Những ngày cuối năm 2014 ở Việt Nam chỉ thấy lan tràn những lời Lãnh
đạo nhắc Quân đội và Công an phải tuyệt đối trung thành và chịu lãnh đạo
toàn diện của đảng để chống “diễn biến hòa bình”, chống phá “các thế lực thù địch”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và ngăn chặn việc “hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.”
Nhưng cũng có biến chứng lạ dòng chói tai đã hết lời ca tụng sự giúp đỡ
của Trung Cộng mà không dám nói đến tội ác của Bắc Kinh đã gây ra cho
nhân dân Việt Nam trong 2 cuộc chiến ở biên giới phía Bắc (1979 – 1989)
và Tây Nam (1978) vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội.
Mở đầu cho lệnh “mọi quyền lãnh đạo quân đội luôn thuộc về Đảng” và “chỉ
có Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức duy nhất lãnh đạo Quân đội Nhân
dân Việt Nam. Sự lãnh đạo quân đội không thể phân chia cho bất kỳ một cá
nhân nào, một lực lượng chính trị nào khác” đến từ Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng ngày 18/12/2014.
Nhưng tại sao ông Trọng lại phải nói ra điều bất thường này vào lúc đảng
chuẩn bị Đại hội các cấp Đảng bộ tiến tới Đại hội đảng khóa XII vào
đầu năm 2016?
Lý do vì từ 2 năm nay, nhiều thành phần đảng viên, kể cả những lão thành
cách mạng, trí thức và cựu Sĩ quan đã gửi Thư và Kiến nghị chỉ trích
Lãnh đạo tiếp tục lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin lạc hậu làm nền tảng xây dựng
đất nước.
Nhóm 61 Trí thức (trong thư ngày 28 tháng 07 năm 2014), đứng đầu bởi
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, vào Đảng năm 1939, nguyên Ủy viên dự
khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng khóa III, nguyên Đại sứ Đặc mệnh
toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, và 20 Sĩ quan (trong Kiến nghị ngày
02 tháng 09 năm 2014), do Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục
Tác chiến Bộ Tổng Tham Mưu cầm đầu đã lên án việc Đảng sử dụng Lực lượng
võ trang mà Quân đội và Công an là nồng cốt để đàn áp nhân dân đòi công
bằng, dân chủ, tự do, chống chủ trương chiếm biển đảo Việt Nam của
Trung Cộng nhưng đảng lại lơ là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trước “mưu đồ
biến Việt Nam thành “chư hầu kiểu mới” của Bắc Kinh.
Nhóm 61 Trí thức kêu gọi: "Với trách nhiệm và vị thế của mình, ĐCSVN
tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây
dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ,
trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một
cách kiên quyết nhưng ôn hòa.”
Trong khi đó 20 cựu Sĩ quan đòi hỏi: “Là người chủ và người bảo vệ
đất nước, Nhân dân và lực lượng vũ trang phải được biết chính xác hoàn
cảnh thực tế của Quốc gia. Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ ràng với
Nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan
đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng
lớn đến an ninh và chủ quyền của Quốc gia.”
Phản ứng gay gắt
Trước đòi hỏi bất ngờ và quyết liệt của nhiều thành phần có úy tín trong
đảng và quân đội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Cục chính trị Quân đội
đã phối hợp tung ra nhiều bài viết phản bác để bảo vệ quan điểm đảng
phải tiếp tục lãnh đạo toàn diện quân đội, công an và toàn xã hội.
Một trong số lập luận gay gắt nhất đã phản ảnh trong bài viết "Cảnh giác với những quan điểm sai trái lợi dụng “Dân chủ, nhân quyền” chống phá cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng" của Tác giả Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân, ngày 11/12/2014 trên báo điện tử đảng CSVN.
Ông Chuân viết: “Thời gian gần đây, các thế lực thù địch đã và đang
tăng cường chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và
quyết liệt. Cùng với các hoạt động phá hoại vào nền tảng tư tưởng, Cương
lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Việt Nam,
trên các phương diện khác, chúng đặc biệt chú trọng lợi dụng các trang
mạng xã hội để tiến công ta.”
Tác giả không nêu đích danh nhóm nào nhưng viết tiếp rằng: "Dưới
những chiêu bài "dân chủ, nhân quyền”, một số người tự xưng mình là
những người có "sứ mệnh", một số người tự xưng là “trung thành “ với
đảng, đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền” Việt Nam. Vậy thực chất quan
điểm chính trị của họ là gì? Họ thường xuyên đăng tải những thông tin
sai trái, thù địch, bịa đặt lợi dụng vấn đề "dân chủ, nhân quyền" nhằm
nói xấu chế độ, chống phá nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của
Đảng, Pháp luật của Nhà nước ở Việt Nam.
