Thursday, February 19, 2015

NĂM MÙI NÓI CHUYỆN DÊ


PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.



THÂN THẾ VÀ THÂN THUỘC DƯƠNG TỘC
Năm 2015 là năm Ất Mùi tức là năm con dê. Tên Hán- Việt của dê là Dương. Tên khoa học của dê là Capra hircus hay dài dòng hơn là Capra aegagrus hircus thuộc gia đình Bovidae như trâu bò. Dê là loài động vật có vú, có xương sống, có máu đỏ, sinh con.
Dê có vóc dáng của nai và chó. Khác với chó, dê có sừng. Sừng dê ngắn. Sừng nai dài và có nhiều nhánh. Dê đực và dê cái đều có râu và có móng đặc. Dê có mặt giống thỏ. Cả hai loại thú này đều ăn cỏ, lá cây, các loại lá có mùi nồng như lá bù xít Ageratum conyzoides. Nhiều nơi ở Việt Nam gọi bù xít là hoa cứt lợn. Người Anh gọi là goat’s weed có lẽ vì dê thích ăn loại lá có mùi hôi nồng này. Dê con ăn cả lá dứa, lá bã đậu và cây xương rồng. Lá so đũa Sesbania grandiflora là thức ăn ưa thích nhất của dương tộc. Dê đực già có râu và có sừng. Thỏ chỉ có tai dài. Dê và thỏ đều sợ ẩm. Phân dê và phân thỏ đều cứng và không có công dụng lớn trong đời sống nông nghiệp ở Việt Nam. Ở Việt Nam chỉ có cộng đồng người Ấn hay người Chàm nuôi dê để ăn thịt và uống sữa mà thôi.
Dê được các dân tộc Á Châu và đông Địa Trung Hải thuần hóa cách đây 9,000 năm. Ngày nay dê được nuôi khắp thế giới. Dê có thể sống ở vùng khí hậu khô hạn, miền núi và miền khí hậu ôn đới, lạnh hay bán hàn đới như Alaska, tây bắc Canada và Hoa Kỳ. Có 600 giống dê khác nhau trên thế giới.
Ở Trung Đông và Hy Lạp có nhiều loại dê hoang. Loại dê núi lông trắng, thẳng và dày ở Alaska, tây bắc Canada và tây bắc Hoa Kỳ là loại dê hoang. Loài dê này có thể nhảy từ vách núi này sang vách núi kia một cách dễ dàng. Điều này cho thấy chân của dương tộc rất khỏe nên có thể leo cây, leo núi và nhảy từ mõm đá này sang mõm đá khác dễ dàng.



Giống dê nhỏ nhất là dê lùn Pakistan cao lối 46 cm (1.5 feet) và cân nặng 09 ki-lô (20 pounds). Trái lại dê Ibex Capra aegagrus sống hoang dã trong miền núi ở Trung Á, Nubia, Ai Cập, núi Alps, Tây Bá Lợi Á cao đến 1.07 m (3.45 feet) và cân nặng đến 135 ki-lô (300 pounds).
Về màu sắc dê có lông màu đen, trắng, xám, đỏ và hung đỏ. Dê đực và cái đều có râu. Dê đực già có sừng cứng, dài và nhiều râu. Loại dê Tahr trên dãy Hi Mã Lạp Sơn Hemitragus jemlahicus, dê núi Oreamnos americanus ở tây bắc Canada và Hoa Kỳ, dê Markhor Capri falconeri có lông dài và dày để chống lạnh. Dê từ 01 tuổi đến 1.5 tuổi rưỡi có thể bắt cặp. Dê mang thai trong 145- 150 ngày thì sinh con. Mỗi con dê cái sinh từ 02 đến 03 con. Dê mới sinh có thể đứng dậy vài phút sau khi sinh. Dê con lớn rất nhanh. Sau khi sinh hai ngày dê con vừa bú sữa mẹ vừa tập ăn lá cây và tập leo, nhảy trên các mõm đá. Dê mẹ sinh con sau 05 tháng thì có thể bắt cặp để có những lứa dê con khác.
Người ta nuôi dê Saanen, Toggenberg, Alpine để lấy sữa. Một con dê Saanen ở Thụy Sĩ có thể cho 900 lít sữa mỗi năm. Dê Nigeria cung cấp da. Dê Angora cho lông trắng mịn rất đẹp dùng để dệt vải mohair nổi tiếng. Dê La Mancha và dê Tây Ban Nha Capra pyrenaica (tiếng Tây Ban Nha: cabra montes) cho nhiều thịt, sữa, lông và da.
