Vi Anh
Ai bảo Giáng Sinh, Tết là sướng? Giáng Sinh, Tết cũng khổ lắm chớ. Nỗi
khổ Giáng Sinh, Tết là mua sắm quà tặng, thiệp chúc mừng. Vét túi tìm
mua quà thích hợp để tặng, vắt óc nhớ tên để đề và gởi thiệp, lo gởi
đúng hạn kỳ của bưu điện, sợ thiệp trễ, lạc mất lòng cấp trên, bè bạn
nhờ cậy. Nhưng cũng thừa biết số phận quà tặng của mình phần lớn bị
quăng vào thùng rác, chỉ tội cho nhân viên bưu điện và nhân viên vệ sinh
tất tả ngược xuôi chuyển đi và dọn dẹp. Có mấy ai nhớ năm rồi bạn đã
tặng gì cho mình và mình đã tặng gì cho bạn. Nhưng vẫn khổ và vẫn nhớ số
tiền mua sấm Giáng Sinh, Tết chăn đèn kết hoa, là một số tiền không nhỏ
của ngân sách gia đình.
Chỉ sướng cho những chủ nhân ông các công ty sản xuất và buôn bán đồ
Giáng Sinh, Tết vừa là tác nhân vừa là nguyên nhân của chủ nghĩa tiêu
thụ, biến người lớn thành con vật tiêu thụ, làm trẻ em hiểu lầm về an
lạc cuộc đời, tình thương và hạnh phúc chân chính, mà Giáng Sinh là biểu
tượng của “bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
Nếu những nhạc sĩ của Ban AVT của Việt Nam còn, chắc Giáng Sinh và
Năm Mới của Tây Phương sẽ là đề tài để ban nhạc này than mạnh hơn nữa so
với lời than về Tết Việt Nam: “Tết nhứt làm chi, Tết nhứt làm chi, ai
bày. Mua quần mua áo lại đi chạy tiền.” Nếu không đủ tiền tiết kiệm suốt
năm để lo Tết thì phải chạy tiền, hốt hụi, vay mượn, dùng thẻ tín dụng
xài trước trả sau, tiền lời cao, lỡ quên hạn định trả, thì mắc nợ tiền
lời tăng trả mệt nghỉ. Để mua sắm đủ thứ trên đời từ quần áo đến quà cáp
cho gia đình, sửa sang cho nhà cửa, lì xì cho trẻ em. Ở các nước Tây
Phương, Tây Âu, Bắc Mỹ mà người Việt định cư nhiều, nào Giáng Sinh, Tết
Dương Lịch rồi Tết Âm lịch ba mặt giáp công người Việt định cư trong
lòng văn hoá Tây Phương phải lo mua săm càng nhiều hơn, lớn hơn, tốn kém
hơn.
Thực vậy, nhớ Đức Giáo Hoàng Benedict XVI của Giáo Hội Công Giáo La
Mã cũng từng than phiền về chủ nghĩa tiêu thụ đã biến Giáng Sinh thành
mùa mua sắm. Khi mùa mua sắm Giáng Sinh năm Đức Giáo Hoàng nói bắt đầu,
trước công trường và dưới Tượng Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm, trước hàng ngàn
du khách tứ phương và dân Ý địa phương, ngày 8 tháng 12 Đức Giáo Hoàng
Benedict XVI kêu gọi lớp trẻ hãy đề cao cảnh giác trước chủ nghĩa tiêu
thụ. Ngài nói thanh niên, thanh nữ dù tuổi con rất trẻ đang đứng trước
nguy cơ bị người lớn lừa gạt bằng những kiểu hạnh phúc sai lầm và bị
hướng dẫn vào “những con đường cùng của chủ nghĩa tiêu thụ” (the
dead-end streets of consumerism). Thông tấn xã Mỹ AP trích lời Ngài loan
tải khắp thế giới. Ngài nói tiếp, “người lớn và lớp trẻ và ngay đối với
trẻ thơ dễ trở thành nạn nhân của sự hủ hóa của tình thương, bị những
người lớn không ngần ngại gì trong việc tự lừa dối họ và lừa dối lớp
trẻ, đưa lớp trẻ vào ngõ cụt của chủ nghĩa tiêu thụ”. Ngài than phiền,
“Ngay đối với một thực thế đáng quí trọng, như thân thể con người mà vẫn
trở thành món hàng tiêu thụ – và điều đó xảy ra rất sớm, đã xảy ra
trong thời kỳ tiền tráng niên.” Ngài muốn ám chỉ đến thời trang mới đây
khai thác sự hấp dẫn, khêu gợi của thân thể con người trẻ. “Đáng buồn
làm sao khi lớp trẻ mất cái kỳ diệu, vui thích của những cảm nghĩ đẹp
nhứt, là việc tôn trọng thân thể của chính mình.”
