“Phải kỷ niệm thế nào để có lợi cho đất nước. Tới đây, Chủ tịch Ủy
ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân sẽ họp báo cáo lại các
bác, các cụ về chỉ đạo của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị vừa rồi nghe hai
phiên về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, về Trường Sa - Hoàng
Sa và chỉ đạo chặt chẽ với tinh thần lợi ích cao nhất của đất nước.
Chúng ta không sợ ai đâu. Thực ra, dân tộc này, đất nước này, Đảng và
nhà nước không sợ gì cả nhưng làm gì cũng phải tính lợi ích chung...” - Nguyễn Tấn Dũng.
*
Ý nghĩa của lợi ích cao nhất là gì?
Có lợi cho đất nước?
Sáng hôm qua (19/2) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong cuộc họp
với Trung ương MTTQ Việt Nam rằng Đảng, Nhà nước, chính phủ Việt Nam
không quên xương máu chiến sĩ đồng bào hy sinh tại cuộc chiến tranh biên
giới năm 1979 với Trung Quốc nhưng các cuộc kỷ niệm phải tính sao cho
có lợi cho đất nước nhất.
Ba ngày sau khi cuộc tưởng niệm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do
nhân sĩ và đông đảo người dân tại Hà Nội tổ chức bị phá bỉnh bởi dư luận
viên và vũ viên tại tượng đài Lý Thái Tổ, ngày 19 tháng Hai Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trước cuộc họp của Trung ương MTTQ Việt Nam
rằng Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ không quên xương máu đồng bào chiến
sĩ trong cuộc chiến này.
Trong cuộc họp, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu đã thẳng thắn cho biết muốn
nghe quan điểm chính thống của cấp cao nhất có chủ trương gì trong việc
tổ chức lễ tưởng niệm trong dịp 35 năm. Thủ tướng Dũng trả lời rằng vừa
qua Bộ Chính trị đã họp và có những chỉ đạo chặt chẽ với tinh thần tính
đến lợi ích cao nhất của đất nước. Do đó ông khẳng định các hoạt động kỷ
niệm cũng phải tính có lợi cho đất nước nhất.
Thủ tướng đã tiết lộ quyết định của Bộ chính trị để trả lời cho câu hỏi
của GS Phạm Thị Trân Châu cũng như cho toàn dân về quan điểm không thay
đổi của Bộ chính trị, đó là không tổ chức hoạt động gì nếu thấy không có
lợi, và ngược lại chỉ tổ chức khi nó mang lại lợi ích cho dân tộc đất
nước.
Tuy nhiên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng không chia sẻ với người đưa ra câu
hỏi rằng lợi ích cao nhất của đất nước là những gì và khi nào thì có lợi
cũng như ngược lại.
Bên cạnh đó Thủ tướng cũng nhấn mạnh "Đảng, Nhà nước không bao giờ quên
công lao của đồng chí, đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi
trong cuộc chiến tranh biên giới của TQ"
Tuy Thủ tướng nói không quên ơn nhưng khi người dân tổ chức kỷ niệm cái
ngày mà đất nước đau thương ấy như một cách nhớ ơn cụ thể nhất thì nhà
nước lại cho người tới tượng đài Lý Thái Tổ để phá rối bằng mọi cách.
Mâu thuẫn này được bà Lê Hiền Đức, người có mặt tại chỗ và chứng kiến từ
đầu các việc nhố nhăng của vũ viên và dư luận viên cho biết cảm nghĩ
của mình:
“Sáng hôm nay tôi vừa mới đọc được cái câu của Thủ tướng Tấn Dũng phát
biểu trên công luận rằng chúng ta cần phải nhớ ơn những người đã hy
sinh. Thế thì tôi rất thích. Nào! Bây giờ tôi sẽ tìm mọi cách chưa biết
là có nên gọi điện hay như thế nào đấy tìm hiểu xem ông ta tuyên bố là
phải biết ơn những người đã ngã xuống rồi tổ chức tưởng niệm ….thế tại
sao hôm ấy không để cho chúng tôi làm lễ tưởng niệm? Tại sao ông không
chỉ đạo trước cái ngày tưởng niệm đó mà bây giờ ông mới tuyên bố? chẳng
qua đó chỉ là đãi bôi, mồm thì ai cũng nói được tha hồ muốn nói gì thì
nói nhưng tôi cho rằng phải thể hiện bằng hành động, bằng tấm lòng việc
làm cụ thể.”
