Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
Tân Đảo- Bản đồ du lịch 2015
1.
Nhân dịp đến Melbourne tham đự Đại hội Đức Mẹ La Vang, tôi tranh thủ
mấy ngày giữa tuần, sang thăm họ hàng bên Nouvelle-Calédonie, (Tân
Scotland, từ cổ theo cách gọi của Pháp, do một nhà thám hiểm người Anh
đặt ra vào cuối thế kỷ XVIII), người Việt thường gọi là Tân Đảo, hoặc
Tân Thế Giới, một quần đảo nằm ở phía Đông Australia khoảng 1700 km, là
thuộc địa của Pháp từ giữa thế kỷ XIX, có diện tích khoảng hơn 18 nghìn
km2 và dân số khoảng 270 nghìn người, trong đó người bản xứ da đen chiếm
khoảng non nửa, số còn lại là người Pháp, người Indonesia, người Việt
và một số sắc dân thiểu số khác. Kinh tế chủ yếu là đánh cá, du lịch và
nhất là khai thác nickel.
2.
Những người Việt đầu tiên có mặt ở Tân Đảo là các tù nhân. Họ bị người
Pháp đưa sang đây lưu đầy từ cuối thể kỷ XIX. Đến đầu thế kỷ XX người
Pháp chiêu mộ thanh niên thiếu nữ Bắc Kỳ đưa sang đây làm phu mỏ. Dòng
họ nhà tôi cũng có mấy người sang năm 1936, thuộc những lớp phu mỏ cuối
cùng đến từ Việt Nam. Theo hợp đồng thì sau 5 năm, họ có thể trở về Việt
Nam nếu muốn. Thế nhưng, vì thế chiến II bùng nổ (1939-1945), rồi tiếp
theo là chiến tranh Việt – Pháp (1945-1954), cho nên họ kẹt lại ở Tân
Đảo. Từ năm 1954 đến 1964, phần lớn trở lại Việt Nam theo sự tuyên
truyền của Việt Minh. Họ hàng nhà tôi cũng có người trở về năm 1954; tuy
nhiên, những người này năm 1955 lại trốn ra Hải Phòng rồi di cư vào Nam
và nay đang định cư tại San Hose. Sau năm 1964 số người ở lại Tân Đảo
còn không đầy một nghìn và phần lớn là người Công giáo, nhờ biết nghe
lời cha Giuse Nguyễn Năng Vịnh và cha Giuse Nguyễn Duy Tôn, là những
người đã hiểu biết Việt Minh qua các vụ “Phú Ninh quằn quại, Cao Mại đau
thương” do cộng sản gây nên ở Bùi Chu và Thái Bình. Cũng có những người
ngoại đạo ở lại nhờ khôn ngoan và cẩn trọng. Chẳng hạn như gia đình ông
Albert Qúach, 74 tuổi, sinh ra tại Tân Đảo. Ông kể rằng: “Cha mẹ tôi
nghe Việt Minh tuyên truyền thì bảo: “Để chúng tao về trước đã. Hễ tao
viết thư sang đây mà chỉ kể toàn điều tốt đẹp, thì chúng mày đừng về!”.
Thế là chúng tôi may mắn ở lại, và năm 1984, tôi đưa được bố mẹ tôi trở
lại Tân Đảo sống với anh em chúng tôi cho đến chết!”
