Tuesday, December 30, 2014

Tình hình người Thượng ở Việt Nam vẫn vô vọng: luật sư nhân quyền

Việt Hà, phóng viên RFA2014-12-29



Liên Hiệp Quốc đang đàm phán đưa nhóm 13 người Thượng về thủ đô Phnom Penh để nộp hồ sơ xin tỵ nạn ngày 20/12/2014. (Photo Quốc Việt, RFA)
Những thông tin mới đây về nhóm 13 người Thượng ở Tây Nguyên trốn sang Campuchia và được Liên hiệp quốc bảo lãnh đã làm dấy lên mối quan tâm về tình hình người Thượng tại Việt Nam. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến việc nguyên nhân họ phải bỏ trốn và thời gian mà họ phải chờ đợi để có sự quan tâm của quốc tế đối với tình trạng của mình. Để tìm hiểu vấn đề này, Việt Hà phỏng vấn nhà hoạt động nhân quyền cho người Thượng, luật sư Scott Johnson ở Australia. Trước hết nói về thông tin những người Thượng bỏ trốn sang Campuchia gần đây, luật sư Scott Johnson cho biết:
Scott Johnson: đây là điển hình của những việc mà chính phủ Việt Nam và Campuchia đã làm trong nhiều năm qua kể từ năm 2001, khi xảy ra một vụ biểu tình lớn ở Việt Nam của người Thượng, và người Thượng phải bỏ trốn. Cho nên nếu nhìn lại lịch sử nhiều năm qua thì những gì đây là những gì đã diễn ra vẫn đang diễn ra, bao gồm sự đàn áp tôn giáo, các nhóm thờ phượng tại nhà, các nhóm đạo thiên chúa tại nhà bị đàn áp ngay ở Việt Nam, và những người dân ở đó cứ phải liên tục chạy sang Campuchia trong nhiều năm, và tình hình không hề thay đổi. Cho nên tôi có thể nói tình hình là rất xấu và điều này chỉ cho thấy sự vô vọng của tình hình người Thượng. Liên Hiệp Quốc, chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Campuchia và Việt Nam, cả liên minh châu Âu nữa, thực sự vẫn chưa giải quyết được cái gì.
Việt Hà: Theo thông tin mà đài Á châu Tự do có thì phía công an Việt Nam có trao cho Campuchia danh sách 16 người Thượng bỏ trốn và yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên đã có 13 người được Liên Hiệp Quốc bảo lãnh và chúng ta không biết chắc điều gì xảy ra với 3 người còn lại. Theo ông thì từ khi ông theo dõi tình hình người Thượng đến nay, số người bỏ trốn sang Campuchia và được định cư an toàn ở nước thứ 3 chiếm bao nhiêu phần trăm trong số người bỏ trốn qua ngả này?
Scott Johnson: kể từ thời điểm của vụ biểu tình lớn ở Việt Nam do người Thượng thực hiện cho đến nay đã có hàng trăm nếu không muốn nói là hàng ngàn người Thượng tìm cách trốn khỏi Việt Nam. Trong thời gian đó, chúng tôi chứng kiến nhiều người bị bắt và bị trả về Việt Nam. Tôi nhớ là đã đến Campuchia, đến các trại tị nạn. Tôi trực tiếp có mặt tại các trung tâm người tị nạn ở Phnompenh nơi có hàng trăm người Thượng, tôi đã phỏng vấn nhiều người trong số họ. Tất cả đều nói về những truy bức, tra tấn, đe dọa bởi công an Việt Nam. Rất nhiều người trong số họ đã phải bỏ trốn cùng gia đình mình. Liên Hiệp quốc có hàng trăm người như vậy trong quá khứ và giờ vẫn vậy. Chúng tôi cũng biết là cảnh sát Campuchia đã truy tìm những người Thượng và bắt giữ họ, bán họ để lấy tiền chuộc. Họ bán lại cho phía Việt Nam để lấy tiền. Tôi nhớ nói chuyện với một cảnh sát Campuchia lúc đó và biết được là mỗi người Thượng đưa trả về Việt Nam, Campuchia được nhận 60 đô la Mỹ, cho nên chúng tôi biết tình hình rất tồi tệ và thêm vào là tham nhũng. Ngoài ra Việt Nam cũng có ảnh hưởng rất mạnh lên Campuchia. Việt Nam muốn nhận lấy những người tù đó và tôi chắc chắn là họ sẽ đối xử rất tàn tệ với những người bị trả lại. Human rights Watch đã ghi nhận nhiều trường hợp bị chết khi đang bị giam giữ. Chúng tôi đã nói chuyện với những người chứng kiến, những người đã may mắn sống sót và biết được là công an Việt Nam thường xuyên đánh đập những người tù này và gây ra những thương tổn trong nội tạng rồi sau đó thả họ về, sau đó họ sẽ chết ở trong cộng đồng. Công an sau đó có thể phủi tay khỏi trách nhiệm.  Nhưng nhiều người vẫn chết khi bị giam giữ và chúng ta có thể thấy các bằng chứng trong báo cáo của Human Rights Watch.  