Trong 40 năm cai trị cả nước Việt Nam từ sau ngày 30/04/1975, lần đầu
tiên đã có những tiếng nói từ trong lòng chế độ lên án đảng phản bội
dân tộc và buôn xương máu các chiến sĩ để được yên thân với Trung Quốc
bá quyền.
Những người can đảm lên tiếng không ai khác hơn đã một thời chiến đấu
dưới ngọn cờ đảng, từng là đảng viên, lão thành cách mạng và văn nghệ sĩ
đã nằm gai nếm mật tại các chiến trường, có người từ thời chống Pháp.
Nhưng tại sao họ đã dứt khoát như thế mà không sợ bị trù dập, bắt tù?
Nhất là lại lên tiếng đúng vào dịp đảng ra sức tuyên truyền và tiêu phí
tiền dân để che giấu tội hại nước, phản dân vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày
được thêu dệt là “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Giải phóng miền Nam-Thống nhất đất nước”?
Lý do vì, không riêng số người nổi tiếng này mà hàng triệu người dân
trong và ngoài nước đều thấy rằng, sau 40 năm thử nghiệm mớ lý thuyết
viển vông “Mác-Lênin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh” và làm “Kinh tế
thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” giở giăng giở đèn mà Việt
Nam vẫn chưa làm nổi con ốc vít thì chế độ này phải bị thay thế, nhất là
ngày càng để mất đất, mất biển vào tay láng giềng xấu bụng Trung Quốc.
Giải phóng cái gì?
Người đầu tiên phải kể là Nhạc sỹ nổi tiếng Tô Hải (tên thật là Tô Đình
Hải, sinh ngày 24 tháng 9 năm 1927 tại Hà Nội, quê ở Tiền Hải - Thái
Bình.
Ông gia nhập đảng Cộng sản từ năm 1949, tham gia kháng chiến chống Pháp
và làm công tác văn nghệ ở Quân khu 4 và nhiều hoạt động văn nghệ và
sáng tác theo hướng nhạc dân tộc và loại nhạc gọi là “cách mạng”.
Tuy nhiên, sau năm 1975 một thời gian, Nhạc sỹ Tô Hải sống ở Sài Gòn đã
phủ nhận gia tài sản âm nhạc đồ sộ của mình. Ông gọi chúng là “nhạc nô”
rồi ông quyết định bỏ đảng để trở thành một Tín đồ đạo Công giáo ngày
25/5/2014.
Ông từng được suy tôn là “nhà cách mạng lão thành” và nhận rất nhiều
huân chương của Nhà Nước Cộng sản, trong đó có các Huân chương Chiến
công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ
vẻ vang hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
Sau khi bỏ đảng, ông trao tập “Hồi ký của một thằng hèn” cho Nhà
văn Uyên Thao, Giám đốc Nhà Xuất bản Tủ sách Tiếng Quê Hương ở Falls
Church, Virginia (USA), xuất bản. Rất nhiều người đã tìm đọc cuốn hồi ký
nổi tiếng của Nhạc sỹ Tô Hải.
Bình luận về tuyên truyền “Giải phóng miền Nam” nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày 30/04/1975, Nhạc sỹ Tô Hải chất vấn trong bài viết ngáy 23/04/2015:
- “Giải phóng gì, hòa hợp gì mà cả triệu con người, đa số là trí thức
của đối phương mà ông tướng Trà, trong lúc bốc nhằng lỡ nói với tướng
Dương văn Minh rằng thì là: “Người Việt chúng ta không ai thắng thua,
chỉ có đế quốc Mỹ là thất bại mà thôi” còn in nóng sốt trên khắp các
báo… thì lập tức, ngay sau đó, có lệnh của “kẻ to hơn ông Trà” cho gom
tất cả cán binh cao cấp bên thua trận, vào các trại cải tạo nơi thâm sơn
cùng cốc để chết dần chết mòn vì… “học tập” hoặc có sống sót mà về thì
cũng chỉ còn là những tấm thân tàn, ma dại nằm chờ chết? (ngay gia đình
mình, “gia đình cách mệnh” như lời ông Trần văn Trà tuyên bố hẳn hoi mà
cũng có người phải đi học tập đến cả 11 năm vì trót làm... trung tá -
luật sư Tòa án Binh).
