Tuesday, January 27, 2015

Chân dung nội bộ quyền lực

Có một điều rất rõ là tình trạng an ninh nội chính hiện nay loạn cào cào. Quân đội theo ai, công an theo ai, Bộ trưởng theo ai, Thứ trưởng theo ai, tướng này theo ai, tướng kia theo ai... mà bắt người này người nọ trong bối cảnh Việt Nam cần hội nhập, đang thương lượng vào TPP là nhằm mục đích gì? Đang cần thế giới hậu thuẫn trong tranh chấp hải đảo mà vi phạm nhân quyền liên tục, lại đánh trống thổi kèn không dấu diếm là có mục đích gì?...

*

Sau khi khối Cộng sản tan vỡ vào năm 1990, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã họp nhiều lần rút kinh nghiệm. Có hai luồng ý kiến nổi bật lúc ấy: một của ông Hoàng Chí Bảo và một của nhóm ông Khổng Doãn Hợi.

Ông Bảo cho rằng sự sụp đổ nói trên chủ yếu có nguyên nhân từ việc nhân dân không ủng hộ Đảng Cộng sản Liên Xô nữa.

Ông Hợi khẳng định ngược lại và cho rằng nguyên nhân của sự sụp đổ là do chính lãnh đạo dao động, nói chữ là "tự diễn biến", không còn tin ở đường lối đã được Đại hội đảng đề ra.

Suy nghĩ của ông Hợi đã thắng, được Đảng chấp nhận. Ông Hoàng Chí Bảo đành bó miệng nói theo để được tiếp tục có ghế và bổng lộc cao trong Hội Đồng Lý Luận Trung Ương hiện nay.

Năm 1990, nạn nhân đầu tiên của "tự diễn biến" là một người có lúc được cơ cấu làm Tổng Bí Thư: ông Trần Xuân Bách. Sau khi đọc diễn văn bày tỏ công khai ở Hội nghị Trung ương đổi mới kinh tế phải song song với đổi mới chính trị, ông Trần Xuân Bách lập tức được Ban Nội Chính Trung Ương hộ tống về nhà treo giò, truất hết chức tước cùng bổng lộc, thậm chí mỗi ngày bị cắt luôn hai lít sữa dành cho Trung ương lúc đó, ông Bách chết trong sự đơn độc, thầm lặng.

Nhiều trí thức lúc đó nghĩ rằng ông Trần Xuân Bách đã hành động quá sớm khi chưa tạo được một hậu thuẫn cần có trong nhân dân, trí thức.

Những Ủy viên Bộ Chính trị muốn đổi mới trước kia như Trường Chinh, Nguyễn Cơ Thạch từ năm 1986, Võ Văn Kiệt sau này, lần lượt rớt đài vì sợ "vỡ bình", không quyết tâm vượt lên vì đất nước, đã cho phép Đảng, với một lũ bất tài, ê kíp sau còn lú hơn ê kíp trước, đưa đất nước đến tan hoang hiện nay.

Ít nhất là hai vị muốn đổi mới thật sự, Trường Chinh và Võ Văn Kiệt, đã về gặp Mác với kiểu chết đột tử mà dư luận rất hoài nghi.

Vài năm gần đây, tình hình trong đảng có vẻ xáo động khi TBT Nguyễn Phú Trọng giựt lại chức Trưởng ban Phòng chống tham nhũng từ tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khôi phục lại Ban Nội Chính Trưng Ương cho ông Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng ban.

Tuy nhiên, để duy trì được một chế độ độc tài lâu dài, cần phải có những nhân vật lãnh đạo tầm vóc, nhiều thủ đoạn và hét ra lửa như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn... Còn TBT Nguyễn Phú Trọng hiện nay chẳng những thiếu tầm vóc phải có, mà còn được các đồng chí và dư luận biết đến với biệt hiệu "Trọng Lú".

Trong nhiệm kỳ XI, BCHTƯ không còn nghe TBT và đôi khi quyết định ngược lại trong việc bầu bán, có nguồn tin nói rằng lỗi của ông Trọng là đã làm rùm beng lên Nghị Quyết TƯ 4 về chống tham nhũng, nó như lưỡi cưa muốn cưa cành cây mà toàn bộ BCHTƯ đang ngồi trên đó.