Thân thuộc gần của dê là trừu mang tên khoa học Ovis aries. Về hình dáng và trọng lượng dê và trừu gần như nhau. Tuổi bắt cặp (1.5 tuổi) và thời gian mang thai của trừu và dê cũng ngang nhau: 145- 150 ngày. Trừu có nhiều lông hơn dê. Những loại dê vùng khí hậu ôn, hàn đới cũng có lông dày. Lông dê thẳng; lông trừu dày và xoăn lại. Đuôi dê và trừu đều ngắn. Đuôi dê dỉnh lên; đuôi trừu cụp xuống. Dê năng động, leo trèo khi ăn lá cây trên cao. Trừu có vẻ chậm chạp và hiền hòa hơn. Tuy dê và trừu là thân thuộc rất gần, sự pha chủng giữa dê và trừu đến nay vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng ngoại trừ một trường hợp thành công khi chủng giống giữa một con dê đực và một con trừu cái. Nhưng đây là một trường hợp thành công đơn lẻ.



Sơn dương ( chamois) mang tên khoa học Rubicapra rubicapra là thân thuộc của dê ở miền núi. Móng chân sơn dương rất đặc biệt nên khi phóng nhảy trên vách núi đá không bị trợt hay té ngã. Sơn dương được tìm thấy nhiều trên bán đảo Balkans, dãy núi Caucasus, Altai, Alps. Ở miền Nghệ An và Hà Tĩnh có một loại sơn dương được liệt vào loài sơn dương hiếm quí vì ít thấy trên thế giới.
Linh dương ( antelope) là thân thuộc xa của dê có vóc dáng to lớn, sừng dài và uốn khúc trong khuôn mặt dê, trừu và thân xác khá to của bò con. Có những con linh dương Eland cân nặng đến 1,000 ki- lô! Địa bàn sống của linh dương là các thảo dã Phi Châu. Các loài linh dương thường thấy là linh dương Kudu Tragelaphus strepsiceros, linh dương Eland Taurotragus oryx rất nặng cân, linh dương Nilga Boselaphus tragocamelus, linh dương Duiker Sylvicapra grimmia ăn lá cây, trái cây, chuột, ếch, nhái và có thể nhịn khát trong một thời gian dài. Khi trời mưa chúng không cần uống nước. Linh dương Duiker cái to lớn và nặng cân hơn linh dương đực. Linh dương Statunga Tragelaphus spekei thường được tìm thấy ở các đầm lầy.



Linh dương Eland
DƯƠNG TỘC TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
Loài người biết thuần hóa dương tộc từ 9,000 năm trước. Dê trừu được nuôi thành đàn để lấy thịt, sữa, lông và da. Trên thế giới hiện nay có gần 01 tỷ con dê và trên 01 tỷ con trừu. Trung Hoa có 150 triệu con dê; Ấn Độ: 125 triệu con. Á Châu là nơi có nhiều dê nhất thế giới với 512 triệu con; Phi Châu: 295 triệu; Úc Đại Lợi: 3.5 triệu; Âu Châu: 16 triệu và Mỹ Châu: 38 triệu. Trung Hoa nuôi nhiều trừu nhất thế giới với 136 triệu con; Úc Đại Lợi: 80 triệu; Ấn Độ: 65 triệu; Iran: 53 triệu; Tân Tây Lan: 34 triệu; Anh: 33 triệu.
Người Ấn Độ dùng thịt dê để nấu cà ri. Người Trung Hoa cho rằng dương nhục bổ dương nên trân quí món dương nhục hầm thuốc Bắc. Người Hy Lạp, Ý Đại Lợi, các dân tộc Trung Á, Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh thích ăn thịt dê, huyết dê, gan dê và ngoại thận của dê.
Da dê dùng làm giày, bóp, túi xách. Ngày xưa ở Âu Châu người ta dùng da dê làm bình chứa rượu nho.
