Tuesday, December 8, 2015

Nga đòi HĐBA họp kín về hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Irak


Trọng Nghĩa / Đăng ngày 08-12-2015


Một phiên họp tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.REUTERS/Lucas Jackson

Mátxcơva đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc thảo luận kín về các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Irak. Cuộc họp kín này có thể diễn ra ngay hôm nay, 08/12/2015. Đòi hỏi của Nga là dấu hiệu mới nhất phản ánh xu hướng gia tăng căng thẳng giữa Mátxcơva và Ankara.
Theo hãng tin Anh Reuters, thông tin về yêu cầu họp kín của Nga đã được nhiều nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc xác nhận, cho dù phái bộ Nga từ chối bình luận. Đối với giới ngoại giao, chắc chắn là cuộc họp cũng sẽ đề cập đến sự cố ngày 24/11 với việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Nga gần biên giới với Syria.
Theo các nhà ngoại giao, cuộc thảo luận theo yêu cầu của Nga có thể được mở ra ngay sau một cuộc họp kín của 15 thành viên Hội Đồng Bảo An dự trù vào 3 giờ trưa nay tại New York. Hoa Kỳ, Chủ tịch luân phiên trong tháng này của Hội Đồng Bảo An, sẽ chủ trì các cuộc thảo luận.
Cho đến nay, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tranh cãi về vụ chiếc Sukhoi 24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Phía Ankara khẳng định rằng chiếc máy bay Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và đã liên tục phớt lờ các lệnh cảnh cáo. Mátxcơva ngược lại cho rằng phi cơ của mình vẫn ở trên không phận Syria, nơi Nga đang tiến hành chiến dịch không kích để hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad.
Quan hệ Mátxcơva-Ankara lại căng thẳng thêm vào hôm qua với việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho triệu mời đại sứ Nga lên để phản đối một sự cố xẩy ra cuối tuần trước, theo đó một người lính Hải quân Nga bị cáo buộc là giương súng phóng tên lửa lên khi chiếc tàu Nga đi qua eo biển Bosphore, vi phạm các quy định của thủ tục đi qua vô hại.
Theo một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã cảnh cáo Đại sứ Nga là không nên để một sự cố tương tự tái diễn.
Bên cạnh mâu thuẫn với Mátxcơva, Ankara cũng đang bị Bagdad tố cáo vì đã triển khai một đơn vị quân đội vũ trang hùng hậu ở miền Bắc Irak, Bagdad dọa kiện Ankara trước Hội Đồng Bảo An, trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ rút lực lượng của mình.
Tuy nhiên vào hôm qua Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ không rút quân, viện lý do là đơn vị của mình thuộc một lực lượng quốc tế được giao nhiệm vụ huấn luyện binh lính Irak để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Chính quyền Bagdad đã phản đối, cho rằng không hề mời một lực lượng như vậy.
Giới quan sát hiện chưa rõ là liệu Nga có nêu bật lời khiếu nại cụ thể của Irak hay không, và cũng không biết là phái đoàn Nga có muốn Hội Đồng Bảo An hành động hay không.

Căng thẳng Mátxcơva-Ankara: Kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga thành nạn nhân

Trọng Nghĩa / Đăng ngày 04-12-2015


Nga sẽ cấm nhập rau quả từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh tại một siêu thị ở Matxcơva, ngày 01/12/2015. Trái cây nhập tạm còn bày bán, nhưng ghi rõ xuất xứ.Reuters

