Wednesday, April 29, 2015

THE TRAGEDY OF THE VIETNAM WAR


MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SAU KHI ĐỌC CUỐN THE TRAGEDY OF THE VIETNAM WAR
Cung Trầm Tưởng
9 – Ta có thể đo lường được sự phủi tay của Mỹ qua mức giảm sút quân viện của họ cho VNCH. Tác giả trích dẫn lời Trung tướng John Murry, cựu Tuỳ viên Quốc phòng, DAO tại Sàigòn: “Quan tâm hàng đầu của tôi (lúc đó) là vấn đề tiếp vận và giám sát việc sử dụng cấp khoản quân viện một tỉ đô la của Chương trình Trợ giúp Việt Nam của Bộ Quốc Phòng.
Nhưng việc Quốc hội Hoa Kì chỉ chấp thuận 700.000 triệu đô la trên một tỉ đô la ấy chứng tỏ việc Mỹ yểm trợ cho người bạn đồng minh Nam Việt Nam của mình đang trên đà tàn lụi. (trang 179 – 180)
Thật ra, con số 700.000 triệu đô la cuối cùng cũng lại bị Thượng Nghị viện Mỹ rút xuống còn 500.000 triệu đô la. (tài khoá Quốc phòng Mỹ năm 1975 bắt đầu từ tháng 7/ 1975). (trang 182)
Còn một nhân chứng quan trọng khác về sự chuyển hướng chính sách quân viện của H.K., đó là cựu Đại Sứ Graham Martin, được coi như là “niềm hi vọng cuối cùng” của VNCH. Ngoài việc tiết lộ ông ta đã gửi về cho Kissinger nhiều công điện nhắc nhở với một giọng điệu gay gắt (a bit tart) về tính nghiêm trọng của tình hình và khuyên Kissinger đừng phụ lòng tin của VNCH và phải bảo vệ danh dự của nước Mỹ, Đại Sứ Martin còn cho biết cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973 là một tai hoạ cho miền Nam Việt Nam vì H.K. phải chuyển phần lớn quân viện của mình sang cho Israel và như vậy phải xếp VNCH xuống hạng ưu tiên thấp. Vậy mức ưu tiên thấp này là bao nhiêu?
Cựu Tổng thống Thiệu tiết lộ: “Viện trợ kinh tế bị cắt, viện trợ quân sự bị cắt, và chúng ta không còn phương tiện để chiến đấu.
Tiềm lực của chúng ta bị giảm 60%.” (trang 180) Kể từ năm 1974 trở đi, theo cách nói nôm na của ông Thiệu, “VNCH phải đánh giặc theo kiểu con nhà nghèo.” Trong lúc VNCH bị lâm cảnh túng thiếu thì Bắc Việt trong hai năm 1973 và 1974 đã nhận được của Liên Xô và Trung Cộng một số quân viện là 8 tỉ đô la. (6 tỉ của Liên Xô và 2 tỉ của Trung Cộng) Nhờ vào số quân viện khổng lồ này và với việc thực thi kế hoạch tổng động viên các nam nữ thanh niên từ 16 tuổi trở lên, quân đội CSVN trở thành quân đội quy ước đứng hạng tư trên thế giới về quân số, trang bị và kinh nghiệm tác chiến. Khoảng 60% quân số và quân bị của quân đội này được phối trí tại Lào, Căm Bốt và Nam Việt Nam.
Theo ước tính của giới tình báo VNCH và Hoa Kỳ kể từ đầu năm 1973 đến tháng 3/1975, Hà Nội điều động vào miền Nam Việt Nam khoảng 250.000 quân và 1.349.000 tấn quân bị, thiết bị và đạn dược. Còn theo ước tinh của Đại Tá hồi hưu Mỹ Eugene H. Grayson, Jr. quân số Bắc Việt ở trong lãnh thổ và dọc theo biên giới VNCH cho đến cuối năm 1974 là 550.000 người. Một điểm cần được lưu ý nữa là 70% lực lượng chính quy Việt Cộng (cộng sản miền Nam) là quân Bắc Việt, và như vậy Hà Nội đã trắng trợn và nghiêm trọng vi phạm điều 7 của hoà ước Paris. (trang 181) Nhưng ôi hỡi! chẳng còn Dick ngồi ở Toà Nhà Trắng nữa để ra lệnh trả đũa, như đã mật hứa với ông Thiệu, với sức mạnh long trời lở đất – thứ ngôn ngữ B-52 mà quân thù kính nể- của một chiến dịch Hậu vệ.
Và con cọp giấy Mỹ đang từ một bức hí hoạ mua vui bước ra và trở thành một hiện thực lố bịch.
Và cơn bão đỏ nay được thả buông, sấn tới từ phía chân trời u ám, dưới sự giám sát bất lực của một Uỷ hội Quốc tế và giữa tiếng kêu lẻ loi của một VNCH đang bị dồn vào thế đường cùng.
10 – So với nhịp độ leo thang từng nấc của Mỹ trong sáu năm đầu (1961-1966) của cuộc chiến, sự tụt thang của họ kể từ năm 1973 trở đi đã xẩy ra dồn dập và tăng tốc đến chóng mặt.
Những sự kiện của sự tụt thang nhanh chóng này, như việc ép VNCH kí “đầu hàng thư” Paris ngày 27/1/1973, việc quốc hội Hoa Kì thông qua tu chánh án Case – Church ngày 14/6/1973 để trói tay Nixon, việc cắt giảm phũ phàng quân viện cho VNCH kể từ ngày 1/7/1973 trở đi… tất cả đều là những chỉ dấu của “Hội chứng Bỏ rơi” (Abandonment Syndrome) (trang 182) đã thâm nhập vào tâm thức mọi tầng lớp Mĩ, cả giới trí thức thượng lưu lẫn chính khách, tướng lãnh và viên chức cao cấp của chính quyền. Cộng sản hẳn rõ điều trên và cho rằng cờ đã đến tay để phất. Chúng ra quân tại Thượng Đức và Đại Lộc nằm ở phía tây nam Đà Nẵng vào đầu tuần tháng 8/1974 với một lực lượng cấp quân đoàn gồm Sư 304, Sư 324, 1 trung đoàn pháo và 1 trung đoàn tăng.
Mục đích của chúng là khống chế Quốc lộ 14 bằng cách chiếm lấy hai quận lị trên và giang cảng Hội An để cô lập Quân khu I của VNCH. Sau hơn ba tháng quần thảo với cộng sản, lực lượng VNCH gồm Sư đoàn Dù, hai trung đoàn của Sư đoàn 3 Bộ binh và một Liên đoàn Biệt đông quân đã bẻ gẫy được kế hoạch trên của địch. Đây là một chiến thắng vẻ vang của QLVNCH dù họ đã phải tự chiến đấu trong một hoàn cảnh eo hẹp về đạn dược, quân bị và không có sự yểm trợ của Không lực H.K. nữa.
Nhưng điều mỉa mai là H.K. làm như không biết đến thành tích này của QLVNCH và không có một phản ứng thích ứng chính thức nào trước sự vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng hoà ước Paris của Bắc Việt. Được thể làm tới, cộng sản mở cuộc tấn công thứ hai tại tỉnh Phước Long vào ngày 12/12/1974. Lần này chúng huy động một lực lượng hùng hậu hơn, gồm Sư 3 và Sư 7 của Quân đoàn 301, 1 trung đoàn pháo, 1 trung đoàn phòng không (rất hữu hiệu), 1 trung đoàn tăng và một số đơn vị công binh và quân địa phương.
Sau khi chiếm được tất cả những tiền đồn chung quanh tỉnh lị Phước Bình (cách Sàigòn 100 kilômét về hướng bắc), chúng tập trung một lực lượng 20.000 quân để tấn công vào tỉnh lị này, được phòng thủ bởi 3.600 quân VNCH.
