Wednesday, December 17, 2014

Hiệp lực đấu tranh

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Có thể nhận thấy 2 luồng tư tưởng đấu tranh cho tự do dân chủ ở VN. Trong nước đấu tranh chống độc tài, giải thể ĐCSVN, giải phóng quyền con người, xóa bỏ cuộc sống nô lệ, theo xu hướng khát khao tự do của loài người, như cành cây trong phong ba bão táp cuối cùng cũng hướng về ánh mặt trời. Trong khi đó, hải ngoại cũng đấu tranh vì tự do dân chủ cho VN, tuy nhiên trong tâm thức của một bộ phận không nhỏ lại mang tính chất phục hận, phục quốc VNCH. Vì vậy có sự chia rẽ trong người Việt, ngay tại nước ngoài, và người Việt trong nước.

Với cuộc sống của người Việt hải ngoại, họ chỉ có một điểm tựa duy nhất để gắn kết lại trong quan điểm chính trị là quốc kỳ cờ vàng ba sọc đỏ. Chắc chắn ai chấp nhận đứng dưới lá cờ này là cùng chí hướng để phân biệt rõ ràng với những thành phần thân cộng, ba phải, du học sinh con ông cháu cha sau này giương cờ đỏ... Việc này đúng hoàn toàn với đồng bào hải ngoại, dù không chính xác hẳn, dù CS có thể nằm vùng suy tôn cờ vàng, nhưng ít ra, và là một trong những yếu tố cơ bản đầu tiên nhất để phân biệt ai là bạn ai là thù. Sau đó sẽ còn nhiều yếu tố phân biệt khác.

Việc suy tôn cờ vàng ở hải ngoại biểu hiện tâm lý tự hào quốc gia dân tộc dù cuộc sống lưu vong vẫn luôn nhớ về lịch sử quê cha đất tổ và là một hình thức phản kháng, không chấp nhận chính quyền CSVN hiện tại.

Hiểu tâm lý những người Việt tị nạn nhớ về tổ quốc, trong tất cả những buổi hội họp quan trọng họ đều hát quốc ca VNCH, và tưởng niệm những người đã mất, hy sinh vì dân tộc, điều này giáo dục được lớp trẻ, cộng đồng lòng yêu nước quê mẹ, và ý thức trách nhiệm với quê hương. Việc suy tôn cờ vàng, bảo vệ cờ vàng, biểu tình với cờ vàng, phổ biến cờ vàng cho thế hệ trẻ là điều đúng đắn hoàn toàn, nên làm và họ đã làm đúng. Giúp suy tôn lòng tự hào dân tộc, phát triển lòng yêu nước lớp trẻ và tránh sự xâm nhập, xảo quyệt của bọn CS nằm vùng nhằm lũng đoạn cộng đồng.

Ngược lại, trong nước cờ vàng lại là một hình ảnh khác. Đã 40 năm trôi qua, những người còn lại ở miền Nam VN trên 50 tuổi mới ý thức được cờ vàng và hiểu giá trị của nó. Trong số 50 đó, có bao nhiêu người tưởng nhớ, tiếc nuối cờ vàng, và bao nhiêu người xem cờ vàng là cờ thua trận, đã bỏ họ ở lại bơ vơ nghèo đói và bị đàn áp. Còn lại lớp trẻ, hầu hết, dưới mái trường XHCN cờ vàng là cờ thua trận, thất bại của một quốc gia. Điều này do tác động bởi chính sách nhồi sọ của CS, nhưng không thể chối cãi đó là sự thật của lịch sử mà không ai có thể phủ nhận. Như vậy cờ vàng có giá trị bao nhiêu ở trong nước, cao lắm 1% do những người lớn tuổi còn tồn tại. Phần đông là dị ứng.

Câu hỏi? Liệu lá cờ vàng có thể tung bay trở lại trên mãnh đất VN hình chữ S hay không?

Hoặc có thể nói: Liệu có phục quốc VNCH được hay không?

Câu trả lời: Không. Tại sao?

Với một số giả định, trước hết chúng ta thử tìm hiểu xem, giả sử những tình huống có thề xảy ra.

1- Cách Mạng Dân Chủ VN thành công do nội bộ ĐCSVN xào nấu lẫn nhau, phe Nguyễn Tấn Dũng hay quân đội đứng lên giành được chính quyền và tuyên bố đưa VN vào tiến trình dân chủ hóa. Thử hỏi lúc đó cờ vàng hay cờ đỏ lên ngôi. Chắn chắn cờ đỏ cũng sẽ tiếp tục ngự trị một thời gian sau đó, nếu tốt đẹp hơn sẽ chờ một cuộc trưng cầu dân ý về lá cờ để đoàn kết toàn dân tộc trong và ngoài nước. Không lẽ đồng bào hải ngoại tẩy chay cờ đỏ và bắt buộc phải sử dụng cờ vàng khi đất nước đã có tự do dân chủ?