- Giải phóng gì hòa hợp gì mà nhà cửa, ruộng vườn, xưởng máy, xí
nghiệp của bên “được giải phóng” đều rơi vào tay các ông cán bộ sử dụng
cho đến tận ngày nay...
- Giải phóng gì, hòa hợp gì mà dân miền Bắc quanh năm xếp hàng kiếm
mớ rau, miếng đậu phụ theo tem phiếu, bỗng… “giàu lên” nhờ “nhận họ nhận
hàng” từ miền Nam bị Đế Quốc Mỹ kìm kẹp (!) chia xẻ cho cái xe máy, cái
tủ lạnh, thậm chí ít “cây vàng” để cơi nới ngôi nhà đã quá sức chứa đến
3,4 thế hệ! Thế mà, chỉ một đêm, có lệnh của bác ĐM (chiến dịch Z 200
hay 500 gì đấy), đều bị “kiểm tra hành chính”, tịch thu tài sản không lý
do, lý trấu gì xất!
(Chú thích của người viết bài này: ĐM là Đỗ Mười. Năm 1977 ông là Phó
Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ
nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam).
- Giải phóng gì, hòa hợp gì mà cả nước bỗng trở thành… súc vật ăn bo
bo tranh phần của ngựa, lừa nhưng vẫn phải hô to đảng ta vô cùng sáng
suốt!
- Và đặc biệt vô nhị là giải phóng gì mà ba, bốn triệu người đều sợ
hãi chạy suốt từ Bắc vô Nam rồi từ Việt Nam đi bất cứ nơi nào trên thế
giới dù thân xác có làm mồi cho cá mập đại dương còn hơn là làm công dân
của một chế độ, mà rồi đây con sẽ đấu cha, vợ đấu chồng, đồng chí đấu
nhau, thậm chí bắn giết, chôn sống nhau để “đấu tranh này là trận cuối
cùng”, để “bao lợi quyền ắt qua tay mình?!
Sau khi tự đặt các câu hỏi như thế, người Nhạc sỹ 88 tuổi có thời gian
dài sống chết cho đảng đã gay gắt viết bằng chữ hoa như xiết từng chữ
cho mọi người biết rõ thái độ của mình.
Ông viết: “không bao giờ có được sự hòa hợp trong 90 triệu con hồng
cháu lạc nếu những kẻ cộng sản gây tội ác không bị vạch trần và bị xóa
sổ vĩnh viễn!”
Lừa dối vĩ đại
Người thứ hai, đồng đội của Nhạc sỹ Tô Hải là Nhà văn cựu Đại tá Quân
đội Nhân dân Phạm Đình Trọng phát biểu ngày 22/4/2015, ông viết: “Suốt
40 năm qua, hệ thống tuyên truyền khổng lồ của đảng CSVN (Cộng sản Việt
Nam) cầm quyền đã ngốn quá nhiều tiền thuế của dân, tiền bán tài nguyên
đất nước vào việc tự huyễn hoặc mình và lừa dối người dân về ngày 30
tháng tư năm 1975, ngày huy hoàng đại thắng, ngày vẻ vang thống nhất đất
nước.
Cuộc chiến tranh mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cộng
sản vẫn thần thánh hóa là cuộc chiến tranh “Giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước”, “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” thực chất chỉ là
cuộc nội chiến tội lỗi, người Việt bắn giết người Việt.”
Nhà văn vào đảng ngày 19/05/1970, đi lính thành sĩ quan để xâm nhập vào
chiến trường Tây Nguyên miền Nam. Nhưng ông đã tự ý ra khỏi đảng ngày
20/1/2009, vì theo thư gửi Chi bộ quận Tân Bình (Tp. HCM), ông nói: “Tôi
tự thấy đảng Cộng sản không còn phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ và giá trị
nhân văn mà tôi theo đuổi nên tôi tự rút ra khỏi đảng.”
