Saturday, January 31, 2015

Cô gái trẻ dấn thân vào sứ mạng truyền thông vì người nghèo

Một cô gái trẻ bị mất việc, bị đuổi khỏi nhà trọ, bị cấm xuất cảnh, bị công an câu lưu, hành hung, xúc phạm nhân phẩm vì cộng tác cho một trang báo độc lập không thuộc ‘lề đảng’ nhưng vẫn bất chấp mọi hiểm nguy đe dọa để theo đuổi sứ mạng truyền thông vì người nghèo.

Đó là câu chuyện của cô Anna Huyền Trang, một trong số các thành viên nồng cốt của truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) ở Sài Gòn. 

Trang bắt đầu làm cộng tác viên cho DCCT vào năm 2011. Sau khi công an áp lực chỗ làm đuổi việc cô, từ đầu năm ngoái, Trang đã bỏ hẳn công việc chuyên ngành kinh tế để trở thành phóng viên toàn thời gian của truyền thông DCCT, ngược xuôi khắp nơi để đưa ra ánh sáng những câu chuyện oan khuất, những tiếng nói của người dân thấp cổ bé miệng, những thông tin không được báo chí nhà nước đề cập tới. 

Ngoài việc đi thu thập tin tức, phỏng vấn, viết bài cho trang web Dòng Chúa Cứu Thế, Trang còn đảm trách biên tập chương trình Cà Phê Tối, một trong sáu chương trình truyền hình của Dòng Chúa Cứu Thế, chuyên điểm tin hằng ngày và bình luận các sự kiện thời sự liên quan tới Việt Nam. 

Hai trong số những lần Trang bị bắt bớ, hành hung được dư luận biết đến là lần cô vô cớ bị công an phường Cầu Kho (quận I, TPHCM) cưỡng chế về đồn hồi tháng 10/2012, bị tra tấn, bị lột quần áo để khám xét, theo tường thuật chi tiết cô công khai trên các trang mạng xã hội sau đó; và lần cô bị đánh ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất và bị tịch thu hộ chiếu trước khi lên đường tham gia hội thảo về tự do báo chí tại Quốc hội Mỹ với tư cách là một nhà báo độc lập từ Việt Nam nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5 năm ngoái, theo lời mời của hai dân biểu liên bang Hoa Kỳ. Những hình ảnh Trang và bạn bè của cô ghi được về vụ việc này sau đó đã được phổ biến rộng rãi trên internet. 

Trong môi trường kiểm duyệt chặt chẽ thông tin, không dung chấp ý kiến bất đồng, và bằng mọi cách ngăn chặn truyền thông độc lập như tại Việt Nam, tường thuật tin tức không theo lề đảng là một việc làm hết sức nguy hiểm mà những bản án liên tiếp dành cho các nhà báo-blogger tự do trong nước đã chứng minh rõ nét. 

Vậy sức mạnh nào đã thôi thúc cô gái đôi mươi gầy gò, mảnh khảnh ấy dấn thân vào sứ mạng truyền thông vì những người không có tiếng nói trong xã hội? 

Tạp chí Thanh Niên VOA mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu qua cuộc trò chuyện với Anna Huyền Trang trong chương trình hôm nay. 

Anna Huyền Trang: Trước khi em cộng tác với truyền thông DCCT, em đã tham gia các hoạt động xã hội trong thời gian dài bắt đầu từ năm học lớp 12, vì thời gian đó em có cơ hội tiếp xúc rất nhiều trẻ em đường phố, những người nghiện ma túy, và những người nhiễm HIV. Em cũng tham gia các hoạt động truyền thông bảo vệ sức khỏe cho họ. Điều này em được gặp lại trong sứ mạng của truyền thông DCCT, nên đã thu hút em tham gia, và em đã có nhiều dịp tiếp cận với các mảnh đời tan thương, bất hạnh do chính thể chế độc tài tạo nên. 

Trà Mi: Cộng tác với truyền thông DCCT từ bấy tới nay, Trang đã rút ra cho mình những kinh nghiệm thế nào trong hoạt động truyền thông độc lập, đa chiều? 