Lông dê dùng để sản xuất vải Mohair. Sữa dê dùng để uống, làm yogurt, làm phô- mai (cheese) . Sữa dê bổ và dễ tiêu hóa hơn sữa bò. Vùng Brie thuộc hạt Seine et Marne ở Pháp nổi tiếng về việc sản xuất phô- mai từ sữa bò và sữa dê. Phô- mai làm từ sữa dê gọi là chèvre (con dê). Vùng Poitou và thung lũng sông Loire nổi tiếng về phô- mai sữa dê. Truyền thống này có từ thế kỷ VIII khi đạo quân Hồi Giáo Moors đánh chiếm Tây Ban Nha và tiến về Tây Nam nước Pháp nên việc chăn nuôi dê phát triển với sự hiện diện của đạo quân Hồi này. Người Ý gọi phô- mai sữa dê là caprino.
Chân của loài dê rất mạnh nên người ta dùng xương dê kết hợp cùng xương cọp (hổ cốt), xương trăn, xương khỉ để nấu cao.
Người Ấn Độ, các dân tộc du mục ở Trung Á ăn nhiều thịt dê. Các nước Ả Rập theo đạo Hồi ở Trung Đông ăn nhiều thịt trừu hơn thịt dê. Các món ăn thịt trừu được các dân tộc sống quanh biển Địa Trung Hải (người Hy Lạp, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và các dân Ả Rập theo đạo Hồi) ưa thích. Sữa trừu được dùng như sữa dê. Nó dùng để uống, làm yogurt, làm phô- mai Roquefort ở Pháp, Manchego (Tây Ban Nha), Pecorino romano (Ý) v.v. Úc Đại Lợi nuôi nhiều trừu để khai thác lông. Trừu nuôi được 06 tuổi mới bắt đầu cắt lông dùng trong kỹ nghệ dệt len, sản xuất áo ấm. Thịt trừu cũng được ưa thích tại đây.
Có lối 800 loại trừu khác nhau trên thế giới. Các giống trừu nổi tiếng là trừu Merinos, Rambouillet, Lincoln, Leicester, Costwold, Romney, Suffolk, Hampshire. Dê và trừu mang nhiều lợi ích kinh tế cho loài người. Dê tương đối khỏe mạnh hơn trừu. Về lợi ích kinh tế trừu có vẻ quan trọng hơn dê vì cho nhiều thịt, sữa nhất là lông. Vào thế kỷ XVII, XVIII Tây Ban Nha nổi tiếng với trừu Merinos. Họ cấm xuất cảng loại trừu này. Nhưng cũng vì chăn nuôi nhiều trừu mà nhiều đất đai của Tây Ban Nha trở nên cằn cỗi vì bị xâm thực. Vào thế kỷ XIX trừu bị bịnh than ( anthrax) và chết rất nhiều ở Pháp và Âu Châu. Nhà bác học Louis Pasteur nghiên cứu vi trùng bịnh than Baccilus anthracis và bào chế ra thuốc chích nhằm chận đứng chứng bịnh tệ hại này hầu cứu vãn ngành chăn nuôi trừu của Pháp.
Ở các xã hội du mục ở Trung Á, Trung Đông, Phi Châu, sự giàu có được đánh giá qua đàn dê, trừu hay bò. Dê núi Ibex được người Ba Tư và Ai Cập sớm thuần hóa. Trong các mộ cổ của vua chúa Ba Tư ngày xưa có tượng dê Ibex. Hình ảnh dê cũng được tìm thấy trong mộ của vua Ai Cập Tutankhamun.
Trong ngôn ngữ Việt Nam chữ dê xồm trở thành một hinh dung từ ám chỉ người đàn ông thích tán tĩnh người khác phái. Cho đến bây giờ người viết cũng chưa hiểu rõ ý nghĩa bóng gió của hai câu thơ sau đây:
Dê xồm ăn trái khổ qua,
Ăn nhằm đậu đũa chết cha dê xồm.
Đó là thức ăn ngon của dê? Hay dê ăn các món đó thì ngã lăn ra chết? Khổ qua và đậu đũa có hợp chất hóa học gì kỵ nhau? Dê ăn xương rồng có gai và nhựa vẫn không bị trúng độc. Câu thứ hai nói về đậu đũa Vigna unguiculata? hay so đũa Sesbania grandiflora mà dê ưa thích?
- Trừu tổ cũng có nghĩa tương đương với dê xồm.
- Cà dái dê Solanum melongena là trái cà tím có hình giống ngoại thận của con dê đực.
- Treo đầu dê bán thịt chó là những cụm từ nói lên sự phỉnh gạt của người buôn bán bày hàng tốt nhưng bán hàng xấu.