Điều người ta sợ là người lú đôi khi còn có những quyết định rất lú, chết người, sẵn súng trong tay có thể bóp cò bất cứ lúc nào, mà ngay cả những người thông minh nhất cũng không thể đoán trước được.
Mặc dầu hội nghị Trung ương 10 ngày 05/01/2015 đã quyết định "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế" nhưng TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn răn đe: "Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta...".

Anh nào trong Trung ương, Bộ Chính trị có tư tưởng "diễn biến" như Trần Xuân Bách trước đây hãy coi chừng. Ban Nội Chính Trung Ương, Ban bảo vệ chính trị nội bộ, đã được lập lại rồi đó!

Bão nổi lên rồi, Sài Gòn quật khởi, nổi lửa lên em… (tựa những bài hát nổi tiếng một thời)

Qua hội nghị TƯ 10, kẻ thù của TBT Nguyễn Phú Trọng đã chính thức lộ diện: đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã một lần làm cho ông Trọng ngấn lệ trực tiếp (live) trên đài truyền hình, khi đòi kỷ luật ông Dũng mà không được BCHTƯ nghe theo.

Biết được thóp của TBT Trọng là theo Tàu cộng, ông Dũng không từ bỏ cơ hội nào để xoáy sâu lưỡi đao vào tử huyệt này trước dư luận đảng viên và quần chúng:

- Không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy tình hữu nghị viển vông;

- Không có chuyện nhà anh cũng là nhà tôi.

- Đầu năm 2015 ra lịnh chuẩn bị bảo vệ đất nước từ Trung ương đến làng xã địa phương;

- Đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình giáo dục;

- Cho Bộ trưởng Đinh La Thăng phê bình công khai nhà thầu Trung Quốc vô trách nhiệm gây ra tai nạn chết người tại công trường xây dựng ở Hà Nội (chửi con mắng cha!)...

Biết TBT Nguyễn Phú Trọng bảo thủ giáo điều, Nguyễn Tấn Dũng "đốt lò" với những tuyên bố:

- Người dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm;

- Công khai đề nghị phải có luật biểu tình;

- Không thể cấm thông tin trên mạng xã hội;

- Tôn trọng quyền được biết của dân;

- Phải thay đổi thể chế;...

- Ông lại còn cho đàn em là Bộ trưởng Kế hoạch/Đầu tư Bùi Quang Vinh đi rao cho những đảng viên, cán bộ và quần chúng: Kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại; Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm...

Cần nói ở đây là bất chấp văn kiện Đại hội XI khẳng định phải có "Định hướng Xã hội chủ nghĩa", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã rõ ràng dẫm lên "19 điều cấm đảng viên không được làm". Ông Vinh và bệ đỡ của ông là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bớt sợ "vỡ bình" để phải thất thủ như các ông Trường Chinh, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân Bách, Võ Văn Kiệt trước kia.

Từ đầu năm 2015, cuộc chiến đến hồi ngoạn mục: Hai bên đều có đầy đủ hồ sơ tham nhũng do các trưởng ban phòng chống tham nhũng của chính phủ, rồi của Đảng, cung cấp; đã có trang Chân Dung Quyền Lực bươi ra mọi chuyện; đã có những bức thư nặc danh chống nhau, tố nhau là theo Tàu, đòi xin nhau tí huyết, gửi đến các trang mạng xã hội lề... không theo đảng.

Ai tin, Tin ai?

Có một điều nực cười là nhân dịp đi thăm chính thức Cộng Hòa Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong cuộc họp báo tại phòng khách phủ Thủ tướng Pháp, cứ nhìn dớn dác cái cửa sổ đằng sau lưng mà chưa chịu mở lời. Phải năm phút sau, Thủ tướng Pháp mới hiểu ra và kéo tấm màn che cửa sổ sau lưng ông Dũng lại, từ đó ông Dũng mới "được lời như cởi... kéo tấm màn", để phát biểu mà không còn ớn ớn, dớn da dớn dác sau lưng. Video cảnh này vẫn còn nằm trên Youtube và đài truyền hình Pháp.