Anna Huyền Trang: Trong quá trình cộng tác, em đã nâng lên được khả năng tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau, gặp được nhiều đối tượng khác nhau. Chẳng hạn như tụi em đến với những dân oan mất đất để tìm hiểu sự việc của họ và viết tin đúng sự thật. 

Trà Mi: Làm truyền thông theo ‘lề dân’ rất nhiều khó khăn. Bạn trang bị cho mình sự chuẩn bị ứng phó về mặt tinh thần như thế nào? 

Anna Huyền Trang: Phóng viên tự do gặp rất nhiều đe dọa về tính mạng. Mình biết sẽ bị tóm cổ bất cứ lúc nào, nhưng đó đúng là điều ‘thú vị’ nhất ở Việt Nam đấy chị. Em luôn chuẩn bị là công an sẽ bắt mình. Em và các bạn em cũng sẵn sàng cho điều đó. 

Cô Anna Huyền Trang Trang biên tập chương trình truyền hình 
Cà Phê Tối của DCCT, chuyên điểm tin và bình luận 
các sự kiện thời sự liên quan tới Việt Nam 


Trà Mi: Biết có thể bị bắt bất cứ lúc nào, bạn có cách gì để tự vệ trước những rủi ro đó? 

Anna Huyền Trang: Trước khi đi tác nghiệp, mình thông báo cho những người bạn của mình biết địa điểm và thời gian. Nếu trong thời gian đó các bạn không thấy mình liên lạc thường xuyên thì biết là mình đã gặp rủi ro. Chính những người bạn của em là những người giám sát em trong quá trình em tác nghiệp. 

Trà Mi: Từ lúc mới bước vào truyền thông DCCT tới nay, Trang thấy mình có gì thay đổi khác xưa, đã học hỏi được những gì? 

Anna Huyền Trang: Điều thay đổi lớn nhất là em ý thức hơn vai trò của một công dân đối với đất nước, mình không thể câm lặng trước các vấn nạn của xã hội ví dụ như tham nhũng hay việc Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam. 

Trà Mi: Có thể kể mình nghe một vài trường hợp đã kinh qua với vai trò một ký giả độc lập trong môi trường kiểm soát chặt chẽ thông tin ở Việt Nam? 

Anna Huyền Trang: Cuối tháng 10/2012 sau khi đi lấy tin về phiên sơ thẩm hai nhà sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, em bị công an bắt về phường Cầu Kho. Em bị các nhân viên công quyền đánh đập, hành hung, lột đồ ra để khám xét. Cũng có vài lần bị bắt khác nhưng em không có gì là sợ cả. Họ đe dọa rất nhiều về tính mạng và gia đình mình. Họ hỏi ‘Mày là ai?’ Em nói ‘Tôi là phóng viên DCCT.’ Họ hỏi ‘Thẻ nhà báo đâu? Chúng mày là dân phản động làm gì mà có thẻ nhà báo của nhà nước.’ Từ đó, em thấy họ rất miệt thị các phóng viên tự do như tụi em và cần tác động làm sao để mọi người quan tâm nhiều hơn đến các phóng viên tự do chưa được các tổ chức xã hội bảo vệ. 

Trà Mi: Bị miệt thị trong một xã hội mà mọi chuyện đều nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước rõ ràng là một bất lợi rất lớn cho các sinh hoạt hằng ngày và những giao tiếp xã hội. Những bất lợi, thiệt thòi đó đối với bản thân Trang thấy thế nào? 

Anna Huyền Trang: Em không cảm thấy bị tủi thân vì họ có quyền làm điều đó với mình. Còn mình phải nghĩ khác, phải làm thế nào để giúp họ thay đổi và nhận ra được những giá trị mà các anh em dân chủ đang đấu tranh vì lợi ích của đất nước, xã hội, và con người Việt Nam chứ không phải như những gì nhà nước này rêu rao rằng là ‘phản động.’ Những người đấu tranh dân chủ nhìn thấy công việc mình làm mang lại nhiều ý nghĩa cho xã hội, cho người nghèo, mà cũng mang lại niềm vui cho mình nữa thì tại sao mình phải tủi hổ? Tại sao mình lại buồn trước những ánh mắt lạ lùng đó? Em tin một ngày nào đó những ánh mắt lạ lùng đó sẽ quý mến mình. Chỉ cách đây 1 năm, bạn bè em cũng nhìn em soi mói, xét đoán công việc của em, nhưng rồi các bạn em theo dõi công việc của em trên facebook và dần hiểu được công việc em làm. Bây giờ, chính các bạn đã ủng hộ em. 

