Wednesday, September 4, 2013

Bắc Kinh chống tham nhũng: Phe Chu Vĩnh Khang bị tấn công

Ảnh minh họa : Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, ngày 08/11/2012, Bắc Kinh.
Ảnh minh họa : Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, ngày 08/11/2012, Bắc Kinh.
REUTERS/Jason Lee
Gần đây, giàn lãnh đạo mới tại Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng với nhiều vụ bắt giữ và đưa ra xét xử một số quan chức cấp cao. Chủ đề này hôm nay đặc biệt thu hút chú ý báo chí Pháp. Nhật báo Le Monde đăng bài : « Công cuộc chống tham nhũng đang lớn mạnh tại Trung Quốc », nhật báo kinh tế Les Echos cũng chạy tít tương tự : « Cuộc tấn công lớn để phòng chống tham nhũng tại Trung Quốc », riêng tờ nhật báo Libération thì nhìn nhận một góc độ khác với hàng tựa : « Chu Vĩnh Khang bị cuốn vào trong vòng sụp đổ của ”hoàng tử đỏ” ».
Các tờ báo đều nhắc lại việc Trung Quốc đã tiến hành điều tra tham nhũng đối với ông Trương Khiết Mẫn (Jiang Jiemin), chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước. Cho đến tháng Ba năm nay, ông Trương Khiết Mẫn từng là tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Ngày 01/09 này, Tân Hoa Xã cho hay, Chu Khiết Mẫn bị nghi ngờ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” – một cách gọi tội danh tham nhũng – nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Trước đó đúng một tuần, phó chủ tịch tập đoàn CNPC và 3 quan chức của Petrochina -một nhánh của CNPC – đã bị bắt giữ để phục vụ điều tra.
Các tờ báo đồng loạt cho rằng, vụ việc nêu trên có lẽ nằm trong mục đích bao vây ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang). Theo tiết lộ của báo chí Hồng Kông, thì ông này hiện đang bị điều tra tham nhũng.
Chu Vĩnh Khang trước đây từng có mấy chục năm làm việc trong ngành dầu khí, và cũng từng là tổng giám đốc của CNPC. Trong giai đoạn 2007-2012, Chu Vĩnh Khang là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, phụ trách ủy ban chính pháp đầy quyền lực của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng việc điều tra ông Chu Vĩnh Khang sẽ tập trung vào tội danh tham nhũng trong thời gian ông này phụ trách ngành xăng dầu, làm Bí thư Tứ Xuyên và khi lãnh đạo Ủy ban Chính pháp trung ương. Ngoài Trương Khiết Mẫn, từ một năm nay, có hơn chục quan chức ngành dầu khí và của tỉnh Tứ Xuyên thân cận với ông Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ.
Trong vụ việc này, tờ Libération cho biết, ông Chu Vĩnh Khang được biết đến là người đã không ủng hộ ông Tập Cận Bình mà là ủng hộ mạnh mẽ ông Bạc Hy Lai trong vị trí lãnh đạo đất nước. Ông Chu cũng đã từng ra sức dàn xếp vụ án lái xe tông chết người của con trai của ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), thư ký của ông Hồ Cẩm Đào, bởi vì nếu bảo vệ được ông Lệnh, thì thế lực ủng hộ và bảo vệ Bạc Hy Lai sẽ lớn hơn.
Thế nhưng, hiện tại, vợ ông Bạc Hy Lai đã bị kết án tử hình treo, ông Bạc Hy Lai đang chờ bản án cuối cùng, các đồng minh của ông trong đó có ông Chu Vĩnh Khang cũng đang bị điều tra tham nhũng. Libération chua chát : « Chu Vĩnh Khang đã sai lầm vì là người duy nhất trong thường vụ bộ chính trị phản đối việc hạ bệ ông Bạc Hy Lai ».
Còn về tội danh tham nhũng, Libération nhắc lại rằng, chiêu bài chống tham nhũng thường được sử dụng trong các cuộc thanh trừng nội bộ tại Trung Quốc. Libération cũng cho biết thêm, theo tiết lộ của báo chí, thì tài sản của gia đình ông Tập Cận Bình lên đến 291 triệu euro.
Ngành hàng không thế giới có tương lai tươi sáng
Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, thì ngành hàng không lại có tương lai tươi sáng. Le Monde có bài cho hay : « Theo hãng Boeing, trong 20 năm tới ngành hàng không sẽ cần thêm 500 000 phi công ».