Sự chênh lệch lớn lao về cán cân lực lượng này cùng với việc QLVNCH không còn quân trừ bị để tiếp viện là hai nhân tố dẫn đến sự thất thủ của Phước Bình sau bốn tuần chống trả anh dũng của quân phòng thủ. Trước sự vi phạm trầm trọng hoà ước Paris như vậy của CSVN, xẩy ra ngay cửa ngõ của Thủ đô Sàigòn, phản ứng của phiá Hoa Kì là như thế nào? Một sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến Mỹ ở Okinawa được đặt trong tình trạng báo động và hàng không mẫu hạm USS Enterprise cùng với một lực lượng đặc nhiệm trên đó được lệnh rời khỏi Philippines và tiến gần đến hải phận Việt Nam. (trang 184)
Mục đích của cuộc điều quân này là để làm gì?
Là để hậu thuẫn cho lời tuyên bố xanh rờn của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Schlesinger: sự vi phạm trên của quân Bắc Việt chưa phải là “một cuộc tổng tấn công” (an all-out offensive)! Còn phản ứng của Tổng thống Ford chỉ giới hạn vào trong khuôn khổ một vài văn thư ngoại giao không hơn không kém. Bắc Việt hẳn lòng như mở cờ và coi đó như một thứ đèn xanh Mỹ bật lên cho phép chúng thôn tính toàn Miền Nam Việt Nam. Đồng thời, qua chuyến công du Hà Nội của Thứ trưởng Quốc phòng Viktor Kulikov của Liên Xô, nước này cũng hối thúc Bắc Việt làm như vậy để trả đũa lại việc Quốc hội Hoa Kỳ vừa từ chối ban cho Liên Xô quy chế tối ưu huệ quốc về mậu dịch. Nếu quả thật tình như vậy thì Mỹ lại bỏ lỡ thêm một cơ hội nữa để giải quyết thoả đáng cuộc chiến Việt Nam.
Hiểu như nếu họ đã thoả mãn yêu cầu trên của Liên Xô thì nước này đã không bật đèn xanh cho Bắc Việt mở những cuộc tấn công trong nửa cuối năm 1974 và quý đầu năm 1975 chăng? Sở dĩ thắc mắc này được nêu ra vì bản chất cuộc chiến Việt Nam của H.K. chứa hơn một điều phi lý. Mà chỉ có một cuộc chiến phi lí như vậy mới có thể đẻ ra những thứ liên minh mặc thị và quái gở ấy của Hoa Kỳ với kẻ thù Liên Xô để xoá bỏ một tiền đồn chống cộng quan trọng và lâu đời của Thế giới Tự do mà H.K. đã dày công góp phần xây dựng. Năm ngày sau chiến thắng Phước Long, ngày 19/12/1975, Bộ chính Trị Đảng Lao động (tiền thân của Đảng CSVN) thông qua nghị quyết phát động một cuộc tổng tấn công để dứt điểm cuộc chiến đã kéo dài trên 20 năm kể từ năm 1954.
Trước quyết định quan trọng như vậy của CSVN. Đại Tá Mỹ Harry G. Summers, Jr., đã nhận định về khả năng can thiệp của Mỹ như sau:
“Sau khi đã rút khỏi miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ khó có thể quay trở lại, và bất cứ một can thiệp nào của Hoa Kỳ cũng không cứu nổi Sàigòn khỏi sụp đổ.” (trang 185) Một lý do của nhận định bi quan này, theo chúng tôi, là sự có mặt tại miền Nam Việt Nam vào cuối tháng 2/1974 của một lực lượng Bắc Việt rất hùng hậu, gồm 17 sư đoàn bộ binh, 500 xe tăng (tương đương vói 3 sư đoàn), 500 khẩu pháo (tương đương với 4 sư đoàn) và 200 súng phòng không đủ cỡ, kể cả hoả tiễn đất đối không SAM. Ấy là chưa kể đến 40.000 quân Bắc Việt đang hiệp đồng tác chiến với Khờ Me Đỏ tại Căm Bốt và 50.000 quân Bắc Việt đang có mặt tại Lào để giúp Pathet Lào lật đổ chính quyền hoàng gia ở đó.
Với lực lượng hùng hậu như vậy, và sau khi chiếm được Phước Long mà không thấy Mĩ có phản ứng gì, cộng sản tung ra trận đánh Tây Nguyên vào ngày 4/3/1975. Chúng chiếm được đoạn đường Mang Yang – An Khê của quốc lộ 19 nối liền Kontum và Pleiku với tỉnh Bình Định. Ngày 6/3/1975, chúng cắt đứt quốc lộ 14 nối liền Pleiku với Ban Mê Thuột, và quốc lộ 21 nối liền Ban Mê Thuột với vùng duyên hải, và như vậy chúng đã cô lập được cả vùng Tây Nguyên. Ngày 10/3/1975, hai Sư đoàn 316 và 320 cùng với một số lớn xe tăng và pháo của Bắc Việt mở trận tấn công vào Ban Mê Thuột, được phòng thủ bởi 4000 quân VNCH. Tương quan lực lượng tại chiến trường này giữa quân Bắc Việt và quân VNCH là 5,5 trên 1 về quân số, 2,5 trên 1 về chiến xa và 5 trên 1 về pháo. Vì vậy việc Ban Mê Thuột rơi vào tay địch ngày 11/3/1975 là một điều khó có thể tránh được. (trang 188)
Có thể coi sự thất thủ Ban Mê Thuột như tiếng gióng đầu của hồi chuông báo tử VNCH giữa sự biệt vô âm tín của một Washington im ắng đến lạ lùng.
Và quyết mệnh lịch sử muốn rằng thế nhân dù sáng suốt đến mấy đôi khi cũng phạm phải những sai lầm ngớ ngẩn đến chết người.
Chẳng hạn như quyết định đưa ra vào giờ chót của ông Thiệu bắt vị Tư lệnh Quân đoàn II phải rút toàn bộ quân sĩ dưới quyền ông ra khỏi vùng Tây Nguyên mà không cho ông ta có đủ thời gian để chuẩn bị và không xét đến tính khả thi của lệnh ban. Trên thực tế, Thiếu tướng Phú đã chỉ có 48 tiếng đồng hồ để lập kế hoạch triệt thoái khổng lồ này. (trang 193)
Quyết định trên của ông Thiệu thật là ngớ ngẩn, thách thức mọi quy luật điều binh vì hai lí do đơn giản là không có đường an toàn để triệt thoái và vì Không lực VNCH không có khả năng vận chuyển một sớm một chiều cả một quân đoàn khổng lồ gồm 55.000 quân sĩ nên bắt buộc phải dùng đường bộ để rút lui; nhưng vì con đường 14 nối liền Pleiku với Ban Mê Thuột đã bị cắt đứt nên phải dùng đường số 7 nối liền Pleiku với Phú Bổn và Tuy Hoà.
Nhưng khốn nỗi vì phải xuyên qua một địa hình hiểm trở và vì bị bỏ hoang lâu ngày, với lại hai Sư đoàn 10 và 320 của địch đang gờm sẵn, thoái lộ 7 đích thực là một tử lộ. Không chỉ riêng đối với người lính chiến Quân đoàn II mà còn đối với cả những thường dân và thê tróc tử phọc đi theo họ (khoảng 450.000 người). Con số khổng lồ này nói lên một thực trạng tâm lí Việt Nam có từ ngàn đời, đó là tình cảm đại gia đình sống chết với nhau ở trong bất cứ một tình huống nào, hiểu nôm na ở đây là “chàng đi đâu, thiếp thì theo đó”. Nếu đây là một điểm son trong việc củng cố hạnh phúc gia đình trong thời bình, nó lại là một vật cản tinh thần khó vượt nổi cho những cuộc điều binh trong chiến tranh.
