Bất chấp khả năng làm Bắc Kinh phật ý, ngày 05/12/2014, Hà Nội đã chuyển đến Tòa án Trọng tài Thường trực tại Hà Lan bản “tuyên bố lập trường” của mình về vụ kiện của Philippines nhắm vào đường lưỡi bò Trung Quốc tại Biển Đông. Ngày 17/12, Tòa án Trọng tài chính thức cho biết là đã nhận được văn kiện của Việt Nam và đã bắt đầu tham khảo các bên trong vụ kiện về tuyên bố này.
Theo giới phân tích, ý nghĩa chính trong hành động của Việt Nam là tham gia một cách gián tiếp vào vụ kiện, bênh vực lập trường của Philippines, chống lại các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, và bảo vệ các lợi ích của mình.
Sự tham gia của Việt Nam đã làm cho vấn đề pháp lý của Biển Đông sôi nổi trở lại trong bối cảnh là ngày 15/12/2014 là thời hạn chót mà Tòa án Trọng tài Thường trực dành cho Trung Quốc để trả lời đơn kiện của Philippines.
Ngày 07/12/2014, Bắc Kinh đã chính thức công bố bản tuyên bố lập trường của Trung Quốc về vụ kiện, phủ nhận hoàn toàn thẩm quyền của Tòa án, đồng thời khẳng định trở lại chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, nằm bên trong đường “lưỡi bò” mà họ đã vạch ra, chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông.
Trước đó hai hôm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một bản nghiên cứu sâu sắc về đường 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông, xác định một cách cụ thể tính chất mơ hồ, phi lý và phi pháp của các yêu sách Trung Quốc.
Philippines và Việt Nam dĩ nhiên đã lên tiếng bác bỏ lập luận của Bắc Kinh về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông được nhắc lại trong bản tuyên bố lập trường ngày 07/12, trong lúc Bắc Kinh cũng phản bác các tuyên bố của Hà Nội, Manila và bản nghiên cứu của Washington.
Bắc Kinh bị lâm vào thế “tự vạch áo cho người xem lưng”
Theo nhiều nhà quan sát, khi chính thức công bố bản Tuyên bố lập trường bác bỏ vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh muốn chứng minh với cộng đồng quốc tế không phải là một quốc gia coi thường luật lệ quốc tế.
Có điều, theo luật sư Paul Reichler, đại diện cho Philippines trong vụ kiện, việc Trung Quốc cho công bố tài liệu này, tương đương với hành động « vạch áo cho người xem lưng », và sẽ có lợi cho Manila trong quyết tâm phản bác các lập luận phi lý của Trung Quốc.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo mạng Rappler của Philippines ngày 19/12/2014, ông Reichler ghi nhận : « Tòa án Trọng tài từ nay sẽ được biết đầy đủ về lập luận của Trung Quốc về vấn đề thẩm quyền, thay vì phải đoán xem Trung Quốc muốn nói gì. Còn Philippines thì sẽ thấy rõ các mục tiêu cụ thể (để phản bác) trong tương lai… ».
Về động thái của Việt Nam, luật sư của Philippines cũng rất hoan nghênh, xem đấy là một thắng lợi chính trị của Philippines vì qua bản tuyên bố lập trường của chính mình, Việt Nam đã « hoàn toàn đồng ý với Philippines trên cả hai mặt : Thẩm quyền của Tòa án Trọng tài, và giá trị những lập luận của Philippines ».
Tóm lại, do những đòi hỏi chủ quyền phi lý của mình tại Biển Đông, Trung Quốc đang bị dồn vào thế bị động, và bị buộc phải lộ rõ bản chất coi thường luật pháp quốc tế, và chỉ dùng sức mạnh của nước lớn để lấn lướt các nước bé.
Việt Nam can dự vào vụ kiện : khôn khéo nhưng chưa đủ
Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam can dự vào vụ kiện với bản tuyên bố lập trường gởi Tòa án Trọng tài Thường trực được nhiều chuyên gia đánh giá là khôn khéo, vì cho phép Việt Nam chính thức nêu bật được trường hợp của mình, dù không đích thân nộp đơn kiện, và thúc đẩy được Tòa án lưu ý đến quyền lợi của Việt Nam khi phán quyết về đơn kiện của Philippines chống Trung Quốc.
Đấy cũng là ý kiến của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại học Maine (Hoa Kỳ). Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, Giáo sư Long cũng nêu rõ nhiều lợi ích mà Việt Nam có thể đạt được khi can dự vào vụ Philippines kiện đường lưỡi bò Trung Quốc.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long tuy nhiên đã lấy làm tiếc rằng Việt Nam chưa tận dụng được thế yếu pháp lý của Trung Quốc trong vụ này, và bản « tuyên bố lập trường » của Việt Nam gởi Tòa án đã bỏ lỡ cơ hội làm rõ một số vấn đề rất có lợi cho Việt Nam.
