Nguyễn Quốc Khải (Danlambao) - Trong
buổi họp báo tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 16-1-2014 vừa qua, Bà Trần
Thị Ngọc Minh đã tường thuật về tình trạng tra tấn tù nhân của CSVN qua
kinh nghiệm bản thân của con gái của bà là Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, sinh năm
1985.
Hình (Nguyễn Quốc Khải): Hình ảnh của tù nhân lương tâm
Đỗ Thị Minh Hạnh trước và sau khi vào tù đã được
trưng bầy tại buổi điều trần của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos
tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 16-1-2014 do DB Frank Wolf đồng chủ tọa.
Chỉ vì đã mạnh dạn giúp đỡ nông nhân và công nhân bảo vệ quyền lợi chánh
đáng của họ trước sự bóc lột của chính quyền và giới chủ nhân, Cô Minh
Hạnh bị CSVN kết án 7 năm tù vào năm 2010. Hai thành viên bảo vệ quyền
lợi lao động khác là hai ông Đoàn Huy Chương và Nguyễn Đoàn Quốc Hùng
cũng bị lãnh án lần lượt 7 năm và 9 năm tù.
Sau đó buổi họp báo kể trên, Bà Trần Thị Ngọc Minh đã gửi cho tôi phóng
ảnh lá thư dưới đây của Cô Minh Hạnh, người tù lương tâm, gửi cho cha là
ông Đỗ Ty vào ngày 10, tháng 6, 2013. Lá thư này được bí mật chuyển ra
ngoài trại giam đã tố cáo chính sách độc ác của CSVN dùng tù trị tù,
dùng tù xử tù.
CSVN phê chuẩn Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc (United Nations
Convention Against Torture) vào tháng 11, 2013 vừa qua. Những tổ chức
và cá nhân bênh vực nhần quyền trên thế giới đang theo dõi chặt chẽ xem
CSVN sẽ thi hành Công Ước này như thế nào. Chiến Dịch Xóa Bỏ Tra Tấn ở
Việt Nam do BPSOS / CAMSA vừa được phát động đã được trên 20 tổ chức bảo
vệ nhân quyền và tự do tôn giáo Việt Nam và quốc tế tham gia. Chiến
dịch này nhắm áp lực CSVN thi hành đứng đắn Công Ước họ vừa mới ký kết.
oo0oo
Ba kính yêu của con!
Đã nhiều lần con viết thư về cho ba nhưng có lẽ thất bại. Con biết hiện
giờ ba rất lo lắng cho con nên con nghĩ thêm một lần nữa viết thư cho
ba. Hi vọng mười lá thì cũng phải có một lá.
Ba kính yêu của con!
Con đang cố diễn đạt làm sao cho ba hiểu con và hoàn cảnh trong này.
Chắc ba và anh chị không hiểu lý do tại sao con không chịu lao động phải
không? Vậy thì con sẽ nói rõ cho ba và anh chị hiểu.
Ở Hàm Tân, con thoải mái, làm việc theo ý thức, không bị ép buộc gò bó.
Việc chuyển trại là dự đoán từ trước từ chị em bạn tù vì con biết quá
nhiều chuyện của trại. Nay bị chuyển lên đây lao động vất vả. Không phải
con sợ vất vả mà sức con yếu, đau ốm, phần con không phục cách làm việc
này và không khuất phục bức ép nào.
Và điều này còn liên quan đến danh dự [của] người đấu tranh. Tất cả công
việc họ áp đặt con làm đều liên quan va chạm đến tập thể có thể trì
triết, hạ nhục, có khi dẫn đến vũ lực.
Thật lòng, con không nghĩ rằng mình lại được chứng kiến phương thức sử
dụng tù trị tù, tù xử tù mà con còn trở thành một minh chứng.
Ngay bữa đầu tiên tại phòng giáo dục một cán bộ tỏ vẻ áp đảo nhưng con
đâu ngại [vì] họ chỉ làm thế với người yếu bóng vía mà thôi.