Hơn nữa, cái mà các nhà tâm lí học gọi là “Hội chứng Gia đình” này (trang191) lại bị tăng kích bởi một nỗi hoảng sợ bị cộng sản trả thù – hình ảnh nấm mồ tập thể tại Huế năm 1968 chưa phai nét trong tâm tư người dân Nam Việt Nam – cả hai hoà nhập vào nhau làm nên một phức cảm mãnh liệt, nổ bung, hoá cuộc rút quân thành một cuộc di tản lếch thếch thê nhi, lanh canh soong chảo, lê đi giữa những tiếng khóc trẻ em xen lẫn tiếng kêu của mẹ chúng, một thứ hỗn mang chu chéo não nùng, kì dị, tác động mạnh đến tinh thần chiến đấu của người lính kiêm chủ gia đình VNCH. Rồi hàng ngàn chiếc quân xa, thiết vận xa, xe đò chở khách bị dồn cục trên suốt một đoạn đuờng dài 8 kilômét trước một chiếc cầu rêu phong, gẫy đổ, nằm ở cửa ngõ phía tây thị xã Hậu Bổn.
Rồi hàng chục ngàn họng súng cộng sản gườm sẵn trên những điểm cao hai bên đường xối xả nhả đạn xuống mục tiêu là nửa triệu sinh linh mắc nạn, không phân biệt quân dân, nam nữ, già trẻ, biến đoàn xe thành một “công voa của máu và nước mắt.” (trang 195) Bản kết toán nấm mồ tập thể Đường số 7 như sau: 75% của 45.000 quân rút lui bị tử trận hay mất tích; 60% của 450.000 thường dân di tản bị sát hại. Số tổn thất bên lề (collateral damage) lớn lao này nói lên tính căm thù khát máu và mù quáng của quân cộng sản BắcViệt.
11 – Một nghi vấn được đặt ra là tại sao một tướng lãnh dày dạn kinh nghiệm chiến trường như ông Thiệu lại phạm phải một lỗi lầm sơ đẳng về binh pháp như trên. Phải chăng khi ra lệnh cuộc triệt thoái khỏi vùng Tây Nguyên, ông ta đã có một lí do khác ngoài lí do quân sự, lí do chính trị chẳng hạn? Theo tác giả, có một dư luận cho rằng lý do Ông Thiệu đưa ra quyết định chết người trên là để trả thù việc Mỹ phản bội VNCH. Vẫn theo dư luận ấy, “ông ta biết thừa nếu bị Mỹ bỏ rơi, miền Nam Việt Nam chắc chắn sẽ thua trận. Vậy ông ta không muốn để Mỹ rút ra mà không bị vạ lây. Cách “ăn miếng trả miếng” của ông ta rất là đơn giản: nếu Mỹ muốn giao miền Nam Việt Nam cho cộng sản, ông ta sẽ đẩy quá trình này nhanh hơn người ta dự tưởng.” (trang 193) Trên thưc tế, ông ta đã làm điều này với cung cách “không ăn thì đạp đổ” của một đứa con hờn rỗi vì bị cha mẹ ruồng rẫy. Luận cứ này không phải không có cơ sở nếu ta xét đến phản ứng phẫn nộ, để khỏi nói là ghét cay ghét đắng, trước việc Mỹ phủi tay mà ông ta biểu lộ trong buổi loan tin ông ta từ chức trên Vô tuyến Truyền hình đêm 21/4/1975. Có một dư luận khác cho rằng việc QLVNCH bỏ Tây Nguyên (và sau đó là quân khu I) một cách một cách hấp tấp và cẩu thả như vậy là do ý đồ của Trung tướng Đặng Văn Quang, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Thiệu.
Theo dư luận này, Tướng Quang nhận chỉ thị của một giới chức Mỹ là phải hối thúc ông Thiệu đẩy nhanh tiến trình triệt thoái QLVNCH ra khỏi Quân khu I và Quân khu II; (trang 193) và nếu họ làm được điều này thì H.K.sẽ bảo đảm cho bộ ba Thiệu – Khiêm – Quang và gia đình họ một đời sống an toàn và sung túc tại nước ngoài. Sở dĩ những tin như trên được nêu lên ở đây là vì cuộc chiến Việt Nam, lần đầu và lần thứ hai, có một nét đặc thù là, ngoài là một cuộc chạm súng nẩy lửa ngoài mặt trận, nó còn là một cuộc chiến của những tin đồn được phóng đi từ những nguồn gốc mờ ám, vô danh, rồi tràn lan ra mọi nẻo, trên hè phố những đô thị, đặc biệt là đường Catinat, sau đổi tên thành đường Tự do dưới thời VNCH. Tại những tụ điểm đông người ở đây, trong những vũ trường, quán rượu, các quân sư, kí giả, chính khách, chuyên gia “đấm bóp thời cuộc” được thả giàn tung tin, bàn tán về đủ mọi vấn đề, từ chiến tình Quảng Trị đến chính tình Dinh Độc lập và Toà Đại sứ H.K. hay Pháp, kể cả hối xuất đồng đô la hay đồng phật lăng, vân vân và vân vân. Điều lý thú là một số tin đồn này ngay sau đó được phát thanh trên đài BBC của Anh Quốc, không những phản ánh đúng tình hình ngoài mặt trận mà còn tiên đoán khá chính xác về tương lai cuộc chiến và sự tồn vong của miền Nam Việt Nam.
Như tình hình những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến chỉ cho thấy, những tin đồn trên đã làm lung lạc rất nhiều tinh thần của quân dân VNCH và tạo nên cái khí hậu hỗn loạn tại Sàigòn trong tuần lễ chót của tháng 4/1975.
Một nguyên nhân tính chính xác của những tin đồn ấy là cả địch lẫn bạn đã gài được vào những cơ quan đầu não của chính quyền quốc gia những “mắt thấy tai nghe” của họ. Nhưng với tiến bộ vượt bực của kỹ thuật nghe lén nhìn trộm, cuộc chiến Việt Nam thứ hai là sự nhân lên gấp bội của cuộc chiến Việt Nam lần đầu như đã được mô tả trong cuốn “Người Mỹ Thầm lặng” của Graham Green về mặt mưu phản lắt léo của những điệp viên nhị trùng, tam trùng, với những hư chiêu, đòn nguội, thủ tiêu chìm, phủ liệm dưới màn đêm của những bí sử có lẽ không bao giờ được phát giác: ai có thể làm cho xác chết nói lên được.
Trường hợp VNCH cho thấy quy luật “hoạ vô đơn chí” không chỉ áp dụng riêng cho phận người mà còn cho cả vận nước nữa. Trong lúc quân dân miền Nam còn đang bàng hoàng vì cú sốc Tây Nguyên thì chín ngày sau, ngày 24/3/1975, ông Thiệu lại ra lệnh rút quân ra khỏi Huế và Quảng Trị mặc dù có sự phản đối của Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn I. Giống như hiệu ứng domino, nhưng với một tốc độ nhanh đến chóng mặt, phản ứng dây truyền xẩy ra tức thời. Cùng trong ngày này, Sư đoàn 2 Bộ binh VNCH rút ra khỏi Quảng Tín và Quảng Ngãi; ngày 25/3/1975, Chu Lai rơi vào tay địch; ngày 27/3/1075, tuyến phòng thủ phía tây và tây nam Đà Nẵng bị bỏ trống và Toà Lãnh sự H.K di tản khỏi nơi đây; trong cùng ngày ấy, cộng sản bắt đầu nã pháo vào thành phố và phi trường Đà Nẵng; ba ngày sau, Đà Nẵng thất thủ. Như vậy chỉ trong chưa đầy hai tuần cộng sản đã chiếm được năm tỉnh của Quân khu I mà không mất một phần nhỏ nhoi nào của quân lực của chúng. (trang 198)
Một nguyên nhân của sư sụp đổ toàn diện này là hội chứng bầu đoàn thê tử nói trên, lại bị tăng kích bởi “hội chứng bị bỏ rơi” khi nghe Toà Lãnh sự H.K. rút khỏi Đà Nẵng. Thảm hoạ Tây Nguyên tái diễn với kích thước một đại hồng thuỷ.