Những
năm gần đây người bản xứ ở Tân Đảo gọi là mélanésiens quyết liệt đấu
tranh đòi độc lập, kể cả sử dụng bạo lực. Người Việt nhờ chịu khó làm ăn
nên cuộc sống trở nên khá giả hơn nhiều người bản xứ và cũng vì vậy họ
trở thành đối tượng bài trừ và đe dọa công khai của một số người cực
đoan, bất hảo. Bác tôi kể có anh hàng xóm công khai tuyên bố nhiều lần
rằng: Mai kia đảo quốc độc lập, các anh sẽ đuổi người Việt như bác khỏi
Tân Đảo và cái nhà bác đang ở anh sẽ chiếm làm nhà anh. Trong khi đó,
ông Albert Quách, một ‘đại gia” ở thủ phủ Nouméa nói rằng, mấy năm
trước, ông cảm thấy nguy hiểm và ông đã mua nhà bên Brisbane, Úc Đại
Lợi. Ông còn mua một cái tầu lớn nay vẫn neo trên vịnh Nouméa, vì chưa
biết cuộc trưng cầu dân ý sắp tới vào năm 2018 kết quả thế nào. Ông nói,
hễ có biến, lập tức ông đưa cả nhà, cả họ xuống tầu chạy ra khơi cho an
toàn. Nhiều người Việt đang sống ở Tân Đảo hiện nay, đến từ Vanuatu,
cũng là thuộc địa của Pháp như Tân Đảo, đã trải qua kinh nghiệm mất nhà
cửa và sản nghiệp khi quần đảo này độc lập vào năm 1980. Chính vì vậy,
bên cạnh nỗi khó chịu của cảnh tiền nhiều mà vẫn sống thiếu tiện nghi vì
là nơi đảo xa, thì tương lai chính trị bấp bênh cũng là một trong những
nguyên nhân khiến số người Việt cư trú ở Tân Đảo liên tục suy giảm, từ
con số 2822 người năm 1996, chiếm 1,43 % dân số, giảm xuống còn 2357
người năm 2009, tức chỉ còn 0.96 % dân số theo thống kê của Pháp
(http://fr.wikipedia.org/wiki/Nouvelle-Cal%C3%A9donie#Population). Số
mới sinh ra và số mới đến theo hôn nhân không đủ bù lại số người từ Tân
Đảo di cư sang Pháp, Canada và Úc Đại Lợi. Dù sao thì những người Việt
còn lại ở Tân Đảo vẫn chiếm được thiện cảm của đa số người dân, nhất là
của giới chủ nhân và giới trí thức, vì hơn người bản xứ, người Việt đẹp
trai, đẹp gái, hiền lành, không quậy phá, chịu khó làm việc và làm việc
nghiêm túc, lại nấu ăn ngon, dù trình độ nấu ăn của họ theo tôi còn xa
mới theo kịp người Việt tỵ nạn cộng sản ở Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi.
Ông bà bác tôi khi còn sống trong lần về VN năm 1995
3.
Nói về những người họ hàng nhà tôi. Bà bác tôi vốn là nông dân nghèo
khó, cực chẳng đã hai ông bà cùng mấy người họ hàng mới sang Tân Đảo đi
làm phu mỏ mà người Việt ở đây gọi là người “Chân Đăng” (pieds engagés).
Sau năm 1954, gia đình bà là người duy nhất trong họ và cũng là duy
nhất trong làng tôi còn ở lại Tân Đảo. Từ đầu những năm 1950, gia đình
ông bà đã chuyển về quận Paita, thuộc Miền Nam, gần thủ phủ Nouméa, sinh
sống bằng nghề trồng rau. Năm 1976 bà về lại quê hương lần đầu sau 40
năm xa cách và sau đó bà còn về nhiều lần nữa cho đến trước khi bà qua
đời vào năm 2001. Các con của bà, tất cả đều sinh ra và lớn lên ở Tân
Đảo. Người lớn tuổi nhất năm nay đã 78 và người trẻ nhất cũng đã 67. Khi
ông bà đã qua đời, các bác tiếp tục liên lạc với họ hàng ở Việt Nam và
khi họ biết có hai cháu là tôi và chị Anna Phạm Thu Hà, Dòng MTG Lưu
Phương, Phát Diệm, đang ở Roma, thì họ đã nhờ thầy Georges Benigaud,
Dòng Maristes, tìm gặp chúng tôi nhân dịp thầy từ Tân Đảo sang Roma dự
hội nghị của Dòng năm 2014.
Bà
bác tôi, sinh được 8 người con, trong số đó một bác kết hôn với người
bản xứ, một với người Algerie, số còn lại đều lấy người Việt. Các bác
cũng đã được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khốn khó nơi đất khách
quê người, không được đi học và phải vào đời sớm, vì vậy nét lam lũ và
quê mùa còn hiện rõ trên thân hình, trên gương mặt và trên đôi bàn tay
từng người. Vì không được đi học, sống khép kín với nhóm người Việt, cho
nên các bác vẫn còn nói và viết tiếng Việt rất tốt, nói đúng cung giọng
của người Việt ở làng quê Bắc Việt thời chưa có radio và truyền hình.