Tờ báo cho biết, hãng Boeing vừa tiến hành một nghiên cứu mang tên « 2013 Pilot and Technician Outlook », theo đó, trong 20 năm tới, ngành hàng không thế giới sẽ cần thêm 498 000 phi công và hơn 556 000 nhân viên kỹ thuật.
Về số lượng máy bay, hồi tháng 6 rồi, hãng Boeing cũng đã ước đoán, từ đây đến năm 2032, ngành hàng không thế giới sẽ cần thêm 35 000 chiếc với tổng trị giá lên đến 4 800 tỷ đô la. Về phần mình, hãng hàng không Châu Âu Airbus cho rằng, con số này là 40 000 chiếc.
Trong bối cảnh tăng trưởng đó, thị trường hàng không Châu Á có vẽ thịnh vượng nhất. Theo nghiên cứu nêu trên, từ đây đến năm 2032, các hãng hàng không Châu Á sẽ tuyển thêm 192 000 phi công. Trong số 35 000 máy bay mà hãng Boeing ước tính nói trên, thì có đến 12 820 chiếc sẽ được bán cho thị trường hàng không Châu Á Thái Bình Dương.
Cứ 10 năm, người Châu Âu cao thêm 1cm ?
Một nghiên cứu tại Anh vừa được công bố hôm qua trên tạp chí Oxford Economic Papers cho biết : « Người Châu Âu đã tăng thêm 11 cm trong vòng 1 thế kỷ ».
Các nhà khoa học Anh đã so sánh chiều cao của các thanh niên 21 tuổi ở 15 quốc gia Châu Âu trong giai đoạn 1870-1980 với dữ liệu lấy từ hồ sơ nhập ngũ của quân đội các nước. Kết quả cho thấy, trong vòng một thế kỷ này, chiều cao người Châu Âu đã tăng từ 1,67m lên 1,78m, tức cứ 10 năm thì cao thêm 1cm.
Chiều cao của con người có 80% là do di truyền, tức là còn đến 20% chịu tác động của ngoại vật. Về vấn đề này, nghiên cứu nêu trên cho biết, việc tăng chiều cao nói trên là do thế giới đã đẩy lùi được nhiều bệnh dịch, nhất là các bệnh hô hấp, giúp cơ thể hấp thụ thức ăn hiệu quả hơn, và việc điều kiện sống của con người ngày càng được cải thiện. Các thành phố ngày càng sạch hơn, nhà ở ngày càng có chất lượng hơn, các bậc phụ huynh ngày càng chú ý nhiều hơn đến việc ăn uống của con cái…
Tuy nhiên, hạn chế của nghiên cứu là chỉ tập trung vào chiều cao của nam giới, vì so với dữ liệu ở quân đội của nam giới, thì dữ liệu dành cho nữ giới rất thiếu.
Vương quốc Anh : tuổi trẻ và Internet
Trong hồ sơ xã hội, nhật báo Libération có bài cho biết : « Thủ tướng Anh, ông Cameron, lên án những trang mạng ghê tởm sau vụ một bé gái tự tử ».
Tờ báo đề cập đến trang mạng Ask.fm. Trang này được thành lập vào năm 2010 tại Lettonia, và hiện là một trong những trang mạng được tuổi trẻ Anh ưa thích nhất. Để đăng ký thành viên vào trang mạng này, người sử dụng chỉ cần cung cấp địa chỉ e-mail và sau đó có thể cùng cộng đồng mạng bàn mọi chuyện trên trời dưới đất mà hoàn toàn không cần nêu danh tính. Và đương nhiên có những chuyện xúc phạm nhau, sĩ nhục nhau.
Kết quả là tại nước Anh đã có 4 trẻ vị thành niên tự tử trong vòng một năm vì trang mạng này. Vụ gần nhất là một bé gái 14 tuổi. Cô bé mắc một căn bệnh ngoài da, và đã tiết lộ cùng cộng đồng mạng Ask.fm. Thế là sau đó, cô bé phải hứng chịu một loạt các lời trêu chọc, sỉ nhục… Cuối cùng cô bé chịu không nổi đã tự tìm đến cái chết.
Sự việc nghiêm trọng đến mức mà thủ tướng Anh David Cameron đã phải thốt lên : « Đừng sử dụng một vài trang mạng ghê tởm. Hãy tẩy chay chúng ». Bày tỏ ủng hộ ông Cameron, lập tức nhiều người đã rút quảng cáo khỏi trang mạng Ask.fm. Về phần mình, cha của nạn nhân nói trên cho rằng, vấn đề hiện tại không phải là đóng cửa trang mạng, mà là chính phủ hãy có biện pháp can thiệp phù hợp.