Ông Trọng nói thẳng với cái đảng một thời đã mê hoặc ông rằng: “Ngay
từ khi phát động cuộc nội chiến phi nghĩa núp bóng cuộc chiến tranh
chính nghĩa “giải phóng miền Nam”, những người cộng sản đã vẽ ra con
ngáo ộp “đế quốc Mĩ” hiếu chiến, tham tàn, man rợ hù dọa người dân, đã
lôi “đế quốc Mĩ” vào tham chiến để biến cuộc nội chiến thành cuộc thánh
chiến...”
Từ nhận thức mới này, Nhà văn vạch trần sự thật: “Nếu cuộc chiến
tranh kết thúc ngày 30. 4. 1975 là “Giải phóng miền Nam thống nhất đất
nước” thì cuộc chiến tranh đó trước hết phải giải phóng người dân miền
Nam khỏi sự nô dịch của đế quốc Mĩ như hệ thống tuyên giáo cộng sản vẫn
ra rả tuyên truyền, để người dân miền Nam trở về với dân tộc Việt Nam
yêu thương. Đất nước thống nhất trước hết phải thống nhất trong tình
cảm, ý chí người dân. 40 năm đã qua, sự thống nhất đó vẫn chưa hề có.
Cuộc chiến tranh kết thúc ngày 30. 4. 1975 chỉ giải phóng đất đai miền
Nam để người thắng cuộc thâu tóm, thống trị cả nước, còn người dân miền
Nam vẫn bị người thắng cuộc coi là thù địch. Chỉ là cuộc nội chiến,
người Việt Cộng sản làm chiến tranh để tiêu diệt người Việt Cộng hòa.
Người Việt Cộng hòa có may mắn thoát chết trong cuộc nội chiến khốc
liệt, tàn bạo đó cũng bị loại bỏ khỏi sinh hoạt xã hội, trở thành những
người tù không án, bị giam cầm mút mùa không thời hạn trong những nhà tù
hà khắc.”
Thất vọng tuyệt cùng
Nhân chứng thứ ba đã bất mãn với đảng vì bị lừa dối từ khi còn tấm bé
theo Cha, một Luật sư liệt sĩ kháng chiến chống Pháp vào bưng là Bà Nghệ
sỹ Kim Chi.
Tên đầy đủ của Bà là Nguyễn Thị Kim Chi sinh ngày 15 tháng 6 năm 1943,
tại Rạch Giá (Kiên Giang). Bà theo gia đình tập kết ra Bắc năm 1954 và
được học trở thành diễn viên điện ảnh, đạo diễn và biên kịch.
Nghệ sỹ Kim Chi đã lặn lội ở chiến trường miền Nam trong 10 năm cùng đội
Văn công Giải phóng và đã đóng nhiều bộ phim chiến tranh và tình cảm
nổi tiếng.
Bà cũng là người được báo chí quốc tế chú ý sau khi bà công khai vào năm
2013 từ chối nạp hồ sơ khen thưởng nghệ sĩ của Thủ tướng Việt Nam
Nguyễn Tấn Dũng. Bà cho biết lý do từ chối vì, ông Nguyễn Tấn Dũng “đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân.”
Bà Kim Chi cũng đã tham gia nhiều cuộc xuống đường đòi dân chủ, tự do và
ủng hộ dân oan chống cưỡng chế đất đai, đòi bồi thường công bằng. Bà
luôn luôn sát cánh trong hàng ngũ trí thức và thanh niên tranh đấu cho
quyền tự do báo chí, tự do tư tưởng và chống Trung Quốc xâm lược biển
đảo Việt Nam.
Như vậy, khi Bà lên tiếng chỉ trích và tố cáo đảng đã lừa dối nhân dân,
phản bội xướng máu của những người Việt đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc chống
quân Trung Cộng xâm lược thì hẳn nhiên không phải là chuyện bình thường.
Bà giãi bày tâm trạng thất vọng của mình trong bài viết ngày 23/04/2015 vào dịp 40 năm ngày 30/04/1975: “Mấy
năm qua, mỗi lần 30/4 tôi mất hẳn trạng thái cảm giác hạnh phúc, tự hào
như những năm trước đây. Tôi buồn vì niềm tin trong tôi hoàn toàn đổ
vỡ. Nghĩ lại, nhận rõ và xác thực hơn: Những năm bom đạn ‘đi theo lý
tưởng’ thì quả là “lớn rồi mà như ngây thơ”. Tôi cũng như biết bao đồng
đội đã ‘ngây thơ’...”