Theo Giáo sư Long, chỗ yếu trong tuyên bố của Việt Nam nằm ở điểm Việt Nam yêu cầu Tòa án chú ý đến “chủ quyền” của Việt Nam tại Trường Sa và Hoàng Sa. Vấn đề là yêu cầu đó không nằm trong phạm vi xem xét của Tòa án ITLOS, mà lại thuộc thẩm quyền của một định chế tư pháp quốc tế khác là Tòa án Quốc tế ICJ (International Court of Justice).
Đáng lý ra, theo Giáo sư Long, Việt Nam chỉ nên “đánh” vào ‘đường lưỡi bò’, và đề nghị Tòa Trọng tài giải thích rõ là ‘đường lưỡi bò’ Trung Quốc không thể ăn vào các vùng đặc quyền kinh tế EEZ và thềm lục địa của Việt Nam và Philippines.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nên đồng ý với Philippines là các thực thể địa lý tại Trường Sa không thể có EEZ và thềm lục địa, vì vậy chỉ có lãnh hải tối đa là 12 hải lý mà thôi.
Sau đây là bài phỏng vấn với Giáo sư Ngô Vĩnh Long :
Giáo sư Ngô Vĩnh Long – Đại học Maine (Hoa Kỳ)22/12/2014 – Trọng NghĩaNghe
Trong tuyên bố của mình, Việt Nam ủng hộ Philippines trong việc phủ nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và, qua đó, Việt Nam phủ nhận đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền các vùng đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như các vùng biển chung quanh các đảo này.
Đáng lý ra Việt Nam chỉ nên tập trung vào điểm này và xin Tòa giải thích rõ là cái “đường lưỡi bò” đó không thể liếm mất các vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zones, EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam và của Philippines. Thêm vào đó, Việt Nam cũng nên đồng ý với Philippines là các đảo và mõm đá trong vùng Trường Sa không có EEZ và thềm lục địa, và tối đa chỉ có 12 hải lý lãnh hải thôi. Trong vùng Trường Sa chỉ có Philippines là có EEZ 200 hải lý và có thềm lục địa.
Tuy nhiên Việt Nam đã yêu cầu tòa ITLOS để ý đến chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa; và yêu cầu này nằm ngoài thẩm quyền của Tòa án này. Tòa ITLOS chỉ có thẩm quyền đối với những gì dưới mặt nước như EEZ, thềm lục địa, đá ngầm cũng như chỉ có thể giải thích thế nào là đảo, là mõm đá, và đá ngầm, v.v., theo định nghĩa của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên các đảo và mõm đá của Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc thẩm quyền của Tòa án Quốc tế (International Court of Justice).
RFI : Thủ tục tham vấn các bên (Consulting with the Parties) về bản tuyên bố của Việt Nam thực chất là gì ?
Ngô Vĩnh Long : Thủ tục của Tòa án Trọng tài về tham vấn với các bên về tuyên bố của Việt Nam là để cho các nước liên quan (tức Philippines và Trung Quốc) có thời gian nghiên cứu các đòi hỏi của Việt Nam và trả lời với đầy đủ chi tiết để giúp Tòa trong việc phán quyết.
Philippines sẽ có đến ngày 15/03/2015 để nạp những ý kiến bổ túc; và Trung Quốc sẽ có đến ngày 16/06/2015 để nghiên cứu và trả lời những phân tích và ý kiến mới của Philippines và Việt Nam.
RFI : Việt Nam có thể được lợi gì khi can dự vào vụ kiện theo cách này ?
Ngô Vĩnh Long : Trước hết, nếu Tòa án Trọng tài phán quyết “đường lưỡi bò” phi pháp thì Việt Nam là nước có lãnh hải, thềm lục địa, và EEZ dài nhất trong khu vực Biển Đông sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
Thứ hai là nếu Tòa án Trọng Tài giải thích là tất cả Trường Sa không có điều kiện sinh thái tự nhiên để cho con người có thể tự sinh sống và, do đó, chỉ có tối đa là 12 hải lý lãnh hải thì việc này sẽ giảm rất nhiều căng thẳng cho Việt Nam đối với các nước khác trong khu vực. Có một vài đảo và mõm đá có thể cách nhau dưới 12 hải lý và cần được phân định qua đàm phán giữa Việt Nam và Philippines.
Nếu Việt Nam đồng ý là không có đảo nào được trên 12 hải lý lãnh hải, thì Việt Nam cũng có thể yêu cầu Tòa án Trọng tài nhân dịp này mà cho ý kiến luôn về những đảo ở Hoàng Sa.
Tiền lệ được thiết lập trong vụ kiện này cũng có thể giúp Việt Nam tranh đấu với Trung Quốc, cũng như lập hồ sơ kiện Trung Quốc sau này về chủ quyền lãnh thổ ở Trường Sa và Hoàng Sa ở International Court of Justice.
RFI : Giáo sư có thấy bất ngờ về quyết định của Việt Nam can dự vào vụ kiện Trung Quốc của Philippines hay không ?