Pháp : Mùa tựu trường sôi động
Tại Pháp, hôm nay là ngày đầu năm học mới trong bối cảnh bộ giáo dục Pháp tiến hành biện pháp cải. Chủ đề này được phản ánh trên hầu hết các tờ báo Pháp hôm nay.
Các tờ nhật báo Les Echos, Le Monde, Libération, Le Figaro và L’Humanité đều đăng nhiều bài cho biết, hôm qua, các giáo viên phổ thông của Pháp đã trở lại trường học để chuẩn bị cho mùa khai giảng, và hôm nay 12,2 triệu học sinh trở lại trường, trong đó 5,5 triệu học sinh trung học, 6,7 triệu học sinh tiểu học.
Hồ sơ nổi lên trong mùa tựu trường này đó là những biện pháp cải tổ của bộ trưởng giáo dục Pháp Vincent Peillon, trong đó gây tranh cãi nhất là việc tăng giờ học từ 4 ngày/tuần lên 4 ngày rưỡi/tuần.
Số là hồi năm 2008, bộ giáo dục dưới quyền tổng thống Sarkozy đã tiến hành rút ngày đến trường xuống còn 4 ngày/tuần. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng chỉ trích. Giờ đây, đưa giờ đến trường trở lại 4 ngày rưỡi/tuần tưởng rằng êm xuôi, nhưng lại gây tranh cãi. Bởi vì, hơn 4 năm qua, các giáo viên và phụ huynh học sinh đã quen với lịch trình 4 ngày/tuần, và nếu thay đổi lại 4 ngày rưỡi thì tức là mọi người phải sắp xếp lại mọi thứ. Chưa hết, việc áp dụng lịch học 4 ngày rưỡi năm nay chỉ được áp dụng thí điểm ở 4 000 địa phương, bởi vậy gây tâm lý xáo trộn cho không ít người trong đó có các giáo viên và những dân biểu.
Như để ủng hộ cho biện pháp cải cách của bộ trưởng Peillon, Les Echos cho đăng kết quả thăm dò, theo đó có đến 58% người Pháp được hỏi cho rằng chất lượng giáo dục tại Pháp cần phải được cải thiện, tức là cần có biện pháp cải tổ. Thế nhưng, tờ báo cũng cho rằng, bộ trưởng Peillon cần kiên nhẫn tiến hành các biện pháp cải tổ để tránh gây ra những thay đổi đột ngột.
Tổng thống Syria đe dọa Pháp
Cũng liên quan đến nước Pháp, đáng chú ý nhất hôm nay là bài phỏng vấn tổng thống Syria, Bachar Al-Assad, đăng trên nhật báo cánh hữu Le Figaro, trong đó ông Assad đã có lời đe dọa nước Pháp.
Le Figaro dành trang nhất đăng ảnh tổng thống Syria, ông Bachar al-Assad với dòng tựa : « Cuộc phỏng vấn dành riêng cho tờ Le Figaro : Assad cảnh báo Pháp ». Tờ báo đăng trọn bài phỏng vấn trên một trang lớn trong đó ông Assad phủ nhận việc chính phủ của ông là thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học gây thiệt mạng trên 1 000 người hôm 21/8 vừa qua. Đặc biệt, ông Assad đe dọa tấn công lợi ích của Pháp nếu nước này tham gia tấn công Syria. Ông Assad cho rằng, những thành phần mà chính phủ của ông đang chiến đầu là những kẻ khủng bố. Ông Assad tuyên bố : « Những người mà chúng tôi chiến đấu chống lại là các phần tử Al Qaida…Cách tốt nhất để đương đầu với họ là tiêu diệt họ ».
Để biện minh cho việc đăng bài phỏng vấn ông Assad, Le Figaro đăng bài xã luận cho rằng, dù ông Assad rõ ràng là một tên độc tài khát máu và xem nước Pháp là kẻ thù, nhưng trách nhiệm của báo chí là cung cấp mọi thông tin có liên quan để độc giả được hiểu trọn vẹn và đầy đủ về vụ việc. Bài xã luận thiên về lập trường cho rằng, can thiệp quân sự vào Syria, mà không có tính hợp pháp quốc tế, sẽ khiến cho tình hình trong khu vực trở nên nghiêm trọng hơn.
