...Bạn
chỉ có thể kinh doanh thành công ở VN hôm nay trong phạm vi nhỏ và
không toàn diện, khi kinh doanh của bạn phát triển lớn dần, bạn sẽ không
thể kinh doanh thành công như một doanh nhân đích thực được nữa nếu
không thỏa hiệp chính trị... Thỏa hiệp chính trị trong kinh doanh là
chấp nhận luật bắt thành văn của môi trường là tham nhũng, hối lộ, gian
dối, mua bán quan hệ để đổi lấy lợi thế hay được quyền kinh doanh...
*
Lý do bài viết “bàn thêm” này:
Trước tiên, tôi xin lỗi bác Alan Phan vì lại mang “thất bại kinh doanh”
của bác Alan ở VN ra bàn, khi vẫn biết Alan không thích nói nhiều về
mình, mà lại là nói nhiều về… “thất bại Alan”!
Nhưng gần đây, sau khi mạo muội viết bài “BCA giải mã thất bại của Alan Phan ở Việt Nam”
gửi đăng trên vài báo lề dân và GNA - mà mãi gần hai tuần sau bác Alan
mới cho đăng trên GNA, tôi nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc, học trò
cũ về bài viết đó, và thấy việc trả lời công khai các câu hỏi đó có thể
cũng có ích cho nhiều người hơn, nên tôi viết bài này xin phép bác Alan
được mạo muội “bàn thêm” đề tài trên.
Tôi cũng muốn “nói thêm” xung quanh đề tài “thất bại của Alan” vì trong
bài trước tôi chỉ tập trung nói hai ý, rằng bác Alan không thất bại mà
đã/đang thành công lớn ở VN và thất bại của Vietbull là tất yếu, nhưng
chưa nói rõ được các nguyên nhân của sự tất yếu thất bại của NVHN hay
mọi doanh nhân đích thực ở VN nói chung.
Lý do thư ba là, hiện nay như nhiều người biết, tôi vẫn đang tư vấn,
động viên, hỗ trợ, đào tạo... cho các bạn trẻ khởi nghiệp kinh doanh (ở
VN), mà tôi lại khẳng định trước rằng các doanh nhân chân chính không
thể thành công ở VN hôm nay (chỉ bọn “chân không chính” thôi) thì tôi có
tự mâu thuẫn quá không?
Trong bài này, tôi chỉ coi “thất bại của Alan” với công ty Vietbull của
ông ở VN như một ví dụ điển hình, một “case study”, để phân tích và và
tìm câu trả lời cho những câu hỏi chính như: 1) Có thật không thể kinh
doanh ở VN thành công (cho bất kỳ ai) mà không cần biết đến và thỏa hiệp
về chính trị? 2) Tại sao các doanh nhân, doanh nghiệp của NVHN về VN
kinh doanh cho đến nay không thể thành công? 3) Các doanh nhân trẻ có cơ
hội nào ở VN hôm nay?...
Có thật không thể kinh doanh ở VN thành công (cho bất kỳ ai) mà không cần biết đến và thỏa hiệp về chính trị ở VN?
Câu hỏi trên tôi đã nêu ra và trả lời ở bài trước, rằng không thể. Còn
bác Alan Phan thì vẫn nói rằng có thể chỉ cần khéo léo hơn một chút. Cả
hai đều trả lời qua kinh nghiệm thực tế “đau thương” của mình, tức là
đều có hơi chút cảm xúc.
Về phía mình, tôi muốn bớt phần cảm xúc đi để nói rõ hơn: bạn chỉ có thể
kinh doanh thành công ở VN hôm nay trong phạm vi nhỏ và không toàn
diện, khi kinh doanh của bạn phát triển lớn dần, bạn sẽ không thể kinh
doanh thành công như một doanh nhân đích thực được nữa nếu không thỏa
hiệp chính trị. Đó là câu trả lời “chính xác” của tôi, trong đó có ba
khái niệm cần làm rõ: thế nào là phạm vi kinh doanh nhỏ, thế nào là doanh nhân đích thực, và thế nào là thỏa hiệp chính trị của doanh nhân?
