Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bộ máy lý luận- tuyên truyền của đảng
Cộng sản Việt Nam đang ráo riết biện giải tại sao đảng phải trường tồn
để độc quyền cai trị, nhưng lại không sao giải thích được vì đâu mà dân
không còn tin vào đảng nữa trong khi cán bộ, đảng viên thì cứ nối đuôi
nhau “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”.
Hiện tượng này chưa bao giờ xảy ra trước các Đại hội đảng 5 năm một lần,
nhưng đã nổi lên vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập đảng (03/02/1930
- 03/02/2015) và trước Đại hội thứ XII dự trù khai mạc vào tháng
1/2016.
Có 6 lý do khiến Lãnh đạo đảng phải ra quân:
Trước tiên, sau quyết định không công bố kết quả phiếu
tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 10 (từ 05 –
12/01/2015) như đảng hứa “sẽ công khai” thì Lãnh đạo tự tròng thêm vào
cổ sợi dây thòng lọng thất hứa khiến uy tín đảng xuống sâu thêm một nấc
dưới đáy lòng dân.
Thứ nhì, sau 3 năm thi hành Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” phổ biến ngày 18/01/2012, đảng vẫn còn vật lộn với “các tệ nạn tham nhũng, lãng phí” trong hệ thống cai trị.
Thứ ba, sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà đảng đã bắt đầu từ ngày 03-02-2007, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn coi việc
“rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá
nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống” không quan trọng bằng việc “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Thứ bốn, đòi hỏi đảng phải trả quyền tự quyết cho dân đã lên cao và lan rộng trong nhiều tầng lớp từ thành phố về nông thôn.
Thứ năm, làn sóng phẫn nộ của dân về thái độ đảng yếu mềm
trước hành động lấn chiếm biển đảo Việt Nam của Trung Cộng ở Biển Đông
không còn hạn chế ở Trí thức mà đã biến thành căm thù người Trung Quốc
trong tâm khảm trẻ em và người dân lao động.
Thứ sáu, chủ trương quốc phòng không dựa vào nước lớn để
bảo vệ Tổ quốc trước tham vọng bành trướng và đe dọa sự vẹn toàn độc
lập, chủ quyền lãnh thổ ngày càng rõ rệt của Trung Quốc đã bị trí thức
phê bình không thực tế và “quân tử viển vông” để được ngủ yên trong
“quỹ đạo Bắc Kinh” chỉ có hại cho nước.
Càng làm càng hỏng
Để đối phó với những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp
hành Trung ương đảng chỉ biết chống đỡ bằng lời kêu gọi, chỉ thị đảng
viên làm tốt hơn để chuẩn bị nhân sự cho khóa đảng XII.
Nhưng tại sao căn bệnh trầm kha của “quốc nạn tham nhũng”, nguyên nhân
làm cho đảng viên suy thoái tư tưởng, mất đạo đức vẫn tiếp tục gây nhức
nhối cho đảng và khổ cho dân 3 năm sau Hội nghị Trung ương 4?
Ông Trọng trả lời: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được
triển khai khá đồng bộ và đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đây
là cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn, phức tạp liên quan đến lợi ích, đụng
chạm đến những người có chức, có quyền, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ,
quyết liệt, không thể nóng vội.” (trích phỏng vấn của TTXVN, 25/01/2015)
Nhưng đảng muốn dân phải “kiên trì, bền bỉ” bao nhiêu năm nữa thì mới
thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, hay là ông muốn nói thế để “câu giờ” cho
dân chờ sung rụng?
Bởi lẽ từ em bé 5 tuổi cũng biết ông Trọng đã nói như thế nhiều lần rồi.
Dân nghe mãi cũng nhàm tai huống chi đảng viên thấp cổ bé miệng cấp
thừa hành chỉ biết nuốt nước bọt trước cơ ngơi, tiền bạc của các cấp có
chức, có quyền ?
Khi Nghị quyết 4 ra đời, nhiều cựu Lãnh đạo và người dân đã ca tụng ông
Trọng có quyết tâm làm sạch đảng để lấy lại niềm tin trong dân, nhưng
rồi mọi người lại phải nghe ông lặp đi lặp lại lời hứa: “Trong thời
gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần được tiếp tục
đẩy mạnh, không phải bằng lời nói, hô hào chung chung, mà phải bằng
những việc làm cụ thể, thiết thực. Đó là phải xây dựng cho được một cơ
chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, một cơ chế trừng trị, răn đe để
không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng. Đồng
thời, phải tăng cường biện pháp tuyên truyền giáo dục để nâng cao đạo
đức, xây dựng liêm chính, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh
dự; mở rộng phạm vi tham gia của công chúng và phát huy vai trò của báo
chí, công luận trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Khi đã
xảy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy
định của luật pháp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...” (theo TTXVN, 25/01/2015)
Nhưng đảng đã có đủ mọi “cơ chế” để phòng ngừa, trừng phạt và giáo dục
cán bộ, đảng viên từ trước khi có Nghị quyết 4. Đảng cũng đã có Mặt trận
Tổ quốc thay mặt dân làm công tác giám sát và khuyến khích báo chí tiếp
tay cho chính quyền chống tham nhũng, nhưng chưa bao giờ Mặt trận Tổ
quốc làm tròn nhiệm vụ giám sát, ngược lại đã tiếp tay đồng lõa để cho
đảng che giấu những kẻ có lỗi.