- Dâm dương hoắc là một loại thảo mộc mang tên khoa học Epimedium grandiflorum được dùng làm thuốc kích dục dựa vào thói quen của loài dê thường hay tìm dê cái giao tình sau khi ăn lá cây dâm dương hoắc. Người Trung Hoa gọi là Yin yang huo (Âm Dương Hoắc) hay Tiên Linh Bì ( Xian ling pi). Chữ Dương trong Âm Dương Hoắc không liên hệ gì đến loài dê cả (Âm -; Dương +). Chữ Âm (Yin) được âm trại thành Dâm. Người Anh gọi dâm dương hoắc là horny goat weed (dương giác thảo) .
- Dương giác (sừng dê), dương can (gan dê), dương huyết (huyết dê), dương nhu (sữa dê), dương nhục (thịt dê), dương thận (ngoại thận của dê đực) được xem như những bài thuốc bổ dương trong Đông Y.
- Cừu non là từ ngữ ám chỉ người ngây thơ, thiếu kinh nghiệm. Chữ sheep ngoài nghĩa là con trừu con có nghĩa là ngây thơ, nhút nhát.
Tương truyền rằng năm 1883, lúc vua Hiệp Hòa làm lễ đăng quang, nhà vua thấy một đàn dê đi qua cầu. Vua cho đó là điềm bất lành vì dê là Dương. Người Âu Châu kể cả Pháp được gọi là người Tây Dương. Lúc bấy giờ người Pháp muốn thiết lập nền bảo hộ ở Bắc và Trung Kỳ. Vua Hiệp Hòa muốn thương nghị với Pháp để loại bỏ ảnh hưởng của hai quan nhiếp chánh lộng quyền lúc bấy giờ là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Hiệp ước năm Quí Mùi 1883 (hòa ước Harmand) được ký kết công nhận sự bảo hộ của Pháp ở Trung- Bắc Kỳ. Hiệp ước vừa ký xong vua Hiệp Hòa bị ép uống thuốc độc chết. Quan phụ chánh Trần Tiễn Thành bị giết chết tại nhà vì không cùng đường lối cực đoan với hai quan phụ chánh Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường.
Từ khi đề 40 con được phổ biến sâu rộng ở Nam Bộ, dương tộc mang số 35. Từ đó số 35 tượng trưng cho người có nhiều dương tính thích ve vãn phụ nữ.
Trong truyện Tàu có Tô Vũ (Su Wu), sứ giả nhà Hán, bị Hung Nô đày lên Bắc Hải chăn dê.
Trong khoa phong thủy ( geomancy) Trung Hoa có thế đất Hổ trục quần dương (cọp đuổi đàn dê) được xem là thế đất tốt mang lại lợi lộc và quyền hành.
Văn sĩ Alphonse Daudet của Pháp có viết về dê trong Le Chèvre de Monsieur Seguin. Văn sĩ Rabelais đề cập đến Dê trong Garguantua et Pantagruel.
La Fontaine có bài ngụ ngôn Le Loup et l’Agneau (Chó Sói và Cừu Non) mở đầu bằng câu La raison du plus fort est toujours la meilleure (Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng) như một chân lý cay đắng phũ phàng bất di dịch với không gian và thời gian.
Capra là tiếng La Tinh chỉ con Dê. Những chữ capri, capric, caprice, capricious (hay thay đổi), Capricorn đều có liên hệ đến dương tộc.
Ở Ý có đảo Capri rộng 14 km2. Vào thập niên 1950, 1960 ở Âu Châu có một loại xe gắn máy hiệu Capri.
Ở Namibia (Phi Châu) có dải Caprivi Strip dài 450 km và rộng từ 30- 105 km.
Capri fig hay goat fig là một loại trái sung mang tên khoa học Ficus carica sylvestris.
Capric acid hay Decanoic acid C10 H20 O2 là ác xít tìm thấy nhiều trong sữa dê. Ác xít capric có mùi khó ngửi. Nó được dùng trong ngành sản xuất nước hoa, đồ plastic, cao su, kỹ nghệ dược phẩm, mỡ dầu cho máy xe.
Goat weed là cây bù xít có mùi rất nồng. Nông dân thường chặt cây bù xít đặt dưới các mô khoai lang để khoai có nhiều củ.
Tiếng Pháp chèvre là con dê. Chèvrefeuille là kim ngân hoa Lonicera japonica.
