Thursday, January 1, 2015

Chỉ biết chống nhau - không chống ngoại xâm

...Nghịch lý của nỗ lực chống tin xấu là chỗ Đảng, Quân đội và Công an đã không dám đả động gì đến các hoạt động bành trướng và chiếm đóng biển đảo Việt Nam của Trung Quốc ở Biển Đông, như đang diễn ra ở Trường Sa từ hai năm qua. Hay là lãnh đạo đảng khi mải mê chống nhau và chống dân đòi dân chủ và tự do thì đã coi Trung Quốc không còn là kẻ thù nữa mà là láng giềng tốt, đồng chí tốt nên cứ để cho Bắc Kinh thoải mái làm ăn ở Biển Đông?...

*

Trước Đại hội Đảng XII mà cả nước chỉ nghe Lãnh đạo kêu gọi chống nói xấu lãnh đạo, chận đứng thông tin chia rẽ nội bộ và không được hoang mang giao động thì đó là điềm không sáng. 

Có người như ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa “đã thẳng thắn cho rằng, mỗi khi đất nước chuẩn bị có sự kiện chính trị gì thì thông tin trên mạng khiến người dân xôn xao, băn khoăn.”

Ông bảo: “Bây giờ cũng thế. Đề nghị các Bộ chức năng phải ứng phó kịp thời để ổn định chính trị” (trích Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 29/12/2014). 

Nhưng ai, nhóm nào, phe nào trong đảng đã tung các loại tin này để gây bất ổn chính trị, tạo cơ hội vây bè kết cánh hay tạo áp lực để mua chuộc nhau? 

Không thấy ai dám nói thẳng ra tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 29/12/2014, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, theo tin của VOV, đã “đề nghị Bộ Công an, Thông tin Truyền thông cần quản lý tốt an ninh mạng.”

Ông Thanh nói: “Đúng như các đồng chí nói, khi sắp Đại hội, lấy phiếu tín nhiệm, trên mạng lại rộ lên một đợt thông tin nói xấu Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt, gây phân tâm, mất niềm tin trong dân chúng. Đề nghị cần tăng cường công tác quản lý thông tin mạng để khắc phục tình trạng này. Ai có khuyết điểm gì thì Ban Kiểm tra trung ương sẽ có trách nhiệm xem xét, làm rõ và xử lý. Trên mạng cứ đưa thông tin tràn lan thế này tôi phân tâm lắm. Tôi giáo dục tư tưởng chính trị trong quân đội rất rõ, nhưng các anh em trẻ đọc các thông tin này thì sao giữ vững niềm tin. Đề nghị phải có biện pháp chứ không nên thả nổi như hiện nay.”

Khi Quân đội và ngay cả tướng Thanh cũng “phân tâm lắm” thì “thông tin tràn lan thế này” phải ghê gớm chứ chẳng phải tầm thường. 

Bởi vì chính Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cũng phải “Kiến nghị các cơ quan lãnh đạo, chủ đạo báo chí trong thông tin tuyên truyền cần chủ động định hướng cho dư luận, đấu tranh phản bác kịp thời các luận điệu sai trái thù địch và những quan điểm thiếu tính xây dựng.”

Ông Quang không hé răng tiết lộ kẻ nào, hay nhóm nào đứng sau chiến dịch thông tin bất lợi này, nhưng ông đã yêu cầu cần: “Chú trọng kiểm soát chặt chẽ việc truy cập khai thác thông tin qua mạng Internet nhằm hạn chế thấp nhất tác động xấu vào nội bộ và lộ bí mật nhà nước, bí mật nội bộ.” 

Ông cảnh giác: “Ta truy cập vào Internet để lấy thông tin thì đồng thời đối phương cũng lấy được tất cả những thứ trong mạng nội bộ của chúng ta, kể cả USB (Universal Serial Bus, USB). Hơn nữa, thông tin trên mạng rất phong phú, đa dạng, có cả tốt cả xấu, nhưng hết sức chú ý tránh những luận điệu sai trái, thù địch, thông tin độc hại, đả kích, chia rẽ, bôi nhọ, xuyên tạc nội bộ.