Cũng như phần lớn những người Việt khác ở đây, nhờ cần cù, chịu khó và
tiết kiệm, đời sống vật chất của các bác có vẻ khá hơn hẳn người bản xứ
và ai cũng có nhà riêng và đất rộng giữa vùng Grand Nouméa là vùng kinh
tế phát triển nhất và tập trung đông dân cư nhất của Tân Đảo. Việc giữ
đạo cũng rất truyền thống, không biết trước đây thế nào, nhưng nay hầu
như ai cũng gắn bó với các hội đạo đức của các giáo xứ, và là những cộng
tác viên đắc lực của các cha, các thầy các sơ, bởi thế khi nghe tin tôi
đến thăm, thì tất cả các cha và các thầy trong vùng và hầu hết các sơ
đều đến nhà các bác gặp gỡ, ăn uống và trò chuyện rất thân thiện.
Một số anh em họ hàng. Tân Đảo tháng 5 năm 2015
Con
cái các bác, tức thế hệ thứ ba, những người mà tôi phải gọi là anh chị,
năm nay tuổi cỡ 40 đến 60, hầu hết đều hiểu tiếng Việt; nhưng số học
cao, làm giáo viên, cảnh sát, kỹ sư, y tá, bác sĩ, luật sư thì nói tiếng
Việt kém, trong khi số làm công nhân, hoặc làm vườn thì nói tiếng Việt
tốt hơn. Tôi xin nói thêm rằng, trong cái nhìn của cư dân ở đảo này, thì
người Việt là những chuyên viên trồng rau giỏi nhất. Tôi nghe các anh
chị kể rằng các kỹ sư canh nông bản xứ cũng phải tìm đến vườn rau của
người Việt để quan sát, ghi chép rồi phổ biến kỹ thuật trồng rau cho dân
chúng. Dù cung cách trồng rau ở đây vẫn còn đậm nét tiểu nông của Bắc
Việt thời xưa, hoàn toàn không có chút gì mang dáng dấp công nghiệp như
các nông trang hiện đại của người Việt ở Úc Đại Lợi; song le, đất trồng
rau thường là đất công được sử dụng miễn phí, trong khi giá rau lại khá
đắt (xà lách giá khoảng 5-6 USD/kg, khoai môn 7-8 USD/kg, rau muống 4-5
USD/kg, chanh dây 6-7 USD/kg) cho nên người trồng rau vẫn có thể sống
sung túc.
Các anh chị chuẩn bị rau cho một buổi chợ. Tân Đảo 2015
Gặp mặt gia đình. Tân Đảo tháng 5 năm 2015
Con
cháu các bác có đời sống tôn giáo và luân lý khác xa các bác là những
người thuộc thế hệ thứ hai sống ở đây. Một số anh chị sống đạo tốt và
kinh kệ lễ lạy hàng ngày. Một số bỏ lễ chủ nhật. Đời sống hôn nhân có sự
khủng hoảng lớn. Thống kê của chính phủ cho thấy có khoảng 1/3 số cặp
hôn nhân trên đảo ly dị chính thức. Thực tế số ly dị còn cao hơn, vì
nhiều cặp không ra tòa. Trong số con cái các bác, tôi thấy một số anh
chị sống độc thân; một số chung sống với nhau như vợ chồng mà không làm
thủ tục hôn nhân đạo đời; một số cặp bỏ nhau; có 4 anh bị vợ bỏ, hiện
đang ở vậy nuôi con và mang hội chứng sợ phụ nữ. Khổ thân! Có một anh,
sau 3 lần cưới người bản xứ và 3 lần bị vợ bỏ, anh đã về Việt Nam cưới
bà vợ thứ bốn. Tất nhiên là không có phép đạo nghĩa gì. Các anh chị như
thế thì con cái rồi sẽ ra sao? Tôi gặp khoảng hơn chục người cháu tuổi
từ 5 cho đến khoảng hơn 30. Có mấy cháu nói được tiếng Việt khá và hầu
hết vẫn hiểu tiếng Việt, nhưng quan niệm sống thì khá “man rợ”, có lẽ vì
các cháu vừa ảnh hưởng luân lý “thô sơ” của người bản địa, vừa ảnh
hưởng lối sống tự do tính dục của người Pháp thời hiện đại. Có cháu gái
mới 20 tuổi mà đã chung sống với bạn trai có 2 con, một 4 tuổi, một 2
tuổi. Trong khi đó một cháu trai lai da đen mới 17 tuổi, đã bỏ học, ở
nhà làm vườn, đang đòi sang năm đủ 18 tuổi sẽ ra ở riêng và sẽ lấy vợ!