Trong thực vật học có gia đình dương diệp Caprifoliaceae.
Trong thiên văn học có sao Capricorn tức Dương Tinh. Chòm sao Capricorn nằm giữa chòm sao Sagittarius và Aquarius.
Trong la bàn tử vi Tây Phương sao Capricorn nằm trên cung thứ 10. Người sinh trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng 12 đến 19 tháng giêng dương lịch chịu ảnh hưởng của sao Capricorn. Người Anh cũng dùng chữ Goat (Dê) để ám chỉ người dâm loạn.
Trong 40 số đề Dê chiếm số 35 sau con Nai (số 34) và trước con Chồn (số 36).
Dê là một trong 12 con giáp được biết dưới tên Mùi hay Vị. Năm Mùi theo sau năm Ngọ và đứng trước năm Thân. Năm Mùi là năm Âm (-). Ta có:
- Ất Mùi (1895, 1955, 2015, 2075)- Hành Kim
- Đinh Mùi (1907, 1967, 2027, 2087)- Hành Thủy
- Kỷ Mùi (1919, 1979, 2039, 2099)- Hành Hỏa
- Tân Mùi (1871, 1931, 1991, 2051, 2111)- Hành Thổ
- Quí Mùi (1883, 1943, 2003, 2063)- Hành Mộc
Giờ Mùi kéo dài từ 01 giờ trưa đến 03 giờ trưa
Tháng Mùi là tháng 06 Âm Lịch. Năm Mùi ứng vào sao Thiên di (thường hay di chuyển, sống xa sinh quán, làm công việc có tính cách lưu động v.v.). Người có mắt dê (goat’s eyes) thì cô đơn, ương ngạnh và sớm mồ côi.
Tuổi
Hợp
Không Hợp
Mùi
Mão, Hợi, Ngọ
Thìn, Tuất, Sửu, Tí

BIẾN CỐ LỊCH SỬ QUAN TRỌNG VÀO NĂM MÙI CỦA THẾ KỶ XX
- 1907: Phong Trào Duy Tân ở Việt Nam; Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội; hội nghị hòa bình La Haye
- 1919: Hiệp ước Versailles; sự ra đời của Cộng Hòa Weimar ở Đức; Phong Trào Ngũ Tứ ở Trung Hoa; Chương Trình Tám Điểm của Nhóm Ngũ Long ở Paris do Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh sau này) mang đến hội nghị Versailles.; Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay vượt Đại Tây Dương lần đầu tiên trên thế giới; sự ra đời của Camicia Nera ở Ý (Đội Quốc Gia Chiến Đấu Áo Đen); sự thành lập Tổ Chức Quốc Tế Lao Động (ILO)
- 1931: Báo động ở Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Đông Dương; Nhật chiếm Mukden (bây giờ là Shenyang- Thẩm Dương) ở Mãn Châu; tác phẩm Good Earth của Pearl Buck, nữ văn sĩ Hoa Kỳ biết nhiều về phong tục, tập quán của người Trung Hoa; Mao Zedong (Mao Trạch Đông) lập Cộng Hòa Sô viết Giang Tây (Jiangxi)
- 1943: Trận đánh Stalingrad; quân Hoa Kỳ đổ bộ lên Ý Đại Lợi; Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ chiếm đảo Gilbert tức đảo Kiribati bây giờ (Thái Bình Dương); hội nghị thượng đỉnh ở Teheran (Churchill- Stalin- Roosevelt); hội nghị Quebec (Anh và Hoa Kỳ).
- 1955: Hội nghị thượng đỉnh Anh- Pháp- Hoa Kỳ- Liên Sô ở Geneva; trưng cầu dân ý ở miền Nam Việt Nam nhằm lật đổ quốc trưởng Bảo Đại (23-10); hiệp ước Thân Hữu, Hợp Tác và Hổ Tương ký ở Warsaw giữa Liên Sô và 07 quốc gia Cộng Sản Đông Âu (không có Liên Hiệp Nam Tư- Yugoslavia).
- 1967: Hội nghị Manila giữa tổng thống Hoa Kỳ Johnson và tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ; hiến pháp đệ nhị VNCH; tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử tổng thống; chiến tranh 06 ngày giữa Do Thai- Ai Cập+ Syria+ Jordan.