“…Đúng thế, dần dần tôi nhận ra lời tuyên bố hùng hồn của đảng CS
ngày ấy nay như không hồn! Những điều nói và làm khác biệt, làm ngược
với nói như thế, dân Nam bộ chúng tôi đã đúc rút: “Nói dzậy mà hổng phải
dzậy”. Thực tế đời sống chính trị-xã hội đã khác hoàn toàn những điều
tôi hằng tâm niệm, một sự giả dối mà họ không dễ tự nhận biết, không dễ
sám hối!...”
Rồi Bà kể ra tội lỗi của đảng: “Trong cương lĩnh đảng CSVN tuyên bố
“người cày có ruộng”. Vì lẽ đó nên con em nông dân đi lính đông nhất khi
đất nước có chiến tranh. Ở nông thôn miền Bắc VN đóng góp quá nhiều máu
xương cho những cuộc chiến. Vậy mà cho đến hôm nay có rất nhiều gia
đình vẫn đói nghèo vì bị cướp đất cho những dự án. Có còn xứ sở nào
nhiều dân oan như ở VN không? Hiến pháp VN không công nhận quyền tư hữu
ruộng đất là cố tình để những nhóm lợi ích tước đoạt ruộng đất của nông
dân...”
Đối với hành động lấn đất, chiếm biển Việt Nam của Trung Quốc, Bà gay gắt lên án: “Lãnh
đạo VN sợ Trung Quốc đến nỗi cho đục bỏ cả tên tuổi của các chiến sĩ
khắc trên bia đá ở biên giới. Tàn nhẫn hơn là mỗi lần anh em chúng tôi
tố chức những cuộc tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma, ở Hoàng
Sa, ở biên giới đều bị đám côn đồ và dư luận viên quấy phá, chửi bới tục
tĩu. Mọi người đều thừa biết nếu không có đảng và công an đứng phía sau
thì bố bảo bọn giặc ấy cũng không dám láo xược như thế.”
Vì vậy, đối với Nghệ sỹ người miền Nam như Kim Chi thì: “Đã 40 năm “
giải phóng miền Nam” nhưng với người miền Nam thì từ “ giải phóng” đầy
mỉa mai. Miền Nam trước đây được biệt danh là “ hòn ngọc viễn đông”.
Nhưng “ giải phóng” vô thì họ mất nhà cửa, tiền bạc. Rồi chồng con bị tù
đầy…Mất tất cả nên hàng triệu người miền Nam buộc phải trở thành thuyền
nhân. Đã hàng ngàn người chết trôi, làm mồi cho cá mập. Những kẻ chiến
thắng đã cư xử với người thua cuộc tàn bạo một cách tiểu nhân. Khi nhân
ra được sự tồi tệ này tôi thấy vô cùng đau đớn.”
Bà nói thẳng vào mặt lãnh đạo: “Với tôi bây giờ 30/4 không phải là
giải phóng miền Nam. Miền Nam trước đây là mơ ước của Thái Lan, của
Singapore. Vậy mà bây giờ VN ta tụt sau họ hằng thế kỷ. Miền Nam là vựa
lúa xuất khẩu đi các nước. Vậy mà sau 30/4 một thời gian thì các nhà
lãnh đạo đã khiến cho cả nước phải ăn độn khoai, sắn, ngô. Cảnh cấm chợ
ngăn sông ngày ấy đã dẫn tới cảnh thiếu từng con khô, chai nước mắm...
Bây giờ mỗi lần 30/4, tâm trạng tôi rất đau đớn, vì niềm tin vào đảng
CSVN và chế độ XHCN hoàn toàn đổ vỡ. Nỗi đau buồn không diễn tả được
bằng lời.”
Nghệ sĩ nổi tiếng Kim Chi không ngại nhìn nhận Bà và những đồng đội
người miền Nam của Bà đã “ngây thơ” nên bây giờ Bà mới đau buồn như thế.