Âm mưu và sự chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của các thế lực thù địch thông qua
chiến lược “diễn biến hòa bình” (DBHB) suy cho cùng hòng làm cho tình
hình chính trị ở Việt Nam mất ổn định.”
Để hậu thuẫn cho những cáo buộc không cần bằng chứng của mình, ông Trần
Nam Chuân không ngần ngại vẽ ra nhiều âm mưu xấu để “phun nọc độc” vào
đội ngũ những người đối lập với Đảng: “Chúng tác động vào nhận thức,
tư tưởng, tình cảm của một bộ phận nhân dân, với nhiều chiêu bài, như
“hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc khiếu kiện”; “hỗ trợ nhân đạo kèm
theo những điều kiện bắt buộc như tham gia hội, nhóm, tham gia tọa đàm,
hội thảo...”; “kích động những người bất mãn với xã hội viết bài xuyên
tạc, bôi nhọ cán bộ, công kích cấp ủy, chính quyền địa phương với mức
trả thù lao rất cao.”
Nhưng ông này không ngừng ở đây mà còn tìm cách che đậy biến chứng “tự
diễn biến” và “tự chuyển hóa” đang lan rộng trong một bộ phận không nhỏ
cán bộ, đảng viên đã mất niềm tin vào đảng.
Ông Chuân cho biết: “Ngoài ra, các thế lực thù địch lợi dụng việc
nhận thức hạn chế của một bộ phận nhân dân, kích động, gây bức xúc, hoặc
lợi dụng sự bức xúc trong đời sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên;
dùng các thủ đoạn tác động vào lợi ích trước mắt để mua chuộc lòng tham
của con người, hòng đạt tới mục tiêu gây ra sự bất ổn về chính trị, gây
sự hoài nghi về vị trí, vai trò, khả năng lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng
sản Việt Nam, từng bước hạ thấp vai trò của Đảng, phủ nhận lịch sử; tiến
đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội, từ đó làm
thay đổi chế độ chính trị, nhằm tạo ra cơ hội chính trị và lợi ích cho
chính bản thân họ mà không hề mang lại lợi ích gì dù là nhỏ nhất cho
tuyệt đại bộ phận các tầng lớp nhân dân trong xã hội.”
Nhưng liệu những lời hù họa này có che dấu được nỗi lo ngại đảng đang
gặp khó khăn vì chính ông Chuân đã cảnh giác: “Các thế lực thù địch cấu
kết với bọn phản động trong nước và nước ngoài tăng cường các hoạt động
chống phá nước ta bằng chiến lược “DBHB” (diễn biến hòa bình) với những
thủ đoạn, hình thức mới hết sức thâm độc, nguy hiểm.”
Tư tưởng lung lay
Nhưng “diễn biến hòa bình” không phải là chứng bệnh nhập cảng như các dư
luận viên của đảng vẫn rêu rao mà nó là căn bệnh phát ra từ trong nội
bộ đảng, ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, quân đội và công an.
Bởi vì Tổng cục Chính trị quân đội đã chỉ đạo tăng cường công tác tư
tưởng trong toàn quân vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội
nhân dân 22/12.
Một bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 16/12/2014 của Trung tướng
Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính
trị cho biết: "Trong những năm tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản,
tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường,
tác động đen xen ảnh hưởng đến tình hình tư tưởng và công tác tư tưởng
trong quân đội. Tình hình trên đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu ngày
càng cao, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng CTĐ, CTCT
(công tác Đảng, công tác chính trị) nói chung, công tác tư tưởng nói
riêng.”
Ông Phấn đã lưu ý các đơn vị Quân đội rằng: “Công tác tư tưởng phải
luôn giữ vững định hướng chính trị, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; chủ động, nhạy bén,
bám sát đặc điểm tình hình nhiệm vụ, diễn biến tư tưởng của bộ đội… Tăng
cường giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà
nước. Giáo dục tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ QS, QP, nhiệm vụ
của quân đội, của đơn vị; giáo dục làm rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn
của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam.”
Đây chính là lý do tại sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đòi đảng phải là
lực lượng duy nhất và độc quyền lãnh đạo để bảo vệ chế độ tiếp tục theo
Chủ nghĩa Cộng sản.
Nhưng liệu người lính Việt Nam có còn là những con cừu ngây thơ trước tình hình có vẻ như Quân đội cũng đang rạn nứt?
Tướng Phấn đã hé lộ vết nẻ này khi chỉ đạo phải theo dõi tư tưởng từng người lính. Ông nói: “Các
cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện tốt nội dung, yêu cầu các khâu,
các bước của công tác quản lý tư tưởng ở đơn vị cơ sở, bảo đảm nắm chắc
tình hình, diễn biến tư tưởng của bộ đội… toàn quân đẩy mạnh đấu tranh
chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, chủ động,
tích cực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ông còn ra lệnh cho các đơn vị phải: “Đẩy mạnh đấu tranh tư tưởng-lý
luận, phê phán những quan điểm, tư tưởng sai trái, luận điệu xuyên tạc
của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị, góp
phần bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích
cực, chủ động phòng ngừa, khắc phục, kiên quyết đấu tranh với những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội, lấy phòng
ngừa, tự bảo vệ là chính…. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu,
hoạt động của các thế lực thù địch nhằm thực hiện “phi chính trị hóa”
quân đội, chia rẽ Đảng, Nhà nước với quân đội và nhân dân; kịp thời phát
hiện, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống...”