Tưởng cũng nên nhớ vị tiền nhiệm của Ngài là Cố Giáo Hoàng John Paul
II, đã nhiều lần bày tỏ mối ưu tư về sự quyến rũ của chủ nghĩa tiêu thụ.
Tòa Thánh Vatican cũng lên án sự khai thác tình dục đôi với trẻ vị
thành niên.
Giáng Sinh thoạt kỳ thủy là một lễ hội của Ky Tô Giáo. Người đứng đầu
Giáo Hội Công Giáo La Mã mà đã phủ nhận việc xem Giáng Sinh như là mùa
mua sắm, tặng quà mà chủ nghĩa tiêu thụ của thời hiện đại đã biến Giáng
Sinh thành mùa mua sắm. Cuộc cách mạng cơ khí, kỹ nghệ của Tây Phương đã
đem lối sống Tây Phương đến nhiều nơi trên thế giới. Giáng Sinh bây giờ
đã trở thành một lễ hội của dân gian trên thế giới. Người không theo Ky
tô giáo cũng ăn lễ Giáng Sinh, Noel, Christmas (Xmas). Mua sắm trong
mùa Giáng Sinh trở thành thời trang mùa màng. Cái mode này được chủ
nghĩa tiêu thụ biện minh và tăng lực. Một đồng Đô la một ngày qua tay ba
người có giá trị kinh tế là 3 đồng. Người giàu thì mua sắm Giáng Sinh
không sao, tốn kém không đáng kể. Nhưng người nghèo, không có tiền mua
sắm Giáng Sinh, Tết là một nỗi khổ với gia đình, một nỗi nhục với chòm
xóm, như người nghèo Việt Nam không may áo mới được cho con trong ngày
Tết vậy. Vì vậy các tổ chức tư thiện, các tôn giáo, và các chính khách
thường tổ chức uỷ lạo nhưng người kém may mắn trong dịp này.
Ngoài Giáng Sinh, người Việt trong ngoài nước đang bị một cái mode
mới khác lôi cuốn. Đó là ngày sinh nhựt. Người Việt không có phong tục
“ăn sinh nhựt”, mà chỉ có lệ lấy ngày chết làm đám giỗ thôi. Nhưng văn
minh Tây Phương, lối sống Âu Mỹ đã làm cho nhiều người Việt ”ăn Giáng
Sinh và ăn Sinh nhật” còn hơn Tây và Mỹ nữa. Mua sắm đồ hay quà Giáng
Sinh, Sinh Nhật phải “hàng nhập, đồ hiệu, loại xịn”. Thay vì tề tựu
trong gia đình, đi nhà thờ xem lễ, lớp trẻ Việt Nam trong nước “bung ra
đường” đua xe chết sống, vô quán “nhậu mút mùa lệ thủy, quậy mút chỉ,
nhậu xả láng sáng về sớm.” Chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa hưởng thụ,
hưởng lạc đã biến những người này thành những con vật tiêu thụ, hưởng
thụ, mua sắm vung tay quá trán, yêu cuồng sống vội chẳng cần biết ý
nghĩa đích thực của Giáng Sinh và Sinh Nhựt. Họ đùa giỡn, cười cợt trên
cái nghèo, cái khổ của những người chung quanh, đại đa số một người dân
Việt trung bình một ngày kiếm chưa được 2 Đô la Mỹ./.
0 comments:
Post a Comment