Báo Dân Trí (29/12/2014) cũng thông tin Bộ trưởng Công an còn yêu cầu: “Nên tập trung kiểm soát việc tung các tài liệu không đúng sự thật về các đồng chí lãnh đạo trên mạng, gây chia rẽ nội bộ, nhất là trước thời điểm Đại hội Đảng.” 

Ông Quang còn cho biết năm 2015: “Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường cấp phép dịch vụ Internet, tập trung ngăn chặn việc phát tán các tài liệu trên mạng không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, đả kích các lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ.” 

Ông nói: “Có thể thấy có rất nhiều loại thông tin như thế, gây tác động rất xấu trong nội bộ, cần lên án và ngăn chặn, giảm thiểu sự độc hại tác động vào nội bộ (theo VOV 29/12/2014)

Nhưng kẻ nào tung tin và cho ai hứng? Dân thì chắc là không làm gì có các chuyện “thâm cung bí sử” thần kỳ của Lãnh đạo để moi ra cho thiên hạ coi, vì chẳng lợi lộc gì mà còn mắc họa vào thân. 

Chỉ có “người trong nhà” và phải là “lãnh đạo” mới biết chuyện của nhau nên đã moi ra cho đàn em đánh phủ đầu để ngăn chặn tham vọng của đối phương hay để phòng ngừa trước Đại hội Đảng XII.

Ai đang phá ai?

Vậy ai đang đánh ai trong số 4 Lãnh đạo hàng đầu và những Ủy viên Trung ương muốn củng cố thế đứng trong các kỳ Đại hội đảng địa phương diễn ra trong năm 2015? 

Tin nội bộ từ Hà Nội nói rằng, nhiều Ủy viên Trung ương khóa đảng XI không hài lòng với đường lối lãnh đạo thân Trung Quốc của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng, quê Hà Nội, cũng bị chê đã quá già ở tuổi 72 so với chức vụ khi mãn nhiệm vào tháng 1/2016. 

Ông còn bị gièm pha thiếu kiên quyết chống tham nhũng, chủ trương “dĩ hòa vi quý” và không đủ uy tín để lãnh đạo như đã chứng minh tại 2 kỳ Hội nghị Trung ương 6 (không kỷ luật nổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) và 7 (thất bại trong việc đưa 2 ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban Nội chính Trung ương và ông Vương Đình Huệ, trưởng ban Kinh tế Trung ương vào Bộ Chính trị).

Người thứ hai bị phê bình “ba phải” là Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, 67 tuổi vào năm 2016. Ông Sang sinh ra ở Long An, có thêm quyền khi Hiến pháp 2013 sửa đổi được ban hành tháng 11/2013, nhưng chỉ là hình thức, lễ trang. Ông cũng là người nói nhiều về chống tham nhũng và dễ thỏa hiệp với những than phiền và chỉ trích của cử tri nhắm vào Đảng và Chính phủ đã thất bại trong công tác chống “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí nhưng chính ông lại là một trong số lãnh đạo hàng đầu quan trọng của hệ thống thì không biết ông đang chỉ trích ai? 

Đứng hàng thứ ba trong “tứ trụ triều đình” là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, quê Nghệ An, sẽ 70 tuổi vào dịp Đại hội đảng XII. Ông Hùng bị nhiều đảng viên Đại biểu lên án không tích cực đấu tranh để Quốc hội ra Nghị quyết về tình hình Biển Đông khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN từ ngày 02/05 đến 17/07/2014. 

Ông Hùng thường dễ dàng bị dị ứng với nhóm chữ “vấn đề nhạy cảm” khi đụng đến Trung Quốc nên đã mau mắn thỏa hiệp với áp lực chính trị của Bộ Chính trị 16 người, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người “vốn rất thân Trung Quốc” (lời Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh) cầm đầu. 

