Lâu lắm rồi không về Việt Nam nên dường như tôi không cảm thấy cái không khí rạo rực của những ngày sắp Tết.
Tại Hoa Kỳ, để hưởng cái không khí từa tựa như ở Việt Nam thì phải về nam California, Little Saigon, thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản. Nơi đây chợ Tết sầm uất, trong các khu thương mại tấp nập người mua kẻ bán, những chương trình văn hoá nghệ thuật được các hội đoàn tổ chức vui nhộn. Vào đêm giao thừa, sáng mồng Một Tết, các thành phố của Orange County cho phép đốt pháo xả giàn, xác pháo vung vãi ngập đầy ở trước các tiệm ăn, cửa hàng kinh doanh. Trong các trụ sở văn phòng người ta chúc tụng nhau. Ai là người Việt thấy cũng háo hức, bồn chồn, trong bối cảnh xuân về.
Thế nhưng, ở các bang khác, đặc biệt những bang ít người Việt, Tết thường chỉ gói gọn trong không khí gia đình. Những người tha hương, đặc biệt với những người chưa “an cư” như tôi, Tết chẳng có ý nghĩa gì, dù vẫn có những liên tưởng gắn bó. Thời gian lặng lẽ trôi qua. Không bánh chưng, cũng chả bánh tét, càng không có cả hoa luôn. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, thưởng thức hoa với ai?
Ngoài đường, thiên hạ càng chẳng có khái niệm gì về ngày Tết, được gọi là Lunar New Year. Người ta vẫn tấp nập, ngược xuôi, vẫn phải đi làm và bận rộn với muôn chuyện của đời sống thường nhật sau một mùa lễ thường kéo dài kéo dài từ cuối tháng 11, từ lễ Thanksgiving, đến Năm Mới Dương lịch.
Một năm cũ Quý Tỵ 2013 trôi qua, năm mới Giáp Ngọ 2014 tới với những dự báo chẳng lấy gì làm phấn khởi.
Năm 2013 là năm mà tình hình nhân quyền ở Việt Nam tuột dốc, tệ hại hơn những năm trước, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, mặc dù Việt Nam lọt vào làm thành viên của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Nó được ghi lại bằng các đợt đàn áp nặng nề và nghiêm trọng nhằm vào những người lên tiếng phê phán chính quyền, trong đó có những nhà hoạt động ôn hòa bị kết án tù nhiều năm với “tội danh” chống đối nhà nước.
Năm 2013 là năm kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro, bế tắc với các biện pháp vĩ mô xử lý các vấn đề nợ công và nợ của doanh nghiệp nhà nước lên tới gần 1,5 triệu tỷ đồng (không tính vào nợ công). Những yếu kém và thiếu minh bạch liên quan đến hoạt động của hệ thống ngân hàng đã ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và sẽ tiếp tục cản trở sự tăng trưởng của Việt Nam. Thật khó làm sao khi kinh tế nhà nước mà doanh nghiệp nhà nước là chủ thể, nắm vai trò chủ đạo, lại có thể xử lý được bài toán này. Tái cơ cấu, giải thể, hay cổ phần hoá chỉ là những động tác đánh bùn sang ao, bởi vì đống nợ mà là nợ xấu, không có khả năng thanh toán, vẫn nằm chình ình ra đó.
Trong tăng trưởng GDP trên 5,2% của năm 2013 phải lưu ý các công ty vốn 100% nước ngoài FDI đóng góp tới khoảng 20% tổng vốn đầu tư xã hội, trên 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Về thực chất các công ty FDI thúc đẩy tăng trưởng, thu hút lao động, tạo công ăn việc làm nhưng đóng góp vào ngân sách thấp. Nó cũng cho thấy khoảng cách lớn về tổng thu nhập của các doanh nghiệp trong nước. Khả năng tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2014 quả là nan giải.
Năm 2013 thị trường bất động sản vẫn đóng băng, các doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ âm thầm chết hàng loạt, không ít các đại gia đang ôm những món nợ khổng lồ. Nhận định lạc quan của Bộ Xây dựng về tình hình phục hồi, ấm lên lên của thị trường này, không làm tươi sắc màu cho năm 2014.
Năm nay, chấn động dư luận và sẽ còn kéo theo nhiều hệ lụy từ hai vụ đại án, một xét xử Dương Tấn Dũng, cựu chủ tịch Hội đồng Quản Trị Vinalines; và hai, xét xử Huỳnh Thị Huyền Như với Vietinbank.
