Thursday, January 1, 2015

Bà Ngoại tôi hình như thông tuệ hơn triết gia Karl Marx?

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bà ngoại tôi không biết chữ quốc ngữ. Ông cố dạy bà chữ Hán và chữ Nôm cốt để bà đọc sách kinh đạo Chúa bằng chữ Nôm mà thôi. Bà ngoại tôi ghét nhất là thói xấu vào bậc nhất của con người: thích áp đặt ý định chủ quan của mình lên kẻ khác, bất chấp kẻ khác có đồng ý hay không?

Năm 1956 cải cách ruộng đất, khi ông Rồng là bần cố nông, đảng viên cộng sản mù chữ đến nhà tuyên truyền chủ nghĩa Marx, bà ngoại tôi đốp chát ngay: “Các ông cho mầu đỏ đẹp nhất đó là quyền của các ông, còn tôi cho mầu xanh là đẹp nhất. Sao cứ bắt toàn dân phải yêu màu đỏ, ghét màu xanh là sao? Các ông nên bỏ cái thói dùng súng dí vào đầu bắt người ta phải tin điều này điều nọ, toàn những điều dông dài vô bổ đâu đâu...”

Vì câu nói này mà cả đời bà ngoại tôi bị chính quyền làm phiền, bị đấu tố, bị theo dõi xem bà đã liên hệ với CIA ra sao?

Một lần, tôi nhớ là vào năm 1957, tôi phá ổ kiến chơi và cho lá khô đốt kiến. Bà ngoại thấy vậy quở: “Cháu giết kiến Chúa phạt đấy. Chúa cho kiến cũng được sống như người mà, dập lửa ngay! Con kiến cũng phải được sống chứ, nó cũng biết nghĩ và biết đau khổ như người đấy!”. Tôi thưa lại: “Bà ơi, con kiến làm sao biết suy nghĩ?”. Bà nói tiếp: “Hảo à, cháu có là kiến bao giờ đâu mà cháu dám bảo kiến không biết nghĩ?”

Sau này, khi học thần học và triết học trong nhà thờ, tôi luôn luôn nhớ câu nói của bà hôm ấy: “cháu có là kiến bao giờ đâu mà cháu dám bảo kiến không biết nghĩ”, coi đây là mệnh đề triết học lớn, có tính chất tiên đề mà người Hi Lạp cổ dù thông thái như Protagoras, Heraclite, Pytago, Socrate, Platon, Aristotle... cũng chưa nhận ra điều quá đơn giản trên! Triết học Hi Lạp từ tiền Socrate đến Karl Marx đều tuân theo tiên đề chủ quan này của Protagoras, áp đặt quan niệm của con người lên vạn vật, lên kẻ khác: “con người là thước đo vạn vật”...

Chao ôi, con người thì giới hạn, còn vũ trụ, vạn vật thì vô hạn, sao lại lấy cái thước giới hạn đo cái vô hạn hở thiên tài Protagoras? Vả, con người được tự nhiên (vũ trụ) sinh ra, cái thước con người bé tí sao có thể đo được vũ trụ vô cùng vô tận?

Dùng thước đo duy lý rất chủ quan của Protagoras, Karl Marx hăng hái xông vào đo đạc thế giới, thậm chí đo cả kiến cả nhện, như sau:

Marx từng viết: Con nhện làm những động tác tương tự như động tác của người thợ dệt, và con ong làm cho lắm nhà kiến trúc khéo léo phải ngạc nhiên về cách kiến trúc các ổ bằng sáp của nó. Nhưng sự khác nhau trước hết giữa nhà kiến trúc tồi nhất với con ong khéo léo nhất là ở chỗ con người thì phải xây dựng cái tổ đó trong óc mình trước khi xây dựng tổ ong. Cái kết quả mà con người lao động đạt được, đã có trước bằng ý niệm trong trí tưởng tượng của người lao động. Con người không phải chỉ làm cái việc thay đổi hình thức các vật chất tự nhiên, đồng thời bằng việc đó, con người còn thực hiện mục đích của chính mình mà mình đã có sẵn trong ý thức. [*]

Thưa ông chủ quan nhất trong nền triết học thế giới Karl Marx, nói theo tiên đề triết học của bà ngoại tôi: Ông Marx đã là kiến là nhện bao giờ đâu mà dám bảo kiến và nhện không biết hình dung, không biết tưởng tượng ạ?

Qua đây, hình như bà ngoại tôi, người chưa học triết học bao giờ lại có phần thông tuệ hơn ông tổ chủ nghĩa cộng sản là Karl Marx!

Các bạn thấy thế nào ạ?


Sài Gòn ngày 31-12-2014


0 comments:

Powered By Blogger