Tôi thấy ở đảo này, mặc dù kiếm tiền dễ dàng, nhưng vì là nơi xa cách
với phần còn lại của thế giới, ít dân, ít tiện nghi (có lẽ ít hơn cả ở
Việt Nam), ít có các sinh hoạt giải trí, văn hóa, khoa học, cho nên giới
trẻ dễ sa đà vào chuyện nghiện ngập, nhất là nghiện hút cần sa
(cannabis), một thứ cây được trồng khá phổ biến, bán công khai tại nhiều
gia đình, nhất là người bản xứ.
Có
một điều tôi lấy làm an ủi và mang lại ít nhiều hy vọng là sự quan tâm
đến nhau và ý thức gắn kết giữa các thành viên trong đại gia đình còn
khá mạnh. Qua các câu chuyện và qua quan sát, tôi thấy giữa các bác với
nhau, dù đã lớn tuổi và sống cách nhau từ vài km đến vài chục km, nhưng
rất quan tâm đến cuộc sống của nhau và quan tâm đến các con các cháu của
nhau. Các con các cháu nhà bác này chạy sang nhà bác kia, ăn uống, trò
chuyện và chia sẻ công việc với nhau rất cởi mở và thân thiện. Các bác
cũng còn có tiếng nói trên đời sống của các cháu chắt và các cháu chắt
cũng còn ít nhiều biết nghe lời bố mẹ và các cô dì chú bác. Các con cháu
lai da trắng hoặc da đen vẫn thể hiện nhiều tập quán, nhiều lối ứng xử
điển hình của người Việt làng quê Miền Bắc ngày xưa, cả mặt tích cực lẫn
tiêu cực. Từ lối tổ chức cuộc sống gia đình, cách ứng xử đến cách ăn
uống và đọc kinh cầu nguyện. Chẳng hạn khi biết tin tôi đến, các bác và
các anh chị ở xa tới tấp gọi điện thoại thăm hỏi và buổi tối thì mọi
người già trẻ lớn bé bồng bế, dắt nhau chạy đến nhà bác nơi tôi ở để
thăm viếng và trò chuyện đến khuya giống y cảnh nhà quê Bắc Việt thời
trước. Ngay bữa đầu tiên các bác đã chiêu đãi thịt gà và gỏi cá truyền
thống theo đúng quan niệm “cơm gà cá gỏi” của người Bắc xưa khi đãi
khách. Trước hôm tôi về tất cả các bác cùng con cái dâu rể cháu chắt bỏ
việc nguyên ngày để hội lại cùng cầu nguyện, ăn uống, trò chuyện và xem
phim ảnh về gia đình, dòng họ từ 10g sáng đến 5g chiều. Tôi ngạc nhiên
nhất khi thấy bà vợ của một ông bác, người bản xứ da đen, nấu món giả
cầy và cuối bữa ăn bà còn nổi hứng hát mấy bài kính Đức Mẹ bằng tiếng
Việt. Bà cũng hiểu được tiếng Việt khá khá và trong khi nói chuyện bằng
tiếng Pháp bà cũng dùng một số từ ngữ Việt Nam như người Việt sinh ra ở
đây…
Cơm gà cá gỏi. Bữa ăn tại nhà một người bác ở Tân Đảo tháng 5 năm 2015
Bác dâu người bản địa melanésiene chuẩn bị món bún giả cầy. Tân Đảo 2015
4.