- 1979: Chiến tranh biên giới giữa CHXHCNVN và CHNDTQ sau khi quân Cộng Sản Việt Nam xâm chiếm Cambodia lật đổ chánh quyền Pol Pot theo chủ nghĩa Maoist; vua Pahlavi của Iran bị lật đổ; Iran trở thành Cộng Hòa Hồi Giáo Iran; 63 người Hoa Kỳ bị bắt làm con tin.
- 1991: Chiến tranh vùng Vịnh; đảo chánh ở Liên Sô; Gorbachev bị lật đổ. Ông trở thành người lãnh tụ Cộng Sản cuối cùng. Liên Sô tan rã.
- 2003: Phi thuyền con thoi Columbia bốc cháy, 07 phi hành gia tử nạn; Liên Bang Yugoslavia (Nam Tư) đổi quốc hiệu Serbia & Montenegro; chiến tranh Iraq do Anh và Hoa Kỳ chủ động; Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) cầm quyền ở CHNDTQ (chủ tịch và tổng bí thơ đảng Cộng Sản); Trung Quốc phóng phi thuyền Shenzhou 5 (Thẩm Châu) có người; bức nhiệt ở Paris (44 độ C- 112 độ F- 144 người chết; cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein bị bắt ở nơi sinh quán Tikrit (13- 12).
NHÂN VẬT QUAN TRỌNG SINH VÀO NĂM MÙI
1. Mikhail S. Gorbachev (1931- ) là người lãnh đạo trẻ tuổi nhất ở Liên Sô (54 tuổi). Gorbachev có tư tưởng cởi mở hơn tất cả các nhà lãnh đạo Cộng Sản ở Liên Sô từ thời Stalin đến Chernenko. Người ta cho rằng ông chịu ảnh hưởng của vợ ông, Raisa, người từng dạy ông ở đại học. Thực tế ông Gorbachev ghê sợ chế độ Cộng Sản. Gia đình của ông là nạn nhân của chế độ và trải qua những phút kinh hoàng dưới thời Đại Thanh Trừng do Stalin phát động. Đường danh vọng của ông mở rộng nhờ khả năng và sự nhẫn nhục của ông nhất là sự giúp đỡ tận tình của ông Andropov, người đồng hương với ông. Andropov (1914- 1984) là trùm KGB và lãnh đạo của Liên Sô từ năm 1982 đến 1984 sau khi Brezhnev chết. Gorbachev lên cầm quyền với tư cách chủ tịch nhà nước và tổng bí thơ đảng năm 1985 sau khi Chernenko chết đột ngột. Ông thực thi perestroika nhằm cải cách kinh tế và xã hội và glasnost tức đường lối cởi mở, lành mạnh hóa xã hội chống tham nhũng và tệ đoan xã hội. Đối với các nước Tây Phương ông chủ trương tài giảm binh bị. Năm 1988 Liên Sô rút quân khỏi Afghanistan. Năm 1989 chế độ Cộng Sản sụp đổ ở các nước Đông Âu. Đông và Tây Đức thống nhất. Năm 1989 là năm Gorbachev ban hành luật bầu cử bắt buộc đảng viên Cộng Sản phải ra tranh cử đương đầu với ứng cử viên không Cộng Sản. Năm 1990 ông được bầu làm tổng thống đầu tiên của Liên Sô. Cũng năm này ông lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình. Năm 1991 Gorbachev bị đảo chánh. Chế độ Cộng Sản cáo chung ở Liên Sô.
2. Boris Yeltsin (1931- 2007) là tổng thống Nga đầu tiên sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Liên Sô. Yeltsin xuất thân từ một gia đình nông dân khá giả trước cách mạng tháng 10. Vì lẽ đó cha ông bị xem là thành phần chống chế độ Cộng Sản và bị đưa vào trại cải tạo tập trung lao động. Khác với Gorbachev, Yeltsin không phải là một người học giỏi mà một người hiếu động, thích thể thao, đánh vật. Vì trộm một trái lựu đạn và vì không biết sử dụng lựu đạn nên lựu đạn nổ làm có một bàn tay của ông bị mất gần hết các ngón. Yeltsin được sự nâng đỡ của Gorbachev. Ông là người mạnh dạn xé thẻ đảng Cộng Sản và công khai chỉ trích Gorbachev cải cách quá chậm. Khi xe tăng đảo chánh Gorbachev xuất hiện ở Moscow ông đứng trên xe tăng lên án các quân nhân chủ trương đảo chánh. Cá nhân ông Gorbachev được an toàn nhưng ông phải từ chức. Liên Sô giải thể. Yeltsin được bầu làm tổng thống đầu tiên của Liên Bang Nga (1991). Dưới thời cai trị của ông nước Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô trật tự do tệ nạn du đãng, tứ đổ tường, sự suy lụn kinh tế gây ra. Yeltsin là người nghiện rượu. Trong cuộc khủng hoảng giữa hành pháp và lập pháp ông giải tán quốc hội và cho nã đạn bắn vào quốc hội. Năm 1996 ông tái đắc cử. Nhưng sự lãnh đạo của ông càng ngày càng kém cỏi hơn. Năm 1999 ông từ chức và chọn Putin xử lý quyền tổng thống cho đến khi tổ chức cuộc bầu cử khác. Ông mất năm 2007.