Phạm vi kinh doanh được xác định bằng vốn đầu tư hoặc doanh thu. Phạm vi
kinh doanh nhỏ là khi tổng vốn bỏ ra ban đầu (trong 2-3 năm) chỉ khoảng
vài tỷ vnđ đổ lại hay dưới 300 hay 500 ngàn đôla. Công ty Vietbull của
bác Alan Phan trong mấy năm đầu hút hết gần 2 triệu đô thì không phải là
nhỏ. Phạm vi nhỏ là khi doanh thu hàng năm của doanh nghiệp chỉ khoảng
đến vài chục tỷ vnđ trở lại (dưới 3 hay 5 triệu đôla).
Khi bạn khởi nghiệp kinh doanh từ số 0 đến khi bạn đạt doanh thu một vài
triệu đôla/năm ở VN hay bất cứ ở đâu cũng đều cần khoảng thời gian một
vài năm, cần một sự nỗ lực khổng lồ từ bạn và đội ngũ trong thời gian đó
và cần môi trường hỗ trợ kinh doanh (thường là miễn giảm thuế) mà hầu
như nước nào cũng phải có và thể hiện trong các chính sách, nhất là thuế
má, để thu hút đầu tư. Công ty Vietbull của Alan Phan là dạng đầu tư
nước ngoài càng được nhiều ưu đãi chính sách, tức là ít bị sách nhiễu.
Tôi nói, các công ty nhỏ và mới ít bị sách nhiễu, nên vẫn có cơ hội phát
triển lúc ban đầu ở VN, là vì vậy. Vậy tại sao Vietbull đã thất bại?
Nếu ở trong môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch (kinh tế thị
trường và xã hội dân chủ - cả hai cái đó mới cho các doanh nghiệp, doanh
nhân sự bình đẳng và minh bạch - mà VN không có - để mà thi tài kinh
doanh theo luật và khai thác qui luật thị trường như những doanh nhân
đích thực), thì 80% doanh nghiệp mới thành lập, được nhiều ưu đãi, vẫn
phá sản trong vòng 5 năm đầu tiên, “nhường chỗ” cho các doanh nghiệp mới
hơn nữa. 20% doanh nghiệp mới vượt qua giai đoạn 5 năm đầu tiên là vì
họ hơn người, họ là chuyên gia giỏi hơn người khác trong lĩnh vực của
họ.
Còn thỏa hiệp chính trị trong kinh doanh là chấp nhận luật bắt thành văn
của môi trường là tham nhũng, hối lộ, gian dối, mua bán quan hệ để đổi
lấy lợi thế hay được quyền kinh doanh (trong khi ai không thỏa hiệp sẽ
không có quyền kinh doanh bình đẳng).
Tôi không nghĩ Vietbull đã phá sản thuộc dạng lý do do kinh doanh non
nớt, do không hiểu chuyên môn kinh doanh (tài chính-chứng khoán-và IT).
Alan Phan đã chứng minh mình là bậc thầy kinh doanh, Vietbull đã được
kiểm chứng qua Sinobull là mô hình thành công, đội ngũ do Alan Phan
tuyển chọn và xây dựng. Vậy tại sao? Vietbull cũng không phản đối môi
trường kinh doanh kia mà, chỉ không làm theo thôi? Cái chưa được kiểm
chứng ở đây là môi trường kinh doanh VN, gồm 3 yếu tố chính sau: các đối
tác cạnh tranh có phải gần giống như Vietbull về đạo đức hay văn hóa
kinh doanh (về lý thuyết là phải thế, chắc bác Alan chắc đã giả định
thế), luật kinh doanh có được thực thi đúng như thế (hay nói vậy mà
không phải vậy), và thông tin kinh tế tạo nên cơ sở kinh doanh có đúng
như thế (tức tương đối đáng tin cậy như ở thị trướng nước khác).
Chúng ta biết, môi trường kinh doanh ở VN đã bị chính trị hóa từ lâu
trước khi nó được sinh ra gần đây. Kết quả của chính trị hóa môi trường
kinh doanh là gì? Là tạo ra các doanh nghiệp và doanh nhân có lợi thế
hơn nhiều về tài chính, thông tin, chính sách, quan hệ nhân sự không
chính thức (nhưng không bị cấm) với các thế lực “nhà nước quản lý” môi
trường kinh doanh.
Lấy ví dụ FPT là đối thủ cạnh tranh chính của Vietbull, là gì? Đó là tập
đoàn tham nhũng chỉ biết dùng tham nhũng và đi đêm để có “lợi thế cạnh
tranh” trong kinh doanh - chứ không phải bằng tài năng kinh doanh. Xin
lấy một ví dụ “kinh doanh thành công” của FPT năm xưa mà tôi biết rõ để
minh chứng.