Bằng chứng cụ thể như việc kê khai tài sản của các ứng cử viên Quốc hội
được đảng cơ cấu và Mặt trận đồng ý tuyển chọn sau các cuộc được gọi là
“hiệp thương” đã không bao giờ được công bố cho dân biết mà chỉ cất vào
hộc tủ đảng bộ cơ sở.
Báo chí cũng bị ngăn cấm không được loan tin, nếu chưa được xác minh bởi
cơ quan điều tra thì đó là hành động kiểm duyệt và vi phạm quyền tự do
thông tin của người làm báo.
Ngay đến vai trò giám sát của Quốc hội cũng bị hạn chế đến độ chưa bao
giờ có một Đại biểu dám đòi Quốc hội điều tra hay đích thân “thăm dân
cho biết sự tình” về một vụ tham nhũng được bàn luận trong dân thì làm
sao chống được tham nhũng ?
Trong cuộc phỏng vấn đánh dấu 85 năm có đảng, ông Trọng nhìn nhận: "Sự
suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống chính là một trong những nguyên
nhân của tình trạng gia tăng các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.”
Nhưng tại sao phẩm chất và đạo đức của người Cộng sản Việt Nam ngày một suy đồi?
Bởi vì, theo báo cáo của ông Ngô Văn Dụ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thì: "Tình
hình vi phạm kỷ luật Đảng trong thời gian qua còn tiếp tục diễn biến
phức tạp, tỷ lệ đảng viên bị kỷ luật là cấp ủy viên các cấp còn cao
(30,7%) cho thấy việc tu dưỡng, rèn luyện và chấp hành kỷ luật đảng của
một số đảng viên có chức vụ còn nhiều hạn chế, kỷ luật do vi phạm chính
sách dân số, kế hoạch hóa gia đình có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ đảng
viên có vi phạm bị khai trừ chiếm 12%, bị phạt tù chiếm 1,4% so với số
bị thi hành kỷ luật cho thấy tình hình vi phạm trong Đảng thời gian qua
vẫn còn nghiêm trọng, chưa được kiềm chế. Một số trường hợp giải quyết
khiếu nại, tố cáo còn chậm thời gian so với quy định, tỷ lệ thay đổi
hình thức kỷ luật qua giải quyết khiếu nại, tố cáo còn cao…” (Báo
cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
năm 2014, phương hướng nhiệm vụ năm 2015 tại Hà Nội, ngày 27/01/2015)
Như vậy thì lỗi tại ai mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn hô suông: “Trong
đấu tranh cách mạng, lưỡi lê, họng súng của quân thù đã không lung lạc
được tinh thần, nhuệ khí của người cộng sản. Ngày nay, công cuộc đổi
mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên càng phải
giữ vững và phát huy phẩm chất, đạo đức cách mạng của người cộng sản.
Đảng ta đã xác định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó yếu
tố con người là quyết định, công tác cán bộ là then chốt của then chốt.
Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu
đi đầu, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, có hiệu quả cụ thể thì dân
mới tin; cán bộ có tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống
trong sạch, mới có thể thành công được.”
Quá hay. Nghe ông Trọng nói mà lỗ tai cũng phải reo lên, nhưng có lẽ
ông Trọng không được nghe Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy
viên Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Cuộc tọa đàm trực tuyến
ngày 22/01 (2015) do báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức với đề
tài “Mãi mãi niềm tin theo Đảng”.
Ông Bảo nói: “Theo tôi, bây giờ, nhất là khi Đảng ta đang nhấn mạnh
đến đạo đức, lối sống trong Đảng, thì phải có bổ trợ như thế nào trong
giải pháp cán bộ mới khắc phục tình hình nan giải hiện nay - người đông
mà việc không chạy, người xứng đáng làm việc thì không có việc mà phải
ngồi chờ, còn người không nên để trong bộ máy nữa mà chúng ta không biết
xử lý như thế nào. Đó chính là khâu cải cách tư pháp, cải cách hành
chính nói riêng và cải cách nhà nước phải tính đến trong thời gian tới.