Tác giả viết: “Hết lớp người này đến lớp người khác ùn ùn đổ vào Quốc lộ 1, trên bất cứ một phương tiện chuyên chở nào mà họ có thể sử dụng được, mang theo một số trữ lương cần thiết để sống sót qua ngày; và vô tình họ đã họp thành một cuộc di tản khổng lồ của hơn một triệu người chạy nạn xuống phưong nam. Một số khác chạy bằng đường biển, trên đủ loại tầu bè theo duyên hải về những phương trời vô định…” (trang 196)
Đây là một cuộc bỏ phiếu vĩ đại bằng chân và bằng thuyền đầu tiên của người dân miền Nam Việt Nam để phủ nhận một chế độ độc tài đảng trị độc ác đang giăng nanh vuốt của nó lên nửa phần còn lại của tổ quốc. Trước một tình trạng suy sụp tinh thần như vậy và với sự tan rã trong chốc lát của hai quân đoàn tinh nhuệ của VNCH – do chính tay mình gây ra – làm sao ông Thiệu có thể lập được tuyến phòng thủ ở vĩ tuyến 12 bắc khả dĩ chặn được cuộc tiến công từ phía bắc của cộng sản như ông ta đã dự trù? Việc QLVNCH bỏ ngỏ hai Quân khu I và II đã cho phép cộng sản chuyển hai quân đoàn nguyên vẹn của chúng ở đó đến tăng cường cho cánh quân phương nam của Văn Tiến Dũng, với một quân số nay lên đến 300.000 người. Từ một lợi thế quân sự áp đảo như vậy, Hà Nội tự cho phép chơi lá bài chính trị. Ngày 31/3/1975, với một giọng kẻ cả, chúng tuyên bố sẵn sàng nói chuyện với “chính quyền Sàigòn” để tìm một giải pháp chính trị cho miền Nam với điều kiện không có ông Thiệu.
Rõ ràng đây là một động tác giả để che dấu quyết định của chúng là dùng vũ lực để thôn tính trọn miền Nam trong một thời gian tối thiểu. Tác giả trích dẫn một bản phúc trình lên thượng cấp của Trưởng Phân tích gia CIA Frank Snepp.
Theo ông này, Bộ Chính Trị ở Hà Nội đã “họp bàn và đưa ra một quyết định mới là phải đoạt toàn thắng trong năm 1975” thay vì hai năm như đã hoạch định, bởi vì “họ đã tình cờ có được một chiến thắng ngoài dự kiến. (stumbled on an unforeseen victory) (trang 198) Nói cách khác, chiến thắng này là do ông Thiệu tặng không cho cộng sản chứ không phải do chính chúng tự tạo nên.
Về sau, cựu Đại sứ của Hà Nội tại Liên Hiệp Quốc Hà Văn Lâu cũng xác nhận một điều tương tự như Snepp:
“Sau khi Đà Nẵng và Huế thất thủ, ban lãnh đạo chúng tôi đã quyết định đẩy mạnh việc chuẩn bị để chấm dứt cuộc chiến trước mùa mưa, nghĩa là nội trong tháng 4/1975.” (trang 198)
Đối với VNCH, cuộc chiến bước vào giai đoạn chót như một mùa gặt đắng cay của những lỗi lầm chồng chất từ những năm xưa, do chính mình và người bạn đồng minh H.K. khổng lồ tự gây nên. Một cuộc chiến năm nào còn ngang ngửa, nay trở thành bất cân xứng vì nhiều nguyên nhân khách quan hơn là chủ quan (sẽ nói ở phần sau). Trước hết, về phía cộng sản, để thực thi nghị quyết ngày 31/3/1975 của Bộ Chính trị (chủ trương dốc toàn lực để dứt điểm cuộc chiến), công cuộc chuẩn bị cấp tấp, đôn đáo. Tất cả các sư đoàn Bắc Việt, Việt Cộng, các trung đoàn biệt lập và các đơn vị chuyên môn đang có mặt tại miền Nam được tập hợp thành những đại đơn vị cấp quân đoàn, đặt dưới quyền chỉ huy của Quân uỷ Trung ương, với Văn Tiến Dũng là Tư lệnh Chiến trường. (trang 199 và 202) Thứ nữa, hầu hết các đơn vị tác chiến và trừ bị, cùng với những quân khí, trang bị mới được bổ sung, được Hà Nội chuyển gấp vào Nam để tăng cường cho bộ đội của Dũng. Hàng chục ngàn chiếc quân xa đủ kiểu cỡ chở đầy quân lương, súng đạn ngày đêm di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1 một cách công khai mà không còn sợ oanh tạc bởi những B-52 của Hậu vệ 1 và Hậu vệ 2 nữa. Kết quả là chỉ trong chốc lát Hà Nội đã huy động được một lực lượng xâm lược gồm năm quân đoàn chia ra như sau: Quân đoàn I, gồm 3 Sư 312, 320,338, uy hiếp Sư đoàn 5 Bộ binh của VNCH đang trấn giữ tỉnh Bình Dương, cách Sàigòn 50 kilômét về phía bắc; Quân đoàn II gồm 4 Sư Sao Vàng, 304, 324B, 325, bắt đầu tấn công vào phòng tuyến Ninh Thuận, được bảo vệ bởi Lữ đoàn 2 Dù, Liên đoàn 3 Biệt động quân, và một số tàn quân của Sư đoàn 2 Bộ binh VNCH; Quân đoàn III gồm 4 Sư 320, 316, 70, 968, khởi sự đánh phá phòng tuyến dọc theo Quốc lộ 1 ở phía tây Sàigòn của Sư đoàn 5 Bộ binh VNCH; Quân đoàn IV, gồm 3 Sư 341, 6, 7, tấn công vào Sư đoàn 18 VNCH đang bảo vệ tỉnh Long Khánh và thị xã Xuân Lộc cách Sàigòn 70 kilômét về phía đông bắc; và cuối cùng là một lực lương chiến thuật cấp quân đoàn cộng, gồm 5 Sư 3, 5, 8, 9 và 27, được huy động để cắt đứt Quốc lộ 4 và cô lập Sàigòn với Quân khu IV của VNCH.
Như vậy, để thực hiện Chiến dịch Xuân 1975 của chúng, trước mang tên Chiến dịch Tây Nguyên, sau đổi thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, cộng sản đã tung vào trận địa một lực lượng là 20 sư đoàn (kể cả Sư đoàn 1 ở biên giới Việt Nam – Căm Bốt) gồm 280.000 quân tác chiến, 4000 xe tăng và 420 khẩu pháo. Nhưng tính gộp cả quân số yểm trợ hậu cần (tỉ lệ 1 hậu cần/ 1 tác chiến) thì tổng số quân cộng sản sử dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là 560.000 người. (trang 203) Để đương đầu với đội quân cộng sản khổng lồ ấy, phiá VNCH chỉ còn khả năng huy động 4 sư đoàn ở phía bắc Tiền Giang, tức 1 chọi 5 về quân số và 1 chọi 4 về hoả lực.
Chính sự chênh lệch lớn lao về cán cân lực lượng này mới là yếu tố quyết định ai thắng ai chứ không phải những yếu tố linh tinh khác mà cộng sản đã huyênh hoang bịa đặt hay H.K. đã viện ra để đổ lỗi cho QLVNCH.