Tôi không có một con số cụ thể nhưng tôi có thể biết là rất khó để có được con số cụ thể vì ngay cả trại tị nạn của UN cũng bị sức ép, họ đã từng bị cảnh sát Campuchia lục soát. Chỉ có một phần trăm rất nhỏ có thể chạy thoát theo con đường này vì có rất nhiều cảnh sát và lực lượng an ninh của Campuchia và Việt nam ở Campuchia. Campuchia hợp tác với Việt Nam để kiểm soát chặt đường biên giới cho nên rất khó cho người chạy thoát vì vậy người nào chạy vào rừng thì cũng khó và nếu họ bị bắt thì ai biết được điều gì sẽ xảy ra với họ? cho nên tôi nghĩ là chỉ có một phần trăm rất nhỏ có thể thoát và theo tôi UN nên nỗ lực hơn nữa trong những gì họ đang làm.
Việt Hà: ông có nói là Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ đã không thể làm gì để giải quyết vấn đề người Thượng trong nhiều năm nhưng lần này trong số 16 người thì đã có 13 người được can thiệp, theo ông thì nguyên nhân nào khiến họ làm được điều này?
Scott Johnson: vấn đề này đã tồn tại từ năm 2001 và tôi nghĩ đã có hơn 1000 người Thượng đã chạy thoát và được định cư ở Mỹ trong quá khứ. Đột ngột bây giờ chúng ta thấy những gì vừa diễn ra thì tôi chỉ đoán là có ai đó đã gây sức ép nhưng đó chỉ là đoán mà thôi, tôi không biết nguyên nhân thực sự. Nhưng điều mà tôi biết khi tôi nghe tin này là thực sự chẳng có gì thay đổi ở Việt Nam hay ở Campuchia.
Việt Hà: ông cũng nói rằng Hoa Kỳ, liên minh châu Âu, Liên Hiệp  Quốc đã không giải quyết thấu đáo vấn đề người Thượng trong nhiều năm qua, tại sao như vậy?
Scott Johnson: chúng ta hãy nhìn vào từng tổ chức một cách độc lập. Bộ ngoại giao Mỹ là một ví dụ. Chính sách của Mỹ là cố gắng làm việc với Việt Nam trong nhiều năm, cố gắng đưa Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc và lại gần Mỹ hơn. Đó là vấn đề về địa chính trị. Cho nên họ sẽ kiềm chế vấn đề nhân quyền. Họ sẽ không để nhân quyền lấn lướt các thỏa thuận thương mại hay cản trở các hiệp ước hay cản trở việc họ muốn kiềm chế Trung Quốc. Chúng ta có thể nhìn thấy bằng chứng rõ ràng là Ủy ban tự do Tôn giáo của Mỹ đã khuyến cáo hàng năm là Việt Nam nên được đưa vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC), nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từ chối…. Nếu so sánh báo cáo của Ủy ban tự do tôn giáo với báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chúng ta thấy có sự khác biệt. Một báo cáo tìm cách tẩy rửa những vấn đề nhân quyền để đưa Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc trong khi báo cáo kia thì nói Việt Nam không có tự do tôn giáo và Mỹ cần phải có hành động. Điều này cũng tương tự như với Liên Minh châu Âu. EU cũng không có một chính sách ngoại giao thống nhất, và nó không hiệu quả. Họ cũng không để vấn để vấn đề này can thiệp vào các thỏa thuận thương mại. Còn với UN, họ chỉ quanh quẩn. Rất nhiều lần chúng tôi tiếp cận UN, đưa họ thông tin nhưng chúng tôi không nhận được phản hồi và họ chẳng làm gì. Tôi có thể nói là họ không quan tâm…. Vấn đề của người Thượng bị đẩy sang bên nhường chỗ cho các quyền lợi khác của các cường quốc.
Việt Hà: ông có hy vọng gì vào tình hình người Thượng ở Việt nam trong tương lai nhất là sau khi Việt nam được bầu vào hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc?
Scott Johnson: dựa vào lịch sử cách mà chính phủ Việt Nam đối xử với những người sắc tộc thiểu số, tôi có thể nói là người Thượng ở Việt Nam không có nhiều hy vọng. Dựa vào lịch sử của nhà nước cộng sản Việt Nam cho đến giờ tôi không có mấy hy vọng vào tự do thực sự. Nó không thể sớm xảy ra trừ khi có một sự thay đổi như loại bỏ những quan chức tham nhũng, mang lại dân chủ thực sự. Nhìn vào lịch sử 15 năm qua, tôi thấy không có gì thay đổi, người Thượng vẫn bị truy bức và phải trốn sang Campuchia và bị cảnh sát Campuchia bắt lại, bán cho phía Việt Nam. Nó vẫn diễn ra trong suốt hơn 10 năm qua và tôi không có hy vọng gì.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn

0 comments:

Powered By Blogger