Khoảng năm 1990, khi FPT mới ra đời là công ty Công nghệ Chế biến Thực
phẩm (Food Proccessing Technology-FPT), tôi lúc đó còn trẻ là kỹ sư dầu
khí đã cùng các bạn cho ra đời 1 trong 5 công ty tư nhân về IT đầu tiên
của VN dựa trên luật DN 1990 đầu tiên và còn tươi rói, với tình yêu hừng
hực dành cho IT và kinh doanh - mặc dù tất cả đều chưa biết gì về kinh
doanh. Lúc đó chúng tôi 17 người mới ra sức cùng nhau góp đủ 200 triệu
tiền mặt vốn điều lệ để cho ra đời công ty IT đó, mà phần tôi là 14
triệu đồng từ tiền tiết kiệm mấy năm đi làm để mua chiếc xe máy mơ ước
đầu tiên - đại loại là “kế hoạch xe máy” phải nhường chỗ cho giấc mơ IT
và kinh doanh, nên tôi còn đi xe đạp đi làm thêm vài năm sau đó nữa.
Cuối năm 91 công ty IT của chúng tôi đã khá có uy tín, chúng tôi tham
gia đấu thầu dự án của EC (European Community) cung cấp 320 máy tính bàn
PC 386 và thiết bị đồng bộ cho 32 trung tâm IT tại 32 tỉnh thành khắp
cả nước để tạo công ăn việc làm cho những người Việt di tản (những
thuyền nhân hay cả rừng nhân, không may mắn) bị các nước xung quanh trả
về cho chính phủ VNCS. Chúng tôi rất trân trọng tính nhân đạo cao cả của
Dự án nên đã chuẩn bị mọi phương án hết sức kỹ càng để thắng chỉ để
được làm việc đầy ý nghĩa lớn lao đó (không còn chỉ là mục tiêu IT và
kinh doanh nữa), và chúng tôi đã tin mình sẽ thắng thầu vì không thấy
đổi thủ “đáng gờm” nào, còn mình thì đã hạ giá sát ván để được làm việc
đó. Ở Hà Nội khi nộp thầu, chúng tôi gặp Trương Gia Bình (con rể Duẩn)
và công ty FPT, họ thú nhận lần đầu tiên tham gia làm IT, chuyển từ công
nghệ “măm măm” (thực phẩm) sang. Khi mở thầu, chúng tôi kinh ngạc vì
FPT thắng, mà họ thắng sát nút chúng tôi - chỉ rẻ hơn mấy trăm đôla trên
tổng khoảng 300 ngàn đô của chúng tôi! Nhưng chúng tôi phải tin vào các
nhân viên Việt của Văn phòng Đại diện EC - người tổ chức “đấu thầu quốc
tế” ở Hà Nội lúc đó. Đó là lần đầu tiên tôi “chạm trán” FPT, im lặng
chấp nhận thua nhưng tâm không phục - chắc chúng nó đã mua đứt người
(Việt) của EC rồi, và biết được giá của chúng tôi để thắng thầu chỉ mấy
chục phút nộp sau.
Tôi không ngờ “bí quyết thắng thầu” của FPT lại lộ ra nhanh chóng ngay
sau đó. Trở lại Sài Gòn, đi làm (tôi chỉ giúp công ty IT mà mình là cổ
đông nhỏ việc đấu thầu EC ở Hà Nội vì khi đó tôi rành tiếng Anh và các
điều khoản thương mại quốc tế hơn các bạn), khoảng tháng sau Công ty
phân cho phòng tôi nhận 5 bộ máy tính mới toanh (trước đó tôi chỉ dám
xin 2 bộ), và tôi trố mắt khi đọc các dòng chữ in to và rõ ràng trên
từng hộp máy: “Computers for Vietnamese Returned Regugees - EC’s
Project”. Tôi chạy thẳng lên phòng IT của công ty và căn vặn anh Trưởng
phòng về lô máy tính mới, thì được biết Tập đoàn Dầu khí nơi tôi làm đã
mua liền hơn 100 máy mới của FPT với giá khoảng gấp... 4 lần giá FPT đã
đấu thầu thắng với EC (khoảng 3-4 ngàn đôla/bộ)! Vậy là FPT đã ăn cả hai
đầu - nhận của EC với giá “thắng thầu” gần ngàn đô/bộ để rồi mua máy
nhưng không lập 32 trung tâm IT ở 32 tỉnh thành như đã cam kết với EC mà
đem máy bán cho các công ty lớn như DK với giá gấp 4 lần thế nữa! (Lúc
đó, rất ít ai biết giá thực máy tính trên thị trường, và máy 386 là
serie mới và hiện đại ở VN nên... giá nào cũng được!?)