Cơn bão đỏ sấn về Thủ đô Sàigòn, ngày càng tăng tốc. Tuần đầu tháng 4/1975, Phú Yên, Khánh Hoà và Cam Ranh thất thủ; tuần thứ hai, ngày 15/4/1975, tuyến Ninh Thuận đổ vỡ; ngay sau đó, 40.000 quân địch mở trận tấn công vào Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh, được trấn giữ bởi 8.000 quân VNCH. Đây là trận đánh lớn cuối cùng của QLVNCH trong đó người chiến sĩ quốc gia đã tỏ ra ngoan cường và dũng cảm.
Một trận tỉ thí đẫm máu với địch kéo dài 12 ngày đêm, bám lấy từng góc phố, từng căn nhà, tuy bất cân xứng về quân số nhưng đã gây cho địch tổn thất nặng nề là trên 5.000 tử trận và 40 chiến xa bị phá huỷ. (trang 206) Ngày 20/4/1975, theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu QLVNCH, Sư đoàn 18 Bộ Binh phải bỏ ngỏ Xuân Lộc, khiến địch được hạnh thông tiến về Sàigòn. Sau lời tuyên bố từ chức trên Vô tuyến Truyền hình đêm 21/4/1975 của Tổng Thống Thiệu, một số yếu điểm ở phía bắc Sàigòn như Trảng Bom, Long Bình, Biên Hoà, Thủ Đức, Hóc Môn bị bỏ ngỏ, và chiều ngày 28/4/1975, ba chiếc Phản Lực Cơ A-37 mà cộng sản mới đoạt được của KLVNCH tại Phan Rang đến oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhất, gây hoang mang tột độ cho quân dân thủ đô VNCH. Sau những trận đánh cầm cự ngày 29/4/1975 với địch tại cầu xa lộ Sàigòn-Biên Hoà, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bà Điểm, Hạnh Thông Tây, Thủ Đô Sàigòn rơi vào tay địch trưa ngày 30/4/1975. Một màn đêm âm u bắt đầu phủ xuống nửa phần tự do của Tổ quốc kể từ đó.
12 – Song song với “ngày cay đắng cuối cùng” trên của QLVNCH là một chuỗi những phản ứng dây chuyền về chính trị và ngoại giao của Hoa Kỳ mà hậu quả là một thứ đầu hàng uỷ nhiệm cho VNCH phải gánh hộ cho mình, Ngày 1/4/1975, Văn phòng DAO được lệnh tiến hành kế hoạch di tản sang Mỹ khoảng 35.000 người Việt Nam có liên hệ mật thiết với Mĩ trong cuộc chiến. Do tình hình thúc đẩy, nhịp độ công tác di tản tăng từ 12 giờ mỗi ngày lên 24 giờ mỗi ngày kể từ 3/4/1975. Ngày 1/4/1975, tính bí mật của kế hoạch bị đổ vỡ với tai nạn của chiếc C-5A Galaxy chở mấy trăm trẻ em mồ côi Việt Nam di tản sang Mỹ rơi xuống ngay sau khi vừa cất cánh, tăng thêm màu ảm đạm cho cái tang chung của cả một miền Nam mắc nạn và gây hoang mang rất nhiều trong mọi tầng lớp dân chúng.
Rối loạn này được bồi tiếp bởi rối loạn khác: Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng H.K. lục đục với nhau về kế hoạch di tản. Trong khi Kissinger đang tranh thủ ngoại giao với Hà Nội về một giải pháp để Mỹ ra đi an toàn và không bị mất mặt, Bộ trưởng Quốc Phòng James Schlesinger cho rằng việc làm của Kissinger là quá chậm và ra lệnh hối thúc việc rút hết nhân viên dân sự và quân sự Mỹ ra khỏi Sàigòn ngay.
Hơn nữa, theo Đại Sứ Martin, trong khi Kissinger đã đạt được qua sự trung gian của của Chủ tịch Liên Xô Brezhnev một thoả thuận với Hà Nội là, để đổi lại điều trên, Hoa Kỳ sẽ để cho CSVN sử dụng toàn bộ số quân bị Mỹ đã viện trợ cho VNCH, Schlesinger lại phái người sang Sàigòn để thu hồi những vũ khí nặng. Chính vì tin vào thoả thuận trên mà Martin đã cố tình trì hoãn cuộc di tản 5.000 kiều dân Mỹ, với hy vọng sẽ có qua trung gian của Đại sứ Pháp Merillon một giải pháp chính phủ liên hiệp cho miền Nam Việt Nam và đồng thời cũng tránh gây hoảng loạn cho QLVNCH mà ông ta sợ là sẽ nổ súng vào những người Mỹ di tản khi thấy mình bị Mỹ phản bội. (trang 209)
Sự thực xẩy ra đã chứng tỏ nỗi lo sợ này là hoang tưởng, và riêng bản thân chúng tôi đã chứng kiến các Quân cảnh VNCH đứng giữ gìn trật tự và an ninh cho kiều dân Mỹ lên xe buýt đi Tân Sơn Nhất để di tản khỏi Việt Nam. Sau chuyến công du “điều nghiên” mà dụng ý là phủi tay và nhục mạ VNCH của một phái đoàn dân biểu Hoa Kỳ, ngày 17/4/1975, Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu bác bỏ đề nghị của Tổng thống Ford bổ sung 300 triệu đô la quân viện và khẩn viện 722 triệu đô la cho VNCH, nhưng chỉ chấp thuận cho 200 triệu đô la để dùng cho việc di tản nhân viên Mỹ.
Ngày 19/4/1975, để đáp ứng yêu sách loại trừ ông Thiệu của Hà Nội, Kissinger ra lệnh cho Đại sứ Martin hối thúc ông Thiệu từ chức; đồng thời Đại Tá Mỹ Harry G. Summers, Jr., thuộc Uỷ ban Quân sự Liên hợp Bốn bên, được Đại sứ Martin cử đi Hà Nội để bàn với các nhà cầm quyền nơi đây thể thức rút nhân viên Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà theo một nguồn tin tiết lộ sẽ được hoàn tất trước ngày 1/5/1975. (trang 207)
Ngày 21/4/1975, dưới áp lực của Hoa Kỳ. Tổng thống Thiệu tuyên bố từ chức trên Vô tuyến Truyền hình với những lời lẽ bộc trực, tố cáo sự phản bội của Hoa Kỳ. Nhưng ngay đêm hôm sau, ông và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm lại được chính CIA hộ tống và lén lút mang ra khỏi Việt Nam trên một chiếc DC-6 của Không Quân Mỹ. Sự kiện này điểm thêm một nét hài hước cho tấn bi kich Việt Nam.
Ngày 23/4/1975, tức hai ngày sau khi cộng sản chiếm Xuân Lộc, Tổng thống Ford tuyên bố tại trường Đại học Tulane ỏ New Orleans: “Ngày hôm nay nước Mỹ đã lấy lại được niềm tự hào thuở tiền (chiến tranh) Việt Nam của nó. Nhưng chúng ta không thể làm được điều này bằng cách tham gia trở lại một cuộc chiến đã chấm dứt đối với chúng ta.” (trang 208)
Đây là lời tuyên bố phủi tay đầu tiên được phát biểu công khai và chính thức bởi một vị tổng thống Hoa Kì. Nó phơi bày khía cạnh xấu xa nhất của chủ nghĩa thực dụng chính trị Mỹ mà Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger là một trong những người chủ xướng tích cực nhất. Quan điểm của ông ta là dùng chiến tranh uỷ nhiệm để thoái thác trách nhiệm và sử dụng hoà bình như một hưu chiến tạm để tạo một khoảng cách an toàn cho thanh danh của nước Mỹ và của chính bản thân ông ta, hiểu như nếu sau đó miền Nam Việt Nam có rơi vào tay cộng sản thì đó là lỗi của VNCH chứ không phải lỗi của Hoa Kỳ hay của ông ta. Cách nói bộc trực của ông Ford có tác dụng tăng kích tột độ cái không khí hoang mang đang bao trùm lên cơ quan đầu não của QLVNCH là Bộ Tổng Tham Mưu.