Câu trả lời với hàm ý theo sau quyết định từ Bộ chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Giáo sư Tương Lai chia sẻ:
“Chắc chắn là ông Thủ tướng người mà nói ra điều đó không phải là ông
không chịu sức ép vì thế câu ông ấy nói tôi vừa đọc xong trên báo Đại
đoàn kết: làm kỷ niệm thế nào cho có lợi cho đất nước, có nghĩa là làm
thế nào một mặt phải giữ được đường lối đối ngoại mà riêng cá nhân tôi
tôi cho là sai lầm nhưng mà bây giờ chắc ông đang trong cái bối cảnh đó
ông phải nói theo ý kiến tập thể chứ ông không một mình một chợ được.”
Chiến
thuật nhảy đầm của nhà cầm quyền VN nhằm ngăn chặn nhân sĩ trí thức
tưởng niệm ngày chiến tranh biên giới 17/2. Ảnh chụp hôm 16/2/2014 tại
Hà Nội.
TS Phạm Chí Dũng, một nhà kinh tế, nhà báo bất đồng chính kiến thì lại
cho rằng Thủ tướng Dũng đang tránh né vấn đề khi phát biểu có tính nước
đôi như vậy. Ông nhắc lại những tuyên bố của Thủ tướng trước Quốc hội
vào cuối năm 2011:
“Có vẻ như đây là một cách nói nước đôi của ông Thủ tướng. Trước đây
Thủ tướng cũng đã từng nói về vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa chủ quyền biển
đảo của Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2011 khi ông đứng trước diễn đàn
Quốc hội và đề cập tới vấn đề này nhưng từ đó đến nay không thấy một
khí sắc nào có vẻ quyết liệt trong ông về tổ chức kỷ niệm theo đúng
nghĩa theo tinh thần dân tộc về Hoàng Sa – Trường Sa.”
Tưởng niệm có làm xấu tổ quốc?
Qua tiết lộ của Thủ tướng người dân được biết là muốn tổ chức ngày vinh
danh người đã nằm xuống vì mũi súng Trung Quốc thì phải tính toán xem
lợi hại như thế nào và tổ chức thì có lợi ích nào cao nhất cho đất nước
mà không bị Trung Quốc gây chuyện để hạnh họe với Bộ chính trị. Bà Lê
Hiền Đức với kinh nghiệm bao nhiêu năm về yếu tố Trung Quốc đặt lại câu
hỏi:
“Ô! Chúng tôi có làm gì mà không có lợi? Chúng tôi đi tưởng niệm có
làm xấu tổ quốc hay không hay là các anh sợ mất lòng thằng Trung Quốc mà
các anh ngăn cản tôi? Chẳng qua là sợ chúng nó hay sao mà không dám đề
chúng tôi làm cái lễ tưởng niệm?
Hôm ấy có một thằng cha tên nó là Phan Trọng Khải, thiếu tá lữ đoàn thông tin 205, nó ra nó phá rối chúng tôi.”
Đối với TS Phạm Chí Dũng thì vấn đề tổ chức kỷ niệm ngày mất Trường
Sa-Hoàng Sa cũng như biên giới phía Bắc vào tay Trung Quốc có liên quan
mật thiết tới luật biểu tình. Cũng chính Thủ tướng yêu cầu Quốc hội
nhanh chóng soạn thảo luật này nhưng tới giờ này thì luật vẫn còn nằm
đâu đó trong ngăn kéo của Bộ Công an, ông nói:
“Việc làm sao kỷ niệm tưởng niệm vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa có lợi
nhất chỉ là một cách nói hết sức ngoại giao mà không phải là một vấn đề
thực chất. Một trong những chủ đề then chốt liên quan đến Trường Sa-
Hoàng Sa và chủ quyền biển đảo Việt Nam là luật biểu tình. Luật biểu
tình cũng được chính Thủ tướng Dũng nêu ra tại kỳ họp Quốc hội cuối năm
2011 nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy bất kỳ một bóng dáng, một dự thảo
nào của luật này. Chỉ tới cuối năm 2013 ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ
John Kerry tới Việt Nam thì Thường vụ Quốc hội mới đưa ra tuyên bố bất
ngờ là sắp tới sẽ ban hành Luật lập hội và Luật biểu tình. Tuy nhiên
chính phủ đưa ra kế hoạch là giao cho Bộ công an dự thảo luật biểu tình
và sẽ đưa vào thực hiện năm 2015-2016 trở đi như vậy có nghĩa là còn rất
lâu nữa.
Điều đó cho thấy các cuộc biểu tình của người dân Hà Nội, Sài Gòn và
một số địa phương khác chống lại sự can thiệp thô bạo của Bắc Kinh tại
khu vực Biển Đông đã trở nên gần như bị loại ra khỏi việc hợp thức hóa.”