Như vậy, FPT là ai thì đã rõ. Nhưng tôi cứ băn khoăn chả lẽ EC họ quan
liêu đến nỗi không bao giờ kiểm tra các dự án nhân đạo cao cả của mình
đã đến với “các nạn nhân được cứu giúp” thế nào ư? Tôi đem việc này hỏi
một cậu em học Harvard về và có công ty chuyên làm (giải ngân) các dự án
từ thiện của NGO ở VN, nó cười lớn: “Anh ngây thơ quá! Vụ nhỏ như thế -
có 300 ngàn đôla năm 1991- thì FPT nó chỉ cần làm report thật ngon kèm
vài bức ảnh bịa, và một lễ nghiệm thu giả của một trung tâm nào đó là EC
Ok liền, chưa kể đi nhậu nhẹt chơi bời vui vẻ với nhân viên EC ở một
vài nơi. Nếu là người Việt thì... EC nó còn viết Report về thành công
của dự án hộ mình luôn!” Nó nói xong thì tôi lại trố mắt nhìn thằng em
họ đã có 3-4 năm dùi mài sau đại học ở Havard: Cựu sinh Harvard là thế
này ư? Tôi không tin nổi tai mình. Ngẫm lại, nó được học bổng Harvard là
vì bố nó (cậu tôi) là cựu chiến binh và là quan to ở tỉnh mà thôi.
Tôi đã hơi lạc đề để cố nói khách quan về FPT với các bạn (và ông Alan
Phan) - họ là ai và họ “kinh doanh” thế nào, để nói về môi trường kinh
doanh IT ở VN mà bác Alan đã không thể hiểu từ “trong chăn” như tôi.
Bây giờ, Trương Gia Bình với FPT như thế - có công nghệ và văn hóa “Ăn
tất cả - foods processing” như thế, còn hơn bọn chuyên “cướp có business
plan” của bác Alan nhiều, và bác Alan với Vietbull như thế, và môi
trường kinh doanh “định hướng XHCN” của VN như thế, bác Alan có còn tin
mình sẽ kinh doanh thành công về lâu về dài ở VN (với CSVN) được hay
không?
Tôi biết hàng trăm, có khi hàng ngàn công ty như FPT, với hàng ngàn, có
khi hàng vạn dự án như kiểu “EC’s Computers” cho người Hồi hương, đã rất
ăn nên làm ra ở VN trên thân xác những kẻ hồi hương, kể cả “hồi hương”
tự nguyện như NVHN về nước kinh doanh.
Khoảng dăm năm sau vụ EC đó, tôi đã có một công ty khác về cơ khí và đưa
một Nhà sản xuất bơm lớn của Mỹ (Ingersoll) ra Hà Nội đấu thầu (dự án
vốn vay ADB) cung cấp thiết bị bơm cho ba trạm bơm chống lụt ở 3 tỉnh
Bắc miền Trung, và lại gặp FPT là đối thủ. Họ (mấy cậu bé non choẹt)
cũng tự nhận là không biết gì về cơ khí và bơm cả, nhưng... lại thắng
thầu, lần này là hàng mấy chục triệu đô la. Tôi cười quay sang xin lỗi
ông bạn người Âu (dù hãng là Mỹ) vì đã không thể cùng ông thắng thầu,
chỉ đứng thứ 2 về giá (đứng đầu về kỹ thuật, chất lượng), song tôi cũng
cười đảm bảo “thêm” với ông ấy rằng ba tỉnh đó sẽ không bao giờ có các
trạm bơm lớn chống lũ lụt được cả - vì FPT sẽ hoặc là cung cấp bơm dổm
(rẻ, không chạy được, nhưng giải ngân được) hoặc không thèm cung cấp bơm
luôn sau khi có tiền Ban quản lý Dự án vay ADB chuyển cho, rồi tịt
luôn... và họ/ban quản lý dự án sẽ ước ao mãi là hôm nay giá mà họ chọn
ông (Ingersoll) và tôi (“hãng cò mồi PCT”) thắng thầu. Tôi còn chốt lại
cho vui: Tin tốt là, ít nhất họ cũng sẽ nhớ tên hãng bơm Ingersoll của
ông suốt đời vì ân hận. Đến nay, năm nào mùa mưa chúng ta chúng ta cũng
nghe đến các vụ lũ lụt lớn ở các tỉnh đó, vì tiền chống lụt ADB cho vay
thì FPT đã tiêu hết từ hồi đó trước 2000 rồi.