Pháp chia rẽ về hồ Syria
Về phía Pháp, trong bối cảnh tổng thống Mỹ Obama đẩy quả bóng trách nhiệm sang cho nghị viện, thì các chính khách Pháp đang chia rẽ về biện pháp can thiệp quân sự vào Syria.
Các tờ nhật báo L’Humanité, Libération, Le Figaro, Les Echos, Le Monde và La Croix đều có bài phản ánh sự chia rẽ của chính khách Pháp về hồ sơ Syria.
Các tờ báo đều nhắc lại việc tổng thống Mỹ Obama đã tạm dừng việc tấn công Syria để chờ quyết định của nghị viện, thủ tướng Anh thì đã không thể tham gia cuộc chơi vì quốc hội nước này đã bỏ phiếu từ chối. Trong bối cảnh đó, Pháp bị rơi vào cảnh đơn thương độc mã, nhà cầm quyền Pháp không khỏi phần lúng túng.
Hôm qua, thủ tướng Pháp, ông Jean-Marc Ayrault đã tiếp các nghị sĩ Pháp để trình cho họ xem những bằng chứng mà mật vụ Pháp thu thập được về việc chính phủ Assad đã sử dụng chất hóa học sarin thảm sát dân thường. Thế nhưng, các tờ báo ghi nhận, không khí hiện tại của Pháp là: Giới chính khách không có tiếng nói chung về hồ sơ này, có nghị sĩ còn yêu cầu mang vấn đề ra bỏ phiếu trước quốc hội, có người tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của việc tấn công quân sự vào Syria khi chưa có lệnh Liên Hiệp Quốc.
Các nước láng giềng của Syria cũng chia rẽ
Không chỉ có phương Tây đang tỏ ra ngập ngừng, mà các nước lân cận Syria cũng tỏ ra lưỡng lự. Đó là nhận định của bài viết đăng trên nhật báo Le Monde.
Bài viết đề cập trước tiên đến Liên đoàn Ả Rập. Liên đoàn này đã lên tiếng kêu gọi quốc tế có hành động “răn đe” đối với chính quyền Damas, nhưng lại không dám thẳng thừng kêu gọi sự can thiệp quân sự của phương Tây.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kì, ông Erdogan, thì đã không ngần ngại kêu gọi phương Tây can thiệp quân sự một cách mạnh mẽ để lật đổ Assad. Tuy vậy, các đảng đối lập ở Thổ Nhĩ Kì đã phản đối Erdogan và phản đối việc can thiệp quân sự vào Syria.
Đối với Israel, dù muốn lật đổ chính quyền Assad, nhưng đến giờ này vẫn giữ thái độ dè dặt không để bị lôi vào cuộc xung đột tại Syria. Đối với Jordani, CIA của Mỹ đang huấn luyện ở đây các lực lượng Hồi Giáo Sunni để chiến đấu chống Assad. Nước này cũng đang hứng chịu dòng người tản cư ồ ạt từ Syria. Tuy nhiên, đến hiện tại, Jordani vẫn chưa công khai lập trường chính thức. Một nước láng giềng khác của Syria là Liban thì cũng đã lên tiếng phản đối các biện pháp “leo thang bạo lực”.
Về phần mình, Algeri phản đối sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria. Iran thì luôn đứng bên cạnh ủng hộ Assad. Chính phủ lâm thời Ai Cập thì tuyên bố phản đối can thiệp quân sự vào Syria, dù rằng không cấm tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực kênh đào Suez.
Nga và Trung Quốc phản đối can thiệp quân sự vào Syria
Bàn về hai nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Nga và Trung Quốc, nhật báo Cộng sản L’Humanité có bài: “Các chính phủ hoạt động sôi nổi”.
Tờ báo cho biết, tranh thủ lúc Mỹ, Anh và Pháp đang do dự, một số nước có liên quan đã tăng cường những động thái phản đối can thiệp quân sự và Syria. Nga đã lên tiếng cho rằng, bằng chứng mà Mỹ đưa ra về việc chính phủ Damas sử dụng vũ khí hóa học sát hại thường dân, là thiếu cơ sở. Tờ báo cho hay, để “phô trương sức mạnh”, Matxcơva đã cho chiến hạm tiến về khu vực bờ biển Syria. Về phần mình, Trung Quốc cũng đã phản đối mọi biện pháp can thiệp từ bên ngoài, và cho rằng “chỉ có giải pháp chính trị mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria”.

0 comments:

Powered By Blogger