Vụ án xử Dương Chí Dũng và tiếp theo là Dương Tự Trọng, em trai của ông ta, cho thấy một chế độ thối nát từ trung ương tới địa phương. Băng nhóm lợi ích, ăn chia trục lợi từ các dự án được thiết lập từ những mắt xích thấp nhất- doanh nghiệp, lên tận lãnh đạo Trung ương. Muốn “thay đổi công năng cảng Sài Gòn” thì phải có ý kiến của Hà Nội. Những khoản tiền mặt lót tay khổng lồ sẽ là quyết định cho bên nào giành phần thắng. Vụ án này cũng là cơ hội cho việc tranh chấp quyền lực giữa Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ĐCSVN, Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội Chính, và phe nhóm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên “giao tranh” ác liệt bao nhiêu thì cuối cùng nhân dân vẫn là người thất bại, bởi vì sự tồn tại của ĐCSVN không cho phép đi xa hơn. Không có ảo tưởng nào về sự tiến bộ của hệ thống chính trị này.
Hai công an đi ngang một cửa hàng bán lồng đèn trang trí tại Hà Nội hôm 21/1/2014. AFP photo
Chứng minh của ngân hàng ACB cho thấy số tiền gửi đã vào tài khoản của ngân hàng trước khi 700 tỷ đồng bị bay biến. Hội đồng xét xử thiên về ý xử vô can cho Vietinbank cho thấy có thể suy luận về hành động che giấu một âm mưu có tổ chức trong vụ này. Áp lực dư luận khiến toà phải hoãn xử nhiều lần, thể hiện một cái gì đó mờ ám đứng đàng sau toàn bộ sự việc. Những người bị dính vụ siêu lừa này là nạn nhân của cả hệ thống ngân hàng đầy rủi ro, của sự suy thoái của đạo đức kinh doanh và tính mánh mung, chụp giật lên ngôi. Cùng với nụ cười có vẻ nhạo báng công lý của Dương Chí Dũng khi nói chuyện với công an trong phiên toà, là nụ cười tươi của Huỳnh Thị Huyền Như trong xe chở tù, bộc lộ bản chất của phi vụ tai tiếng này.
Một số người mơ tưởng, nghĩ về sấm của Trạng Trình:
Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh Can qua xứ xứ khổ đao binh Mã đề dương cước anh hùng tận Thân Dậu niên lai kiến thái bình
Và họ cho rằng, năm mã (ngựa) sẽ có nhiều biến động, là cái mốc của sự thay đổi và sau đó hai năm, năm Thân và năm Dậu sẽ thái bình yên lành. Một sự ngây thơ dễ thương!
Xã hội Việt Nam hôm nay không tích luỹ bất cứ điều gì cho sự thay đổi chính trị. Có chăng cũng chỉ là sự manh nha yếu ớt, là ngọn nến le lói trong đường hầm thiếu không khí. Một xã hội bế tắc về ý thức chính trị, cam phận bị đè đầu cưỡi cổ bởi giới quan lại có chức quyền, đa phần bị lừa gạt, dối trá bởi cái vỏ bọc nếu không có đảng đâu có ngày nay. Cái ngày nay là những gì tệ nhất đang diễn ra trong xã hội mà một đảng cầm quyền có thể mang lại: bất công ngút ngàn, tham nhũng phổ biến thành văn hoá sống, suy thái đạo đức, bất khả kháng trước chủ quyền lãnh thổ của đất nước bị chiếm đoạt.
Tết về là những rộn ràng chuẩn bị của những người có của ăn của để, nhưng cũng là “nỗi lo lại hằn trên khuôn mặt của những phận nghèo mòn mỏi mưu sinh nơi bến cá, đánh giày, bán vé số giữa chốn thị thành” (Tiền Phong ngày 25/01/2014).
Giữa sự giàu sang, rủng rỉnh của một giới nhỏ nhờ trục lợi từ hệ thống chính trị thối nát, thì là sự lo toan của những người lao động. Đến chạy cái vé tàu về quê cũng khốn khổ. Thời buổi hôm nay mà vẫn phải mua vé tàu qua cò, để rồi phải bao vây nhà ga Sài Gòn trả vé vì không phù hợp tên tuổi hay số chứng minh nhân dân ghi trên vé. Khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa sự văn minh hiện đại và sự lạc hậu là hố ngăn ngày mỗi sâu hơn.
Nhưng dù sao ngày Tết vẫn là truyền thống, tập quán lâu đời. Hãy cố gắng “số tôi không giàu thì nghèo, ba mươi tết có thịt treo trong nhà”. Gạt đi mọi nỗi buồn và những hy vọng đổi thay trong năm mới, xin chúc mọi nguời đón xuân trong không khí đầm ấm của gia đình.
*Nội dung bài viết không nhất thiết phản ảnh quan điểm của RFA.
0 comments:
Post a Comment