Từ hình ảnh FPT và Vietbull, hãy hình dung trong IT của VN có hàng chục
con bạch tuộc đỏ (kinh doanh bằng quyền lực chính trị) như FPT và hàng
trăm, hàng ngàn con cá pirania đỏ lớn nhỏ xung quanh con “Trâu Vàng”
Vietbull của ông già Alan (kinh doanh phi chính trị), thì... liệu con
trâu đó dù có đúc bằng vàng cũng trụ được bao lâu?
Và trong tất cả mọi lĩnh vực kinh doanh khác ở VN, tình trạng đều như thế.
Tại sao các doanh nhân, doanh nghiệp của NVHN về VN kinh doanh cho đến nay đều không thể thành công?
Ở phần trên, tôi đã khẳng định, nếu không gian dối, tham ác... như FPT
hay hàng ngàn hàng vạn công ty (trực tiếp hay gián tiếp) của CSVN, mà
chỉ kinh doanh theo đạo đức doanh nhân thì không có công ty nào về lâu
về dài có thể thành công ở VN.
Nhưng còn một lý do chủ yếu và quan trọng khác - đó là sự kiểm soát ngầm
của an ninh CSVN đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp ở VN, nhất là với
các doanh nhân và công ty của NVHN. Theo quan sát của tôi, tình hình rất
tệ - sự theo dõi và kiểm soát của an ninh CSVN với các doanh nghiệp rất
ngặt nghèo và phi pháp.
Chúng ta biết, đến nay 2015, CSVN vẫn chưa cho phép tổ chức các nhóm xã
hội dân sự, hay các nghiệp đoàn độc lập, dù họ rất cần được vào TPP để
mong cứu vãn nền kinh tế đang sắp sập. Thậm chí, các tổ chức tôn giáo tổ
chức các khóa tu, khóa thiền cho dân chúng cũng không được - CSVN cho
côn đồ đến phá. Sau vụ Bát Nhã 2009, rất nhiều vụ đàn áp tôn giáo vì “tu
tập đông người” khác nữa liên tục xảy ra, mà gần đây nhất là các khóa
thiền Vipassana chỉ hơn trăm người tu (ngồi thiền) ở Lâm Đồng, Sài gòn
bị phá. Cậu học trò tôi than: Chúng em chỉ đến để ngồi và thở thôi mà CS
cũng không cho! Chỉ ngồi và thở thôi!
Thế mà tại sao từ 1990 CSVN cho phép lập công ty, doanh nghiệp tư nhân -
cũng là những nơi “tập trung đông người”? Là vì CSVN phải cho lập DNTN
thôi, nếu không thì chết đói hết. Nhưng chúng không bao giờ tin vào, và
rất sợ các tổ chức không do chúng lập nên đó. Vì thế, chúng luôn cố gắng
kiểm soát tối đa được các tổ chức đó - dù họ chỉ có mục tiêu rõ ràng là
kinh doanh. CSVN bằng mọi cách hợp pháp và phi pháp tổ chức và duy trì
kiểm soát bằng hai hướng: từ ngoài - bằng các tổ chức quản lý và chính
sách của họ với sự kiểm tra thường xuyên và đột xuất dày đặc, và từ bên
trong – bằng việc cài cắm “an ninh kinh tế” vào trong tất cả mọi doanh
nghiệp tư nhân, liên doanh, nước ngoài và cả nhà nước - trong đó doanh
nghiệp của NVHN được “chăm sóc” kỹ nhất vì “nguy hiểm” nhất.
Chúng theo dõi cái gì trong một doanh nghiệp? Có bốn nội dung theo dõi
chính: thân nhân, quan điểm và hoạt động của lãnh đạo doanh nghiệp, tình
hình tài chính và đóng thuế của DN, và các dự án cụ thể của DN mà họ
quan tâm, các đối tác kinh doanh của DN mà họ cần theo dõi gián tiếp.