Nhưng đâu phải chỉ có một mình Bà buồn mà nỗi buồn, nỗi oan khiên do
người Cộng sản gây ra đã đổ lên đầu đại đa số trên 90 triệu dân, ngoại
trừ những kẻ có chức có quyền và các nhóm lợi ích đang không ngừng tự
mãn hưởng thụ trên xương máu của cả dân tộc.
Hãy nghe Đạo diễn điện ảnh Song Chi, người đã rời Việt Nam sống tị nạn chính trị ở Đan Mạch lên án: “Mỗi
lần 30 tháng Tư về là một dịp để nhà cầm quyền tìm mọi cách nhắc nhở
với người dân những “chiến công” lẫy lừng đánh cho Mỹ cút ngụy nhào,
thống nhất đất nước của đảng cộng sản. Khi thực tế VN hôm nay về mọi mặt
từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, chất lượng sống của người
dân… đều tụt hậu quá xa ngay cả so với các nước trong khu vực, chứng tỏ
sự thất bại không thể bào chữa, đỗ thừa bằng bất cứ lý do nào của đảng
cộng sản trong 40 năm cầm quyền sau chiến tranh, thì họ càng phải bám
vào “những “chiến thắng, chiến công” trong quá khứ để tiếp tục lừa dối
người dân về tính chính danh, vai trỏ không thể thay thế của đảng cộng
sản.”
Bà giãi bầy tâm tư trên trang báo điện tử của Đài Á Châu Tự Do (Radio Free ASIA, RFA) ngày 21/04/2015: “Ngày
càng nhiều những thành phần khác trong xã hội, từ thái độ bàng quan về
chính trị, không nghĩ ngợi nhiều về cái ngày 30 tháng Tư hàng năm, thậm
chí vui mừng, kiêu hãnh ban đầu do được tuyên truyền, đã dần dần mất
vui, cay đắng, chua xót, thậm chí ân hận.
Họ là những người đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh đánh lại Mỹ
và miền Nam ruột thịt, đã góp phần tạo dựng nên cái chế độ này. Và khi
thông tin đa chiều cũng như thực tế xã hội giúp họ thức tỉnh, để nhận ra
mình bi lừa, dân tộc này bị lừa, con đường đi của đất nước dưới sự cầm
quyền của đảng cộng sản đã hoàn toàn sai lầm ngay từ đầu cho đến tận bây
giờ, không chỉ đã gây ra những hậu quả khủng khiếp cho đất nước, dân
tộc mà còn đẩy VN bị lệ thuộc nặng nề về mọi mặt vào Trung Cộng.”
Triệt hạ dân mình
Trong khi đó, Nhà văn Võ Thị Hảo, 59 tuổi (Bà sinh năm 1956 tại Diễn
Châu - Nghệ An), một người trực tính, không ưa nói thẳng vào mặt chẳng
sợ hãi gì, đã viết trên BBC (Tiếng Việt) ngày 28/04/2015: “Sau bốn
mươi năm, lòng người vẫn ly tán. Việt Nam vẫn ngửa tay hân hoan đón dòng
tiền kiều hối bất kể nó chảy về từ nguồn nào, nhưng vẫn kỳ thị và sẵn
sàng trừng trị những kiều bào và công dân bất đồng chính kiến, gán cho
họ hai tội "diễn biến hòa bình" và "phản động".
Cùng tiến theo mức độ tham nhũng, mức độ vi phạm tự do và nhân quyền,
với nạn công an giết dân ngay tại trụ sở công quyền ngày càng tăng, là
những cuộc đại lễ kỷ niệm 30/4 thêm khoa trương tốn kém.”
Rồi Bà hỏi mọi người: “Là người Việt Nam có lương tâm, lẽ nào không
biết đến nước mắt và máu của đồng bào mình trên một nửa trái tim Việt đã
đổ, đã chảy thành sông, đã pha đỏ ngầu nước biển trên con đường đi tị
nạn của họ sau ngày 30/4/1975 để tìm tới tự do.
Làm sao có thể không xót xa, không tưởng nhớ, không thắp một nén
nhang, một lời nói công tâm cho khoảng 250 ngàn đồng bào mình đã chết
oan khốc trên biển? Có ai đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấu hiểu dù
chỉ một phần ngàn những khốn khổ của họ?”
