Wednesday, December 2, 2015

Nhật điều binh, hỏa tiễn tới gần quần đảo Senkaku

Giữa lúc căng thẳng với Trung cộng ngày một gia tăng, thì Nhật đã cân nhắc việc gửi binh sĩ được trang bị vũ khí tối tân tới đồn trú trên một hải đảo gần với quần đảo tranh chấp Senkaku (mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư). Theo dự trù, sự điều động binh sĩ này sẽ hoàn tất vào năm 2019 và nhằm để ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Theo thông tin của tờ Thời báo Hoa Thịnh Đốn (Washington Times), Nhật sẽ huy động khoảng 500 lục quân được trang bị các vũ khí tối tân như hỏa tiễn phòng không và hỏa tiễn chống tàu chiến tới trú đóng trên các hòn đảo thuộc vùng viễn tây tỉnh Okinawa. Các hòn đảo này nằm cách quần đảo Senkaku 170 cây số đường chim bay.

Tờ Thời báo Nhật Bản (Japan Times) được trích dẫn cho biết ông Phó Thủ tướng Nhật Kenji Wakamiya đã hội kiến với Thị trưởng của đảo Ishigaki, tức là nơi gần quần đảo Senkaku nhất, vào ngày 26 tháng Mười Một để giải thích về các kế hoạch điều binh.

Tờ Thời báo Nhật Bản còn cho biết rằng: “Chính phủ đang cân nhắc việc điều động một đơn vị an ninh nhằm ứng phó nhanh nếu một hải đảo bị xâm chiếm và một đơn vị điều khiển các hỏa tiễn phòng không và chống tàu chiến tới đó”. Cuộc điều binh sẽ hoàn tất trong giai đoạn tăng cường lực lượng quốc phòng trung hạn năm năm tới.

Các vụ “xâm phạm” của Trung cộng

Bản tin trên được loan tải giữa lúc có sự gia tăng các vụ tàu hải quân Trung cộng xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật Bản xung quanh các hải đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông (East China Sea). Ba chiếc tàu Hải Tuần Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản gần với các hải đảo vừa nêu vào ngày 30 tháng Mười Một mới vừa qua. Bắc Kinh đang đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền trên quần đảo Senkaku kể từ khi chính phủ Đông Kinh (Tokyo) thu mua quần đảo này từ một tư nhân hồi năm 2012 và đặt nó dưới quyền sở hữu của nhà nước. Vụ tàu Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp lần này là lần thứ 32 trong năm nay.

Hai ngày trước, phi cơ quân sự Trung cộng, kể cả mấy chiếc oanh tạc cơ, đã thực hiện các cuộc thao diễn trên vùng trời gần tỉnh Okinawa. Đông Kinh đã phản ứng bằng cách điều mấy chiếc phản lực cơ tiêm kích lên xua đuổi. Hồi tháng Mười, chính phủ Nhật loan báo rằng các phản lực cơ của Không lực Hoàng gia Nhật đã thực hiện 123 chuyến bay để ngăn chặn phi cơ Trung cộng xâm phạm vùng trời trong sáu tháng kể từ tháng Tư năm nay.

Trong bối cảnh này, các kế hoạch điều binh được loan báo ở trên là một phản ứng với những gì mà Đông Kinh coi là sự hiếu chiến ngày càng tăng của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Những lo ngại nghiêm túc

Nhật Bản lộ vẻ hồi hộp và điều này hoàn toàn có thể hiểu được nếu chúng ta xét tới các vụ bồi đắp các hòn đảo nhân tạo với mục đích chủ yếu là lập ra các tiện nghi đồn trú quân sự ở Biển Hoa Nam (Biển Đông của Việt Nam). Các vùng nước tiềm tàng năng lượng dồi dào vốn đã bị tranh chấp từ lâu, và Việt Nam, Phi Luật Tân và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền trên nhiều đảo nhỏ li ti ở Biển Hoa Nam và các vùng nước vây quanh.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phớt lờ sự phản đối của các chính phủ trong khu vực. Và Đông Kinh không hề có ý định cho phép một điều tương tợ xảy ra trong quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông.