Sự ám ảnh bởi cái bóng của Trung Quốc là quá lớn, nó chiếm mọi tư duy,
chính sách, cũng như cản trở bước phát triển của đất nước đã lên đến cực
điểm mà theo Giáo sư Tương Lai còn tệ hại hơn thời kỳ Bắc thuộc:
“Ở đây nó nói lên thảm cảnh đất nước hiện nay. Cái thời mà Lê Chiêu
Thống cầu viện Tôn Sĩ Nghị cũng không nhục nhã như hiện nay. Trước các
sức ép, vừa mới thò mồm ra nói được một câu thì sau đó thụt lại đấy là
vấn đề. Đâu phải chỉ là vấn đề chiến tranh biên giới? Ngay như hôm qua
về cái án phúc thẩm của Luật sư Lê Quốc Quân. Thực ra gần như đã có thỏa
thuận và người ta biết rằng Lê Quốc Quân là một trong những người cùng
với vài người khác như Điếu Cày... được hứa hẹn sẽ được thả nhưng cuối
cùng có cái sức ép nào đấy buộc chưa thể được và vẫn y án. Đấy là nỗi
đau của một đường lối sai lầm và nó khởi sự từ Hội nghị Thành Đô cho đến
bây giờ.”
Người dân thắc mắc ngày kỷ niệm trận chiến Gạc Ma 14 tháng Ba sắp tới
không biết khi ấy các cuộc tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ Việt Nam bỏ
mình dưới mũi súng của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào để mang về lợi
ích cao nhất như Bộ Chính trị đã ra nghị quyết?
*
Thủ tướng: 'Không bao giờ quên cuộc chiến biên giới 1979'
“Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng bào chiến
đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày
17/2/1979”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Nguyễn Hưng (VnExpress)
- Ngày 19/2, tại hội nghị bàn về quy chế phối hợp giữa Mặt trận tổ
quốc và Chính phủ, một số đại biểu đã đề cập tới cuộc chiến tranh biên
giới phía Bắc cách đây 35 năm.
Theo quyền chủ nhiệm Ủy ban Tư vấn Khoa học và Giáo dục (Ủy ban trung
ương MTTQ) Phạm Thị Trân Châu, những ngày vừa qua, báo chí đã khơi lại
sự kiện này. Bà Châu đề nghị xem xét tổ chức kỷ niệm, làm tượng đài và
đưa thông tin về cuộc chiến vào sách giáo khoa.
Dẫn lời một nhà thơ, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa xã hội Nguyễn Túc
cho rằng, đồng bào, chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến cách đây 35 năm
chưa được nhìn nhận, đối xử xứng đáng.
Trao đổi về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Đảng,
Nhà nước không bao giờ quên cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cũng
không bao giờ quên công lao của những đồng chí, đồng bào mình chiến đấu
hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày
17/2/1979".
Ông cho biết, tất cả chiến sĩ hy sinh đều nằm ở nghĩa trang, được nhang
khói. Chia sẻ thêm với các vị lão thành của Ủy ban trung ương MTTQ Việt
Nam, người đứng đầu Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị vừa qua đã tổ chức
hai phiên làm việc để nghe về đề án liên quan tới sự kiện năm 1979 và
vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Trung ương
MTTQ Nguyễn Thiện Nhân với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị báo cáo với
Mặt trận thông tin cụ thể. “Chúng ta làm gì cũng phải tính lợi ích cao nhất của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới,
đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Lai Châu đến
Quảng Ninh với chiều dài 1.200 km. Trung Quốc rút quân vào ngày 18/3
cùng năm. Suốt 10 năm sau đó, tuyến biên giới phía Bắc luôn được đặt
trong tình trạng chiến tranh.
Chia sẻ với VnExpress, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, thế hệ đã hy sinh trong cuộc chiến cần có sự tôn vinh xứng đáng. “Đề
cập cuộc chiến năm 1979 không phải để kích động hận thù mà là rút ra
những bài học trách nhiệm với hòa bình. Một cuộc chiến chống xâm lược
phải là niềm tự hào cần tôn vinh”, ông nói.
Theo thiếu tướng Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ
Công an), nếu tính cả người dân và chiến sĩ quân đội, công an thì có
hàng chục nghìn người đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc này.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là một cuộc chiến oai hùng như vậy lại không
có trong sách lịch sử.
Một việc cần phải làm ngay theo ông Cương là có chính sách cho gia đình
những người Việt đã hy sinh trong cuộc chiến, vinh danh những người đã
ngã xuống bảo vệ đất nước tương tự các liệt sĩ trong kháng chiến chống
thực dân Pháp, đế quốc Mỹ... Nhà nước cũng cần khôi phục các địa danh
lịch sử của cuộc kháng chiến.
