Leon Aron - Trần Quốc Việt (Danlambao)
dịch - Khi toàn bộ các mặt trận “sụp đổ” trong những ngày đầu tiên Đức
xâm lăng và “những tiếng kêu tuyệt vọng” đổ dồn về “trung tâm” từ “khắp
mọi nơi” để xin chỉ thị và mệnh lệnh, Stalin trốn biệt trong nhà nghỉ
của ông ở Kuntsevo suốt mười ngày (1) (nhà văn nổi tiếng Ales’ Adamovich
viết rằng mười ngày này nổi bật hẳn lên ngay cả trong vô vàn những hành
động không thể nào tha thứ của Stalin.) (2) Bộ tư lệnh Xô viết dường
như hoàn toàn bối rối, quá bất ngờ, và bất tài. Họ phạm hết sai lầm này
đến sai lầm khác. Vì thế vào đêm ngày 22 tháng Sáu, các tập đoàn quân
Mặt trận phía Tây, vốn đã bị binh lính và xe tăng Đức xuyên thủng, được
Mạc Tư Khoa ra lệnh phải “phản công” ngay lập tức và chiếm thành phố
Lyublin nằm ở phía Ba Lan “của Đức”. Khi họ phản công theo mệnh lệnh ấy,
chẳng bao lâu đa phần các tập đoàn quân này đều bị tiêu diệt phần lớn
và đầu hàng (3).
Khuyết điểm đắt giá nhất là bộ tư lệnh Xô viết bất lực hay không muốn tổ
chức phòng thủ chiến lược sâu và ra lệnh triệt thoái, qua đấy có thể đã
cứu được hàng triệu sinh mạng.* Thay vì thế, bộ tổng tham mưu tư lệnh
Xô viết tối cao lại thường, theo lời một sử gia, “ném” hàng triệu và
hàng triệu binh lính vào “dưới đầu máy xe lửa Đức” cho tới khi tinh thần
chiến đấu hết sức anh dũng của những người lính thường đã chặn đứng
được lực lượng vũ trang Đức khi họ chỉ cách Mạc Tư Khoa chưa đến 50 cây
số. Vào lúc ấy, theo lời sử gia quân đội, Trung tướng Nikolai Pavlenko,
Stalin qua lời thuật lại đã sẵn sàng van xin Hitler cho hưởng hòa bình
dưới những điều kiện nhục nhã nhất.
Pavlenko nhớ lại cuộc họp ở nhà nghỉ của Zhukov tại làng Sosnovka bên
ngoài Mạc Tư Khoa vào giữa thập niên 1960, nguyên soái Georgy Zhukov hồi
tưởng về những ngày đầu của cuộc chiến. Sắp được bổ nhiệm làm chỉ huy
Mặt trận phía Tây, ông được diện kiến với Stalin và Beria. Bất ngờ
Stalin bắt đầu nói về chuyện vào năm 1918 Lenin đã ký hiệp ước hòa bình
riêng rẽ với Đức để rút Nga ra khỏi Đệ nhất thế chiến và để cứu chế độ
Xô viết với cái giá tổn thất rất lớn về lãnh thổ. Thấy quân thù tiến gần
đến thủ đô và không đủ lực lượng bảo vệ thủ đô, Stalin cảm thấy nên cần
thiết noi gương Lenin và yêu cầu Beria thử “thăm dò qua những đường dây
mật của ông.” Theo Zhukov, Stalin theo lời thuật lại sẵn sàng từ bỏ
không chỉ các nước Baltic mới chiếm được và Moldavia, mà còn cả Belarus
và một phần Ukrain. (Beria thực sự đã tìm ra được người làm trung gian
để tiếp xúc với Berlin, nhà ngoại giao người Bulgaria tên Statenov,
nhưng Hitler hy vọng thắng nhanh nên không quan tâm đến thương lượng.)†
Leon Aron là học giả và là giám đốc nghiên cứu Nga học (Russian studies) ở viện American Enterprise Institute, Hoa Kỳ.
Nguồn:
Trích dịch từ tác phẩm “Roads to the Temple” của Leon Aron, phần hai, chương 9, trang 161-162, nhà xuất bản Yale University Press 2012. Tựa đề của người dịch.
Bản tiếng Việt:
_______________________________________
Chú thích:
Toàn bộ các chú thích sau đều từ báo và tạp chí Liên Xô.
(1) Ales’ Adamovich, Nhân dân đã thắng chiến tranh, Moskovskie novosti, 28/2/1988, trang 2.
(2) Báo đã thượng dẫn.
(3) Yuri Geller, Tiếng vang sai lầm của quá khứ, Druzhba narodov, tháng Chín1989, trang 240.
*Báo đã thượng dẫn trang 241.
†Nikolai Pavlenko, Bi kịch và chiến thắng của Hồng quân, Moskovskie novosti, 7/5/1989, trang 9.
0 comments:
Post a Comment