2- Những người đấu tranh trong nước, không sử dụng cờ nào cả, chỉ bằng biểu tượng phong trào của mình, đã đấu tranh thắng lợi, lật đổ chế độ độc tài, cũng chờ một cuộc trưng cầu dân ý về một lá cờ để đoàn kết toàn dân tộc trong và ngoài nước. Lúc đó cờ vàng đứng ở đâu?

3- Người Việt hải ngoại đóng con tàu biển Đông, thành lập tổ chức Liên minh Dân tộc Việt Nam... đấu tranh từ bên ngoài, vận động quốc tế mạnh mẽ, đã giúp VN tự do Dân Chủ thắng lợi, cờ vàng được phục quốc trở lại. Xin hỏi xác suất bao nhiêu phần trăm tình huống này xảy ra. Và bao nhiêu phần trăm người dân trong nước chấp nhận cờ vàng nếu không qua cuộc trưng cầu dân ý. Cờ vàng cũng rất khó tồn tại trong trường hợp này.

Qua đó, phải nhìn nhận rằng, cơ hội thực tế để phục quốc cờ vàng rất thấp, mong manh!

Phải chăng, lật đổ đảng độc tài CSVN, xây dựng nước VN mới, có tự do dân chủ, sánh vai cùng các cường quốc năm châu là hình thức gián tiếp phục hận, phục quốc cho VNCH vậy!

Phải hiểu như thế, chúng ta mới tìm đúng chỗ đứng cho cờ vàng trong quá trình đấu tranh. Đưa ra phương án chiến lược hợp lý và cổ xúy những hành động xác đáng. Chính vì thực tế mâu thuẫn này, cờ vàng rất dễ bị kích động, chạm tự ái, bóp méo, gièm pha... Đây là một yếu điểm mà bọn CS nằm vùng ra sức tấn công cờ vàng, hòng chia rẽ dân tộc. Chúng sẽ tìm mọi cách hạ bệ cờ vàng, trong khi đó hải ngoại sẽ bảo vệ, tôn vinh cờ vàng mà quên đi phong trào dân chủ trong nước được cả thế giới ủng hộ. Như vậy càng hận thù, hải ngoại càng bảo vệ cờ vàng. Vô tình chúng ta đã dùng thước đo lòng hận thù định lượng khả năng chống cộng trong khi phương cách đấu tranh mới là quan trọng nhất. Chính vì vậy, dễ dàng thấy rằng mức độ thù hận đã chia rẽ người Việt hải ngoại, và cờ vàng đã phân ly người Việt trong và ngoài nước cùng căm thù CS, cùng mong muốn lật đổ CS, thay vì nén lòng thù hận, cùng nhau tấn công CS trong tinh thần tự do dân chủ, giải phóng nô lệ, sẽ đoàn kết được người Việt trong và ngoài nước chúng ta lại phân hóa lẫn nhau, chứng tỏ lòng căm thù, hơn thua ở màu cờ, phân chia lòng yêu nước, thật là một sai lầm không đáng có.

Như vậy để đấu tranh cho tự do dân chủ VN mà đem hình ảnh cờ và lòng thù hận vào là một sai lầm lớn. Bởi vì cờ vàng chưa là mẫu số chung của cả 2 bên, ngay cả lòng thù hận cũng khác nhau. Hải ngoại là phục hận, trong nước là giải phóng nô lệ. Đảng viên thức tỉnh, họ đâu ủng hộ cờ vàng, và không căm thù CS như bao người khác, nhưng họ thấy bị lừa dối và thèm khát tự do cho dân tộc. Không lẽ họ không phải là một lực lượng cách mạng? Bọ Lập, nhà văn thành công trong chế độ CS, con yêu của CNXH, ngồi chuyển tải sự thật đến với mọi người, không lẽ bắt ông ta phải đứng dưới ngọn cờ nào hay sao? Thanh niên học sinh, họ lớn lên dưới cờ đỏ, dị ứng với cờ vàng, không lẽ họ không được yêu nước, mà yêu nước không có nghĩa là phải chấp nhận cờ vàng, phải chấp nhận VNCH, sao giống yêu CHXH quá vậy? Công nhân cầm cờ đỏ đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế của họ, thành lập Công đoàn độc lập cho riêng họ, tách biệt ra khỏi chính quyền, làm lung lay xã hội, không lẽ chúng ta bắt buộc họ không được cầm cờ đỏ, và đẩy họ qua một phe nhóm khác? Nếu cờ đỏ liên kết được công nhân, chúng ta phải chấp nhận.

Từ đó thấy rằng, phải phân chia ra nhiều luồng đấu tranh khác nhau, trong nước và ngoài nước. Trong nước đấu tranh cách khác, ngoài nước đấu tranh cách khác, ngay cả trong nước cũng có nhiều hướng khác nhau, trên cơ sở hòa hợp dân tộc - giữa những người nạn nhân cộng sản, đoàn kết lẫn nhau, nhiều mũi tấn công CS, lật đổ CS đem tự do dân chủ về cho quê hương. Vì thế chúng ta đừng áp đặt cách thức đấu tranh của hải ngoại vào trong nước và ngược lại, cũng đừng cho rằng phải có 1 biểu tượng chung thống nhất các bên hoặc bên nào lãnh đạo bên nào... Mỗi bên có một thế mạnh khác nhau, hãy triệt để tận dụng thế mạnh của mình mà đấu tranh, với mục đích cuối cùng là lật đổ CS.