Tùy vào loại hình công ty, độ lớn và vị thế công ty, tùy nội dung cần
theo dõi mà CSVN đào tạo và cài cắm người của mình vào các DN đó, chủ
yếu qua đường để các DN tuyển chọn công khai (ứng viên của chúng - số
này đông nhất) hay mua chuộc dọa dẫm, ép buộc người lúc đầu không phải
“đặc tình” của chúng, gọi là loại “cài cắm” và loại “ép buộc”, hoặc bố
trí (nếu là doanh nghiệp nhà nước hay liên doanh).
Loại cài cắm, thường được chúng tuyển chọn trước hay ngay sau khi tốt
nghiệp đại học kinh tế và kế toán tài chính, sau đó được đào tạo nghiệp
vụ “an ninh kinh tế” 1-2 năm, và sẽ được tung ra “xin việc” vào tất cả
các loại doanh nghiệp mà chúng cần theo dõi, hầu như vào mọi doanh
nghiệp có nhu cầu tuyển người ngoài gia đình (có từ khoảng chục nhân
viên trở lên). Chức danh chủ yếu là kế toán viên, hay kế toán trưởng (để
theo dõi tình hình chung của các công ty), hay thậm chí tạp vụ, gác
cổng (để theo dõi hành tung ban giám đốc), hoặc kỹ sư ngoài công trường
(để theo dõi một dự án cụ thể nào đó), hay chuyên viên thương mại kinh
doanh (để theo dõi các đối tác của công ty).
Với đa số công ty, các nhân viên an ninh cài cắm trên sau một thời gian
vài tháng đến 1-2 năm sẽ hoàn tất nhiệm vụ (được ăn hai lương) và tự
động xin nghỉ vì các lý do nào đấy. CSVN thấy tuyệt đại đa số các DN
đúng là chỉ kinh doanh, nên sẽ chuyển sang theo dõi công ty mới khác.
Các công ty của NVHN thường bị theo dõi cả bốn nội dung (thân nhân, tài
chính, dự án và đối tác) nên an ninh kinh tế của CSVN có một đội ngũ
được đào tạo riêng để làm việc theo dõi họ.
Nếu hiện nay CSVN có khoảng 300,000 dư luận viên (DLV) ăn lương và lên
mạng quậy phá, thì từ 1990 đến nay CSVN cũng đã đào tạo, tuyển dụng và
đang sử dụng tổng cộng đến khoảng trên 100,000 kẻ “an ninh kinh tế” để
cài cắm vào theo dõi các doanh nghiệp từ bên trong, do mấy Vụ thuộc bộ
Công an cùng làm (mấy cái “C3-mấy”, “C4-mấy”, “C5-mấy” gì đó…). Đây tất
nhiên là vi phạm nhân quyền (quyền riềng tư) trắng trợn và có hệ thống
của CSVN rồi, nhưng “who dám care?!”
(Người viết bài này đã làm ở vị trí quản lý của tất cả các loại hình
doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, nước ngoài, liên doanh - mà doanh nghiệp
NVHN là loại DN nước ngoài “đặc biệt nguy hiểm”, và đã nhìn ra và phải
âm thầm loại bỏ bọn “an ninh cài cắm” của CS ở khắp mọi nơi đó, đôi lần
ngay khi đang còn phỏng vấn tuyển dụng đã rõ rồi, và chỉ có thể làm thế
thôi).
Nói chung, trừ các lý do đặc biệt, như trường hợp Vietbull của bác Alan,
NVHN thường có thể kinh doanh thành công mấy năm đầu tiên vì họ nhỏ và
mới, nên được “ tạm tha” quấy rối, nhưng họ luôn biết rõ mọi chuyện nội
tình “để phòng ngừa các thế lực thù địch”. Khi cần, họ sẽ khai thác, sử
dụng (xào nấu) các thông tin có được từ đặc tình cho mục tiêu cụ thể như
phạt công ty của Lê Quốc Quân “trốn thuế”, khép công ty của Trần Huỳnh
Duy Thức vào tội “kinh doanh không phép” và “trốn thuế”.