Đó cũng là hướng tư duy của Đảng ta trong khâu giải quyết mắt xích tổ
chức cán bộ như một đột phá trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.”
Đằng sau lời nói của Giáo sư Hoàng Chí Bảo là hình ảnh của tham nhũng,
của tình trạng chạy chức chạy quyền, của tệ nạn “con ông cháu cha” được
quy hoạch bởi các nhóm lợi ích trong đảng.
Vì vậy, ông Bảo mới cáo giác rằng: "Hiện nay chúng ta đang đứng trước
một tình huống rất nhức nhối: Chưa bao giờ những người có học lại thất
nghiệp nhiều như bây giờ. 170.000 cử nhân, thạc sĩ, có cả Tiến sĩ cũng
thất nghiệp; cá biệt có Tiến sĩ ở nước ngoài về thi tuyển một công việc
bình thường cũng bị trượt.
Ở đây có những lắt léo, bất minh trong vấn đề dùng người, mà nếu nhìn
vào sự thật thì ta thấy đây là một sự bất công xã hội. Có lẽ phải dùng
đến một hệ thống đồng bộ các giải pháp, từ giáo dục đào tạo, đặc biệt là
siết chặt kỷ cương, quy chế, chế tài và phải đổi mới thể chế dùng
người, chính sách dùng người thì chúng ta mới đáp ứng được yêu cầu này.”
Vậy Nghị quyết 4 thành công hay thất bại mà cho đến ngày 16/01 (2015),
ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn lập lại lời ông nói năm 2013 rằng: "Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng”.
Câu trả lời là, tuy đã có khoảng 50,000 trên tổng số 4 triệu đảng viên
bị khai trừ, kỷ luật, trừng phạt sau 3 năm thi hành Nghị quyết 4 nhưng
con số “một bộ phận không nhỏ” tiếp tục suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống vẫn còn nhan nhản trong xã hội.
Do đó, không ai ngạc nhiên khi nghe ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng, Ban Tổ
chức Trung ương, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ
đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã nói tại cuộc Tọa đàm ngày
22/01/2015: "Mặc dù chúng ta đã tiến hành nhiều cuộc vận động xây
dựng và chỉnh đốn Đảng, nhiều lần Trung ương đã có nghị quyết, nhưng kết
quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu như mong muốn.”
Ông Hà nói tiếp: "Bên cạnh mặt tích cực, cũng thấy rằng trong Đảng
hiện nay, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn khá nặng nên
nhiều khi kiểm điểm nhưng mới nói ưu điểm nhiều, khuyết điểm thì nói ít
hoặc không dám nói, hoặc thể hiện ở mức độ nhẹ nhàng… Bên cạnh đó, tính
hình thức, bệnh thành tích còn đang khá nặng ở tất cả các cấp, một số
cán bộ, đảng viên nhận thức chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc về vấn đề này,
nên trong tự phê bình và phê bình vẫn còn nể nang, né tránh, hình thức
và thậm chí còn ca ngợi lẫn nhau. Những điều này đã làm ảnh hưởng đến
kết quả việc thực hiện Nghị quyết.”
Ai phê bình ai?
Ngoài việc phòng, chống tham nhũng mà đảng cứ nói hoài câu “vẫn còn
nghiêm trọng”, dù đã có Luật từ năm 2005 và Ban Chỉ đạo Trung ương từng
do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu rồi lại chuyển sang cho Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp điều hành từ Ngày 01-02-2013, Nghị quyết 4
còn tập trung vào công tác “tự phê bình và phê bình” để cán bộ tự chữa
mình.
Tuy nhiên ông Nguyễn Đức Hà đã không ngần ngại nói công khai: “Có thể
nói, việc tự phê bình và phê bình của các tập thể và cá nhân thì vẫn
còn tình trạng nói ưu điểm nhiều, nói khuyết điểm ít, hoặc nếu có nói về
khuyết điểm thì cũng cố gắng né tránh một số từ có tính nhạy cảm, rồi
cứ loanh quanh nói khuyết điểm nhưng có khi đây lại là một sự mong muốn.
Không phải không có chuyện mượn tự phê bình và phê bình để ca ngợi, để
động viên, khen ngợi, thậm chí không phải không có ý kiến có tính chất
nịnh nọt trong đó. Tôi cũng từng được nghe những chuyện phê bình lãnh
đạo, phê bình người khác nhưng đó lại là sự “phê bình khen ngợi” thì
không đúng. Và việc này tôi cũng phải nói thật là ở cấp nào cũng có, từ
Trung ương đến các địa phương. Có lẽ chỉ có việc tự phê bình và phê bình
tập thể và cá nhân của các đồng chí Bộ Chính trị và Ban Bí thư là thực
sự nghiêm túc, thực sự là gương mẫu và đúng là một tấm gương để cho các
cấp noi theo.”