Trong mấy ngày đầu, con không ra điểm danh buổi sáng họ không nói gì
cũng không ai đả động đến. Thì 3/5, sau thăm gặp (2/5) thì họ bắt chị em
phơi nắng nếu con không ra. Cán bộ trực trại cầm còng số tám xông vào
nhà tắm lôi con không mảnh vải. Con chống lại hành động đó, họ quát nạt
và giao còng cho một phạm nhân vào giơ còng đòi đánh con.
Con la lớn “Trại giam sử dụng tù đánh tù”. Sau đó, con ra ngoài, mọi
người bức xúc cho là tại con mà họ bị phơi nắng nên chửi con: “Đồ con
đĩ, con quỉ”. Các cán bộ đứng đó nhếch mép cười. Con la lớn trại giam sử
dụng tù xử tù. Sau đó đám đông xông vào buồng giam đánh con, nhưng một
cô trật tự cản lại. Mấy cán bộ nhìn lại ngó, bỏ đi mặc con la to bất
mãn. Chiều hôm đó, cán bộ an ninh tên Giang (người coi thăm gặp hôm đó)
gặp con, thái độ thấy khó ưa. Mẹ Dương Thị Tròn khuyên con nên ra điểm
danh, nên hôm 4/5 con ra và la lớn: tôi ra đây không phải vì sợ các
người mà tôi không muốn vì tôi mà chị em bị Cộng Sản bắt phơi nắng, bị
hành hạ. Việc xử dụng tù xử từ là hành động đê hèn, bỉ ổi, vô liêm sỉ
đối với cô gái nhỏ bé như tôi, thật đáng khinh bỉ.
Vài ngày sau, con bị đổi vào đội 3 – đội đạp điều. Nhưng được gởi tại
buồng giam đội 25+26 là hai đội có nhiều tiền án tiền sự và án cao. Và
chị em ai cũng hiểu mục đích của con vào đó.
Khi con vào buồng giam, con được xếp ở trên lầu với chỗ nằm 6 tấc 2, vừa
để đồ, vừa nằm, sinh hoạt, ăn uống. Lại không đủ thước tấc mắc mùng và
múc nước. Con lên gặp cán bộ yêu cầu đúng quy định 2m². Con yêu cầu
chuyển buồng. Và có sự cãi vã. Một lát sau, cán bộ vào phòng yêu cầu chị
em nằm chật lại, chừa chỗ rộng cho con. Sao con có thể chịu vậy. Con
không thể để vì con rộng mà họ chật hơn 6 tấc. Vì vậy con chấp nhận nằm
chật.
Qua hôm sau, cán bộ quản giáo đội 2 (Phương) đến gặp con. Cán bộ nói con
hiện ở nhà. Con nói con không nhận công việc trực sinh (chà toa lét,
quét dọn buồng, canh giờ cơm nước, lấy quần áo cho hơn 50 người), trách
nhiệm cao, con không nhận. Con cũng không đạp điều. Thì chiều 9/5, tự
quản kêu con sáng mai đi làm. Con chỉ cười và con nhất định sẽ không
nhận công việc này. Sáng hôm sau, con ăn mặc đàng hoàng cầm theo tô chén
xuất cổng. Nhưng con nghĩ là Ban [lãnh đạo trại giam] bảo CBQG [Cán Bộ
Quản Giáo] làm bàn đạp điều cho con ra làm. Chị em bảo là liệu nó có làm
không? Ban [lãnh đạo trại giam] trả lời: “Chẳng lẽ tập thể lại thua con
bé đó”. Đó là những gì họ kể với nhau con nghe lõm được. Thế là con yêu
cầu làm việc. Cán bộ kêu chị trật tự bảo con đi làm. Con bỏ vào thay
quần áo ở nhà. CBQG Phương vào gọi con, con nói không đi và đòi gặp Ban
[lãnh đạo trại giam]. Cán bộ đó bảo nếu con không ra thì đội không được
xuất cổng. Và nếu không xuất cổng sớm thì họ không hoàn thành mức
khoáng. Điều đó khiến họ bức xúc.
Hình (gia đình): Cô Đỗ Thị Minh Hạnh trước ngày vào tù.