Ông Hùng cũng là người đã đồng ý Quốc hội khóa 13 hoãn thảo luận Luật Biểu Tình theo đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì là vấn đề “nhạy cảm” dễ đụng chạm với Bắc Kinh.

Thế chính trị của Thủ tướng

Sau cùng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 67 tuổi người Cà Mâu. Ông Dũng đã tìm cách tạo uy tín trong nước và nước ngoài khi ông một mình đưa ra nhiều lời tuyên bố bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chống hành động chiếm lấn biển đảo Việt Nam của Trung Quốc, nhất là trong vụ Bắc Kinh đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (từ 02/05 đến 17/07/2014). 

Ông cũng là người đã tạo được cảm tình với một số các nhà đấu tranh dân chủ trong nước khi ông nói rằng: “Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. VN không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này” (nói chuyện tại Viện Koerber (Berlin, CHLB Đức) hôm 15/10.)

Sau khi thoát nạn “kỷ luật” của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị 6, ông Dũng đã có những hoạt động và tuyên bố bắt đúng mạch của dư luận đòi dân chủ hóa chế độ và Luật Biểu tình. 

Tại cuộc chất vấn của Quốc hội ngày 25/11/2011, ông Dũng đã đưa ra 3 lý do cần phải có Luật Biểu tình như sau:

Thứ nhất, thực hiện Hiến pháp. Hiến pháp điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Nhưng chúng ta chưa có luật biểu tình. Như vậy chúng ta nên bắt tay nghiên cứu xây dựng luật biểu tình. Tôi muốn nói ngắn gọn là căn cứ thực hiện Hiến pháp.

Thứ hai, trên thực tế, các vị đại biểu Quốc hội ngồi đây đều chắc thấy rõ một thực tế trong cuộc sống của chúng ta đã có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền. Có thực tế như thế. Nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý, điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền mà được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Đã khó như vậy sẽ nảy sinh những lúng túng trong quản lý, từ đó xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, đã xuất hiện những việc lợi dụng để kích động xuyên tạc gây phương hại xã hội.

Thứ ba, trước thực trạng như thế, Chính phủ đã có báo cáo kiến nghị với Quốc hội khóa trước, Quốc hội khóa trước đã ban hành nghị định để quản lý, điều chỉnh hiện tượng này. Chính phủ đã ban hành nghị định số 38 để quản lý, điều chỉnh hiện tượng này nhưng Nghị định của chính phủ hiệu lực thấp chưa đáp ứng yêu cầu, tầm vóc như hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra.

Chính phủ mới thấy phải kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có bộ luật, một luật biểu tình. Luật đó phù hợp Hiến pháp, phù hợp đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của hiến pháp và pháp luật, đồng thời luật đó có yêu cầu ngăn chặn những việc làm, hành vi gây xâm hại an ninh trật tự, lợi ích của xã hội, nhân dân.” (Theo báo VNNET,25/11/2011)

Tuy nhiên sau đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tán thành đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, cơ quan soạn thảo Luật Biểu tình, hoãn đưa ra Quốc hội trong năm 2014 vì lý do chưa chuẩn bị xong và được gọi là “nhạy cảm”, nhưng đúng ra là sợ đụng chạm đến Trung Quốc khi người dân xuống đường biểu tình chống chính sách chiếm đóng biển đảo Việt Nam của Bắc Kinh như đã diễn ra từ năm 2011.

Nhưng tại kỳ họp của Chính phủ cuối năm 2014 ngày 30/12/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã một lần nữa bác ý kiến của Bộ trưởng Trần Đại Quang và một số nhân viên Nội các xin rút dự luật biểu tình khỏi chương trình làm luật của Quốc hội năm 2015. 