Công nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị trục xuất hàng loạt, doanh nhân Thổ bị câu lưu, trung tâm văn hóa Thổ bị đóng cửa : Hơn một tuần sau vụ chiến đấu cơ Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, gây nên một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ hai nước, cộng đồng người Thổ ở Nga ngày càng gánh chịu hậu quả cơn thịnh nộ của Matxcơva.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trên các phương tiện truyền thông Nga trong những ngày gần đây, đã xuất hiện rất nhiều thông tin về các vụ lao động Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ và thường khi bị trục xuất. Chẳng hạn như số 24 công nhân làm việc ỏ công trường Anapa, miền Tây Nam nước Nga, đang chờ bị trục xuất, hay số 26 công nhân bị bắt ở Stavropol, cũng ở miền Tây Nam, hoặc là ba lao động Thổ bị trục xuất ở Krasnokamensk, gần biên giới Trung Quốc.
Lao động thì như vậy, doanh nhân cũng không thoát. Ở thành phố Krasnodar, miền Nam nước Nga, một phái đoàn 39 doanh nhân Thổ đến tham dự triển lãm nông nghiệp đã bị câu lưu, và lần nào cũng thế, nguyên nhân được nêu lên đều là « vi phạm luật nhập cư ».
Cho dù hợp pháp, các vụ bắt giữ nói trên đều rất bất thường tại Nga trong bối cảnh lao động Thổ Nhĩ Kỳ chiếm tỷ lệ quan trọng trong ngành xây dựng ở Nga, và chính quyền vẫn thường làm ngơ trước những trường hợp không mấy hợp lệ.
Bên cạnh các vụ bắt giữ, hành động sách nhiễu cũng trở nên thường xuyên : Tại thị trấn Khimki, phía tây bắc Mátxcơva, cảnh sát chống bạo động ngay giữa đêm khuya, đã mở chiến dịch khám soát nơi ở của khoảng 400 công nhân làm việc cho công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ Mebe. Công ty Mebe hiện diện ở Nga từ 20 năm nay, và đã xây dựng tại nước này rất nhiều công trình từ khách sạn hạng sang đến căn hộ cao cấp…
Trả lời AFP, bà Irina Lebedeva, Giám đốc Nhân sự của công ty Mebe, cho biết là cảnh sát đã viện cớ an ninh quốc gia để xông vào lục soát, và đã sử dụng cách thức thô bạo, dùng đến cảnh sát chống bạo động. Các công nhân Thổ Nhĩ Kỳ và người đến từ các nước Trung Á phải in dấu tay trước khi được trả tự do.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ rất lo ngại trước tình hình xấu kể trên. Đại sứ quán Thổ ở Matxcơva đã nói đến sức ép trên công dân Thổ, và cho biết trong những ngày gần đây, họ đã nhận được rất nhiều thư kêu cứu của kiều dân Thổ ở Nga, từ doanh nhân, người lao động cho đến sinh viên, hay người dân bình thường.
Quan hệ văn hóa cũng bị ảnh hưởng : Ngày 01/12 vừa qua, Bộ trưởng giáo dục Nga, trong một thông cáo, cho biết là phần lớn trong số 44 đại học Nga đã đình chỉ mọi hợp tác với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nga-Thổ mà trụ sở nằm trong một thư viện lớn ở Matxcơva - mà nhiệm vụ là hỗ trợ cho sinh viên, cung cấp tài liệu văn học, giảng dạy tiếng Thổ - đã thông báo đóng cửa, các chương trình gặp gỡ giao lưu bị hủy bỏ. Trung tâm này không biết rõ lý do đóng cửa, và cũng không biết bao giờ được mở lại.
Giới làm ăn buôn bán người Thổ bám trụ ở Nga từ rất lâu cũng bắt đầu cảm thấy lo ngại vào lúc ngày càng có thêm những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Một dây chuyền nhà hàng Thổ ở vùng Tcheliabinsk - ở miền Tây Siberia – mới đây đã mau mắn loan báo là « nhân danh tình hữu nghị gữa hai dân tộc » , một ngày doanh thu của dây chuyền này sẽ được tặng cho gia đình viên phi công tử nạn.
Trả lời AFP, Dmitri Kostilev, giám đốc dây chuyền nhà hàng trên giải thích là chủ nhân các nhà hàng là người Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù chưa có hành động bạo hành nào đuợc ghi nhận, nhưng họ rất lo sợ.

0 comments:

Powered By Blogger