Nhờ có vốn độc lập hơn các doanh nghiệp trong nước, thông tin kỹ thuật
và chuyên ngành cập nhật hơn, quan hệ quốc tế rộng rãi hơn, các doanh
nghiệp của NVHN lúc đầu có vẻ dễ phát triển hơn. Nhưng rất tiếc giai
đoạn đó không đủ để họ thực sự hiểu môi trường kinh doanh trong nước và
có các đối tác lớn tin cậy, càng không biết mình bị theo dõi từ bên
trong, mà họ đã có nhu cầu và kế hoạch phát triển mở rộng rồi. Đây là
lúc họ đa số đều sa vào bẫy của các đối tác cộng sản mà họ tưởng mình đã
tạo được lòng tin với nhau.
Thực sự thì quan chức và các doanh nghiệp CSVN không có khái niệm lòng
tin, không bao giờ tin và tôn trọng các doanh nghiệp nói chung và DN của
NVHN càng không, họ chỉ lợi dụng vì cần đầu tư, hay thông tin, hay đơn
giản cần ăn hối lộ. Họ luôn sẵn sàng “diệt” - thay thế đối tác Việt Kiều
và các doanh nghiệp “của họ” bất cứ khi nào có thể và vì bất cứ điều
gì, bất chấp pháp luật (vì pháp luật là họ). Nói chung, trong con mắt
của CSVN, các doanh nghiệp NVHN chỉ để làm cảnh (mị dân) và không bao
giờ được phép thành công!
Cái khó của NVHN khi làm ăn trong nước là, lúc đầu thì quá tin nhau mà
không biết mình bị theo dõi và coi như kẻ thù (thậm chí NVHN hay nghĩ:
ồ, CS cũng tốt đấy chứ!) nên không phòng bị, tự bảo vệ mình, đến khi cơm
không lành canh không ngọt thì chả có gì để tự vệ, mà cả hệ thống pháp
luật lại ở phía bên kia. Tự nhiên, từ “người mình với nhau cả” thành
chiến tuyến hiện ra rõ ràng mà NVHN đơn độc trong vòng vây “người mình”,
thường chỉ còn cách bỏ của chạy lấy người. Tôi đã đau lòng chứng kiến
những cảnh “tranh chấp” – thực ra là ăn cướp công khai như vậy của CSVN
(cá nhân, doanh nghiệp hay cả chính quyền) với NVHN. Ngay cả những người
NVHN đã từng hối lộ các quan chức và đối tác trong nước rất nhiều và
cảm thấy mình đã mua chuộc được CS cũng bị (và càng hay bị) chính những
kẻ nhận hối lộ đó làm hại, phản lại, tấn công dữ dội (thay vì công khai
hay ngầm ủng hộ), vì “không có bằng chứng” chúng nhận hối lộ bao giờ,
lại luôn có bằng chứng NVHN đi hối lộ.
Đã hơn ba chục năm quan sát NVHN về nước kinh doanh, tôi chưa thấy ai thực sự thành công - đến trên 90% là thất bại. Tại sao?
Ngoài lý do đạo đức kinh doanh (như kiểu FPT) thì còn sự đa nghi và theo
dõi rất gian manh phi pháp của CSVN với các doanh nghiệp - nhất là của
NVHN - để hãm hại và kiểm soát là lý do cơ bản khác khiến các DN nói
chung không thể phát triển được. Đó là lý do tại sao tôi nói môi trường
kinh doanh VN đầy phản trắc - nó phản trắc từ trong tâm địa của những kẻ
“trọng tài” đang quản lý “sân chơi kinh doanh XHCN” này là CSVN rồi.
Đó là chưa kể, “về nước kinh doanh” nhưng NVHN nói chung đều chỉ cần làm
được phần đầu: “về nước...”, rồi để lại tất cả, và lại ra đi (lần “ra
đi” này là “di tản lần 2”: ai cũng biết mình sẽ không bao giờ về nước
kinh doanh nữa... với cộng sản.)
Với những công ty của NVHN còn chưa phải và không muốn “di tản lần 2”
(và mọi doanh nghiệp chân chính khác), tôi khuyên nên tỉnh táo nhìn lại
mình ngay và loại khỏi đội ngũ mình những kẻ ăn hai lương (một của an
ninh CS) trước khi quá muộn.
Các doanh nhân trẻ có cơ hội nào ở VN hôm nay?
