Friday, April 17, 2015

Bi kịch của Thủ Tướng Úc Whitlam !

Hữu Nguyên ( huunguyen@saigontimes.org)
LGT: Lịch sử nhân loại trong thời gian một thế kỷ qua đã chứng kiến, chủ nghĩa cộng sản mang lại sự khổ đau cho hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có hàng trăm triệu người bị thảm tử. Thê thảm hơn, chủ nghĩa cộng sản còn thiêu đốt không biết bao nhiêu nhà trí thức, khoa bảng, chính trị gia nổi tiếng thế giới, khiến họ, từ những người có lương tâm, có hoài bão phụng sự tha nhân, trở thành những kẻ bất nhân, tội đồ của lịch sử. Trong số những chính trị gia bất hạnh đó, có Thủ Tướng Úc Whitlam. Xác nhận thực tế này, ngày 26.3.2015, nhật báo The Australian đăng một bài viết của ký giả Greg Sheridan, trong đó có câu: "Thái độ của Whitlam trong cương vị Thủ Tướng Úc vào tháng 4.1975, khi Saigon bị VC cưỡng chiếm, là một trong những chương nhục nhã nhất của lịch sử Úc thời hiện đại." (Whitlam’s behaviour as prime minister at the fall of Saigon in April 1975 was one of the most disgraceful episodes in modern Australian history <http://www.theaustralian.com.au/opinion/columnists/malcolm-fraser-was-no-saint-for-vietnamese-refugees/story-e6frg76f-1227278655636> ).
Nhận định của ký giả Greg Sheridan cho thấy sự thực, ngay cả những trí thức khoa bảng, những chính khách tài ba, dù là người Việt hay ngoại quốc, một khi ngây thơ tin vào những lời đường mật của cộng sản, đều dễ bị thân tàn ma dại, chuốc sự nhục nhã cho bản thân, gia đình, thậm chí tổ quốc. Nhận định này cũng cho thấy, trong Chiến Tranh VN, bên cạnh sự hy sinh xương máu, đóng góp công sức, tiền của, của các quốc gia Đồng Minh, cũng có những chính trị gia Đồng Minh, vì lý do này hoặc lý do khác, đã vô tình hoặc cố ý, tiếp tay CS đâm sau lưng VNCH. Vì vậy, khi kính cẩn tri ân những hy sinh to lớn của quân dân các quốc gia Đồng Minh, người Việt yêu nước vẫn nên biết đến những hành động phản bội của một số chính khách Đồng Minh trong đó có cố thủ tướng Whitlam.
SAI LẦM CỦA THỦ TƯỚNG ÚC WHITLAM
Cựu Thủ tướng Australia, Gough Whitlam.
Tháng 4 năm 1975, tại Úc, Đảng Lao Động cầm quyền và thủ tướng Úc là ông Whitlam. Ông này tướng người bệ vệ, mặt mũi phương phi, tài cao học rộng, nên đã thành công trong việc lèo lái Đảng Lao Động, trở thành đảng cầm quyền, sau thời gian dài 23 năm thụ động, trong vai trò chính đảng đối lập. Là lãnh tụ của một chính đảng, có khuynh hướng thiên tả nên Whitlam cũng có những ảo tưởng sai lầm về cộng sản VN. Đó là lý do, sau khi trở thành thủ tướng Úc vào ngày 5.12.1972, không đầy 3 tháng sau ông chính thức bang giao với VC vào ngày 26.2.1973,và cho mở toà Đại Sứ Úc tại Hà Nội. Khi đó, Úc vẫn bang giao với VNCH, vẫn có tòa Đại Sứ tại Sàigòn, và quân dân Miền Nam vẫn đang tiếp tục chiến đấu chống lại làn sóng xâm lăng của VC. Bề ngoài, thủ tướng Whitlam nhìn nhận, mối bang giao tay ba giữa Úc với Hà Nội và Sàigòn là mối bang giao bình đẳng không có bên trọng, bên khinh. Nhưng thực tế, Đảng Lao Động cũng như cá nhân thủ tướng Whitlam đã âm thầm, có những đường lối chính sách, hậu thuẫn cho nhà cầm quyền CS Hà Nội.
