Tây có câu "Đằng sau một người đàn ông thành công là hình ảnh của một người đàn bà". Với tôi thì "Đằng sau một đứa con khốn khổ có một bà mẹ".
Má tôi, người đàn bà VN đơn giản. Ngày tôi vào tù má ôm bọc đi thăm
nuôi. Có khi bị kỷ luật không được gặp mặt cùng bị từ chối nhận quà, tôi
thương má lắm. Cặm cụi nấu nướng cả đêm, đón xe từ Sài Gòn sáng sớm,
đợi cho tới lượt mình gặp con, giờ lại phải lủi thủi khăn gói ra về chắc
má buồn lắm. Thực ra tôi không biết ai đã đi thăm mình, chỉ sau này khi
được thả mới biết chính là má. Má hay lắm (dùng chữ gì hơn chữ
"hay"?). Hồi đó gia đình tôi rất đông, ba má có cả thảy chín đứa con sáu
trai ba gái. Ba đi làm đem tiền về để bảo đảm thức ăn luôn luôn có ở
trên bàn. Nhưng chính má mới là người quán xuyến đủ mọi thứ. Sáu thằng
con trai lần lượt vào quân đội, đủ mọi binh chủng. Cộng thêm ba "trái
bom nổ chậm" vậy mà má mà vẫn lo toan mọi bề. Nhiều khi tôi thấy như ba
mà sướng. Mỗi ngày tám tiếng đi làm, về tới nhà thì nghỉ ngơi ăn uống.
Ba không phải làm gì hết bởi vì người nội tướng của ba đã lo mọi thứ.
Gọi má là nội tướng không sai chút nào, với tôi tôi chỉ muốn đeo cho má
cái lon Nội (Thống) Tướng.
Sau này, gia đình tôi lại phình bự thêm một chút với ba người cháu (con
ông chú, em ba) mồ côi về chung sống. Cũng một tay má lo hết, vậy mà
chưa bao giờ nghe má than phiền, làm như thế đó là chuyện thường ngày
trong huyện. Tiền lương ba không có dư, thậm chí còn túng thiếu, nếu má
kém xoay xở, không biết gia đình sẽ đi về đâu. Trước nhà có cái hiên,
vậy là má bày ra bán cơm tấm. Bán không hết thì con cái cháu chắt thầu
dùm, không đổ tháo đi đâu mà sợ. Ba là một người chồng, người cha tốt,
không cờ bạc rượu chè, chơi bời trai gái, nhưng sức ba chỉ có thế. Trời
thương nhờ tài xoay xở của má, gia đình chẳng phải đói khát ngày nào.
Năm 1972 ba má mua được một miếng đất nhỏ ở Biên Hòa, ông bà về đó ở, để
lại cái nhà ở Sài Gòn cho mấy chị em tôi. Mỗi tuần chúng tôi thay
phiên nhau về thăm. Điều buồn cười là chúng tôi dặn những người thân nếu
đi lên Biên Hòa hãy cứ hỏi nhà Bà Năm Mắt Kiếng người ta sẽ chỉ cho.
Đừng đá động gì tới ông Năm vì chẳng ai biết ông Năm là ông nào. Má như
vậy đó, sống ở đâu cũng được hàng xóm láng giềng thương kính. Giúp được
gì cho ai thì giúp, đó là chăm ngôn sống của má. Có lần tôi hỏi đùa "Hồi
đó sao má nhận lời lấy ba vậy? Con thấy má đẹp, lại giỏi, còn ba (đừng
cho ba biết) xấu trai mà lù đù quá. Bộ lúc ông Cha hỏi "Bà có bằng
lòng…” má ngủ gục nên gật đầu đại hả?” má cười “ba mầy ổng lì lắm, theo
tao hoài…” sau này anh em tụi tôi học mánh của ba, càng lì càng dể có
vợ.
Năm 1973 thằng em tôi chết trận ở Kiến Đức, Quảng Đức, ba tôi khóc sướt
mướt, còn má thì không. Nghe người ta báo tin nó bị đánh úp, chạy trốn
trong rừng mất tích, má ngã quỵ bất tỉnh. Khi mở mắt má cứ ngồi nhìn xa
xôi mắt thất thần. Ngày hôm sau má cùng với người chị dâu tôi xin máy
bay đi tìm xác con. Từ ngày đó ăn uống gì má cũng bảo chừa cho nó (em
tôi) một miếng vì má không tin nó đã chết. Một lần khác, anh Hai tôi,
Đại Úy Quân Y Tổng Y viện Cộng Hòa chạy về báo tin anh Tư bị phục kích
bắn đổ ruột ở Long Khánh, má lại hộc tốc theo xe đi thăm con. Chỉ khi
biết chắc chắn anh sẽ qua khỏi má mới hoàn hồn, may là cuối cùng mọi
chuyện êm xuôi
Hồi tôi được thả sau sáu năm ở tù về tới nhà, má cứ nhìn bàn tay tôi mà
khóc. Con của má sinh ra có đủ mười ngón, bị VC giựt điện mất hết một
ngón út má đau lòng lắm. Nhà nghèo, vậy mà má cứ mua thức ăn tẩm bổ cho
con mình. Ăn riết người tôi nó bị phình ra như có ai bơm hơi vào. Một
lần, má kho cá ngon quá tôi cứ thế mà ăn. Má sợ tôi bị bội thực nên ngăn
bớt "Ăn từ từ thôi con, ngừng một chút cho tiêu rồi ăn tiếp", ba cản má
"Kệ nó bà, nó đói thì cứ để nó ăn". Quả nhiên “con cãi cha mẹ trăm
đường con hư" sau đó thì tôi đứng lên không nổi, đi cũng không được. Báo
hại tối má thức suốt đêm bên tôi sợ tôi chết. Hồi trước 75, mỗi lần
tôi, hay anh tôi về, má lại đi chợ mua đồ nấu nướng cho chúng tôi. Nhất
là món canh chua tuyệt vời của má. Nhớ má là nhớ tới canh chua thật
nhiều ớt.