Bản tin của Chính phủ loan báo sự kiện này như sau: 

“Cũng trong công tác xây dựng luật và pháp lệnh, theo Nghị quyết của Chính phủ, trong quý I/2015, dự án Luật Biểu tình phải được trình Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo dự luật này (Bộ Công an) xin rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, do biểu tình là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp nên cần có thêm thời gian để khảo sát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Sau các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình và quyền này do luật quy định, nhưng hiện mới chỉ có Nghị định của Chính phủ quy định. Hiến pháp cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật này, cần nghiên cứu kỹ và chỉ xin lùi thời điểm trình dự án luật bởi việc xây dựng luật này đã được Bộ Chính trị và Quốc hội quyết định. Hơn nữa, việc xin rút dự án luật này ra khỏi chương trình phải có đủ lý lẽ thuyết phục và phải có đủ cơ sở.” (Bản tin Chính phủ ngày 30/12/2014)

Có tin ông Dũng nuôi tham vọng trở thành Tổng Bí thư đảng, nhưng ông lại không chiếm được cảm tình của các “cây cổ thụ bảo thủ” trong đảng người miền Bắc và miền Trung. Nhiều đảng viên lãnh đạo còn phê bình ông Dũng có đầu óc “gia đình trị”, “vây bè kết cánh” theo phương án các “nhóm lợi ích” để tạo thế lực. 

Quan chức thứ năm muốn ngấp nghé chiếc ghế Tổng Bí thư là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, 67 tuổi người Thanh Hóa. Nhưng ông Nghị lại bị chê là người có nhiêu mưu mô và thuộc hàng ngũ thân Trung Quốc. Ông Nghị không được giới trí thức và cựu đảng viên lão thành cách mạng ủng hộ vì chính ông đã “điều binh khiển tướng” chống các cuộc biểu tình tại Thủ đô Hà Nội của nhân dân chống Trung Quốc và tưởng niệm ghi công các chiến sĩ đã hy sinh chống quân Trung Quốc xâm lược ở Hoàng Sa, Trường Sa và chiến tranh biên giới 1979-1989. 

Người thứ sáu đang muốn dòm ngó chức Thủ tướng là Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, 62 tuổi (năm 2016) gốc người Quảng Nam, nhưng ông Phúc đang bị chê thiếu kinh nghiệm và chưa đủ úy tín trong đảng.

Đó là 6 khuôn mặt nổi cộm đang được các thông tin trong nước trao qua đổi lại vào thời điểm các Tổ chức đảng chuẩn bị Đại hội bầu bán ở địa phương để chọn người dự Đại hội đảng XII. Nhưng không ai biết liệu có ai trong số 6 chóp bu này đã nhúng tay vào việc tung lên mạng các tin nói xấu lãnh đạo và chia rẽ nội bộ như lời cáo buộc và báo động của hai Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Công an Trần Đại Quang? 

Báo Quân đội đánh lạc hướng

Trong khi đó thì có điều chắc chắn là báo Quân đội Nhân dân trong bài viết “Kiên quyết đẩy lùi những thông tin bất lợi cho đất nước” của Thiện Văn, ra ngày 29/12/2014 đã cố tình nói loại thông tin “nói xấu lãnh đạo, gây chia rẽ” không xuất xứ từ nội bộ đảng mà do các mạng báo chống phá đảng trong-ngoài cấu kết với nhau thực hiện. 

Tác giả mở đầu: “Thời gian qua, các trang mạng hải ngoại và một số trang mạng trong nước có máy chủ ở nước ngoài vẫn ráo riết chống phá cách mạng Việt Nam bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo trá, nham hiểm.” 

Thiện Văn lập luận: “Một điểm đáng lưu ý nữa là, bên ngoài thì tỏ vẻ đứng trên lập trường khách quan, sốt sắng "lo lắng cho vận mệnh dân tộc, tương lai đất nước”, nhưng thực chất các “nhà dân chủ”, “nhà báo đấu tranh cho tự do”, "blogger yêu chuộng công lý”, các “nhà đài, nhà mạng” ở hải ngoại lại cố tình thông tin, tuyên truyền theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”. Bằng cách thông tin này, họ cố ý làm cho ranh giới tốt-xấu, thật -giả, đúng-sai, phải-trái lẫn lộn vào nhau, nhằm gây nhiễu nội dung thông tin, đánh lạc hướng dư luận xã hội, đưa công chúng lạc vào một “ma trận thông tin” rối ren, phức tạp. Đây là một kiểu “cài bẫy thông tin” rất tinh vi, nham hiểm, nếu ai thiếu bản lĩnh, thiếu hiểu biết và không tỉnh táo, mơ hồ, mất cảnh giác thì rất dễ bị “sập bẫy”. Khi ấy mưu đồ, dụng ý xấu của họ đã phần nào được hiện thực hóa.”