Ngày 30/4/1975 đối với người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là ngày đánh dấu của điều thêu dệt là "Thắng
lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối
và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của
Đảng", nhưng Nhà văn Võ Thị Hảo đã có cái nhìn khác.
Bà nói: “'Tháng tư đen', 'Ngày quốc hận', 'Ngày Sài Gòn thất thủ', và
mới nhất: 'Ngày Hành trình tới Tự do' là tên gọi đối chọi nước lửa với
cái tên "Ngày giải phóng miền Nam" của nhà cầm quyền Việt Nam luôn tự
hào vỗ ngực.”
Tên gọi “Ngày Hành trình tới Tự do” được Quốc hội Canada
chấp thuận lúc 19 giờ 15 ngày 22/04/2015 (giờ Ottawa) ghi trong Luật
S-129, xác nhận “trong khắp đất nước Canada, trong mỗi năm, ngày thứ ba
mươi của tháng tư được gọi là "Ngày hành trình đến Tự do" (Journey to
Freedom Day).
Luật này thành công nhờ công lao của Nghị sỹ gốc Việt Ngô Thanh Hải có
mục đích xác nhận hàng trăm ngàn người Việt Nam đã bỏ nước ra đi sau
ngày quân Cộng sản vào Sài Gòn ngày 30/04/1975.
Luật S-129 cũng ghi nhận việc Chính phủ Canada đã cứu 600. 000 thuyền
nhân, trong số 300. 000 người đang sống ở Canada. Đồng thời cũng nhằm để
tưởng nhớ đến 250 ngàn người Việt Nam đã bỏ mình trên biển Đông hoặc là
bị cướp, bị bão trên đường tìm tự do.
Vì vậy, Nhà văn Võ Thị Hảo mới hỏi mọi người Việt Nam: “Chúng ta đã
làm gì khi hai triệu đồng bào mình, chỉ vì khác chính kiến, là cánh bèo
trôi giạt của những thể chế chính trị, mà không còn đường sống, phải tất
tưởi đứt ngàn khúc ruột, bỏ lại đằng sau tất cả những gì đời người chắt
chiu và hang ổ ẩn náu cuối cùng phó thác mình cho sóng dữ?”
Rồi để trả lời cho luận điệu chối tội “không làm gì có tằm máu” sau ngày 30/04/1975, Bà viết: “Có
thực sự không có tắm máu không? Máu của khoảng 250 ngàn người bỏ mạng
trên biển, dù bị nước biển pha loãng nhưng cũng đủ nhuộm màu.
Sóng biển vỗ qua xương thịt của những thuyền nhân Việt Nam, từ đó
biển ấy không bao giờ như cũ. Nước ấy pha máu xương người Việt trên con
đường chạy trốn khỏi sự bạo tàn của chính quyền cộng sản Việt Nam. Chính
quyền này nhân danh đấu tranh giai cấp và hệ tư tưởng để triệt hạ người
dân của chính nước Việt.
Có đủ để phủ nhận không tắm máu sau 30/4/1975? Nếu tính những dòng
máu của đồng bào Việt Nam đang rỉ rả chảy, kể cả những người bị chính
quyền cộng sản Việt Nam bắt đi tù và bị chết trong tù bởi chế độ nhà tù
tàn bạo và thiếu thốn?”
Cuối cùng Nhà văn nói dõng dạc: “Người Việt Nam sẽ tự động hòa hợp
ngay sau khi Việt Nam giải thể chính quyền độc tài cộng sản và thay vào
đó bằng một chính thể dân chủ đa nguyên, tôn trọng tự do và nhân quyền.”
Nỗi đau nào lớn?
Người thứ 6, bất chấp hiểm nguy bị bắt lại đã cất cao tiếng nói lên án
đảng CSVN đến từ nguyên Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, 47 tuổi (ông sinh ngày
02/11/1968). Ông từng làm việc gần 10 năm cho Tạp chí Cộng sản, cơ quan
lý luận chính trị của đảng CSVN.