Qua đến Pháp mà Thủ tướng vẫn còn sợ phát súng đến từ sau lưng. Ở Việt Nam Thủ tướng sợ là phải, ở trong chăn mới biết chăn có rận, biết người biết ta trăm trận trăm thắng!

Nhiều người nói rằng, ông Thủ tướng nói mà không làm: Ông phán chính quyền Tiên Lãng - Hải Phòng phạm pháp trong việc cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn, nhưng vẫn để cho ông Vươn lãnh 5 năm cấm cố, đến nay vẫn chưa ra. Ông nói không thể cấm thông tin trên mạng nhưng vẫn bỏ tù Ba Sàm, Bọ Lập, Người Lót Gạch, Nguyễn Đình Ngọc... Cho công an phối hợp côn đồ hành hung thường trực những người viết blog...

Ai tin ông?

Có một điều rất rõ là tình trạng an ninh nội chính hiện nay loạn cào cào. Quân đội theo ai, công an theo ai, Bộ trưởng theo ai, Thứ trưởng theo ai, tướng này theo ai, tướng kia theo ai... mà bắt người này người nọ trong bối cảnh Việt Nam cần hội nhập, đang thương lượng vào TPP là nhằm mục đích gì? Đang cần thế giới hậu thuẫn trong tranh chấp hải đảo mà vi phạm nhân quyền liên tục, lại đánh trống thổi kèn không dấu diếm là có mục đích gì?

Và một tin nguy hiểm nhất là tin ông Nguyễn Bá Thanh có thể bị đối phương đầu độc như trường hợp Chủ tịch Palestine Arafat bị đầu độc bằng phóng xạ mà từ từ chết.

Trong bối cảnh đó cũng có nguồn tin ông Thủ tướng đang đi những bước rất thận trọng, phải "lăng ba chi bộ" như Đoàn Dự để tránh rơi vào miệng hùm beo.

Đã có bài viết tung lên mạng nói rằng cả ông Trường Chinh, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Xuân Bách, Võ Văn Kiệt thất thủ vì bộ tham mưu dại. Có ý nói rằng bộ sậu Thủ Tướng hiện nay không dại gì lộ diện đầu trọc.

Tuy nhiên, nếu ông Thủ tướng muốn người ta tin thì phải làm gì đi chứ, lòng tin đòi hỏi phải có thời gian, mà chỉ còn hơn năm nữa thôi là đến hẹn lại lên, Đại hội XII lại đến, không thể bắt dân tộc và đất nước thiệt thòi thêm 5 năm nữa.

Trở lại vấn đề của chúng ta

Hiện nay chỉ có hai yếu tố có thể đổi đời:

Một là một số lãnh đạo Đảng trở cờ, biến đảng cộng sản trở thành một đảng bình thường như mọi đảng phái chính trị khác trong bối cảnh sinh hoạt dân chủ đa nguyên và chấp nhận cạnh tranh bình đẳng với nhau trong những cuộc bầu cử tự do.

Hai là toàn dân nổi dậy dẹp đảng cộng sản để cứu đất nước. Điều này có thể xảy ra. Có ai đoán trước được Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, có ai đoán trước được các dân tộc Trung đông nổi lên tiêu diệt các tay độc tài?

Cả hai trường hợp này đều cần quần chúng lẫn đảng viên và làm áp lực mạnh thêm lên đối với đảng cộng sản để tạo thế thì mới có hy vọng thay đổi.

Cùng lúc, nếu không có những hành động mạnh hơn, cao hơn, bằng hành động chứ không bằng lời nói của những lãnh đạo đảng thực tâm muốn thay đổi, để quần chúng và đảng viên đi theo thì e rằng đến cuối năm nay quần chúng và ngay cả đảng viên tiến bộ cũng sẽ thất vọng.

Và cho dù nếu ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thật lòng muốn thay đổi đảng của ông để trở về với dân tộc, nhưng những đảng viên cùng trí thức tiến bộ sau khi kêu gọi mọi người ký tên trong các kiến nghị rồi dừng ở đó thì lịch sử rồi cũng chỉ nằm trong tay một cá nhân, vuột hẳn khỏi tầm tay quần chúng.

Nếu thế tương lai đất nước chỉ còn là việc trông trời trông đất trông mưa...

26/01/2015


0 comments:

Powered By Blogger