Một hình ảnh dễ hiểu, cùng một cách nhổ cây nhưng hải ngoại như muốn thành lập 1 đảng đối lập liên kết trong và ngoài nước, một dòng thác sức mạnh thuần khiết đối trọng với ĐCSVN nhằm lật đổ, chặc đứt gốc cây CS, ngược lại, trong nước không đối lập, không đối trọng mà mọi người bất kể ai ai hãy cùng nhau ôm gốc cây rung, rung, rung lắc thật mạnh, thật nhiều đến khi cây lung lay, cây bậc gốc, bật rễ ngã quỵ mà không có thực thể nào chống đỡ được.

Hiểu như vậy, chúng ta sẽ tôn trọng tất cả các phe nhóm khác nhau, trên tinh thần tôn trọng quan điểm mỗi bên. Đây là một đặc trưng trong công cuộc đấu tranh dân chủ VN bởi vì lịch sử người Việt bị phân chia làm 2 lá cờ, 2 dòng người, nhiều ý thức hệ khác nhau, khác các quốc gia khác. Đấu tranh chống CS không phải một nhóm nào, lực lượng nào chắc chắn sẽ thành công, mà là một tổng lực tất cả các thành phần, trong ngoài nước, đảng viên yêu nước, đảng viên hưu trí, bộ đội giải ngũ, trí thức bàn phím, công nhân cờ đỏ, dân oan, sinh viên, tiểu thương, v.v... cùng nhau tấn công trên tất cả các mặt trận của họ, nhằm làm CS lung lay tận gốc rễ mà đổ sập. Chắc chắn cờ đỏ không bao giờ là biểu tượng cho tự do dân chủ, nó sẽ bị đào thải ngay khi đất nước thành công, nhưng cờ vàng chưa là mẫu số chung của cả 2 bên, nó còn phải chờ cuộc biểu quyết toàn dân sau này. Vì vậy cờ vàng hãy là biểu tượng đấu tranh của cộng đồng bà con hải ngoại, hãy là tiếng nói thay mặt tinh thần tự do dân chủ người Việt trong nước, và có thể là hình ảnh phản kháng của người Việt trên cộng đồng quốc tế, nhưng đừng quy định nó, đừng áp đặt nó, đừng vô tình đẩy những người bạn cùng chí hướng về bên kia chiến tuyến, đừng để CS dễ dàng gây chia rẽ người Việt, bởi vì lịch sử Việt nam hãy còn một trang nữa. Cờ vàng là một hướng đấu tranh, không phải tất cả.


Dùng cờ vàng để đấu tranh cho nhân quyền VN, như những cuộc biểu tình trước đây, như Viện Nhân quyền VN vừa mới mở tại Pháp, có lẽ là hướng đi hay mà tôi vừa được thấy. Cùng gần gũi nhân dân trong nước, cờ vàng đi đôi cùng Nhân quyền tự do, dân chủ là cách khôi phục hay nhất cho cờ vàng trong trang sử mới VN vậy. Tưởng cũng nên nhớ rằng, trong nước đang là quá trình khai dân trí, chấn dân khí, nhẹ nhàng rất nhẹ nhàng, nâng tầm hiểu biết người dân sau quá trình nhồi sọ, đừng để họ di ứng với cờ vàng, vô tình nghĩ rằng lôi họ vào cuộc chiến tiếp theo mà họ không mong muốn. Điều họ muốn là tự do, con cái được học hành giáo dục theo chuẩn mực quốc tế, sống có niềm tin xã hội, pháp luật được tôn trọng, và gia đình của họ được bảo vệ.

Chủ nghĩa CS là đã phân chia ý thức hệ người Việt thành những lớp đối kháng nhau một cách vô thức. Trong nước, lớp ủng hộ cờ vàng, lớp ủng hộ cờ đỏ, lớp phủ nhận cờ đỏ, hải ngoại cũng vậy. dân tộc bị chia năm xẻ bảy bởi những chuyện đâu đâu vô cớ. Đau buồn thay! Tất cả đều là nạn nhân của CNCS, vì vậy hãy nghĩ đến những phương thức đấu tranh để lật đổ CS chứ không phải để thỏa mãn lòng căm thù.

Một đêm ngủ thức dậy, bạn đừng nghĩ đến màu cờ nào cả, đỏ cũng như vàng, hãy nghĩ đến người Việt, tự nhiên bạn sẽ thấy rằng ai cũng như là bạn, ai cũng gần gũi đau thương. Ai cũng cần quyền làm người, tự do, dân chủ. Phải không?


Sài Gòn - 16/12/2014

0 comments:

Powered By Blogger