30/01/2015
GS Nguyễn Văn Tuấn
Thỉnh
thoảng các quan chức Tuyên giáo cũng có vài câu nói đáng chú ý. Ví dụ
như trả lời câu hỏi về bắn pháo bông có lãng phí quá chăng, một vị quan
chức Tuyên giáo Hà Nội nói rằng bắn pháo bông là một cách phục vụ cho
toàn dân chứ không phải chỉ cho người giàu có. Còn đối với người nghèo,
vị này nói thêm rằng bắn pháo bông “giúp [người nghèo] quên đi cái
nghèo, cái khó”. Bắn pháo bông nói cho cùng là một trò chơi. Câu nói của
vị quan chức đó có thể hiểu rằng trò chơi giúp cho người nghèo khó quên
đi thực tại của mình. Suy nghĩ của ông làm nhiều người ngạc nhiên.
Không
ai có thể phủ nhận rằng ở Việt Nam mình có rất nhiều người nghèo. Nếu
chỉ quanh quẩn ở Quận I Sài Gòn thì chắc ai cũng thấy Việt Nam bây giờ
giàu có quá. Nhưng đó là ấn tượng “phồn hoa giả tạo” – mượn chữ của giới
Tuyên giáo ngày xưa. Thật vậy, chỉ cần 5 phút ra ngoài khu đó thì sẽ
thấy một bức tranh hoàn toàn khác, rất Việt Nam và rất thật. Người dân
bươn chãi để kiếm sống qua ngày. Trong khi có đại gia bỏ ra vài tỉ đồng
để mua cái túi xách tay, thì 50% người dân phải sống với thu nhập 40,000
đồng/ngày. Đi về vùng quê sẽ thấy buồn hơn nữa. Những căn chòi xiêu
vẹo, những đứa trẻ còi cọc, đen đúa, ở truồng, ánh mắt lơ láo trông thật
thắt lòng. Chả thế mà có nhạc sĩ từng thốt lên câu “Bao năm giải phóng
như thế này phải không anh”.
Câu
hỏi đặt ra là những người nghèo khó đó có quên đi thực tại nếu họ xem
bắn pháo bông? Nếu họ ở gần cầu Nhật Tân thì may ra (chỉ “may ra” thôi)
họ có thể thấy pháo bông. Nhưng nếu họ ở xa cầu Nhật Tân thì làm sao họ
có thể thấy mà quên đi cái nghèo của mình? Nhưng hãy giả định rằng 50%
những người nghèo ở Hà Nội nhìn thấy pháo bông, và giả định một cách xa
xỉ rằng những màu mè của pháo làm cho họ quên đi nỗi buồn nghèo khổ, thì
sau đó là gì? Sau niềm vui khi được thấy pháo bông là gì? Dĩ nhiên, sau
vài phút hân hoan, họ sẽ quay về với thực tế của cuộc sống: phải bươn
chải kiếm tiền nuôi con và nuôi chính bản thân họ. Pháo bông không làm
cho họ giàu hơn đồng nào. Như vậy, bắn pháo bông đâu có giúp gì cho họ
về lâu dài; nó chỉ là trò chơi đắt tiền của người có quyền có chức muốn
chứng tỏ rằng Hà Nội là Thủ đô, là niềm tự hào của cả nước. Xem ra, cách
thức thể hiện đó tốn tiền quá. Ai tự hào thì tôi không biết, chứ chắc
chắn một điều là 99.9% dân số Việt Nam không có dịp xem pháo bông Nhật
Tân.
99.9% dân số Việt Nam không có dịp xem pháo bông Nhật Tân.
Cái
câu nói “ru ngủ” người nghèo của vị quan Tuyên giáo làm tôi nhớ đến
chuyện cũ. Xưa kia, giới tuyên truyền thường hay lớn tiếng nói chuyện
cao đạo rằng bọn Mỹ Ngụy chúng ra sức ru ngủ thanh niên miền Nam bằng
cách tạo ra một nền văn hoá ham vui và lai căng. Họ nói rằng mấy phim
ảnh và sách báo tràn lan ở miền Nam là chỉ nhằm ru ngủ và dẫn thanh niên
đi tìm một lối thoát, lẩn trốn trước thời cuộc.
Xem
ra những gì họ lớn tiếng phê phán miền Nam trước kia được lặp lại y
chang và với cường độ cao hơn ngày nay. Ngày nay, bật ti vi lên chúng ta
chỉ thấy toàn là những phim tình cảm sướt mướt của Hàn Quốc, thậm chí
của Tàu. Vào nhà sách thì thấy rất nhiều sách tử vi, bói toán, phong
thuỷ, sách dịch từ mấy cuốn tiểu thuyết ba xu ở nước ngoài. Sách nghiêm
chỉnh của các tác giả Việt Nam thì rất khó tìm. Hệ quả là thanh thiếu
niên ngày nay chạy theo những cái bóng, cái mốt của Hàn và Tàu. Một Võ
Tắc Thiên tàn ác và ghê rợn trở thành thần tượng của thanh niên Việt
Nam, đến nỗi họ bắt chước cách ăn mặc và nói năng của mụ ta. Thật khó
tin vào mắt mình khi thấy cảnh tượng thiếu niên đứng chờ các ngôi sao
nhạc của Hàn Quốc, và khóc như mưa khi được thần tượng họ … cầm tay! Tôi
đoán những thanh thiếu niên này chẳng biết đất nước mình đang bị đe doạ
bởi cái nước đã sản sinh ra mụ mà họ thần tượng. Họ cũng chẳng ý thức
rằng Việt Nam bây giờ là một trong những nước nghèo trên thế giới và nợ
nần chồng chất, và chỉ làm gia công cho người ta làm giàu.
Ai
chịu trách nhiệm về sự sao lãng đó, nếu không là những du nhập các giá
trị văn hoá lai căng từ ngoài? Đáng lý ra những người có trách nhiệm
phải tìm cách để vực dậy tiềm năng của dân tộc, để gieo niềm tự hào văn
hoá và lịch sử dân tộc, thì người ta lại đi tìm những biện pháp màu mè
và xa hoa để xoa dịu, để làm quên đi thực tại nghèo khó trong vài phút.
Phải công nhận rằng đó là một “biện pháp” vừa đắt tiền lại vừa tối dạ.
Nguồn: FB Que Diêm
0 comments:
Post a Comment