Hiếu khách dường như là đặc tính chung của cư dân các đảo xa? Ngay buổi
chiều khi tôi đến, các thầy dòng Maristes trong vùng đã đến ăn cơm
chung và mời tôi sang hôm sau dâng lễ ở tu viện các thầy. Ngay trưa hôm
sau, hai cha xứ trong quận Paita cũng đến ăn cơm, trò chuyện thân thiện
như người nhà và mời tôi làm lễ chiều ở một nhà thờ. Cha Phêrô Ngô Quang
Quý, từ thủ phủ Nouméa, cách khoảng 30 km cũng có mặt. Quý soeurs Dòng
Tiểu muội Đức Mẹ Maria thì lấy vòng ốc và y phục bản xứ choàng lên người
tôi theo phong tục địa phương. Thầy Georges, người đã tìm tôi ở Roma,
tình nguyện chở tôi đi thăm Nhà thờ Chính Tòa và Tòa Tổng Giám Mục… Đức
TGM Michel-Marie-Bernard Calvet năm nay 71 tuổi, thuộc Dòng Maristes, là
người cởi mở và hiếu khách. Ngài làm linh mục năm 29 tuổi, làm giám mục
phụ tá năm 35 tuổi và làm tổng giám mục năm 37 tuổi, cho biết Tổng Giáo
phận có hai giáo phận trực thuộc là Wallis-et-Futuna và Port-Vila, là
hai quần đảo nằm ở phía Đông. Việc truyền giáo tại giáo phận từ khởi đầu
cho đến ngày nay chủ yếu do các thừa sai Dòng Maristes. Tổng Giáo phận
hiện có 31 giáo xứ và khoảng hơn 50 nhà thờ lớn nhỏ, với số nhân danh
khoảng 140 nghìn, tức là chiếm hơn một nửa số dân của đảo quốc. Trong
khi đó già trẻ chỉ có 10 linh mục triều, 17 linh mục Dòng Maristes, 6
linh mục đến từ các đơn vị khác. Vì ít linh mục và nhiều đảo xa xôi, cho
nên một số nơi 2 tháng mới có lễ một lần. Trong số 10 linh mục triều,
có cha Jean Patrick là người lai Việtvà có cha Phêrô Ngô Quang Quý, là
thuyền nhân đến đây năm 1975. Đức TGM Calvet có vẻ rất tự hào vì đã nhận
cha Quý vào Chủng viện của TGP, đã đào tạo và truyền chức cho ngài và
nay lại là người tích cực cộng tác với ngài trong tư cách Chưởng ấn của
TGP và Chính xứ một giáo xứ lớn tại thủ phủ Nouméa. TGP cũng có 2 chủng
sinh thuộc dòng Maristes, đang học tại Fiji và hơn 20 chục thầy thuộc
các hội dòng Thánh Tâm, La San, Maristes và khoảng gần 100 nữ tu thuộc
Dòng Thánh Giuse Cluny, Dòng Tiểu muội của Đức Mẹ Maria và Dòng Thừa sai
của Đức Mẹ Maria. Ơn gọi tu sĩ cũng rất hiếm nên phần lớn các thầy các
soeurs đều thuộc dạng lớn tuổi và các nhà dòng đang thu hẹp dần quy mô
hiện diện và hoạt động…
Đón tiếp khách từ xa đến theo phong tục địa phương. Tân Đảo 2015
Cha Giuse Nguyễn Năng Vịnh và cha Giuse Nguyễn Duy Tôn
5.
Ông Jean Lemaire, vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường Trung học Công
giáo của Tổng Giáo phận, nay đã về hưu, tình nguyện đưa tôi đi thăm
Noumea và vùng phụ cận. Ông quả là một thổ địa của Nouméa và là một
hướng dẫn viên du lịch tuyệt vời, biết phải đưa khách đến nơi nào và
biết chọn điểm nhìn tốt nhất cho từng danh lam thắng cảnh. Sau khi đi
thăm thành phố, ông đưa tôi đến thăm nhà thờ Việt Nam và thăm mấy gia
đình Công giáo Việt Nam. Qua các câu chuyện xưa nay và nhờ tập sách mỏng
về lịch sử cộng đoàn Công giáo Việt Nam do cha Ngô Quang Quý tặng, tôi
được biết đại khái rằng thời trước năm 1954, người Việt Công giáo ở Tân
Đảo tự tổ chức sống đạo với nhau theo tập tục mang theo từ Miền Bắc. Khi
ấy các ông bà kết hôn với nhau không có phép cưới; con cái sinh ra họ
tự rửa tội và tự dạy đạo theo kiểu truyền khẩu, nhờ vậy các bác nay còn
thuộc nhiều kinh bổn, kể các các kinh cầu khó thuộc như kinh cầu chịu
nạn, kinh cầu trái tim Đức Chúa Giêsu. Mãi đến năm 1954 mới có cha từ