Bằng chứng, cách đây 40 năm, thủ tướng Whitlam đã âm thầm lừa gạt quốc hội và dân chúng Úc khi ông thiên vị VC. Trong khi cộng sản ngang nhiên vi phạm Hiệp Định Ba Lê xua quân chiếm đất giành dân, tấn công VNCH, thủ tướng Whitlam đã bí mật gửi cho tòa đại sứ Úc tại Hà Nội một bức điện văn có những lời lẽ hậu thuẫn cộng sản. Công khai, thời điểm đó, thủ tướng Whitlam gửi 2 bức điện văn: một cho đại sứ David Wilson ở Hà Nội, và một cho đại sứ Geofrey Price ở Sàigòn. Cả hai bức điện văn cùng đề ngày 2 tháng 4 năm 1975, trước khi Sàigòn thất thủ đúng 28 ngày. Trong khi bức điện văn của thủ tướng Whitlam gửi cho đại sứ Úc tại Sàigòn chỉ có vỏn vẹn không đầy nửa trang thì trái lại, bức điện văn gửi cho đại sứ Úc tại Hà Nội dài gấp ba lần. Bằng chứng thứ hai, lời lẽ trong bức điện văn gửi cho đại sứ Úc tại Sàigòn ngắn gọn khô khan, lạnh lùng hình thức, trong khi bức điện văn gửi cho đại sứ Úc tại Hà Nội lại thân mật, chi tiết với những nội dung cụ thể, yêu cầu đại sứ Úc phải làm để chinh phục tình cảm của Hà Nội.
Bằng chứng thứ ba, trong khi CS Hà Nội vi phạm Hiệp Định Ba Lê là một điều hiển nhiên, nhưng bức điện văn gửi cho đại sứ Úc tại Sàigòn không có một điều khoản, hay một dòng chữ nào đề cập đến sự vi phạm của CS Hà Nội. Trái lại bức điện văn chỉ yêu cầu ông đại sứ Úc tại Sàigòn, trình bày quan điểm của Úc đối với tổng thống Thiệu, "yêu cầu tất cả các phe phái tại Việt Nam cùng tái thương thảo làm việc, để đi đến một thỏa thuận hòa bình và lâu dài" (all parties in Vietnam will resume working together... towards a peaceful and enduring settlement).
Phi lý hơn nữa là trong phần B của bức điện văn, thủ tướng Whitlam còn yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, thực hiện nghiêm chỉnh Chương 4, đặc biệt là Điều 12, và Chương 5 của Hiệp Định Ba Lê, bằng không sẽ không có cơ hội chấm dứt hoặc giảm thiểu những xung đột võ trang.
Bằng chứng thứ 4, trong mục 3 của bức điện văn, thủ tướng Whitlam thúc dục đại sứ Úc tại Sàigòn cố gắng trong điều kiện có thể, trình bày quan điểm của chính phủ Úc với "những người Nam Việt không phải là thành viên của chính phủ Sàigòn nhưng có thể đóng vai trò chính trị quan trọng trong tương lai". Những người Nam Việt mà thủ tướng Whitlam ngụ ý ở đây, chính là những thành phần thân cộng, ngụy quốc gia, đội lốt thành phần thứ 3 tại Miền Nam lúc đó. Một vị thủ tướng, trong khi đang có quan hệ ngoại giao chính thức với VNCH, lại viết một lá thư như vậy thì rõ ràng nguy hiểm và phản bội những nguyên tắc ngoại giao sơ đẳng.
Bằng chứng thứ 5, trong phần C của bức điện văn gửi cho Hà Nội, thủ tướng Whitlam còn hứa với chính phủ Hà Nội, ông sẽ thúc dục tổng thống Thiệu tôn trọng các điều khoản trong Hiệp Định Ba Lê. Đặc biệt ở phần B của bức điện văn, thủ tướng Whitlam còn yêu cầu đại sứ Úc, nên cố vấn cho chính quyền Hà Nội những phương thức tranh thủ dư luận quốc tế, biện minh cho hành động vi phạm Hiệp Định Paris, tiến chiếm Việt Nam Cộng Hòa. Bằng chứng thứ 6, trong phần 3 của bức điện văn gửi Hà Nội, thủ tướng Whitlam còn hứa, sẽ viện trợ một cách dồi dào cho VC tái kiến thiết VN một khi chiến tranh chấm dứt.
