Thursday, January 29, 2015

Nguyễn Tấn Dũng - Nhân vật năm 2015???

Năm 2015 là năm sửa soạn cho Đại Hội 12 nên hứa hẹn nhiều tranh chấp về cả nhân sự lẫn đường lối của đảng Cộng sản, ông Nguyễn Tấn Dũng lại đang được dư luận nhắc tới như một Tổng Bí Thư đảng Cộng sản hay một Tổng Thống tương lai cho Việt Nam, nên một số vấn đề cần đưa ra nhằm nhận định và ước đoán tình hình của năm nay.

Thay đổi từ bên trong và bên trên 

Thời gian qua đảng Cộng sản đã có một vài thay đổi lớn: nhiều vấn đề đã được mang ra Trung Ương Đảng bàn thảo để đi đến quyết định chung. 

Như, Hội Nghị 10 lần này, theo nhiều nguồn tin thì ông Dũng đã dẫn đầu số phiếu tín nhiệm cao với trên 77 phần trăm phiếu. Đây là lần đầu tiên đảng Cộng sản để các Ủy viên Trung Ương Đảng đánh giá mức độ tín nhiệm các thành viên Bộ Chính trị. 

Hay tại Hội Nghị 6, 10-2012, các Ủy viên Trung Ương Đảng đã từ chối lời đề nghị của Bộ Chính trị về “một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị”

Người bị đề nghị kỷ luật được nêu danh “đồng chí X”, nhưng qua đồn đoán chính là ông Nguyễn Tấn Dũng. Lý do ông Dũng bị đề nghị kỷ luật và các ý kiến trong Hội Nghị 6 vẫn là chuyện nội bộ của Trung Ương. 

Hai dẫn chứng bên trên cho thấy những thay đổi từ bên trong và bên trên của đảng Cộng sản đã có lợi cho ông Dũng, nó giúp ông củng cố uy lực và quyền hành. 

Thêm vào đó nhiều vấn đề từ lý thuyết đến chính sách cũng đã được công khai đưa ra thăm dò bàn luận. Thắng lợi ông Dũng chính là thắng lợi chung của phe cánh muốn thay đổi, nhất là thay đổi quan hệ giữa đảng và nhà nước Cộng sản. 

Lấy thí dụ muốn gia nhập Hiệp Ước Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cánh nhà nước phải điều hành trong khuôn khổ quốc tế dựa trên các điều khoản thỏa thuận với các quốc gia liên hệ, trong khi cánh bảo thủ thì vẫn cố bám vào các tín điều không còn giá trị. 

Hay phía nhà nước muốn đánh giá đúng các hoạt động thì cần minh bạch việc thu chi tài chánh và trong tình trạng bội chi, tiếp tục thất thu phía nhà nước cần cắt giảm ngân sách. Ảnh hưởng nặng trong việc cắt giảm này là các sinh hoạt không cần thiết của đảng Cộng sản và của Mặt Trận Tổ Quốc, và hoạt động không mang lại lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước. 

Bế mạc Hội Nghị 12 ông Nguyễn Phú Trọng cho biết không thể để tư nhân sở hữu báo chí và báo chí nhà nước không được chạy theo lợi nhuận. Nhưng ngay sau đó ông Dũng lại tuyên bố thông tin là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm và để cạnh tranh thì thông tin của nhà nước cũng cần kịp thời và chính xác. 

Tuyên bố của ông Dũng cho thấy sẽ có nhiều thay đổi về nội dung và phương cách đưa tin của truyền thông “chính thống”. Ngân sách các Tổ Chức trong Mặt Trận Tổ Quốc bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng việc trợ cấp cho những tờ báo thiếu khả năng cạnh tranh thông tin. 

Trong vai trò Thủ Tướng ông Dũng sẽ đẩy mạnh cải cách truyền thông và trong chính trị người nắm được truyền thông là người nắm được quyền lực. 

Nói đến truyền thông cũng cần nhắc đến diễn đàn Chân Dung Quyền Lực đang đưa nhiều thông tin về giới lãnh đạo cộng sản. Diễn đàn này nhanh chóng thu hút người đọc và lan tỏa ảnh hưởng từ không gian ảo ra dư luận dân gian. 

Vì nhiều thông tin được cho là từ nội bộ, cách đưa tin khá kịp thời và chính xác, lại có lợi cho Nguyễn Tấn Dũng nên nhiều người tin rằng ông Dũng chính là chủ nhân của diễn đàn. 

Cũng có người tin rằng từ phe cánh của Nguyễn Bá Thanh, Tổng Cục 2, gián điệp Trung Quốc, hay do chính Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) dựng lên. 

Các nỗ lực thay đổi từ bên trong của ông Dũng thích hợp với chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ do đó đã được chính giới Hoa Kỳ công khai ủng hộ. Con gái của ông Dũng lại vừa trở thành công dân Hoa Kỳ. Nên nếu diễn đàn do CIA hỗ trợ thì cũng không có gì phải ngạc nhiên. 

Thay đổi về bang giao quốc tế 

Tại Hoa Kỳ, đảng Cộng Hòa đã nắm cả Thượng viện lẫn Hạ viện, đảng này tích cực ủng hộ TPP và nếu được gia nhập Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng để được gia nhập TPP Việt Nam cần cải thiện nhân quyền, tôn trọng các quyền tự do tín ngưỡng, lập hội, ngôn luận, thực thi quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập, cải thiện hệ thống tư pháp, minh bạch thông tin và nhất là cải cách để thật sự có thị trường thương mại tự do. 