Tác giả của tờ báo Quân Đội bao biện rằng: “Không chỉ lợi dụng những lúc đất nước khó khăn để tìm cách đưa tin theo kiểu "té nước theo mưa", “giậu đổ bìm leo”, mà vào những dịp nước ta tổ chức các sự kiện lịch sử lớn, các trang mạng “ngoài lề” cũng cố tình “lôi ra, lục lại, tái diễn” những quan điểm lạc hậu, những chiêu trò cũ rích.”

Người viết còn vẽ ra muôn hình vạn trạng để cáo buộc các mạng báo xã hội trong nước và bên ngoài Việt Nam chứ không phải từ trong nội bộ đảng, là thủ phạm những tin nói xấu lãnh đạo và gây chia rẽ trong đảng. 

Thiện Văn bầy binh bố trận thế này: “Cần phải nhắc lại một điều không mới, nhưng luôn có ý nghĩa thời sự: Một trong những âm mưu mà các thế lực thù địch kiên trì theo đuổi là triệt để lợi dụng tính hai mặt của thời đại “thế giới phẳng” để tiến công phá hoại nền tảng tư tưởng-văn hóa của nước ta. Với phương châm “Đầu tư 1USD cho mặt trận tư tưởng-văn hóa hiệu quả hơn đầu tư 10USD cho mặt trận quân sự”, những năm qua, họ đã tiêu tốn hàng triệu USD vào việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và đào tạo nhân lực để hình thành “đế quốc thông tin” chĩa thẳng vào Việt Nam nhằm làm chuyển biến hệ tư tưởng, thay đổi hệ giá trị văn hóa, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội ở nước ta.” 

Thế rồi, bài viết lại vẽ rắn thêm râu, vẽ rồng thêm cánh để khoác lên đầu những tờ báo và mạng truyền thông của người Việt ở nước ngoài và các mạng xã hội dân sự trong nước với lời vu cáo không cần bằng chứng: “Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có 62 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, 390 báo, tạp chí, 88 nhà xuất bản và 397 trang web, blog, mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài thường xuyên “nuôi dưỡng” nguồn tin và cung cấp, đăng tải những thông tin thiếu thiện chí, bất lợi cho Việt Nam. Hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, những tờ báo, chương trình phát thanh, trang web, blog, mạng xã hội đó dù “bao bọc” với đủ cái tên “thiện chí, mỹ miều”, hay ra vẻ “trung lập, khách quan” thì cũng có chung một ý đồ là ra sức “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” nhằm xuyên tạc tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa của nước ta, nói xấu chế độ, bôi nhọ Đảng ta; đồng thời cổ xúy lối sống cá nhân vị kỷ và huyễn hoặc, lôi kéo thế hệ trẻ đi tìm “chân trời mới” bằng những viễn cảnh ảo tưởng, xa thực tế.”

Cuối cùng, tác giả kêu gọi: “Trước những thông tin bất lợi, độc hại nhằm vào nước ta ngày càng nhiều, với tần suất lớn và mật độ dày, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ngành thông tin và truyền thông vừa diễn ra mới đây, một đồng chí lãnh đạo Chính phủ khẳng định: Năm 2015, nước ta sẽ tổ chức kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử trọng đại và tổ chức đại hội Đảng các cấp. Do vậy, càng gần đến các sự kiện lớn cần phải chú trọng đấu tranh, phản bác và làm thất bại những thông tin không đúng sự thật, thông tin bất lợi, gây chia rẽ, nhụt chí trong nhân dân.” 