Một não trạng bị sói mòn bởi hội chứng bị bỏ rơi, nay đâm ra hoảng loạn và tìm đường thoát thân. Cho đến trưa ngày 29/4/1975 thì hầu hết các sĩ quan cấp tướng và sĩ quan trưởng phòng nơi đó đã rời nhiệm sở để sang tá túc nơi cơ quan DAO kế cạnh, chờ được Mỹ bốc ra Hạm đội 7. QLVNCH trở thành một con rắn không đầu, với những đơn vị địa phương tự đề ra kế hoạch hành động và cuộc chiến ở nhiều nơi trở lại trạng thái năm 1964 sau khi Tổng thống Diệm bị lật đổ: cuộc chiến của những viên Đại Úý (la guerre des capitaines).
Ngoài ra, vì hệ thống phối hợp hàng ngang cũng bị gián đoạn, mỗi đơn vị trở thành một ốc đảo chiến đấu, không biết tình trạng đơn vị bạn ra sao? Trước một tình trạng chung phân rã như vậy, tân Tổng thống Trần Văn Hương chẳng có thể làm gì được để lật ngược thế cờ. Sau sáu ngày chấp chính thay ông Thiệu, ngày 27/4/1975, ông Hương rút lui; ngày 28/4/1975, Quốc hội VNCH bầu ông Dương văn Minh lên làm tổng thống, khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, như trên đã nói, không quân cộng sản oanh kích phi trường Tân Sơn Nhất. Một điều bí mật mà mọi người ở những quán rượu trên đường Tự Do đều biết là, với sự tiếp tay tích cực của Đại sứ Merillon và Đại sứ Martin, ông Minh có nhiệm vụ thương thảo với cộng sản để thành lập một chính phủ liên hiệp ba thành phần (VNCH – Phe Trung lập – Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Cộng) cho miền Nam Việt Nam. Thiện chí này, do một phái đoàn VNCH đưa ra tại trại David ở Tân Sơn Nhất sáng ngày 29/4/1975, bị đại diện của chính phủ Việt Cộng bác bỏ.
Trong khi đó, bầu trời thủ đô Sàigòn trở nên náo nhiệt, ồn ào với hết lớp trực thăng này đến lớp trực thăng khác của Hạm đội 7 Mỹ từ ngoài khơi hối hả bay vào để rồi hối hả chở đi những kiều dân Mỹ và người Việt thân Mỹ còn kẹt lại. Cảnh này làm chúng tôi chạnh lòng nhớ lại cảnh sáng ngày 26/10/1956 với hàng trăm phi cơ Mỹ đủ loại cũng từ Hạm đội 7 ấy bay đến để dương oai diễu võ – tưởng là vô song – trên bầu trời thủ đô Sàigòn để chào mừng sự ra đời của Đệ nhất Việt Nam Cộng hoà, một tiền đồn chống cộng Hoa Kỹ vừa góp công dựng lên để bảo vệ Thế giới Tự do. Tạo hoá rõ khéo “gây chi nghịch hí trường, đến nay chất ngất trắng tinh xương”. Và, ở một xứ trời nào đó hương hồn ông Diệm nếu còn vương víu nợ trần ắt phải đổ lệ ròng. Tám giờ sáng ngày 30/4/1975 (giờ Sàigòn), chiếc trực thăng Mĩ cuối cùng chở Đại sứ Martin cất cánh từ nóc Toà Đại sứ Mỹ ở đường Thống Nhất, trực chỉ hướng Hạm đội 7, để lại đằng sau một thành phố đang quằn quại trong khói lửa và một chế độ cộng hoà đang hấp hối. Sự hạ màn của tấn bi kịch “Ra đi trong hoà bình và danh dự” của Nixon và Kissinger là như thế đó.
Chín giờ rưỡi sáng cùng ngày, Tổng thống Dương văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh về chính sách hoà hợp hoà giải của tân nội các VNCH và ý định muốn chia sẻ quyền hành với chính phủ Việt Cộng để tránh một cuộc đổ máu mà ông cho là không cần thiết nữa. Chưa đầy hai tiếng sau, lúc 10:25 giờ sáng, ông Minh lại đưa ra một lời tuyên bố thứ hai, ra lệnh cho QLVNCH phải buông súng và các cấp chính quyền từ trung ương xuống địa phương phải chuyển giao quyền hành cho chính phủ Việt Cộng. (trang 216) Cũng vào thời điểm này, tân thủ tướng Vũ văn Mẫu tuyên bố trên đài phát thanh một tối hậu thư yêu cầu Mỹ phải rút ra khỏi Việt Nam trong vòng 48 tiếng. Về sau, trước khi qua đời, ông Minh có tiết lộ với một thân hữu của ông tại Paris là lời tuyên bố của ông Mẫu là do Toà Đại sứ Mỹ thảo ra và nhờ ông ta cho người đọc hộ để tạo vẻ “danh chính ngôn thuận” cho việc ra đi của Mỹ, hiểu như khách đi vì bị chủ nhà đuổi chứ không phải vì khách muốn bỏ rơi chủ nhà. Trò chơi chính trị ấy quả là tuyệt luân về mặt lắt léo và xảo trá! Nói tóm lại, nếu trước kia ông Thiệu với lệnh rút quân cẩu thả của mình đã tặng không cho cộng sản một nửa đất nước và làm tiêu tùng phân nửa QLVNCH trong vòng hai tuần lễ, nay ông Minh với sự chấp thuận đầu hàng vô điều kiện trên đã chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ xoá tan một chế độ cộng hoà đã được dày dựng trong suốt hai mươi năm trời bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương của hàng triệu người quân và dân miền Nam Việt Nam.
Một chế độ sinh ra và lớn lên trong những điều kiện éo le và gian nguy – hơn một thế lực, kể cả bạn, đã muốn xoá nó – tuy có những thiếu sót khó tránh được vì hoàn cảnh chiến tranh liên tục nhưng vẫn gắng xây dựng được những cơ sở, cấu trúc và lề lối sinh hoạt tự do, dân chủ đầy hứa hẹn cho tương lai đất nước một khi hoà bình trở lại. Một chế độ, theo một nhà văn nữ cộng sản, bị “giải phóng” nhưng lại văn minh và nhân bản hơn rất nhiều cái chế độ đến giải phóng nó. Đại khái bà ta nói: “Đây mới chính là cái cái xã hội lí tưởng mà chúng ta (những người miền Bắc) hằng mong tiến tới.” Thế còn phản ứng của người lính VNCH trưóc lệnh buông súng của thượng cấp là như thế nào? Tựu trung, vốn được hun đúc trong một truyền thống thượng tôn quân kỉ lâu đời, phản ứng của họ là một sự giã từ vũ khí trong điềm tĩnh, cam nhận pha xen tủi nhục, giữa cái im ắng của những dòng lệ chảy ngược vào bên trong. Súng được để lại vào giá, tài liệu mật bị thiêu huỷ; bộ quân phục bạc màu chính chiến được thay thế bằng một bộ thường phục mới toanh, và họ rời khỏi doanh trại để ra hoà nhập vào niềm đau chúng của dân tộc. Những chứng chỉ quân nhân bị xé nát như một biểu lộ quay lưng lại với chiến tranh chứ không phải để phủ nhận cái chân thân người lính quốc gia dân tộc của mình. Và tuyệt nhiên không có một hành động quay ngược nòng súng về phía thượng cấp và lẫy cò nào. Hành xử này, nghĩ cho cùng, chứng tỏ cung cách của một quân đội không chỉ sáng nét lúc nó thắng trận mà còn cả lúc nó sa cơ lỡ vận nữa. Nhưng đã hơn một người lính VNCH bật khóc trước cảnh quốc gia suy vong, trong đó có tác giả, một người đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho cuộc chiến bảo vệ đất nước. Và một số không ít đã tuẫn tử để giữ khí tiết bản thân và thanh danh Tổ quốc.