3. John Maynard Keynes (1883- 1946) là nhà kinh tế lỗi lạc của Anh giữa hai thế chiến và giáo sư đại học Cambridge nơi cha ông giảng dạy và bản thân ông từng tốt nghiệp đại học nổi tiếng này. Ngay từ lúc mới vào lớp mẫu giáo Keynes đã nổi tiếng về khả năng toán học. Ông đậu cử nhân toán với điểm số cao nhất vào năm 1904. Giáo sư và là nhà kinh tế nổi tiếng Alfred Marshall khuyến khích Keynes theo học kinh tế học. Năm 1909 bài viết kinh tế đầu tiên của Keynes được phát hành. Năm 1911 ông là chủ bút tờ Economic Journal. Ông Keynes có tham dự hội nghị Versailles năm 1919. Ông khó chịu trước những đòi hỏi bồi thường quá nặng của Pháp đối với Đức. Ông viết The Economic Consequences of Peace (Những Hậu Quả Kinh Tế Thời Bình) để tiên liệu những khó khăn kinh tế mà Đức phải đương đầu sau hiệp ước Versailles. Ông Keynes chỉ trích Anh duy trì kim bảng vị. Đồng bảng Anh có giá trị cao nhưng gây trở ngại cho việc xuất cảng hàng hóa Anh, nạn thất nghiệp tăng vọt thời hậu đệ nhất thế chiến. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới Hoa Kỳ và Anh bị ảnh hưởng nặng nề. Kinh tế gia Keynes chủ trương chống tăng thuế, chống chánh sách khắc khổ, chống việc sụt giảm chi tiêu của chánh phủ. Ông chủ trương chánh phủ phải can thiệp để chấm dứt khủng hoảng kinh tế, gia tăng vay mượn nợ và chi xài để tạo công ăn việc làm cho một số tài nguyên nhân lực thất nghiệp ngồi nhà chịu đói khổ vì không có công ăn việc làm. Năm 1942 John Maynard Keynes được phong tước quí tộc. Ông tham dự hội nghị Bretton Woods với Hoa Kỳ và có vai trò quan trọng trong dự án thành lập World Bank (Ngân Hàng thế giới) và International Monetary Fund (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế). John Maynard Keynes mất năm 1946.
4. Benito Mussolini (1883- 1945) là nhà độc tài phát xít Ý gốc là một giáo viên, một hạ sĩ trong đệ nhất thế chiến. Ông đả kích những sắp xếp của hội nghị Versailles và thành lập đảng cực hữu cấp tiến gọi là đảng Phát Xít ( fascio: bó, chùm tượng trưng cho sự liên kết, liên minh). Mussolini thành công trong việc cướp chánh quyền bằng bạo lực năm 1922. Ông có tham vọng biến nước Ý thành một đế quốc như đế quốc La Mã ngày xưa. Năm 1936 Ý sáp nhập Ethiopia. Trong ba quốc gia trong phe Trục, Nhật ở Á Châu; Đức và Ý ở Âu Châu, Ý là quốc gia yếu nhất trong phe Trục. Từ tham vọng đế quốc Mussolini phải nhờ sự giúp đỡ và bảo vệ của Đức Quốc Xã. Quân Đồng Minh đổ bộ vào miền Nam nước Ý năm 1943. Mussolini lẩn trốn ở Salo ở miền Bắc. Năm 1945 ông bị Cộng Sản Ý bắt cùng với tinh nhân là Clara Petacci. Cả hai bị xử bắn ở làng Giulino di Mezzegra. Thầy của Mussolini bị treo ngược đầu ở thành phố Milan.