Việt Nam sang giúp đỡ giáo dân sống đạo. Số là vào năm 1953, Đức cha
Phạm Ngọc Chi, Giám mục Bùi Chu, gửi cha Giuse Nguyễn Năng Vịnh sang
giúp nhóm người Việt Công giáo đang làm việc ở Port-Vila, Vanuatu, cách
Tân Đảo khoảng 500 km về phía Đông. Trên đường đến Vanuatu, ngài ghé qua
Nouméa, thủ phủ của Tân Đảo. Chứng kiến tình cảnh khốn khổ hồn xác của
người Việt Công giáo đang lưu lạc ở đây, ngài đã gợi ý Đức Giám Mục tại
Nouméa xin một linh mục Việt Nam đến đây giúp họ và cha Giuse Nguyễn Duy
Tôn đã tới Tân Đảo năm 1954 theo đề nghị này. Cộng đồng Công giáo Việt
Nam khi ấy đã xây dựng một ngôi thánh đường khá khang trang tại khu vực
thủ phủ Nouméa và ngôi thánh đường đó được tái thiết năm 1978 và vẫn tồn
tại cho đến nay, trở thành Trung tâm Công giáo Việt Nam. Nghe một số
ông bà trong Hội đồng Mục vụ nói rằng hiện nay một tháng hai lần cha xứ
người Pháp vẫn dâng lễ cho cộng đoàn. Ngài xướng bằng tiếng Pháp và giáo
dân, dù nói được tiếng Pháp, vẫn thưa đáp bằng tiếng Việt. Dịp Giáng
Sinh và Phục Sinh cộng đoàn thường mời một cha Việt Nam từ bên Úc Đại
Lợi qua làm lễ riêng cho người Việt. Xem chương trình Tuần Thánh năm
2015 còn dán ở ở nhà thờ, tôi thấy cái cách họ sống đạo đúng như các xứ
đạo cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ vậy.
Ông Jean Lemaire và hai ông trong Hội Ái hữu Việt Nam. Tân Đảo 2015
6.
Nơi sau cùng ông Jean Lemaire, đưa tôi đến là cơ sở của Hội Ái hữu Việt
Nam, nằm trong một khu đất khá rộng, nhìn ra đường phố và dựa lưng vào
núi. Hội đã dựng được một Ngôi nhà Sinh hoạt khá khang trang, có cả nhà
kho, nhà bếp, nhà ăn, nhà ở, bãi để xe, sân tennis và sân bóng đá. Các
cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ và Châu Âu cũng không có được cơ sở tốt
như vậy. Những hình ảnh và thông tin trưng bày tại Trung tâm cho thấy
Hội Ái hữu có vẻ có những sinh hoạt hiệu quả, thu hút được nhiều người
tham gia. Lúc chúng tôi đến, các ông bà trong Ban Điều hành, đang trang
trí hội trường và đặt bàn ăn chuẩn bị cho bữa dạ tiệc và dạ vũ tối thứ
bẩy tuần đó để lấy tiền giúp dân Vanuatu, trong đó có người Việt Nam,
mới bị siêu bão càn quét, tàn phá hồi giữa tháng 3 vừa rồi. Ông Chủ tịch
cho biết Hội đang giúp những đồng hương người Việt muốn đón thân nhân
từ Việt Nam sang thăm Tân Đảo. Hội cử hẳn một đại diện về Việt Nam để
liên lạc với Tòa Đại sứ Pháp và hướng dẫn thủ tục cho những thân nhân
được mời. Tôi thấy hầu hết người Việt hiện nay ở Tân Đảo đều sinh ra và
lớn lên ở đây, trong khi tổ tiên họ đã rời quê hương từ thời thuộc Pháp,
nên họ không có lập trường quốc gia hay cộng sản gì; tuy nhiên, trong
hành trình tìm về cội nguồnhiện nay, họ có liên lạc và tỏ ra thân thiện
với nhà nước cộng sản và cái tên “Ái hữu” cũng đủ cho thấy họ phần nào
ảnh hưởng cộng sản trong cách dùng từ ngữ. Ông Chủ tịch Hội có vẻ rất tự
hào vì việc Đài truyền hình Việt Nam đã làm và đã phát trên kênh TV 4,
một phim tài liệu về người Việt ở Tân Đảo. Tôi cũng xin nói thêm, ngay
cổng vào Trung tâm Ái hữu có một ngôi chùa Việt mang tên là Nam Hải Phổ
Đà, cổng khóa kín mít và nội tự hoang vắng; một phật tử cao niên và hiểu
biết ở đây cho tôi biết rằng trước đây có một nhà sư từ Việt Nam qua
trụ trì, nhưng vì phật tử đã ít lại chia rẽ và chống đối nhau, nên nhà
sư đã bỏ về lại Việt Nam.