Có những vị tướng chết theo thành, như Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn IV; Thiếu tương Phạm văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II; Chuẩn tướng Lê văn Hưng, Tư lệnh Phó Quân đoàn IV; Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh; và chuẩn tướng Trần Văn Hai, Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh. Và còn nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đã âm thầm hy sinh, trong đó có hai vị Trung Tá, ba vị Thiếu Tá và một vị Đại Úý thuộc Phòng Nhì Bộ Tổng Tham Mưu, vốn là những đồng nghiệp thân yêu của tác giả. Tất cả những vị anh hùng này đã lấy chính xương máu mình để tô thắm cho tượng đài Thương Tiếc mãi mãi hiển linh trong lòng dân tộc.
13 – Chương sử ba mươi năm chiến tranh đẫm máu chấm dứt với sự trở lại của hoà bình trên đôi dép râu của nửa triệu quân phương Bắc thay vì bằng lá phiếu của một tổng tuyển cử tự do như thoả ước Quốc tế Paris đã qui định. Và lịch sử vẫn chưa đi hết cái chu kì vận động biện chứng của nó: nghịch lí trong chiến tranh được nối tiếp bởi những mâu thuẫn trong hoà bình. Bởi hoà bình này không mang đến hoà hợp tâm tư và hạnh phúc ấm no cho người dân Việt Nam. Một chế độ độc tài đảng trị vẫn tiếp tục khoét sâu thêm vết thương còn mở của dân tộc và bị dân tộc chối bỏ. Và ngược lại, người lính cộng hoà tuy thất trận lại đạt được một chiến công vẻ vang: hình ảnh thân yêu của họ còn đậm nét trong tâm tư dân tộc. Là như vậy nghịch cảnh Việt Nam do cuộc chiến tranh để lại. Thế còn phía Mỹ sau trên 30 năm cuốn gói ra đi có quên được Nam hay không? Hẳn là không nếu ta nghĩ đến cuộc tranh cãi gay gắt đã diễn ra quanh vụ những chiến tích Việt Nam của ứng cử viên tổng thống Kerry giữa phe Dân chủ và phe Cộng hoà chẳng hạn. Vụ này chưa kết thúc thì vụ Tổng thống Bush năm xưa trốn tránh đi tác chiến tại Việt Nam lại được khêu lên và gây tranh luận ồn ào.
Tất cả chỉ cho thấy vết thương Mỹ vẫn chưa lành, nó còn làm nhức nhối lương tâm quốc gia và li tán dân tộc. Nhưng trong chiều hướng ngược lại quan điểm phản chiến thuở nào: kẻ trước kia lẩn tránh nghĩa vụ Việt Nam nay cảm thấy xấu hổ; nhưng để lấp liếm mặc cảm, ho cho bộ hạ phản công dữ dội, tố cáo ông Kerry đã nguỵ tạo thành tích và gọi ông là “người của Hà Nội”. Phe Kerry phản kích không kém phần ác liệt với việc họ gọi ông Bush là đồ hèn, đã cậy thế con ông cháu cha để khỏi bị trưng dụng đi Việt Nam và tuyên dương ông Kerry là anh hùng và là người yêu nước thực sự kể cả khi ông ta trở thành một biểu tương của phong trào phản chiến năm xưa. Là như vậy sự bộc phát trở lại trên đấu trường chính trị của cái người Mĩ gọi là “hội chứng Việt Nam”. Còn phe cựu phản chiến chính hiệu thì đã im hơi lặng tiếng từ lâu vì sợ nói ra thì sẽ bị há miệng mắc quai (eat crow) trừ một số ít như nam ca sĩ Bob Dylan và nữ ca sĩ Joan Baez, hai tiếng nói tiêu biểu năm nào cho cao trào phản chiến – riêng Joan đã đích thân đi Hà Nội để trình diễn những bài ca phản chiến trước những tù binh tại nhà giam Hoả Lò – nay đã bày tỏ ăn năn hối lỗi bằng cách từ chối lời mời tham dự Liên hoan Quốc tế Âm nhạc vì Hoà bình mới đây của Hà Nội.
Tác giả tiếp tục hoàn chỉnh bức tranh nhất lãm của mình với việc sưu tầm thêm và phân tích những hậu quả cuộc chiến Việt Nam đối với Hoa Kì. Ông không những chỉ trích dẫn những nhận định bi quan mà còn cả những đánh giá tô hồng về cuộc chiến, như của cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Walt W. Rostow:
“Nếu bạn cho rằng mục tiêu (của chúng ta) là giữ cho Đông Nam Á châu được độc lập thì có thể nói rằng chúng ta đã đạt được mục tiêu đó. Thái Lan, Malaysia và Singapore – ba nước mà ai cũng muốn chiếm lấy (up for graps) – đã thoát ra với niềm tự tin và một nền kinh tế vững mạnh. Thử hỏi họ có thể giữ được nền độc lập của họ không nếu không có sự trợ giúp của chúng ta?” (trang 221) Theo Rostow, để đánh giá đúng mức, cuộc chiến Việt Nam phải được đặt trong bối cảnh toàn vùng Á châu. Cựu Tham mưu Trưởng Hải quân, Đô Đốc Elmo R. Zumwalt, Jr., cũng có một nhận định tương tự, nhưng rõ ràng hơn:
“Xét về chiến lược, chúng ta đã tạo khả năng cho các nước như Thái Lan, Singapore và Malaysia không rơi vào tay cộng sản.” (trang 122)
Nhà bình luận Marc Leepson đồng quan điểm với một số tướng lãnh và Đô Đốc Mỹ: “Nước Mỹ đã thắng cuộc chiến Việt Nam vì nỗ lực quân sự trong suốt tám năm tại nơi đó của chúng ta đã giúp cho các nước Á châu khác có thời gian tăng cường lực lượng chống cộng sản của họ. Cộng sản đã chiến thắng tại Việt Nam vào năm 1975 nhưng các quân cờ domino Á châu khác, trừ Lào và Căm Bốt, đã không sụp đổ.” (trang 122)
Những nhận định gây nhiều tranh luận trên, theo tác giả, chỉ là những tiếng nói trong sa mạc vì chúng không có tính thuyết phục bằng một chiến thắng cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, theo một luận điểm khác, việc H.K. bỏ rơi miền Nam Việt Nam đã giúp họ giải quyết trước mắt những khó khăn chính trị và kinh tế nội bộ đang gặp phải, và về lâu về dài sẽ tạo cho họ có khả năng cải biến một nước Việt Nam thống nhất dưới quyền cộng sản thành một thành trì chống Trung Cộng vững mạnh và thân Mỹ thông qua một chính sách viện trợ kinh tế, đầu tư, phát triển mậu dịch do Mỹ chủ xướng. Vẫn theo luận điểm này, “chiến thắng bằng diễn biến hoà bình vẫn tốt hơn đánh bại chúng bằng quân sự.” (trang 222)
Riêng chúng tôi thiển nghĩ cách lí giải của các giới chức quân sự và bình luận gia Mỹ trên là một suy diễn quá rộng, để đừng nói là lạc đề, lấy cái chung phủ lấp cái riêng và có hơi hướm của một nguỵ biện để tự bào chữa và lẩn trách nhiệm.