*
Thủ tướng VN nói về cuộc chiến 1979
BBC
- Ông Nguyễn Tấn Dũng lại có phát biểu về cuộc chiến biên giới với
Trung Quốc với khẳng định "Đảng, Nhà nước không bao giờ quên".
Cho tới nay, ông Dũng có lẽ là ủy viên Bộ Chính trị có nhiều phát biểu được đăng tải trên báo chí nhất về cuộc chiến 1979.
Các báo trong nước tường thuật hội nghị bàn về quy chế phối hợp giữa Mặt
trận tổ quốc và Chính phủ hôm thứ Tư 19/2 cho hay ông Dũng đã trả lời
một số kiến nghị được đưa ra trong cuộc họp.
Bà Phạm Thị Trân Châu, quyền chủ nhiệm Ủy ban Tư vấn Khoa học và Giáo
dục thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ, đã đề nghị chính phủ xem xét tổ chức
kỷ niệm, làm tượng đài và đưa thông tin về cuộc chiến 1979 vào sách giáo
khoa.
Một ý kiến khác cho rằng sự nhìn nhận về những cống hiến, hy sinh của
quân và dân trong cuộc chiến biên giới còn chưa được thỏa đáng.
Ông thủ tướng được dẫn lời nói: "Đảng, Nhà nước không bao giờ cuộc
chiến tranh biên giới phía Bắc, cũng như quên công lao của đồng chí,
đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh
biên giới xâm lược của Trung Quốc".
Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng cho hay Bộ Chính trị vừa qua đã tổ chức hai
phiên làm việc để nghe về đề án liên quan tới sự kiện năm 1979 và vấn đề
Hoàng Sa, Trường Sa.
Trước đó, cuối năm ngoái trong cuộc họp với Hội Khoa học Lịch sử Việt
Nam, ông Dũng đã yêu cầu đưa các chủ đề cuộc chiến biên giới 1979, Hoàg
Sa-Trường Sa và chủ quyền Biển Đông vào sách giáo khoa lịch sử.
Cho tới nay, sách giáo khoa trong trường học gần như không nhắc tới các
sự kiện như chiến tranh biên giới hay hải chiến Hoàng Sa.
Báo chí Việt Nam nhiều lần đăng tin bài về các sự kiện này rồi lại gỡ xuống mà không giải thích lý do.
'Lợi ích quốc gia'
Tại hội nghị với đại diện MTTQ, ông Nguyễn Tấn Dũng nói các quyết nghị
của Bộ Chính trị về chiến tranh biên giới phía Bắc hay biển đảo, trong
đó có về hoạt động kỷ niệm, đều phải cân nhắc kỹ.
“Chúng ta làm gì cũng phải tính lợi ích cao nhất của đất nước”.
Chính quyền Việt Nam lâu nay luôn tuyên bố chủ trương "giữ hòa hiếu" với
Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ đang có ảnh hưởng to lớn tới nền
kinh tế của Việt Nam.
Các cuộc biểu tình bị cho là khích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc ở trong nước đều bị ngăn chặn và cản trở.
Ngược lại, Trung Quốc cũng được cho là đã có những động thái tương tự
khi năm nay không cho báo chí viết bài đưa tin về cuộc chiến tranh 1979.
Một cuộc họp mặt kỷ niệm của cựu chiến binh Trung Quốc tại tỉnh Quảng
Tây hôm thứ Hai 17/2 nhằm kỷ niệm sự kiện này đã bị giải tán.
Theo đài Á châu Tự do (RFA), hơn 3.000 cựu chiến binh Trung Quốc đã tới
Bình Hương, Quảng Tây nhưng chỉ làm được một buổi lễ ngắn ngủi tại cửa
khẩu Hữu Nghị Quan với Việt Nam thì bị chính quyền can thiệp.
Sau đó những người này đã tới nghĩa trang các tử sỹ Trung Quốc để tưởng niệm.
Một cựu chiến binh nói với ban tiếng Trung của RFA: "Chúng tôi giương khẩu hiệu lên vài phút thì bị cảnh sát giật mất, họ cũng buộc chúng tôi phải rút đi ngay".
Một người khác thì tỏ ra bức xúc rằng chính phủ đã không có tin bài gì
trên truyền thông, chứng tỏ không có sự tôn trọng các liệt sỹ.
Theo RFA, từ 2008 chính phủ Trung Quốc đã cắt trợ cấp cho cựu chiến binh
và cựu sỹ quan quân đội, gây khó khăn lớn cho cuộc sống của những người
này.
0 comments:
Post a Comment