Giáo sư Jeff Kingston, giám đốc Viện Nghiên cứu Á châu tại trường đại học Temple University của Nhật cho biết rằng: “Nhật Bản rõ ràng rất lo âu về hoàn cảnh hiện nay và đang chỉnh đốn các khả năng bảo vệ an ninh. Đây là kết quả trực tiếp từ sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Sự chỉnh đốn ấy đã được đẩy mạnh hơn kể từ khi ông Abe vận động được Quốc hội Nhật tu chính các luật quốc nội về khả năng tự phòng vệ tập thể. Ông Kingston nói: “Ông Abe rõ ràng tin rằng Nhật cần phải làm nhiều hơn nữa nhằm đóng góp cho việc bảo vệ an ninh trong khu vực. Đây cũng là điều mà Mỹ kỳ vọng ở nước đồng minh của mình”.

Nhật hiện có thể đã rất cảnh giác trước tình trạng Trung Quốc nắm quyền kiểm soát nhiều tuyến đường hàng hải trên Biển Hoa Nam. Đây là các tuyến đường mà các nguồn cung ứng nhiên liệu quan trọng của Nhật được vận chuyển ngang. Nhưng mối đe dọa tới quần đảo Senkaku là một mối đe dọa cận kề với Nhật hơn hết.

Sự tăng cường lực lượng quân sự

Là một phần của sự tái cân nhắc trong chiến lược quốc phòng, Nhật đang đầu tư mạnh tay vào quân cụ nhằm bảo vệ an ninh cho các hòn đảo xa nhất của mình hoặc trong tình huống tồi tệ nhất là cho khả năng tái chiếm vùng lãnh thổ bị xâm chiếm.

Nhật đã mua 17 chiếc phi cơ vận tải tối tân V-22 Osprey của Hoa Kỳ, các chiếc tiêm kích tàng hình F-35 để thay thế cho các chiếc phi cơ tiêm kích F4 Phantom già nua; và những chiếc phi cơ không người lái Global Hawke. Trong khi đó, chiếc hàng không mẫu hạm Izumo đã được hạ thủy mới vừa rồi.

Nhật còn đang khai triển một lữ đoàn đông 680 quân nhân mà nhiệm vụ cụ thể là để tác chiến và tái chiếm một vùng lãnh thổ hẻo lánh nào đó của Nhật trong tình huống nó bị ngoại bang xâm chiếm.

Chính phủ Đông Kinh đã dành riêng ra 4.98 ngàn tỷ yên (tương đương với 42.1 tỷ Mỹ kim) cho chi tiêu quốc phòng trong năm tài chánh 2015, tức là năm thứ ba liên tục mà chi tiêu quốc phòng được gia tăng. Ngân sách quốc phòng của năm tới rất có thể sẽ tiếp tục gia tăng.

Một học giả khách mời tại Viện nghiên cứu Thế giới Sự vụ Meiji, ông Jun Okumura, phát biểu rằng: “Trung Quốc gia tăng ngân sách quân sự thêm 10 phần trăm mỗi năm trong vòng 30 năm qua, với hầu hết sự đầu tư ấy là vào các lực lượng hải quân và hỏa tiễn. Như vậy chuyện Đông Kinh coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất cho sự toàn vẹn lãnh thổ của mình chỉ là điều tự nhiên thôi”.

“Bây giờ chúng ta chứng kiến Nhật Bản đang dần dần tăng cường lực lượng quân sự trên các hải đảo tây nam. Điều này khiến cho việc đôi bên thiết lập được một mối quan hệ làm việc rõ ràng thậm chí càng trở thành quan trọng hơn bao giờ hết, kể cả các thông cáo và các giao thức về thời điểm và địa điểm hoạt động của hai lực lượng quốc phòng”.

Bằng không, theo các nhà phân tích, một vụ va chạm nhỏ, bất ngờ cũng có thể nhanh chóng biến thành một vụ rắc rối quốc tế lớn.

Dù sao chăng nữa, Giáo sư Kingston tin rằng sẽ khó có chuyện Bắc Kinh lập lại hành động chiếm đảo như ở Biển Hoa Nam và tiếm đoạt quần đảo Senkaku.

Ông nói: “Hoa Kỳ có sự hiện diện đáng kể ở Okinawa và tây Thái Bình Dương nên tôi tin rằng khả năng một cuộc xâm lăng của Trung cộng là hầu như không hiện hữu, mặc dù đôi bên sẽ theo dõi lẫn nhau rất sát sao”.


02/12/2015

0 comments:

Powered By Blogger