5. Juan Dominico Peron (1895- 1974) là nhà độc tài quân nhân ở Argentina. Ông làm tổng thống ba lần: 1. từ 1946- 1951, 2. từ 1951- 1955 (bị đảo chánh), 3. 1973- 1974. Ông có ba đời vợ. Bà vợ thứ nhất là Aurelia Tizon chết năm 1938. Bà vợ thứ hai là Eva Duarte là người đã giúp ông trên đường danh vọng. Người vợ thứ ba là Isabel Martinez. Ông cưới bà Isabel năm 1961 sau khi mất chánh quyền 06 năm. Năm 1955 Peron bị lật đổ. Ông bỏ chạy sang Panama rồi sống lưu vong ở Tây Ban Nha dưới sự che chở của nhà độc tài Franco. Năm 1973 Peron về nước và được đắc cử tổng thống. Vợ ông, bà Isabel, là phó tổng thống. Năm 1974 ông mất. Bà Isabel trở thành nữ tổng thống đầu tiên ở Tây Bán Cầu. Bà vợ thứ hai và thứ ba của Juan Peron đều sinh vào năm Mùi và có tên tuổi lớn trên chánh trường Argentina.
Eva Duarte Peron được biết dưới tên Evita (1919- 1952) là một ngôi sao điện ảnh. Bà trở thành một huyền thoại ở Argentina. Chính những công tác xã hội và tôn giáo của bà giúp cho tướng Peron thành công lớn trong sự nghiệp chánh trị. Bà luôn luôn đấu tranh cho nữ quyền, cho người lao động, cho những người mình trần không áo che thân ( Descamisados). Bà giữ chức tổng trưởng Y Tế và Lao Động dưới thời tổng thống Peron. Năm 1951 bà được Peron đưa lên làm phó tổng thống. Năm sau bà mất vì bịnh nan y trước sự thương tiếc của giới lao động, các nhà hoạt động từ thiện Thiên Chúa Giáo. Hàng trăm ngàn người tiễn đưa bà đến nơi an giấc ngàn thu. Giới quân phiệt và thượng lưu giàu có ở Argentina không có thiện cảm với bà. Evita (Tiểu Eva) là tựa đề của một cuốn phim nói về cuộc đời và những hoạt động xã hội, cứu tế và nhân quyền của bà. Bài hát Don’t Cry For Me, Argentina (Argentina, Xin Đừng Khóc Cho Tôi) nổi tiếng là bài hát tán tụng công đức của bà đối với quê hương Argentina của bà.
Bà Isabel Peron (1931- ) là vợ thứ ba của Peron. Bà là một nữ ca sĩ gặp ông Peron năm 1955 ở Panama sau khi Peron bị lật đổ. Năm 1961 Peron cưới bà làm vợ và đưa bà về Tây Ban Nha. Năm 1965 bà Isabel về Argentina móc nối với các ủng hộ viên của tổng thống Peron. Năm 1973 Peron từ Tây Ban Nha về nước tham dự cuộc bầu cử tổng thống và được đắc cử. Bà Isabel trở thành phó tổng thống. Năm 1974 Peron mất. Bà Isabel trở thành tổng thống xứ Argentina. Khác với bà Evita, bà Isabel là người thất nhân tâm, không được sự mến chuộng của dân chúng Argentina. Bà không có đường lối hay chánh sách gì rõ rệt mà mải mê bói toán. Bà áp lực tổng thống Peron trọng dụng thầy bói José Lopez Raga trong chánh phủ. Ông này điều khiển tổ chức 3A (AAA) tức Liên Minh Argentina Chống Cộng (Argentina Anti- Communist Alliance) gây khủng khiếp cho các đảng viên Cộng Sản, những người tả khuynh thân Cộng và những người đối lập với bà Isabel, chỉ nhắm mục đích củng cố địa vị cho nữ tổng thống. Năm 1976 quân đội đảo chánh. Bà Isabel Peron bị cầm tù đến năm 1981 mới được thả và sống lưu vong ở Tây Ban Nha. Chánh phủ Argentina đòi dẫn độ bà về xứ để làm nhân chứng về những hoạt động đẫm máu của tổ chức 3A nhưng chánh phủ Tây Ban Nha từ chối viện lẽ bà đã già yếu (2008).

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

0 comments:

Powered By Blogger