Tôi về được hai năm thì má mất. Sáu "thằng lính ngụy" làm má kiệt sức.
Hồi má mất má còn rất trẻ so với mấy dì tôi. Năm chị em gái với nhau các
dì đều ra đi sau này ở tuổi trên dưới chín mươi. Chỉ có má "giã từ vũ
khí" vào lúc vừa qua sáu mươi vì bị đứt mạch máu não. Nằm bệnh viện một
đêm cho tới khi bác sĩ tuyên bố hết thuốc chữa tôi đưa má về trên chiếc
xích lô đạp. Má cứ thở nhẹ trong tay tôi, mắt nhắm nghiền. Tôi không
biết má có nghe được tôi nói không vì lúc đó tôi cứ thầm thì bên má
"Ráng đi má, còn chút xíu nữa tới nhà rồi". Má đi hồi nào tôi không hay,
chỉ biết xe vừa tới trước nhà, mấy chị em tôi ùa ra đưa má vô thì má đã
đi rồi. May mắn cho tôi, dù sao vẫn còn được ở bên má hai năm Anh thứ
tư tôi còn trong trại, bốn năm sau về tới nhà anh khóc ngất khi nhìn
hình má trên bàn thờ.
Tôi viết về má vì với tôi đó là hình ảnh của Thượng Đế. Tôi còn nhìn
thấy Thượng Đế nhiều lần nữa trong cuộc đời. Đó là Thượng Đế Nguyễn Thị
Lợi, mẹ của Phạm Thanh Nghiên, Thượng Đế Đặng Thị Kim Liêng mẹ của Tạ
Phong Tần, Thượng Đế mẹ của Nguyễn Phương Uyên, Thượng Đế mẹ của Đinh
Nguyên Kha... Chẳng có người mẹ nào muốn con mình phải chịu đau đớn, tù
tội. Má tôi muốn tôi có vợ có con, sống một cuộc đời bình thường nhưng
yên bình, má đâu có muốn con mình đi tù, bị VC tra tấn đến cháy mất một
ngón tay. Nhưng khi con mình bị gian khổ, má lại lầm lũi, cặm cụi gói
quà đi nuôi con. Chỉ có Thượng Đế mới làm nỗi việc đó. Nhớ ngày tôi trở
về, quen được một cô gái, tôi đã thưa với má đi cưới vợ cho mình. Lần
đầu tiên sau mấy chục năm má mặc lại áo dài, có "su chiêng" đàng hoàng
đi ra mắt đằng gái. Trên đường về, tôi ôm má sờ vào “dzú dza” của má
rưng rưng "Má ơi, con thương má quá!” má cười “Thằng chó, sắp có vợ
rồi…” Gần ba mươi năm từ ngày sinh ra tôi mới được “sờ vú mẹ”.
Mẹ Lợi, mẹ Liêng, mẹ của Uyên, Kha cũng thế. Các bà có lẽ đã rất lo lắng
buồn rầu cho con cái mình khi họ lựa chọn con đường chông gai tù tội.
Tôi tin rằng chắc quý mẹ đã nhiều lần khuyên nhủ, thậm chí van lơn con
hãy từ bỏ những mong ước đầy gian nan bất trắc đó. Kể cả dù là những ước
mơ, những dấu tranh cho đất nước dân tộc. Trái tim người mẹ nào cũng
như thế cả. Nhưng quý Ngài (tôi xin được gọi quý Mẹ là quý Ngài) rất
khác, một sự khác biệt vĩ đại. Khi hiểu ra chí hướng của con, quý ngài
đã chấp nhận đứng bên con, chấp nhận chịu đau khổ với con. Sẵn sàng dùng
đôi cánh của gà mẹ bảo vệ con trước móng vuốt “diều hâu VC”. Nhìn ảnh
Phạm Thanh Nghiên với mẹ trước tấm băng rôn tôi thầm thì "em có biết là
em hạnh phúc biết bao nhiêu khi mẹ chia lửa với em không Nghiên?". Nghe
tin mẹ Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu để phản đối bọn VC, tôi xót xa với
nỗi mất mát của Tạ Phong Tần. Theo dõi mẹ của Uyên, Kha trên đường đến
trại giam, tòa án đấu tranh cho con mình không mệt mỏi, tôi muốn nói với
các cháu đó là niềm hạnh phúc mà các cháu không thể mua bằng tiền. Mẹ
của Đỗ Thị Minh Hạnh bệnh nặng như thế vẫn bôn ba trôi nổi đến tận những
nước ngoài để kêu cứu cho tình trạng của con mình. Mẹ gầy gò ốm yếu
trong vòng tay rắn chắc, mạnh mẽ của đứa con vừa mới được tha tù - chàng
thanh niên Công Giáo Paulus Lê Văn Sơn - cho thấy bao đau đớn, nhớ
thương, lo lắng hành hạ người mẹ...