Đảng Cộng hòa ủng hộ việc tăng cường quân sự và thắt chặt bang giao với Á châu và đưa ra chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Đường lối đó sẽ giúp giảm thiểu tham vọng bá quyền bành trướng của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh. 

Việt Nam là nước nhỏ, đang bị Trung Quốc đe dọa, ông Dũng đã có những tuyên bố khá mạnh như: 

Trong quá trình hợp tác, những mâu thuẫn về lợi ích buộc mỗi quốc gia phải đấu tranh để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình,... không thể có kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được”, hay 

Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”

Lẽ đương nhiên Trung Quốc không thể làm ngơ trước những cố gắng thay đổi của Việt Nam, nhất là đang cố gắng để xích gần hơn với Hoa Kỳ quốc gia đối thủ của Trung Quốc. Vì thế tờ Hoàn Cầu Thời báo cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc vừa nêu đích danh Nguyễn Tấn Dũng là “đại diện cho phe thân Mỹ”. 

Điều lạ là trên blog Nguyentandung.org lại trích dẫn nguyên văn Hoàn Cầu Thời báo như sau: 

“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nếu trở thành Tổng bí thư khóa tới có thể sẽ làm thay đổi đáng kể chiến lược quốc gia và chính sách đối ngoại của Việt Nam, chào đón sự tham gia sâu hơn của Mỹ vào Việt Nam. Washington đã nhận ra ‘tiềm năng’ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đại hội 12 có thể là cơ hội duy nhất cho ông lên nắm quyền lực tối cao, Mỹ có ý định ca ngợi kết quả của các cuộc đàm phán TPP là một trong những thành tựu lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”

Bản tin đã được nhiều tờ báo trong nước đăng tải, ngầm chuyển tải một thông điệp Bắc Kinh không muốn ông Dũng làm Tổng Bí Thư vì ông là “đại diện cho phe thân Mỹ”. Ông Dũng đã biết khai thác yếu tố “Trung Quốc” để củng cố quyền hành, còn ông có thực sự “thân Mỹ thoát Trung” là một câu hỏi chưa có câu trả lời. 

Một số người đi xa hơn cho rằng ông Dũng có thể trở thành Tổng Thống hay sẽ tóm thu cả hai chức Tổng Bí Thư Đảng và Chủ tịch Nhà nước. Thực tế cho thấy muốn giành được chức Tổng Bí Thư không phải là dễ. Ông Dũng phải thỏa hiệp và phân chia quyền lực với những người khác trong Bộ Chính Trị. 

Đối với người dân và các đảng viên bình thường 

Ở các quốc gia dân chủ nếu một người lãnh đạo đưa quốc gia vào vòng khủng hoảng người dân sẽ sử dụng lá phiếu để chọn người khác thay thế. 

Trong khi đó ở Việt Nam, mọi quyết định đều xuất phát từ Bộ Chính Trị bởi thế trong vụ Vinashin ông Dũng mới tuyên bố “Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai.” 

Chính vì thế khi đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện cũng không có người đứng ra nhận trách nhiệm và không có cơ chế để chế tài người được đảng Cộng sản giao công việc. 

Công bình nhận xét ông Dũng là khuôn mặt sáng giá nhất trong Bộ Chính trị, thậm chí ông Dũng hơn cả Thủ tướng tiền nhiệm Phan Văn Khải. Như khi gặp Tổng thống Bush, ông Khải phải cầm giấy đọc mà lại đọc không được suôn sẻ. 

Những phát biểu khá dứt khoát về chủ quyền biển đảo và thay đổi thế chế của ông cũng được đa số dân chúng ủng hộ (so với những người khác trong Bộ Chính Trị). 

Đối với Phong Trào dân chủ 

Vào ngày 15-10-2014 tại viện Körber ở Berlin Đức, ông Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết “Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. VN không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này”

Ông Dũng nói thế, nhưng điều nghịch lý là trong 9 năm ông Dũng cầm quyền Phong Trào dân chủ đã bị ông thẳng tay đàn áp. Ngay cả những blogger đơn độc như Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh, Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Già... cũng bị bắt và bị kết án. 

Mà nhân quyền lại là điều kiện để Việt Nam gia nhập TPP, nên nếu Hoa Kỳ quyết định bất lợi cho Việt Nam là điều có thể đoán trước. 

Và để sửa soạn cho Đại Hội 12, tình trạng bắt bớ vi phạm nhân quyền trong những ngày sắp tới có thể sẽ tăng thêm. 

Tạm Kết 

Năm 2015 sẽ có nhiều biến động chính trị. Nếu ông Dũng tiếp tục nắm quyền hành thì không chắc cơ chế sẽ thay đổi. Nếu cơ chế vẫn chưa thay đổi thì tình trạng vẫn như cũ không có gì thay đổi. 

Nhận định đúng tình hình và ước đoán đúng tương lai sẽ giúp mỗi người trong chúng ta quyết định đúng hành động của mình. 

Tương lai Việt Nam không phải của riêng ông Dũng, hay của đảng Cộng sản mà là của tất cả chúng ta. 

Melbourne, Úc Đại Lợi 
28-1-2015 


0 comments:

Powered By Blogger