Thủ tướng Whitlam là một người có tài, và thực sự là bạn của người nghèo, của những người bị áp bức. Nhưng chỉ vì không hiểu rõ VC, nên ông đã có thái độ tàn nhẫn, lạnh lùng đầy ác cảm đối với người Việt tỵ nạn CS. Chính thái độ này đã khiến ông, từ một chính khách tên tuổi và uy tín, trở thành một kẻ cơ hội chủ nghĩa. Âu đó cũng là bài học cho các chính khách nói riêng, và cho tất cả mọi người nói chung, khi giao tiếp với CSVN.
BÀI VIẾT CỦA KÝ GIẢ NORMAN AISBETT
Norman Aisbett
Năm 2013, tưởng niệm 38 năm Quốc Hận, ký giả Norman Aisbett, người được trao giải Graham Perkin Award (Australian Journalist of the Year) năm 1981, sau bài tường thuật của ông về việc cứu giúp thuyền nhân VN tỵ nạn cộng sản, cũng đã viết một bài dài gửi riêng báo Saigon Times Úc Châu, trong đó tác giả đã vạch rõ những sai lầm của thủ tướng Úc Whitlam. Sau đây là phần lược dịch những điểm chính yếu trong bài viết.
Lịch sử chiến tranh Việt Nam ghi nhận, Hoa Kỳ đã giải cứu cả trăm ngàn người Việt trong cơn tuyệt vọng, khi Sài Gòn rơi vào tay cộng sản Bắc Việt ngày 30 tháng Tư năm 1975. Trong thời gian ngắn ngủi vài tuần lễ, bằng phi cơ, trực thăng, tàu bè các loại, Hoa Kỳ đã cứu thoát 130.000 người Việt Nam khỏi sự trả thù ghê rợn của VC. Cùng thời điểm này, chính phủ Lao Động cánh tả Úc, dưới quyền của Thủ Tướng Gough Whitlam, đã có những quyết định, những lời tuyên bố được coi là bạc nhược và đáng hổ thẹn. Hậu quả, trong số hàng ngàn người dân tị nạn của miền Nam Việt Nam tìm cách trốn đến Úc trong biến cố “Tháng Tư Quốc Hận năm 1975” (như người Việt Nam yêu nước vẫn thường nói), chỉ có 78 người thành công. Họ bao gồm 34 nữ tu, đoàn tụ gia đình, và chỉ có vỏn vẹn đúng 5 người trong số hàng ngàn người cộng tác với Úc trong chiến tranh VN, và bị coi là nguy hiểm dưới chế độ VC. Các nhân viên miền Nam Việt Nam của tòa đại sứ Úc là những người bị chính phủ Úc từ chối, không cho họ được di tản theo diện tị nạn cộng sản vì các quyết định của Thủ Tướng Úc Gough Whitlam. Ông Whitlam đã bác bỏ lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của Ngoại Trưởng Don Willesee trong việc cứu giúp 115 nhân viên người Việt làm việc cho tòa đại sứ Úc, thoát khỏi sự trả thù của cộng sản.
Còn về những hoạt động nhân đạo khác trong cùng thời điểm này, Úc chỉ nhận có 283 trẻ mồ côi còn lại, trên hai chuyến bay RAAF ghé qua Malaysia. Ngoài ra, Whitlam cũng ra lệnh cấm bất cứ hoạt động nhân đạo tương tự nào khác. Đồng thời, qua việc hạn chế những trợ giúp người di tản, tị nạn cộng sản trong giờ Sài Gòn hấp hối, Whitlam đã đóng cửa tòa đại sứ Úc ở Sài Gòn từ ngày 25.4.1975, khiến người dân miền Nam Việt Nam mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ Úc để chạy trốn khỏi chế độ cộng sản, đã gặp phải những trở ngại to lớn.
Dù là một đồng minh chiến đấu của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi Hiệp Định Paris 1973 được ký kết, chính phủ Úc đã không tận lực cứu giúp người dân miền Nam vào Tháng Tư 1975. Trong khi hiệp định Paris từng được coi là một giải pháp chính trị liên quan đến cuộc tổng tuyển cử tự do để tái lập hòa bình ở Việt Nam, nhưng điều này đã không bao giờ xảy ra vì phía cộng sản Bắc Việt đã có âm mưu, chờ sự triệt thoái toàn diện của các lực lượng quân sự nước ngoài, rồi ngang nhiên vi phạm những thỏa thuận ngưng bắn để xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ miền Nam.