Còn ý định của H.K. muốn nộp miền Nam Việt Nam cho cộng sản Bắc Việt với hy vọng chúng sẽ đủ mạnh để chống người khổng lồ phương bắc, nếu có, thì quả là một khổ nhục kế quá lắt léo, để đừng nói là bệnh hoạn, phiêu lưu và phản logic. Bởi vì một nước Việt Nam thống nhất, không cộng sản và là bạn của Mỹ như Thái Lan hay Đại Hàn sẽ đáp ứng lợi ích của Mỹ tốt hơn một nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như hiện tại chỉ cho thấy.
Ấy là chưa kể đến cái giá xương máu quá đắt phải trả cho quỷ kế ấy: Hàng chục ngàn người tù chính tri VNCH ngã gục trong lao tù cộng sản, một triệu thuyền nhân Việt Nam chết trên đường vượt thoát tìm tự do, hai triệu người Căm Bốt bị Khờ Me Đỏ thủ tiêu và hàng trăm ngàn người Lào và Hmông bị Pathet Lào giết hại.
Sau đây là là bản liệt kê số tổn thất trong cuộc chiến (phía VNCH và Mỹ):
• Tử trận: trên 200.000 VNCH + 58.000 Mỹ
• Thương binh: khoảng 600.000 VNCH + 150.000 Mỹ
• Tù binh: 1 triệu VNCH + 766 Mỹ
• Mất tích khi lâm chiến (MIA: Missing in Action): trên 1.900 người Mỹ Mức tổn thất và chiến phí được ước tính như sau (phía Mỹ):
• 8.612 phi cơ đủ loại bị tiêu huỷ, gồm 3.744 có cánh và.4.868 trực thăng, tính theo đô la là $12 tỉ
• Tổn phí về đạn dược: $35 tỉ
• Tổn phí về bom (7,35 triệu tấn, tức gấp đôi khối lượng sử dụng trong thế chiến 2): $7 tỉ
• Tổn phí về vũ khí nặng như tăng, pháo howitzers: nhiều tỉ đô la
• Số nhiên liệu sử dụng mỗi ngày là 1 triệu tấn, như vậy làm trầm trọng thêm cơn khủng hoảng nhiên liệu năm 1973 Mỹ đang gặp phải (trang 223)
Tóm lại, theo ước tinh của James A. Donovan, tổng số chiến phí là $108,6 tỉ, gồm $97,7 tỉ cho Việt Nam và $10.7 tỉ cho Lào và Căm Bốt. Nhưng theo cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird, tổng chiến phí là $236 tỉ, tức $100 tỉ lớn hơn ước tính của chính phủ và gấp đôi ước tính của Donovan. (trang 223)
Như vậy nếu so sánh với các cuộc chiến tranh trước đó của Mỹ, chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh tốn kém nhất.
Hậu quả về kinh tế của cuộc chiến được Donovan phân tích như sau:
“…Chính phủ phải hoãn chi tiêu cho những dự án tối cần thiết về bệnh viện, trường học, đường xá, hệ thống chuyển vận và các nhà máy xử lý chất thải…Hơn nữa, vì phải tập trung tài nguyên, kỹ xảo và năng lực vào cuộc chiến, nước Mỹ đã phải trải qua một cuộc cạnh tranh gắt gao với các nước khác và năng xuất của nó bắt đầu giảm sút. Nhưng hậu quả kinh tế lớn nhất của cuộc chiến là làm nhụt ý chí muốn đóng góp của cải và sức mạnh quân sự của chúng ta vào việc bảo vệ hoà bình và sự ổn định thế giới.” (trang 223)
Hậu quả về tinh thần của cuộc chiến không kém nặng nề, trước hết là Hội chứng Việt Nam, đã và đang giày vò lương tri Mỹ, đặc biệt là giới cựu quân nhân đã tham chiến ở Việt Nam. Đây là chấn thương tâm thần lớn nhất và lâu nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ, một quân đội tự hào là chưa thua một cuộc chiến nào trước cuộc chiến Việt Nam của họ. Ngoài ra còn phải kể đến sự khinh miệt và bất tín nhiệm của quân dân Mĩ đối với các nhà chính trị của họ mà họ cho là bất tài và đã lừa dối họ khi đẩy họ vào một cuộc chiến họ cho là vô lý, vô ích và vô vọng.
Chưa bao giờ xã hội Mỹ lại bị phân cực, rối loạn và sa sút như vậy. Theo gót những đoàn biểu tình tuần hành phản chiến giương cao biểu ngữ “make love but not make war” là sự bùng nổ của một cuộc cách mạng văn hoá, cách mạng tình dục và nạn hút sách ma tuý do những người lính GI trẻ mang về từ Việt Nam và bắt đầu tràn lan ra khắp hè phố và trong khuôn viên những trường đại học. Nước Hoa Kỳ đã đánh mất tính trong trắng ngây thơ của nó. Chỉ vì Việt Nam. Và bức tường Tưởng niệm Việt Nam vẫn còn ở đó như một trang sử buồn tủi, nỗi ám ảnh mung lung nhức nhối chỉ có thể được giải toả, theo thiển ý chúng tôi, với việc Hoa Kỳ ráng đi thêm một dặm đường nữa (an extra mile) là giúp dân tộc Việt Nam giải thể cái chế độ cộng sản quái gở mà H.K. đã vì lý do này hay lý do khác để nó áp đặt ách thống trị lên một cựu quốc gia đồng minh khăng khít của mình.
Thiết tưởng chỉ có một kết thúc thuận lý và thuận tình như vậy mới có khả năng hoá giải tất cả những nghịch lý H.K. đã tự tạo nên cho mình trong suốt mấy chục năm trời can dự vào Việt Nam.
Nói cách khác, cái chu kỳ vận động biện chứng của lịch sử hơn nửa thế kỷ qua của Việt Nam chỉ thực sự chấm dứt với sự ra đời của một Tin Mừng tương xứng với sự hi sinh của hàng triệu quân dân Việt Mỹ: một chế độ tự do và dân chủ ở Việt Nam.
Trên đây chúng tôi vừa trình bày một số ý kiến đóng góp khiêm tốn về một công trình khảo cứu công phu, đồ sô và có hệ thống là cuốn “The Tragedy of the Vietnam War” của Nguyễn Văn Dưõng.
Một công trình mà theo chúng tôi, vì cách kiến dựng một cái nhìn tổng hợp ba chiều chính trị, quân sự và tâm lý về cuộc chiến Việt Nam của nó, sẽ có một chỗ đứng riêng biệt trong rừng sách viết về đề tài này.
Mà nghĩ cho cùng, cần phải có một cách tiếp cận tổng trạng (holistic) như vậy thì mới có thể bao quát được hết những góc cạnh phức tạp của vấn đề, rồi từ đó tìm ra bản chất nó.
Và đây cũng là một lý do tại sao chúng tôi muốn thành khẩn giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Văn Dưỡng với độc giả, đặc biệt là các độc giả Việt Nam và qua đó giải oan cho người lính VNCH về những điều mà cả thù lẫn bạn cho đến bây giờ, 33 năm sau cuộc chiến chấm dứt, vẫn tiếp tục bóp méo để vu oan và bôi nhọ họ.
Minnesota cuối năm 2008
Cung Trầm Tưởng
Ghi chú:
Tác phẩm “The Tragedy of the Vietnam War” – ISBN 978-0-7864-3285-1
by Nguyễn Văn Dưỡng do nhà xuất bản McFarland& Company, Inc., Publisher, 2008 xuất bản và phát hành, $39.95.

0 comments:

Powered By Blogger