Theo Bách khoa Toàn thư (mở) thì:
“Ngày 02/9/2000, Ông làm đơn xin thành lập đảng Tự do - Dân chủ, đồng
thời cũng làm đơn xin nghỉ việc tại Tạp chí Công Sản. Tháng 01/2001 Ông
bị Tạp chí Cộng Sản buộc thôi việc. Sau đó, Ông cùng với 16 người khác
đã viết một thư mở đến chính quyền kêu gọi cải cách chính trị và trả tự
do cho các tù nhân chính trị. Ông cũng ủng hộ việc thành lập "Hội nhân
dân giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng" và trở thành thành viên sáng
lập của Câu lạc bộ dân chủ cho Việt Nam.”
Ông bị bắt và bị “Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 31 tháng
12 năm 2003, tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc tại gia vì tội
làm gián điệp.”
Ông kháng án nhưng “ngày 5 tháng 5 năm 2004, tòa phúc thẩm Tòa án
Nhân dân Tối cao tại Hà Nội vẫn quyết định giữ nguyên bản án. Tại cuối
phiên kháng án thất bại của mình, Nguyễn Vũ Bình tuyên bố: "Đối với tôi,
tự do hay là chết", “Các tổ chức quốc tế như Ký giả Không Biên giới,
Quan sát Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Các nhà báo, World Association of
Newspapers, và Diễn đàn Biên tập viên Thế giới, đại diện 18. 000 tờ báo
trên 100 quốc gia và Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng loạt lên án phiên xử.
Vào ngày 9 tháng 6 năm 2007, ông được nhà cầm quyền thả tự do từ nhà tù Ba Sao ở tỉnh Nam Hà.”
Với thất bại của chính bản thân không được nói tự do và hoạt động dân
chủ như đảng tuyên truyền, ông Nguyễn Vũ Bình đã nhìn ra sự thật của
điều được gọi là “giải phóng miến Nam, thống nhất đất nước” của ngày 30/04/1975 như thế này:
“Người ta đã nói nhiều tới nỗi đau của người dân miền Nam sau biến cố
30/4/1975 này, và đó là những sự thật hiển nhiên. Một quốc gia (Việt
Nam Cộng Hòa), với chính nghĩa sáng ngời, tinh thần nhân bản đã bị cưỡng
chiếm một cách đau đớn, tức tưởi. Từ sự kiện này, hàng triệu quân, dân,
cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa đã phải vào các trại cải tạo, lao tù.
Hàng chục vạn người đã phải bỏ nước ra đi, vượt biên vì không thể sống
nổi trên quê hương. Hàng chục ngàn người đã nằm trong bụng cá và dưới
đáy biển sâu…đó là số phận, là nỗi đau của bên thua cuộc.”
Ông Bình nói tiếp không ngại ngùng: “Tuy nhiên, ngoại trừ sự thất bại
của cuộc chiến tranh (có nguyên nhân quan trọng từ việc đồng minh Mỹ bỏ
rơi) mà người dân miền Nam ít nhiều có trách nhiệm, thì những nỗi đau
khác, sự thống khổ, bi ai của người dân miền Nam là kết quả của những
chính sách thâm độc, hiểm ác và tàn bạo của chế độ cộng sản.”
Như vậy, thực tế ngày nay Việt Nam sau 40 năm đảng thống trị cả nước, có
tốt đẹp hơn ngàn lần hơn như giấc mơ của ông Hồ Chí Minh?
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình trả lời: “Sau 30/4/75, đất nước sạch bóng quân
thù, cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã
hội... một sự vỡ mộng, bẽ bàng khủng khiếp từ từ xâm lấn tâm hồn bên
thắng cuộc. Với độ lùi 40 năm sau ngày 30/4 đó, tất cả đã hiển hiện, bức
tranh toàn cảnh của Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng cộng
sản: Sự toàn vẹn lãnh thổ không còn, đất đai, hải đảo, lãnh hải bị mất
và xâm phạm nghiêm trọng; nợ gấp đôi GDP (Gross Domestic Product, tổng
sản lượng quốc gia)và không có khả năng thanh toán; đạo đức, nền tảng xã
hội bị băng hoại và phá hủy hoàn toàn; sự dồn nén cùng cực của tất cả
mọi tầng lớp nhân dân... đây phải chăng là kết quả của niềm vui chiến
thắng?”