Thái độ thờ ơ quá rõ ràng của chính phủ Úc trong bối cảnh suy sụp của miền Nam Việt Nam đã được ghi trong luận án tiến sĩ vào năm 1994 của ông Hal Colebatch, một nhà văn, nhà thơ, nhà báo kiêm luật sư, cư trú tại Tây Úc và được công chúng biết đến khi ông được tặng thưởng Huân Chương Centenary cho tác phẩm của mình trong tất cả các lĩnh vực.
Cùng xuất thân từ Tây Úc là ký giả Rod Moran, người đã viết rất nhiều về lịch sử quân sự bao gồm cả chiến tranh Việt Nam. Rod nói rằng bài luận án của Hal Colebatch là “bài viết khách quan duy nhất trong lĩnh vực gây tranh cãi bởi những cuộc bút chiến của phe cánh tả”. Luận án của Hal Colebatch được coi là nền tảng của bài viết này. Tuy nhiên, điều đầu tiên cần giải thích rằng, trong khi đảng LĐ của ông Whitlam, luôn phản đối mạnh mẽ sự tham chiến của Úc trong chiến tranh thì trước đó, họ đã dấy lên phong trào phản chiến, và nhiều chính trị gia của đảng LĐ sau này, cũng đã tham gia nhiệt tình vào những cuộc tuần hành phản chiến trên đường phố, hỗ trợ cho VC.
Hal Colebatch
Hal Colebatch cho biết, nguyên nhân khiến chính phủ Lao Động Úc thờ ơ, lạnh nhạt với người tị nạn Việt Nam lúc đó, là do đảng Lao Động tin rằng VC đã “giải phóng” Miền Nam, mà không biết thực tế, VC đã "xâm lăng" Miền Nam, dẫn đến làn sóng người tị nạn dâng cao bất ngờ. Do vậy, Úc đã không có một kế hoạch đáng kể nào để chuẩn bị cho việc cứu giúp họ.
“Có thể họ [đảng Lao Động Úc] thực sự tin tưởng rằng [giải phóng] sẽ mở ra một thời đại mới cho bán đảo Đông Dương. Bởi vì họ không chút nghi vấn nào sẽ xảy ra làn sóng người tị nạn”, Colebatch nói. Và trong bài luận án, Colebatch cũng nhấn mạnh một số xu hướng của chính giới Úc thiên về phe cộng sản Khmer Đỏ là những ngườ đã đánh chiếm thủ đô Campuchia, Phnom Penh vào tháng Tư năm 1975.
Phó Thủ Tướng của chính phủ Lao Động là J.F. Cairns đã từng điều trần trước Quốc Hội rằng: "Chính quyền Sài Gòn và chính quyền Phnom Penh nên bị sụp đổ. Đó là giải pháp tốt nhất và nhanh chóng kết thúc chiến tranh với chiến thắng dành cho một bên khác [phe CS]. Sự sụp đổ này sẽ có lợi cho tất cả mọi người nếu nó đã xảy ra một thời gian dài trước đây”.
Cũng trong thời gian này, một số Bộ Trưởng thân Hà Nội trong chính phủ đảng Lao Động đã có nhiều nhận xét xúc phạm, mỉa mai quân đội miền Nam Việt Nam, kể cả những lời buộc họ tội hèn nhát. Colebatch trích dẫn bằng chứng cho thấy cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA đã thông báo cho chính phủ Whitlam về việc thủ đô Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hòa có thể sẽ bị thất thủ trong tháng Ba năm 1975. Vào đầu tháng Tư năm 1975, một nguồn tin được chính phủ gửi đến tòa đại sứ Úc tại miền nam Việt Nam cho biết, CS Hà Nội “sẽ đạt được một chiến thắng quân sự”.