Để kết luận, tác giả Thiện Văn đã làm nhiệm vụ của Công an để xúi Chính phủ: “Bên cạnh đó, cần ra sức khuyến cáo, cảnh tỉnh, cảnh báo cho công chúng những trang tin điện tử, mạng xã hội, blog... chủ ý cung cấp những thông tin tạp nham, vô bổ, trái quan điểm đường lối của Đảng và gây phương hại đến ổn định an ninh tư tưởng, an ninh chính trị quốc gia. Đối với những trang mạng, blog cố tình sai phạm, được nhắc nhở nhiều lần mà không chuyển biến, không cầu thị vì lợi ích quốc gia, dân tộc, thì phải kiên quyết “đóng cửa” để góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường thông tin ở nước ta.”

Nhưng muốn làm sạch “môi trường thông tin” thì trước hết, đảng cần làm sáng tỏ tại sao khi Thế giới Cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin đã sụp đổ từ năm 1991 mà đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn bám lấy để chận đứng đà tiến hóa của dân tộc?

Những lý luận trái chiều và chói tai như “kiên định xây dựng đất nước dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng (Cộng sản) Hồ Chí Minh”, hoặc chủ trương làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã không giải quyết được những khó khăn của đất nước như đã chứng minh sau gần 30 năm đổi mới. 

Đảng cũng cần giải thích tại sao đất nước đã độc lập mà dân chưa có tự do, và cụm từ “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được thực thi từ sau Đại hội đảng lần thứ X (tháng 04/2006) mà nay đa số trong dân 90 triệu người vẫn còn nghèo nàn và chậm tiến nhất trong khu vực; công bằng chưa dành cho dân; dân chủ vẫn còn là hình thức và lạc hậu vẫn là nỗi ám ảnh triền miên ở Thế kỷ 21? 

Như vậy có phải con đường đảng chọn gọi là “quá độ lên xã hội chủ nghĩa” đã không những mơ hồ, ảo tưởng, phù phiếm mà đã chệch hướng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận ngày 23/10/2013 rằng: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” 

Vậy mà, cũng chính ông Trọng trong lời phát biểu ngày 27/12/2014 với Hội đồng Lý luận Trung ương vẫn có thể nói như mê sảng rằng: “Các đồng chí cần chủ động tăng cường hơn nữa tổ chức trao đổi đối thoại, lý luận tranh luận khoa học đặc biệt đối với các ý kiến trái chiều, khác nhau ta cũng trao đổi thông qua tăng cường tọa đàm, đối thoại. Đối với các quan điểm sai trái thù địch nhất là liên quan đến cương lĩnh, Hiến pháp đến đường lối cơ bản của Đảng dứt khoát phải đấu tranh phê phán bác bỏ, ở đây đòi hỏi người làm công tác lý luận phải có bản lĩnh, trình độ nắm vững trình độ lí luận cơ bản.”

Lý do duy nhất để ông Trọng đòi hỏi như thế vì cả Cương lĩnh và Hiến pháp là hai văn kiện cốt lõi được viết ra chỉ để bảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn và độc tài cho đảng. 

Nhưng cả hai Văn kiện này đã và đang bị nhiều giới đảng viên và trí thức chỉ trích và đòi phải thay đổi khi đảng chuẩn bị Đại hội đảng XII.

Nghịch lý của nỗ lực chống tin xấu là chỗ Đảng, Quân đội và Công an đã không dám đả động gì đến các hoạt động bành trướng và chiếm đóng biển đảo Việt Nam của Trung Quốc ở Biển Đông, như đang diễn ra ở Trường Sa từ hai năm qua. 

Hay là lãnh đạo đảng khi mải mê chống nhau và chống dân đòi dân chủ và tự do thì đã coi Trung Quốc không còn là kẻ thù nữa mà là láng giềng tốt, đồng chí tốt nên cứ để cho Bắc Kinh thoải mái làm ăn ở Biển Đông?. 

(12/014) 

0 comments:

Powered By Blogger