Ngô Vĩnh Long : Tôi tưởng Việt Nam đã có thể can dự sớm hơn rất nhiều. Tôi ngạc nhiên là Việt Nam đã chờ đến phút chót mới đưa ra tuyên bố. Mà trong tuyên bố này lại vẫn tiếp tục khẩu hiệu « Việt Nam có tất cả chứng cứ lịch sử cũng như nền tảng pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa ». Nói như thế là thừa trong dịp này.
Tuy không tham gia việc kiện, Việt Nam đáng lý ra có thể ủng hộ lập trường của Philippine một cách khẳng khái hơn.
RFI : Có ý kiến cho rằng Việt Nam nhát gan, vẫn còn sợ Trung Quốc nên không dám kiện thẳng, mà phải đi đường vòng ?
Ngô Vĩnh Long : Khó có thể biết là trong nội bộ Việt Nam có phải đa số nhát gan hay sợ Trung Quốc không. Có thể đã có tranh luận sôi nổi và có ý kiến là nên đi từng bước cho chắc. Có khi con đường ngắn nhất giữa hai điểm lại là đường vòng.
Kịch bản tung hứng giữa Việt Nam và Philippines để chống Trung Quốc
Một ví dụ là có thể Việt Nam đã cố tình chơi cái trò “tung hứng” mà trẻ con thường chơi. Việt Nam để cho Philippines tung ra việc kiện đường lưỡi bò và nói rằng 7 cái đảo và mõm đá mà Trung Quốc đã chiếm đều nằm trong vùng EEZ và trên thềm lục địa của Philippines.
Việt Nam hứng, nói là đồng ý với lập luận của Philippines đối với đường lưỡi bò, nhưng cùng lúc tung lại cái chiêu là những đảo và mõm đá của Việt Nam trong đường lưỡi bò nhưng không trong thềm lục địa của Philippines thì sao ?
Philippines hứng chiêu này và, với sự đồng ý của Tòa án Trọng tài Thường trực, sẽ phải giải thích thêm. Có thể Philippines sẽ nói rằng lập trường của Philippines từ đầu là kể cả đảo lớn nhất trong vùng Trường Sa như Itu Aba (Ba Bình) – mà Đài Loan đã chiếm và đã xây dựng thêm – cũng là một đảo chỉ có 0,5 km2 và tự nhiên không thể để cho con người sinh sống được. Do đó, theo Philippines, đảo này và tất cả các đảo và mõm đá trong vùng Trường Sa không có thể có hơn 12 hải lý lãnh hải.
Tòa có thể đồng ý về việc này và như thế cả Philippines và Việt Nam đều thắng lớn.
Nếu không, thì trong tương lai Việt Nam vẫn có thể có cớ để đem ra Tòa án Quốc tế đòi phân định tất cả các đảo trong vùng Trường Sa và Hoàng Sa và kiện Trung Quốc đã đánh chiếm và gây cho bao người Việt Nam bị thiệt mạng.
RFI : Có thể xem đấy là hệ quả trực tiếp của hành động hung hãn quá đáng của Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD-981 ?
Ngô Vĩnh Long : Đúng là sự hung hãn của Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD-981 và việc gây rối sau đó một phần là để đánh vào ý chí của một số người ở Việt Nam. Nhưng nhiều người Việt Nam rõ ràng đã không phải vì thế mà nhụt chí.
RFI : Phản ứng có thể có của Trung Quốc ?
Ngô Vĩnh Long : Trung Quốc sẽ tiếp tục tránh né bằng cách nói rằng Tòa án Trọng tài không có thẩm quyền phân định chủ quyền lãnh thổ trên các đảo vùng Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc sẽ tiếp tục viện cớ là năm 2006 Trung Quốc đã tuyên bố sử dụng biệt lệ không chấp nhận quyền tài phán bó buộc nói trong UNCLOS về tranh chấp biên giới biển và vịnh lịch sử. Trung Quốc sẽ tiếp tục xây cất trên hai vùng đảo này để chứng minh chủ quyền.
Trung Quốc không thể chứng tỏ mình là côn đồ quốc tế
Nhưng có xây cách mấy thì rồi Trung Quốc cũng không thể thiết lập chủ quyền trên các đảo và mõm đá này, cũng như không thể tạo ra lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các mỏm đá và đá ngầm đó.
Đây không phải là việc phân định biên giới biển hay vịnh lịch sử vì Trung Quốc cách xa Trường Sa và Philippines hàng ngàn dặm cho nên không thể nào có việc tranh chấp trùng lắp biên giới biển và vùng đặc quyền kinh tế.
Qua vụ kiện của Philippines, Tòa án Trọng tài sẽ phải đưa ra những phán quyết cho biết rằng Trung Quốc đã và đang phạm rất nhiều điều khoản của UNCLOS. Trung Quốc không thể thoát khỏi các nghĩa vụ pháp lý mà chính Trung Quốc đã ký kết với thế giới, trừ phi Trung Quốc muốn chứng tỏ mình là tên côn đồ quốc tế, bất chấp lẽ phải và luật pháp.
0 comments:
Post a Comment