Malcolm Fraser
Khi những người cộng sản tiến chiếm Sài Gòn, lãnh đạo phe đối lập, Malcolm Fraser (Tổng Trưởng Quốc Phòng của đảng Tự Do trong thời kỳ chiến tranh, sau trở thành Thủ Tướng Úc và là ân nhân của người Việt tỵ nạn tại Úc, vừa qua đời ngày 20.3.2015) cáo buộc chính phủ Whitlam đã có “sự im lặng đáng khinh bỉ” liên quan đến hành động vi phạm hiệp định đình chiến Ba Lê của phía Bắc Việt. Phát ngôn viên thuộc phe đối lập về ngoại giao là Andrew Peacock và Phó Chủ Tịnh đảng Tự Do Ian Sinclair đã nói từ Sài Gòn rằng sự im lặng của chính phủ Lao Động, là “thái độ chung trong đó thủ tướng Whitlam và các Bộ Trưởng của ông muốn phủi tay khỏi một trạng huống họ cảm thấy bối rối".
Colebatch cũng trích từ hồi ký năm 1980 của Tổng Trưởng Bộ Di Trú trong chính phủ Whitlam là Clyde Cameron, để chứng tỏ “lập trường cực đoan và thái độ thù địch" của ông Whitlam đối chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và những người tị nạn Việt Nam vào thời điểm Sài Gòn sụp đổ. Ông Cameron, người đã thú nhận thái độ thù địch của chính mình đối với VNCH, kể lại, khi đại sứ Úc ở Sài Gòn gởi điện tín mật cho ông Whitlam vào ngày 20 tháng Tư cho biết Sài Gòn sắp sụp đổ; và đại sứ Úc yêu cầu các vận tải cơ C-130 phải được gửi tới Sài Gòn để di tản nhân viên tòa đại sứ và những công dân Úc khác tại đây, cùng với những người Việt Nam có mang sổ thông hành Úc.
Khi biết tin này, ông Cameron cảm thấy vui mừng vì “VC phe nhà” đã thắng trong chiến tranh, và nói rằng một “cuộc tắm máu” sau khi phía Bắc Việt chiến thắng chỉ là lời tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ, cũng như được đảng Tự Do và đảng Quốc Gia Úc. Trong khi Việt Nam đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng như vậy, ông Cameron vẫn khẳng định, người Việt Nam chỉ có thể đến Úc theo trình tự cứu xét như người dân Châu Âu muốn di cư đến Úc. Điều này có nghĩa, ông Cameron không cho người VN đến Úc theo tiêu chuẩn của những người tỵ nạn chính trị.
Nhưng tệ hơn thế, ông Whitlam đã ra lệnh cấm việc giải quyết tất cả các hồ sơ liên quan đến Việt Nam. Ngày 12 tháng Tư 1975, ông còn ban chỉ thị: "Thủ Tướng Chính phủ đã quyết định, các Tổng Trưởng không nên và không lặp lại cũng như không thực hiện, không xác định hoặc thông báo danh mục những người thuộc diện có thể nhập cư vào Úc, hoặc những tiêu chuẩn dành cho các diện này”.
Trong cuộc họp quốc hội liên bang vào ngày 8 tháng Tư năm 1975, ông Sinclair bày tỏ sự lo ngại về an nguy của những người Việt Nam từng làm việc với người Úc. Ông Sinclair chất vấn Thủ Tướng Whitlam rằng đã xem chương trình truyền hình ABC trước đây, trong đó một quân nhân Úc đã đề cập đến những lời khai về việc phát hiện ra ngôi mộ VC chôn người tập thể tại thành phố Huế. Người lính này đã nhìn thấy thi thể của hàng trăm người đàn ông và phụ nữ bị bắn bằng các viên đạn vào đầu từ phía sau lưng, cho thấy rõ ràng là những nạn nhân này đã bị buộc phải quỳ xuống với hai tay bị trói.
Khi ông Sinclair nêu câu hỏi, liệu ông Withlam có đặt vấn đề với chính phủ VC để đảm bảo không xảy ra những cuộc hành quyết hàng loạt tương tự hay không, thì ông Whitlam trả lời rằng ông không biết gì về chuyện này. Sau đó, ông Whitlam đã trả đũa bằng cách tấn công chính phủ miền Nam VN qua việc đưa ra hình ảnh Tướng Loan bắn chết tên đặc công VC, sau khi tên đặc công VC gây ra một vụ thảm sát ông bà già và trẻ em. Vì không biết rõ sự kiện này, ông Whitlam nói sai sự thật: “Đây là hình ảnh một người dân hiền hòa đã bị một cảnh sát trưởng ở Sài Gòn bắn một viên đạn vào đầu”.
