Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch ( HRW ) công bố bản báo cáo
thường niên về tình trạng nhân quyền trên thế giới (hrw.org)
Thanh Phương
Trong năm 2013, tình hình nhân quyền ở Việt Nam xấu hẳn đi, khiến xu
hướng tụt dốc được biểu hiện trong mấy năm qua càng trở nên trầm trọng
hơn. Đó là nhận định của tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch ( HRW )
trong bản báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền trên thế giới,
được công bố vào ngày hôm nay, 22/01/2014.
Trong phần nói về Việt Nam, báo cáo thường niên của HRW ghi nhận rằng
năm 2013 đã được đánh dấu bằng các đợt đàn áp nặng nề và nghiêm trọng
nhắm vào những người chỉ trích chính quyền, trong đó có những nhà hoạt
động ôn hòa bị kết án tù nhiều năm với “tội danh” chỉ là kêu gọi thay
đổi chính trị.
Tổ chức HRW cũng nhận xét là trong năm qua đã có sự gia tăng đáng kể các
ý kiến phê bình qua báo mạng và các phương tiện truyền thông khác.
Những người phê bình đã chất vấn về các chính sách của chính phủ, tố cáo
nạn tham nhũng của các quan chức, phản đối các vụ tịch thu đất đai, bảo
vệ quyền tự do tôn giáo, và kêu gọi thiết lập thể chế dân chủ thay cho
chế độ độc đảng.
Theo HRW, một nỗ lực rất đáng ghi nhận là “Kiến nghị 72”, ban đầu do
72 nhân sĩ trí thức đứng tên, nhưng sau đó đã được hơn 15.000 người cùng
ký, kiến nghị sửa đổi Hiến pháp Việt Nam để cho phép bầu cử đa đảng.
Một nỗ lực khác là “Tuyên bố 258”, yêu cầu thay đổi điều 258 bộ Luật
Hình sự ( tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” ), một điều luật thường
được áp dụng để đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Báo cáo của HWR thẩm định là hiện có khoảng 150- 200 tù chính trị ở
Việt Nam, trong đó có 63 người đã bị kết án trong năm 2013, tăng hơn so
với tổng số khoảng 40 người bị ra tòa trong năm 2012, mà con số này vốn
đã cao hơn so với tổng số người bị kết án trong cả hai năm 2011 và 2010.
Theo HRW, rất nhiều cây bút độc lập, các blogger và các nhà hoạt động
nhân quyền là đối tượng bị chính quyền đàn áp. Để gia tăng trừng phạt
và ngăn chặn tự do thông tin trên mạng, ngày 01/09/2013, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định 72, hợp pháp hóa việc sàng lọc và kiểm
duyệt thông tin, đồng thời cấm cá nhân không được tổng hợp tin tức trên
các trang blog hay trang web cá nhân.
Tháng Giêng năm 2013, thủ tướng Việt Nam cũng đã ký Nghị định 92, gia
tăng kiểm soát các tổ chức tôn giáo. Vụ xét xử và kết án 14 người, hầu
hết là các nhà hoạt động Công giáo tại Nghệ An vào tháng Giêng năm 2013
mở màn cho đợt gia tăng đàn áp của chính quyền nhằm vào những người chỉ
trích chế độ.
Báo cáo của HRW cũng đăc biệt chú ý đến nạn bạo hành, tra tấn, thậm
chí sát hại tù nhân ở Việt Nam, như vụ anh Nguyễn Văn Đức chết trong
trại tạm giam ở tỉnh Vĩnh Long vào tháng 05/2013 do “xuất huyết não, sọ
bị nứt, não phải bị giập, tụ máu não trái, gãy hai xương sườn, và gãy
xương ức”. HRW không biết có vụ điều tra nào được tiến hành về cái chết
của anh Nguyễn Văn Đức không.
Tuy nhiên, HRW ghi nhận là chính phủ Hà Nội đã có một vài bước đi
tích cực trong năm qua. Chẳng hạn như ngày 07/11/2013, Việt Nam đã ký
Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn. Ngày 24/11/2013, chính phủ đã
ra nghị định chấm dứt xử phạt hành chính những đám cưới giữa người đồng
tính, mặc dù Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi vẫn chưa chính thức công
nhận hôn nhân đồng tính ở Việt Nam.
0 comments:
Post a Comment