Tôi lại nhớ tới má mình.
"Thượng Đế muốn chứng tỏ Ngài có mặt ở khắp mọi nơi nên Ngài đã tạo ra những bà mẹ",
"Thượng Đế" hiện diện bên Hồ Duy Hải từ lúc anh được sinh ra. Năm 2008
Hải bị oan khiên trong một vụ giết người, chuyện kéo dài tới nay gần sáu
năm (2008-2014). Bị lên án tử hình, nếu không có mẹ chạy đôn chạy đáo
để minh oan, giờ phút này chắc Hải đã diện kiến với Ông Trời thật.
Đó là bà me Nguyễn Thị Loan. Chỗ nào có thể kêu cứu cho con mình bà đều
có mặt. Từ tòa án tới tòa báo, từ chùa tới nhà thờ, kêu cứu với con
người không xong (Viện Kiểm Sát, lãnh đạo Nhà Nước) mẹ chạy đến quì
dưới chân Chúa, Phật. Người mẹ không từ nan bất cứ điều gì, sẵn sàng
tiêu xài hết chút sức lực tiền của còn sót lại để dành giựt mạng sống
cho con. Sáu năm trời ngược xuôi, bao nhiêu mồ hôi đã đổ ra, bao nhiêu
nước mắt đã nuốt vào người mẹ vẫn không nản chí. Chắc rằng bà chỉ có thể
ăn ngon ngủ yên ngày con trai được trở về trong vòng tay mình bình yên
và oan khiên được xóa sạch. Đừng sợ hãi, con không cô đơn. Má luôn luôn ở
bên con, má sẽ chạy cho tới khi má gục ngã kiệt sức, miễn sao con được
minh oan.
Đó là bà mẹ Bích của Nguyễn văn Chưởng, người đã thốt lên trong tuyệt vọng “Tôi sẽ nổ bom nếu họ giết chết con tôi”.
Trong giây phút không còn biết phải bám víu vào đâu, người mẹ đã đem cả
sinh mạng mình để đổi lấy sự sống cho con. Có ai hiểu trái tim mẫu tử
đang cô thân độc mã, gióng lên tiếng chuông kêu cứu đứa con tử tù oan
khuất? Với những người mẹ như thế nầy cúi đầu bái phục vẫn chưa đủ, xin
hãy tiếp tay, cầu nguyện hiệp lòng hiệp sức với họ.
“Thượng Đế muốn chứng tỏ Ngài có mặt ở khắp mọi nơi nên Ngài đã tạo ra
những bà mẹ". Đẻ con ra, nuôi con bằng sữa, nhai nát cơm đút từng miếng
vào miệng con, cười với cái cười của con, xót xa khi con khóc. Lớn lên
một chút theo dõi từng bước chân con tới trường, nuôi nấng con mười tám
mười chín tuổi. Thời chiến tranh gởi con cho số phận, má sử dụng hầu hết
thì giờ bên bàn thờ Chúa, Phật, khấn vái cầu xin cho con được an bình
trước làn tên mũi đạn. Con về phép thì vui mừng nấu nướng cho con, tấm
lòng người mẹ không có chỗ trống cho điều gì khác hơn (hơi hướng) hình
ảnh của con mình. Ngày con tử trận có người mẹ vật vã khóc than, cũng có
người mẹ không còn nước mắt, thẫn thờ nhìn xa xôi, đầu óc quay cuồng,
ai tới thăm cũng hỏi “Mày đó hả (Minh, Anh, Bảy, Ngọc, Nam, Hai)...” vì
tưởng con vừa mới về. Má ở Mỹ, ở Úc, ở Bắc, ở Nam đều nếm vị mặn nước
mắt như nhau, đều than trời trách đất như nhau khi những mảnh đạn chì
cướp mất mạng sống của con.
Thế kỷ thứ hai mươi mốt. Má không phải khóc con vì bom đạn, nhưng má
không ngủ được hằng đêm, đợi chờ tiếng đập cửa của An Ninh VC. Má không
biết lúc nào rồi con sẽ xa má. Dù thế nào, con cũng là con của má, và dù
thế nào má cũng luôn luôn ở bên con. Má không cần phải nói nhưng nếu
người ta muốn lấy mạng má để thay cho mạng con thì má đã sẵn sàng, con
cứ yên tâm.
Hãy hỏi Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên
Kha, Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và tất cả những người con... nếu ai
đó còn hoài nghi về trái tim của người mẹ.
0 comments:
Post a Comment