Vâng, tôi vẫn luôn khuyến khích, động viên và thường xuyên tư vấn cho
các bạn trẻ hãy khởi nghiệp kinh doanh. Tại sao mâu thuẫn vậy, khi tôi
luôn khẳng định môi trường kinh doanh VN là rất không thuận lợi?
Trước hết, là vì giai đoạn khởi nghiệp của doanh nhân trẻ ít bị chính
trị hóa, bạn còn nhỏ quá và mới quá, non quá - nhưng thực ra nó bị chính
trị hóa từ trước đó rồi, từ trong nhà trường, trên sách vở và ngoài xã
hội nó đã được “định hướng” rồi, định hướng làm nô lệ. Khởi nghiệp vì
thế là bạn tái định hướng cho mình, là định hướng đến Tự do!
Không chỉ môi trường kinh doanh ở VN rất tệ hại và bị chính trị hóa, mà
môi trường chuẩn bị cho các thế hệ sau kinh doanh (tức những gì người
Việt trong nước nghĩ về, nói về, được dậy về, viết về, đọc về kinh doanh
và doanh nhân trong gia đình, nhà trường, xã hội) cũng đều sai trái và
tệ hại. Vì thế, cả xã hội VN dù nay rất thích tiền nhưng không biết và
không thích kinh doanh, doanh nhân. Cả xã hội định nghĩa sai về doanh
nhân và đem tôn thờ những kẻ ăn trộm làm thuê là doanh nhân. Cả xã hội
nghĩ kinh doanh là phải có tiền và chỉ cần có tiền là có thể kinh doanh.
Chính những bất cập và sai lệch trên về kinh doanh và doanh nhân ở VN
khiến việc kinh doanh (bản chất là sáng tạo) ở VN rất ít, và doanh nhân
đích thực ở VN càng hiếm hoi hơn. Vì thế nhu cầu có danh nhân đích thực
càng lớn và tôi càng cố khuyến khích và động viên các bạn trẻ khởi
nghiệp kinh doanh nhiều hơn. Vì ở VN quá thiếu doanh nhân và hoạt động
kinh doanh, chỉ toàn ranh nhân và chụp giật, lừa lọc mánh mung - nên nếu
bạn là doanh nhân và kinh doanh theo đúng nghĩa của nó thì bạn là của
hiếm và bạn có cơ may thành công cao hơn, bền vững hơn! Ví dụ, khi chế
độ CSVN đỏ thì sự nghiệp kinh doanh của bạn không đổ, mà càng phát triển
hơn! Đó chính là cơ hội của các bạn trẻ.
Ở mọi nơi trên thế giới, các doanh nhân trẻ luôn có những lớp người
doanh nhân đi trước dẫn dắt và truyền cảm hứng. Ở VN, rất tiếc, sau ba
bốn thế hệ cai trị của cộng sản, xã hội không có doanh nhân, chỉ toàn
ranh nhân “đỏ đít”, tìm đâu ra doanh nhân đích thực để nọi theo và học
hỏi? Thế hệ tôi U60 rồi, thế hệ cha tôi trước đó - đều quả là những thảm
họa của dân tộc: không có doanh nhân! Thế hệ con cháu tôi, các bạn trẻ
tuổi 20s-30s, thật may là có Internet và các bạn một số có thể du học
(phương Tây), cũng đã có một ít sách về kinh doanh và doanh nhân đích
thực được dịch ra... nên chúng ta có thể hy vọng người Việt sẽ có lớp
doanh nhân mới đích thực (tất nhiên, trừ đám trẻ COCC CS, chúng nó du
học để tiêu tiền, không cần biết làm ra tiền - kinh doanh là gì).
Thế cho nên, khởi nghiệp kinh doanh vừa là cơ hội, vừa là sứ mệnh cao cả
của thế hệ trẻ VN để cứu nước, cứu nhà. Các bạn hãy khởi nghiệp đi,
thấy nhiều vào! Dăm ba năm nữa, khi cá bạn đã vững vàng thì cũng là khi
môi trường kinh doanh phản trắc của CSVN này phải biến mất, thay bằng
môi trường bình đẳng, tự do cho sáng sáng tạo của các bạn!
Cơ hội lớn vẻ vang đang ở ngay phía trước các bạn: trở thành những doanh
nhân chân chính của nước Việt không cộng sản, từ hôm nay! Đã đến lúc
rồi đó, các bạn!
28.4.2015
0 comments:
Post a Comment