7.
Trưa thứ bẩy, tôi về lại Úc Đại Lợi. Thầy Georges, hai bác và ba chị
tiễn tôi ra phi trường. Khi tôi đã qua cửa kiểm tra an ninh mọi người
vẫn còn đứng vẫy tay theo. Lưu luyến đúng kiểu Việt Nam. Trên chuyến bay
vắng vẻ, lòng tôi buồn vui lẫn lộn. Nhóm người Việt nhỏ bé lưu lạc và
sót lại ở Tân Đảo này không phải là tầng lớp tinh hoa của dân tộc Việt;
không có trình độ văn hóa, văn minh cao và không thành công nhanh chóng
và to lớn như người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản từ 1975 tại Úc Đại
Lợi, Tây Âu và Bắc Mỹ. Mặc dù vậy, họ cũng không bị mang tiếng xấu là
gian tham, trộm cắp, lười biếng, buôn lậu, buôn ma túy, buôn người như
nhiều người Việt theo cộng sản hoặc ảnh hưởng cộng sản mới đi ra ngoại
quốc trong những thập niên gần đây. Dù gốc gác chỉ là những người dân
quê chất phác, nhưng khi đến mảnh đất tự do này, từ thân phận là tầng
lớp thấp kém nhất trong xã hội, nhờ những đức tính tốt đẹp của người
Việt truyền thống, người Việt ở Tân Đảođã từng bước cố gắng vươn lên,
làm nên hình ảnh một cộng đồng hiền lành, cần cù, chịu khó, thật thà,
lương thiện. Họ đã thành công và đã giành được cảm tình của chính quyền
cũng như sự ngưỡng mộ và cả chút ganh tỵ của cư dân trên đảo này. Họ
đang làm vẻ vang dân tộc Việt. Dù ít ỏi nhưng họ luôn tự hào là người
Việt và thể hiện những giá trị tốt đẹp của người Việt thời xưa còn sót
lại. Tôi nghĩ họ may mắn vì đã không phải sống trong chế độ cộng sản và
không bị họa cộng sản làm cho tha hóa như phần lớn những người đồng
hương của họ sinh ra và lớn lên ở đất Mẹ Việt Nam trên dưới nửa thế kỷ
qua. Chiêm ngưỡng cuộc sống của họ ở đảo này, tôi nghĩ rằng giả như tà
thuyết cộng sản không du nhập Việt Nam và Việt Nam không bị chế độ cộng
sản thống trị, thì người Việt trong nước tối thiểu cũng đã có cơ may
hạnh phúc và thành công như người Việt ở Tân Đảo này và trong con mắt
của cộng đồng quốc tế, tối thiểu người Việt cũng có những đóng góp tích
cực và nhận được sự tôn trọng của các dân nước khác như cộng đồng người
Việt ở Tân Đảo này. Sau cùng điều làm tôi cảm động và khâm phục người
Việt ở đây nhất, ấy là dù chỉ là một nhóm dân nhỏ bé, xa cách đất mẹ đã
lâu, nhưng họ vẫn không ngừng ý thức bản sắc dân tộc và tôn giáo của
mình, tìm cách bảo tồn và xây dựng những giá trị Việt của mình giữa giữa
các sắc dân đông tây khác đang sống nơi đây. Điều ấy thể hiện ngay
trong số những anh chị em họ của tôi. Khi vừa về đến Roma, anh chị
Darto-Toethi Van, tuổi gần 60, đã gửi email cho tôi những tấm hình cũ
của họ hàng và xin tôi nói cho họ biết tên tuổi và tương quan từng người
trong dòng họ. Anh chị cũng ước mong tôi có thể thăm Tân Đảo lâu hơn để
có nói với họ về truyền thống và về gia đình dòng họ. Cái ước mong của
anh chị và cũng là của nhiều người Việt ở đây cho tôi tin tưởng rằng
tương lai của cộng đồng người Việt nhỏ bé này có thể sẽ sáng hơn một khi
họ còn biết ý thức và tìm về cội nguồn của mình như vậy./.
0 comments:
Post a Comment