Trà Mi: Gia đình phản ứng thế nào trước những việc làm của Trang? 

Anna Huyền Trang: Bố mẹ em rất lo cho em. Họ từng bị an ninh mời lên làm việc hỏi về việc em làm. Thế nhưng, bố mẹ em muốn em sống tốt, trở thành người tốt, đó là cách em báo hiếu cho bố mẹ. 

Trà Mi: Nói về vui-buồn của một nhà báo tự do trong nước, Trang sẽ chia sẻ những gì? 

Anna Huyền Trang: Em cảm nhận được niềm vui thật sự trong nhóm truyền thông DCCT. Mọi người rất quý mến nhau, xem nhau như một gia đình vì không biết mỗi người sẽ bị bắt lúc nào, nên quý nhau từng ngày. Tụi em chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm hay bị bỏ rơi vì mình biết con đường mình đang đi là đúng, có ích cho xã hội. Đó là niềm vui. Lần đầu tiên bị bắt, em cũng buồn và sợ lắm vì họ đánh, họ nhục mạ. Nhưng chính lúc trong đồn công an đó mình mới nhận ra được bản chất của chế độ. Nhờ đó, giúp mình có thêm sức mạnh. Trong nhóm chúng em đã có 3 người bị bắt là Tạ Phong Tần, Paulus Lê Sơn, và Trần Minh Nhật. 

Trà Mi: Trang có bao giờ nghĩ nếu không may mình bị như họ cuộc đời mình sẽ ra sao, tương lai mình sẽ như thế nào? 

Anna Huyền Trang: Tụi em luôn luôn nghĩ rằng không sớm thì muộn tụi em sẽ có cơ hội được ăn bánh mì mốc. Có người đang đe dọa em điều đó mà. Tuy nhiên, cá nhân em nghĩ việc này có thể là một trải nghiệm cho đời sống tâm linh của một người Kytô hữu. Em cảm nhận được điều này trong cuốn sách của đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, người đã từng bị nhà cầm quyền cộng sản bỏ tù mà không thông qua một phiên tòa xét xử nào. Chính cuộc đời của Ngài đã tác động em rất nhiều. Em tin những việc em đang làm hiện nay là đúng. 

Trà Mi: Cũng có người nói rằng truyền thông độc lập, báo chí không theo lề đảng không bao giờ đưa tin tốt hoặc nói gì hay cho nhà nước cả. Lúc nào cũng nói những điều không tốt, không hay cho nhà nước thì phải chăng đó là một sự ‘chống đối’? Phản hồi của Trang thế nào? 

Anna Huyền Trang: Nhà cầm quyền luôn ra rả ‘dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra.’ Do đó, bản thân em là một công dân nước Việt Nam đang thực hiện quyền giám sát các hoạt động của nhà cầm quyền để họ làm tốt hơn, phục vụ dân tốt hơn. Nếu ai đó nghĩ em là người ‘chống đối’ hay ‘phản động’ thì chính họ đang đi ngược lại những chính sách mà nhà nước đang khuyến khích. 

Trà Mi: Với các bạn trẻ ở Việt Nam không biết nhiều hoặc không mấy quan tâm đến truyền thông độc lập, Trang muốn chia sẻ điều gì với họ? 

Anna Huyền Trang: Em muốn nhắn gửi những người bạn không đồng quan điểm với em rằng ‘Chúng mình là người lớn. Hãy sống thế nào cho ra người lớn. Đừng để con trẻ phải gánh chịu. Đừng để con trẻ chất vấn vì đó đúng là một điều đáng nhục. Mình chính là nhân tố thay đổi xã hội, thay đổi thể chế để giúp Việt Nam trở nên tốt hơn, người dân Việt Nam được sống an nhiên hơn. 

Trà Mi: Cảm ơn Trang rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi hôm nay.



0 comments:

Powered By Blogger