Ông Hà nói thế nhưng khi Bộ Chính trị đề nghị Hội nghị Trung ương 6 kỷ
luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì lại không thành công vì chính Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương cho phủi tay với
câu nói nghe không lọt tai trong Diễn văn Bế mạc ngày 15/10/2012: “Về
việc đề nghị xem xét kỷ luật, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất
kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết
định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí
trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc
phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc,
chống phá.”
Như vậy là đảng đã đẻ ra tình trạng “nể nang, né tránh, ngại va chạm”
như câu trả lời sau đây của ông Nguyễn Đức Hà về công tác tự phê bình và
phê bình cứ tan loãng theo cấp bậc:
“Quá trình thực hiện xuống từng cấp đã phôi phai, nó cũng bay đi ít
nhiều một chút và không còn nguyên vẹn đúng như tinh thần. Tôi thấy đây
là cái phổ quát nhất, nếu bây giờ chúng ta cứ từng cơ quan, từng đơn vị,
nếu đồng chí nào là cấp ủy, Bí thư Chi bộ, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Huyện
ủy cứ yêu cầu Ban Tổ chức cung cấp từng bản kiểm điểm cuối năm của mấy
nghìn đảng viên của địa phương thì có lẽ hầu như bản kiểm điểm nào cũng
đều có một khuyết điểm giống nhau là đôi khi còn nể nang, né tránh, ngại
va chạm. Tôi cho đây là khuyết điểm lớn nhất mà có thể nói tự phê bình
và phê bình là vũ khí sắc bén nhất về xây dựng Đảng, nhưng chính cái sắc
bén nhất thì chúng ta lại đang yếu.”
Vậy công tác cả nước “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sau 8 năm mỏi mòn đã đi về đâu ?
Ông Nguyễn Đức Hà không ngại nói thẳng: "Không ít nơi vẫn còn hình
thức, chỉ nói thôi chứ những hành động cụ thể chưa nhiều. Vì vậy, cần
phải khắc phục cho được bệnh thành tích và tính hình thức."
Trong nội hàm “hình thức” ai cũng thấy có chuyện phòng, chống tham nhũng
lấy “vừa chống vừa xây” hay “răn đe là chính” làm phương châm hành động
thì bao giờ dân mới hết bị cán bộ nhũng nhiễu?
Nhưng liệu tính “hình thức” này có bị biến dạng để làm theo Trung Quốc
như trong kế hoạch đào tạo cán bộ chiến lược cấp cao của đảng CSVN hay
không?
Theo lời ông Tô Huy Rứa - ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
trưởng Ban Tổ chức trung ương tiết lộ ngày 27/01/2015 thì: "Qua làm
việc với lãnh đạo các cấp của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc có chuẩn bị
nhân sự cấp cao, nhưng không hoàn toàn như cách của Việt Nam là quy
hoạch cán bộ cấp chiến lược không những cho nhiệm kỳ này mà cho các
nhiệm kỳ sau.”
Như vậy rõ ràng đảng CSVN đã học theo cách chọn cán bộ cấp cao của đảng
Cộng sản Trung Quốc nhưng chỉ khác ở điểm Trung Quốc chọn người cho từng
nhiệm kỳ còn Việt Nam thì chọn cho nhiều nhiệm kỳ.
Do đó, ông Tô Huy Rứa mới khoe: "Chúng ta đã làm thành công, cuối
cùng trung ương, Bộ Chính trị đã quyết định danh sách 290 đồng chí trung
ương cho các khóa sắp tới, đã quyết định được 22 đồng chí vào quy hoạch
Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Và tới đây chúng ta sẽ tiếp tục giới thiệu,
bổ sung theo đúng quy định, quy trình.” (theo báo Tuổi Trẻ, ngày 28/01/2015)
Ông Rứa tuyên bố tại hội nghị cán bộ, công chức của Ban Tổ chức trung
ương tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Làm như thế thì đảng CSVN bây giờ là chi nhánh của đảng Cộng sản Trung
Quốc hay chỉ còn độc lập trên lý thuyết mà ông Nguyễn Phú Trọng còn nói
với TTXVN ngày 25/01/2015 rằng ông chúc “Đảng ta, dân tộc ta ngày càng cường thịnh, mãi mãi trường tồn” , nhưng cho ai và vì ai? -/-
(01/015)
0 comments:
Post a Comment