Theo quyển hồi ký “Trung Quốc, Cộng sản và Coca Cola” của ông Cameron, Tổng Trưởng Ngoại Giao của đảng Lao Động, Don Willesee, đã từng hỏi ông Cameron để đi cùng với ông đến văn phòng của ông Whitlam vào ngày 21 tháng Tư năm 1975. Ông Camreron nói rằng Don Willesee là một Kitô hữu có lòng từ bi dành cho những người cảm thấy tội lỗi vì chính sách không rõ ràng và thiếu sự quan tâm đến trường hợp những người Việt Nam đã bị bắt buộc phải đứng vào một bên thù nghịch của cuộc chiến. Don Willesee muốn ông Whitlam nên nhìn nhận thực tế của chiến tranh và giảm bớt các hạn chế mà chính quyền của ông đã đối xử những người tỵ nạn VN như người di dân.
Ông Cameron thuật lại: “Nhưng ông Withlam đã từ chối và tôi ủng hộ ông ấy. Withlam cho rằng không có lý do nào để nước Úc phải tự tạo nguy cơ cho mình bằng cách mở cửa đón nhận những tội phạm chiến tranh. [?] Nhưng ông Don Willesee chủ trương đây không phải là vấn đề tự mình đặt ra mà là vấn đề nhân đạo, và Willesee vẫn kiên quyết không lùi bước trong việc thuyết phục ông Whitlam. Cuối cùng, ông Whitlam tỏ ra giận dữ, nghiến răng quay sang Willesee, quát ầm lên: “Tôi không muốn có hàng trăm người Việt Nam kiểu như bọn người nhập cư từ vùng Baltic vào đất nước này với các thứ tôn giáo và hận thù chính trị chống lại chúng ta”. (I'm not having hundreds of fucking Vietnamese Balts coming into this country with their religious and political hatreds against us). [Balts: Những người nhập cư từ vùng Baltic vì muốn trốn thoát chế độ Liên Xô cũ, đã đến Úc ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến - Chú thích Saigon Times].
Ông Peacock cho biết sự từ chối của chính phủ Úc trong việc cấp thị thực cho người di tản miền Nam Việt Nam được đánh dấu bằng sự vô nhân tính và “lịch sử sẽ ghi lại vết sẹo này của Úc trong quan hệ châu Á”. Ông cũng tuyên bố rằng những đề nghị cho phép người Việt Nam nhập cảnh vào Úc đã được soạn thảo năm tuần trước đó và bị cắt giảm đến mức tối thiểu do quyết định của ông Whitlam. Sau đó, kế hoạch này đã bị trì hoãn trong việc thông báo, cho đến khi được thông báo thì đã quá muộn, khiến các đối tượng nằm trong diện được cho phép nhập cảnh Úc không kịp nộp đơn. Ngoài ra, việc đóng cửa tòa đại sứ Úc quá sớm [ngày 25.4.1975] cũng gây cản trở cho thủ tục xét duyệt những người Việt Nam xin nhập cảnh vào Úc.
Bài luận án nghiên cứu do Colebatch đưa ra cho thấy ông Whitlam đã trực tiếp nắm quyền kiểm soát để xiết chặt việc nhập cảnh người Việt tị nạn từ ngày 2 Tháng Tư năm 1975, tức là trước khi Sài Gòn bị quân cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm gần một tháng. Mặt khác, một phóng viên chuyên về chiến tranh là Denis Warner, cho biết điều này đã được chứng thực sau khi ông Whitlam ra lệnh vào ngày 23 Tháng Tư 1975 ép buộc đóng cửa toà đại sứ quán Úc tại Sàigòn rồi sau đó vào ngày hôm sau ông lại dành chương trình làm việc cho một hội nghị ở Jamaica khiến giới truyền thông không thể liên lạc được. Cung cách làm việc của ông Whitlam độc đoán, cứng nhắc, khiến cho quyết định của ông bất khả thay đổi, bất chấp không biết bao nhiêu người tị nạn Việt Nam đang trong cơn thống khổ, trong đó có rất nhiều người phải được Úc cứu giúp trên phương diện luân lý, nhân đạo, cũng như trách nhiệm của một đồng minh.