Trong giờ xuất cổng, họ để mặc chị em chạy đổ vào khu sau vào phòng lôi
con đi. Con không thể để họ sử dụng tập thể khống chế con lần nữa nên
con nằm lì và nói chị em: Em chỉ có nói lời xin lỗi các chị, em không
thể làm khác, các chị hãy đấu tranh với cán bộ. không thể vì em mà bị
liên lụy. Đây là cách thức của cán bộ. Thế là trong đám đông, một chị
đạp mạnh vào đầu con đập mạnh xuống nền, một chị đạp vào lưng và vai,
một chị đạp vào mông làm con đau phần dưới. Con choáng váng và không thể
đánh trả. Vì con hiểu họ vì bức xúc, vì nhận thức chưa cao, bị sử dụng.
Các cán bộ không hề có mặt trong khu. Và chẳng ai làm chứng. Đầu con ê
buốt nhưng tinh thần con càng mạnh mẽ. Sau đó 2 người vào buồng kéo con,
con vẫn nằm, một trong hai cầm gàu múc nước đập vào đầu con làm bể nát
cái gàu. Sau đó kéo con rớt xuống đập mạnh vào cầu thang. Ra đến cửa
buồng, một đám người kéo xe đẩy xuống, bế con lên xe đẩy, trật tự đóng
cửa nhốt con lại đẩy ra như một con thú bị nhốt trong chuồng trước tập
thể chị em. Ra đến cổng, họ đành để con ở nhà làm việc.
Chiều hôm đó, mấy chị đội 25+26 đi làm về kéo qua buồng Đ2 là những
người đánh con. Rất nhiều chị em đến quan tâm hỏi han, xem đầu con bị
đau ra sao và xin thuốc cho con. Họ vô cùng bất mãn việc đối xử với con
như vậy. Qua họ con biết tên người đánh con là ai.
Ngày thứ 7 họp đội. Đây là cơ hội cho kẻ lập công thay cán bộ mổ xẻ.
Nhưng tất nhiên, con lên tiếng phản đồi và yêu cầu việc của tôi tôi chịu
trách nhiệm, đừng để chị em vì tôi mà bị ảnh hưởng. Chưa kể sáng đó,
cán bộ lại tiếp tục dùng cách đó để ép con đi làm lần nữa nhưng thất
bại, chị em lên tiếng phản đối. Việc đánh con, CBQG có nói là chị cứng
đầu thì để tập thể xử lý chị. Cán bộ Giang thì nói việc giáo dục phạm
nhân dựa trên giáo dục tập thể. Sau đó họ đề xuất kỉ luật nhốt con 7
ngày. Các chị em trong buồng lo lắng cho con. Họ quan tâm khiến con cảm
động. Sau đó họ đọc kỉ luật cảnh cáo.
Họ ép con làm trực sinh và con không làm. Con đã quyết và không thay
đổi. Sau hành động của họ, con nhất quyết không làm gì. Tuy nhiên con
vẫn giúp người già yếu bằng tình cảm và khả năng của con. Cán bộ Giang
xúc phạm điều đó là “bố thí”.
Mẹ Tròn, PGHH [Phật Giáo Hòa Hảo] và chị Dung lo cho con nhiều. Cô Hồng
thì phải đạp điều vất vả. Cô Hồng khổ, chẳng ai thăm nuôi. Vì vậy nên
hiền, họ bảo sao nghe vậy. Giờ con ổn định, không lao động. Ba liên lạc
với gia đình mẹ Tròn, chị Dung nhé! Còn cô Hồng (vợ ông Thu – 22 người)
ba tìm cách sao cho gia đình cô ấy lên thăm nom ba nhé.
Nếu nhận thư ba nhớ là không để lộ ra. Khi lên thăm gặp nhắc khéo: “Bé Thỏ nhớ con nhiều” là con hiểu.
[Thư trên viết tại trại tù Z23A, Xuân Lộc, Đồng Nai và gửi ngày
10-6-2013. Gia đình của Cô Đỗ Thị Minh Hạnh đồng ý cho phổ biến thư này]
0 comments:
Post a Comment