Wednesday, May 27, 2015

"Người Việt thiếu gì thứ hay, sao cứ chuộng đồ Trung Quốc?"


Thứ hai, 25 Tháng 5 2015 Phan Thế Hải
Thật khó có thể phát triển các làng nghề nếu những nghệ nhân Việt chỉ biết làm theo đồ… 'Trung Quốc' mà không được thổi nguồn cảm hứng để sáng tạo.
Đợt nghỉ lễ, lượn qua nhà mấy ông bạn cũ lâu ngày không hội ngộ. Kinh tế khởi sắc, ông nào cũng nâng cấp nhà cửa, sắm sanh đồ đạc, nhân cơ hội nghỉ lễ mời nhau đến nhà để khoe khoang. Điều ngạc nhiên là không ai bảo ai, nhà nào cũng bày đặt tượng Quan Công, Khổng Minh, tượng ông Tam đa, rồi tranh bát mã- rặt đồ Trung Quốc, rồi chữ trên cuốn thư, đại tự, câu đối cũng… Trung Quốc nốt.
Tôi hỏi : Người Việt mình thiếu gì thứ mà tôi thấy các ông đều chơi đồ Trung Quốc ?
- Mốt nó thế. Toàn là những thứ mua ở các làng nghề. Làng nghề nào cũng làm chừng đó thứ !



Những chiếc đèn lồng đầy tiếng Trung trên phố đồ chơi Hàng Mã. Ảnh : Báo Lao động
Vậy là tại làng nghề ? Tiện thể, tôi lại tạt qua mấy làng nghề ở ngoại thành, nơi "phát tích" toàn những thứ đồ mỹ nghệ, thờ cúng vẫn được các đại gia khuân về. Hỏi một nghệ nhân đồ chạm khắc : Tôi thấy người Việt mình có ối thứ hay, thậm chí có thứ được công nhận là di sản văn hoá thế giới, sao không thấy bác làm mà toàn làm đồ Trung Quốc ? Trả lời : Thị trường cần gì thì mình làm thứ đó. Rằng, mấy ông quan chức bày đồ Tàu, thường dân cứ thế làm theo, đâm ra những thứ đó bán chạy.
Vậy là, quan trí đã chi phối đến dân trí ! Thói quen "làm theo" đã khiến người ta sùng bái đồ Trung Quốc vì những thứ này có từ thời Bắc thuộc.
Thôi thì đền chùa xây đã lâu, bia bảng khắc chữ Trung Quốc đã đành rồi, những thứ mới xây, cũng vẽ chữ Trung Quốc, thế mới lạ.
Vậy những người có chữ nghĩa, hồn cốt dân tộc ở đâu mất rồi ?
Mới đây, dư luận rộ lên chuyện vị nọ tặng một cô hoa hậu đôi câu đối trong đó có câu : "Vân tưởng y thường hoa tưởng dung". (Nhìn mây nhớ đến xiêm áo, thấy hoa nhớ đến dung nhan). Đám choai choai rỗi việc vào hỏi ông Gúc (Google) thì té ra đó là câu thơ của Lý Bạch trong bài "Thanh Bình Điệu" mà nhà thơ họ Lý dùng để tả Dương Quý Phi, một trong tứ đại mỹ nhân xứ Trung Hoa cổ xưa.
Mấy năm trước, làng nghề Bát Tràng có bộ tượng Chí Phèo- Thị Nở khá độc đáo, bán rất chạy. Nhưng đó là bức tượng Chí Phèo với chai rượu uống dở, Thị Nở cười nhăn nhở… Người ta biết đến Chí Phèo của Nam Cao bởi câu chuyện tình vườn chuối với ánh trăng miên man gợi tình- hồi hộp, hấp dẫn, còn chuyện rượu chè, chả thiếu !
Người Việt đâu thiếu chuyện hay. Ngay như chuyện Thằng Bờm và thương vụ đàm phán nổi tiếng trong lịch sử : Bán chiếc quạt mo ! Đó là cuộc đàm phán bình đẳng, sòng phẳng, có thương lượng, có tiến, có lùi với phần thắng thuộc về Phú ông, mua được chiếc quạt mo mà không phải tốn kém "ba bò chín trâu" hay "bè gỗ lim" mà chỉ bằng… nắm xôi ! Chuyện này hay và nổi tiếng đến nỗi nghe đâu đã được một người Mỹ gốc Việt đưa vào giảng dạy ở Harvard Business School. Vậy mà các nghệ nhân chưa ai khai thác.
Rồi nữa, hàng loạt danh thắng được UNESCO vinh danh : Vịnh Hạ Long, Phong Nha- Kẻ Bàng, Thành Nhà Hồ, cố đô Huế, Phố cổ Hội An… Bao nhiêu thứ có thể sáng tạo, mô phỏng, đó là chưa kể đến hàng loạt các di sản văn hoá phi vật thể khác có thể vật thể hoá để làm quà tặng…
Chúng ta mải miết cổ vũ cho việc học tập và làm theo mà ít khi có những cuộc vận động cho việc sáng tạo. Cơn lốc hội nhập đang đến gần, du khách nước ngoài vào Việt Nam tìm đỏ mắt cũng chả thấy đồ lưu niệm nào mang hồn cốt, bản sắc dân tộc. Trong khi đó, đồ Tàu thì rất sẵn và nếu nhập từ Tàu về, giá cả lại cạnh tranh hơn.
Thật khó có thể phát triển các làng nghề nếu những nghệ nhân Việt chỉ biết làm theo đồ… Tàu mà không được thổi nguồn cảm hứng để sáng tạo.

Phan Thế Hải
Theo TuanVietnam, 24/05/2015

0 comments:

Powered By Blogger