Một Uỷ ban thường trực sau chiến tranh VN của Bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng bao gồm các thành viên chính phủ và phe đối lập được thành lập (lúc này đảng Lao Động ở vị trí đối lập sau khi thủ tướng Whitlam bị truất phế), đã phát hiện, vào thời điểm đóng cửa đại sứ quán ngày 25 tháng 4 năm 1975, 3667 người Việt Nam được đề nghị cho nhập cảnh Úc. Trong số đó, có 366 trường hợp đã được chấp thuận cho nhập cảnh vô Úc. Họ bao gồm vợ, con và hôn phu của sinh viên Việt Nam tại Úc và 24 người đã có một hợp tác lâu dài và gần gũi với người Úc tại Việt Nam và được coi là nguy hiểm!
Khoảng 200 lá thư được đánh máy mang hình thức như các văn bản thị thực nhập cảnh chính thức đến Úc và kể cả giấy chứng nhận thị thực đã được chuyển giao trực tiếp hoặc gửi đến địa chỉ cuối cùng của những cá nhân được phép nhập cảnh vào đất Úc. Thế nhưng do quy định đã quá muộn đối với nhiều người di tản VN khiến họ phải chạy trốn bằng máy bay dân sự hoặc bất kỳ phương tiện khác.
Các thành viên của tòa đại sứ Úc đã nỗ lực hết sức mình để giúp người Việt tỵ nạn bằng cách chuẩn bị một số chứng thư cấp cho người Việt Nam với các trường hợp cấp bách nhất và xứng đáng nhất để giới thiệu họ đến tòa đại sứ Hoa Kỳ hầu được hỗ trợ đặc biệt. Nhưng nguyên nhân gây trở ngại lớn nhất là tòa đại sứ Úc đã đóng cửa vào một thời điểm quan trọng trong cuộc di tản khỏi Sài Gòn và nó đã được khống chế hoàn toàn từ Canberra.
Ủy Ban Thượng viện tin rằng, đáng lẽ vào thời điểm đó, với những lo ngại chính đáng VC sẽ trả thù những người Việt làm việc cho chính phủ Úc, chính phủ Úc phải chấp nhận nhiều hơn con số 78 người nói trên. Khó hiểu hơn, từ ngày 3/4/1975, chính phủ Úc lại có lệnh buộc các phi cơ của không lực hoàng gia Úc chỉ được phép chuyên chở hàng hóa cứu trợ khẩn cấp, mà không được phép chuyên chở người di tản. Ủy Ban Thượng viện tin rằng, “quyết định này của chính phủ Whitlam đã gây nên những thiệt hại không cần thiết về nhân mạng qua việc từ chối chuyên chở người tỵ nạn từ các khu vực giao tranh".
Toàn bộ các thành viên của Ủy Ban Thượng Viện cùng kết luận, “trong giờ phút hấp hối của miền Nam Việt Nam vào tháng Tư năm 1975, chính phủ Úc đã có ý thức và cố tình bỏ rơi những người miền Nam Việt Nam trong sự nguy hiểm vì họ đã từng hợp tác với quân đội Úc trước đây".
Cuối cùng, Ủy Ban Liên Đảng Thượng viện Úc khẳng định: “Ủy Ban tin rằng, vì chính phủ Úc đã được thông báo đầy đủ về tình hình và mức độ nguy hiểm tại Miền Nam Việt Nam trong thời gian trên dưới 3 tuần lễ trước khi di tản tòa Đại Sứ Úc, nên chúng tôi không thể đi đến bất cứ kết luận nào khác ngoài kết luận, chính phủ của Thủ Tướng Whitlam đã cố tình dùng đủ mọi cách để giảm thiểu việc thu nhận những người tỵ nạn Việt Nam". Trước những sai lầm của thủ tướng Whitlam, trong những năm gần đây, dư luận Úc đã có nhiều người lên tiếng kêu gọi ông lên tiếng xin lỗi. Nhưng cũng giống như người CS luôn luôn im lặng khi gây tội ác, cho đến khi qua đời vào ngày 21.10.2014, ông Whitlam đã chọn thái độ im lặng, chấp nhận để dư luận phê phán, thân nhân của ông xấu hổ và lương tâm của ông bị cắn rứt - nếu lương tâm của ông còn thức tỉnh.

Hữu Nguyên
 


0 comments:

Powered By Blogger