/05/2015



_________________________________________

Tài Liệu Tham Khảo:

1. Cao-Đắc Tuấn. 2014a. "Một Mai Giã Từ Vũ Khí." 22-8-2014. 

2. _________. 2014b. "Giã Từ Sài Gòn." 27-11-2014. http://danlambaovn.blogspot.com/2014/11/gia-tu-sai-gon.html (truy cập 24-5-2015).

3. _________. 2015. "Cái Cò." 30-4-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/04/cai-co_29.html (truy cập 22-5-2015).

4. Hợp Âm Việt. Không rõ ngày. Cho người vào cuộc chiến. Không rõ ngày. 

5. Lê Hữu Mục và Phạm Thị Nhung. 2001. Tiếng Nói Đoàn Thị Điểm Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc. Trung Tâm Việt Nam Học Canada. Montréal, Canada.

6. Ngô Nguyên Nhiễm. 2014. 45 năm lời hát "Kỷ Vật Cho Em" ̣9-2-2014. 

7. Nguyễn Bá Triệu. 2000. Chinh Phụ Ngâm Tập Chú. Ontario, Canada.

8. Nguyễn Văn Xuân. 1971. Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc của Phan Huy Ích. Lá Bối, Sài Gòn, Việt Nam.

9. Nhạc Việt trước 75. Không rõ ngày. Xa Vắng (Y Vân). Không rõ ngày. 

10. Việt Nam Thư Quán. 2004. Chinh Phụ Ngâm. Đặng Trần Côn. Diễn Nôm: Đoàn Thị Điểm. 27-12-2004. 

11. Wikipedia. 2015. Mặc Thế Nhân. 23-3-2015. 

© 2015 Cao-Đắc Tuấn

0 comments:

Powered By Blogger