Trước sự thật phũ phàng như thế, ông Bình đặt nghi vấn: “Còn nỗi đau
nào lớn hơn khi ngay từ những năm 14-15 tuổi làm liên lạc viên cho Việt
Minh, cả cuộc đời cống hiến, lên tới chức vụ trưởng, thứ trưởng, bộ
trưởng... khi đã về hưu, khi sự thật được phơi bày mới biết rằng mình đã
bị lừa, những điều mình làm không hề đem lại điều tốt đẹp cho nhân dân,
đất nước mà còn góp phần gây ra thảm họa cho dân tộc, cho nhân dân, cho
đất nước.
Vậy thì, nỗi đau nào lớn hơn?”
Tất nhiên không có sự hành hạ thể xác nào, dù có trăm cay nghìn đắng,
cũng không bằng một chiếc kim xuyên thấu tâm gan giả dối của chính bản
thân người cán bộ vì đã nhân danh “giải phóng” để lường gạt Tổ quốc và
đồng bào mình trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Hàng chục ngàn dân đã bỏ vùng Việt Minh kiểm soát ở miền Bắc hồi cư về
thành phố trước năm 1954. Trên 1 triệu người miền Bắc đã bỏ mồ mả cha
ông để di cư vào miền Nam (Việt Nam Cộng hòa sau này) sau Hiệp định
Geneve chia đôi Việt Nam ngày 20/07/1954.
Và đến khi quân Cộng sản vào Sài Gòn ngày 30/04/1975 cho đến thập niên
1980, trên 2 triệu người miền Nam đã phải chạy trốn Cộng sản ra nước
ngoài, dù phải đổi mạng sống để được tự do.
Trong đợt bỏ nước ra đi lần này, ít nhất cũng đã có khoảng 250. 000
người Việt Nam được gọi là “thuyền nhân” bỏ mình trên biển cả, trong số
họ có cả những xác Phụ nữ bị hải tặc hãm hiếp.
Vậy ai đã gây ra thảm cảnh này cho dân tộc, nếu không phải là người Cộng
sản đã gây ra cuộc nội chiến và xâm lăng Việt Nam Cộng hòa dưới chiêu
bài “giải phóng”?
Nhưng người Việt Nam đâu đã hết bỏ nước ra đi, tại sao?
Hãy nghe Nhà Trí thức dân chủ Vũ Cao Đàm báo động trên mạng báo Bauxite Việt Nam ngày 22/04/2015: “Trên
thực tế, có lẽ các nhà lãnh đạo cũng phải suy nghĩ, vì sao dân lại cứ
thích bỏ đi mãi thế. Mà dân bỏ chỉ theo một dòng muốn thoát khỏi thể chế
cộng sản. Không thấy có dòng ngược lại?
Trong số những người dân bỏ nước ra đi không chỉ có quân cán chính và
công dân Việt Nam Cộng hòa, mà cả những người là công dân của chế độ xã
hội chủ nghĩa, không chỉ có các doanh gia, mà có cả dân thường, có cả
con em các tướng tá và quan chức cao cấp của chế độ.
Chẳng lẽ dân “thoái hóa” hết rồi sao?
Chẳng lẽ các tướng tá và quan chức cao cấp của chế độ cùng con cái của họ cũng “thoái hóa” hết rồi sao?
Chẳng lẽ, trừ mấy ông bà giáo sư tiến sĩ trong Hội đồng Lý luận Trung
ương, còn lại, dân Việt Nam ngu đến mức không thấy được chủ nghĩa cộng
sản là “đỉnh cao trí tuệ” và “thiên đường của nhân loại” hay sao?
Câu hỏi mỉa mai của ông Vũ Cao Đàm không phải là chuyện nhỏ mà là tiếng chuông báo động số phận đảng sắp đến hồi cáo chung.
Vì vậy, muốn con dân nước Việt ở nước ngoài trở về xây dựng quê hương;
muốn người dân trong nước đoàn kết cùng nhau xóa bỏ hận thù không do
mình gây ra; và để bảo vệ giống nòi, giữ vững giang sơn gấm vóc khỏi
hiểm họa Trung Quốc xâm lược, chỉ có giải pháp duy nhất là: Đảng phải
rút cho dân hồi cư.
30/040/2015
0 comments:
Post a Comment