Thursday, January 23, 2014

Vụ China Leaks : Khi một nhóm nhà báo dám sờ gáy lãnh đạo Bắc Kinh

Trọng Nghĩa_RFI
Dù chỉ có năm nhân viên, cơ sở làm việc lại rất khiêm tốn, nhóm nhà báo lấy tên là Hiệp hội Quốc tế các Phóng viên Điều tra (ICIJ) đã chứng tỏ là họ có được một lực tấn công to lớn.Thành tích nổi bật mới nhất của tập hợp ký giả này là vụ được mệnh danh là China Leaks, vạch trần các khoản đầu tư của giới lãnh đạo Trung Quốc tại các thiên đường trốn thuế, vừa được báo chí tiết lộ hôm 21/01/2014.

Các tiết lộ xuất hiện đồng thời trên trang nhất tờ Le Monde ở Pháp, The Guardian ở Anh, hay El Pais ở Tây Ban Nha là kết quả của sáu tháng điều tra được nhóm nhà báo có trụ sở tại Washington, gần Nhà Trắng, phối hợp nhịp nhàng trong vòng bí mật tuyệt đối.
Có trong tay 2,5 triệu tập tin bí mật, từ tháng Tư vừa qua, ICIJ đã bắt đầu bằng việc tiết lộ công khai một bản danh sách « khách hàng quan trọng » của các thiên đường trốn thuế trên thế giới, đặc biệt là tại Pháp. Cựu thủ quỹ chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống François Hollande, ông Jean-Jacques Augier chẳng hạn, đã phải giải thích về các khoản đầu tư của ông tại Cayman, một thiên dường trốn thuế nổi tiếng tại vùng Trung Mỹ.
Riêng về trường hợp các lãnh đạo Trung Quốc, mà ba tên Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo đã được nêu lên, nhóm này vẫn đi theo đúng quy trình đã vạch ra : Phối hợp với khoảng hơn một chục phương tiện truyền thông quốc tế, trong đó có cả tờ Minh Báo tại Hồng Kông, và tạp chí Commonwealth Magazine của Đài Loan. Mục tiêu là giúp cho các tiết lộ của mình được công bố thật rộng rãi, và để nới lỏng điều mà nhóm phóng viên điều tra này gọi là gọng kềm đang xiết chặt trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Gerard Ryle, cựu phóng viên điều tra tại Úc đã được cử lên đứng dầu nhóm ICIJ vào tháng 09/2011, giải thích : « Các phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay không còn dành nhiều thời gian cho các cuộc điều tra như trước đây vì lý do kinh tế và áp lực thương mại ». Theo ông, các tờ báo lớn hiện tránh tài trợ cho các phóng sự điều tra sâu rộng vì sợ « không tìm ra được gì » dùng được, hoặc vì sợ đụng chạm đến những kẻ có thế lực vốn « sẵn sàng phản công ».
Đối với hồ sơ Trung Quốc, nhóm ICIJ trước hết đã tập hợp một nhóm nhà báo vào tháng 07/2013 tại Hồng Kông để học cách mã hóa các thông tin của mình để có thể trao đổi với nhau mà không bị mật vụ Trung Quốc phát hiện.
Sau đó nhóm phóng viên đã phải tỉ mỉ đối chiếu và xác minh các dữ liệu rải rác trong một danh sách gồm 40.000 tên. Bà Marina Walker Guevara, phó Giám đốc điều hành của ICIJ, nguyên là một nhà báo Achentina đã xác định đó là một công việc « nhàm chán và tẻ nhạt », hoàn toàn trái với hình ảnh hào nhoáng, quyến rũ mà người ta thường gán cho ngành làm phóng sự điều tra.
Nhóm làm việc đã phải kiên trì vượt qua các rào cản văn hóa và ngôn ngữ, thậm chí còn phải vượt qua khó khăn xuất phát từ việc một phương tiện truyền thông Trung Quốc bị buộc phải rút khỏi dự án vào tháng 11, sau khi bị chính quyền Bắc Kinh cảnh cáo. Bà Walker Guevara nhận định : « Chúng tôi thực sự không hiểu là làm thế nào mà họ đã biết được cuộc điều tra của chúng tôi. Có thể là nhờ vào việc theo dõi thông tin lưu truyền trên mạng. »
Những biến động kể trên tuy nhiên không thể giảm thiểu tác động to lớn của những tiết lộ về các khoản đầu tư ra nước ngoài do các tầng lớp lãnh đạo chính Trung Quốc thực hiện, mà trong đó có những thành phần thân cận với nhân vật số một Trung Quốc hiện nay : Tập Cận Bình.
Để trả đũa, từ hôm qua, trang web của ICIJ cũng như của các tờ báo cùng tham gia vào công cuộc điều tra về vụ China Leaks đã bị chận tại Trung Quốc. Đây là một kịch bản được dự kiến, nhưng điểm khác là lần này, thay vì chỉ chặn một địa chỉ web, Bắc Kinh đã phải phong tỏa một chục trang internet khác nhau !
Theo nhận xét của Giáo sư báo chí Brant Houston tại Đại học Illinois (Hoa Kỳ), mô hình hợp tác giữa các phương tiện truyền thông truyền thống và các tổ chức phi chính phủ như trong trường hợp nhóm ICIJ có thể được nhân lên vì lẽ : « Cần phải có một mạng lưới quốc tế để điều tra trong một nền kinh tế toàn cầu hóa. Một số tổ chức phi lợi nhuận có phương tiện, nhưng họ không có các kênh truyền bá thông tin của các phương tiện truyền thông chính thống ».

0 comments:

Powered By Blogger