Ghi công Trung cộng
Nhưng tại sao lãnh đạo Đảng và Quân đội lại có những hành động làm nhụt
chí chiến đấu của bộ đội khi không dám có hành động tích cực chống lại
kế hoạch chiếm đóng biển đảo Việt Nam của Trung Cộng ở Biển Đông?
Lập luận của Lãnh đạo là sử dụng các biện pháp hòa bình để đấu tranh với
Trung Cộng, nhưng Bắc Kinh đã hành động để chiếm chủ quyền biển đảo ở
Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” với Bắc Kinh của Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được Trung Cộng đáp trả bằng hành động mở rộng
các bãi đá và đảo chiếm của Việt Nam ở Trường Sa thành các căn cứ quân
sự kiên cố, bến cảng và sân bay để chiếm tài nguyên và đe dọa an ninh
trực tiếp với Việt Nam.
Càng ngạc nhiên hơn, vào đúng ngày kỷ niệm 70 năm của Quân đội 22/12/2014, báo Quân đội Nhân dân đã đăng bài viết “Dấu ấn sâu đậm của tình hữu nghị Việt – Trung” của Lê Nguyên An để ghi công giúp đỡ của Trung Cộng trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Tác giả Lê Nguyên An mở đầu bài viết như thế này: “Trong sự nghiệp
đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ
Chí Minh, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã phát triển từ không đến
có, từ nhỏ đến lớn, từng bước đánh bại kẻ thù xâm lược có sức mạnh hơn
mình gấp nhiều lần, viết nên truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng”,
trở thành Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Có nhiều nhân
tố góp phần vào sự lớn mạnh và trưởng thành của QĐND Việt Nam, trong đó
sự ủng hộ, giúp đỡ từ Chính phủ, Quân đội và nhân dân Trung Quốc là một
dấu ấn quan trọng.”
Viết về vai trò của Trung Cộng trong trận Điện Biên Phủ, Tác giả kể: "Trong
Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần và ý chí quyết chiến quyết
thắng, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, quân-dân
Việt Nam đã giành thắng lợi vang dội. Góp phần vào thắng lợi to lớn đó,
nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc. Trung
Quốc đã chi viện cho chiến dịch 3.600 viên đạn pháo 105mm, là số đạn đi
theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953, chiếm 18%
tổng số đạn pháo sử dụng trong chiến dịch. Trong những ngày cuối chiến
dịch, Trung Quốc còn giúp thêm một tiểu đoàn ĐKZ 75mm và 12 dàn hỏa tiễn
(cachiusa) 6 nòng. Đây là hỏa lực mạnh nhất mà Việt Nam có được lúc bấy
giờ và kịp thời tham gia đợt tổng công kích cuối cùng diễn ra chiều
6-5-1954, phát huy tác dụng rất lớn cho trận đánh quyết định ở Điện Biên
Phủ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn cử đoàn cố vấn quân sự và chính trị sang
Việt Nam. Để giữ bí mật, đoàn cố vấn quân sự lấy tên là Đoàn công tác
Hoa Nam gồm 79 người do đồng chí Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn. Đây là
lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc cử một đoàn cố vấn quân sự ra nước
ngoài. Ngoài đoàn cố vấn quân sự, Trung Quốc còn cử đồng chí Trần Canh
(nguyên Phó tư lệnh cánh quân Tây Nam, Tư lệnh Quân khu Vân Nam) cùng
một số cán bộ quân sự, trực tiếp làm cố vấn trong một số chiến dịch của
QĐND Việt Nam.”
Vậy trong cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam Việt Nam thì Trung Cộng đã giúp bộ đội những gì? Lê Nguyên An kể tiếp: “Bước
sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ cuối năm 1954, đầu năm
1955, ngay khi miền Bắc vừa được giải phóng, nhân dân Việt Nam gặp khó
khăn về mọi mặt, Tổng hội Cứu tế Trung Quốc đã kịp thời gửi 10.000 tấn
gạo, 5 triệu thước vải cho nhân dân Việt Nam. Đó là nguồn động viên và
trực tiếp góp phần giúp nhân dân miền Bắc vượt qua những ngày đầu khó
khăn sau giải phóng.
Cùng với sự giúp đỡ về lương thực, phát huy tình đoàn kết trong cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung Quốc đã nhận đào tạo ngắn hạn và
dài hạn hàng nghìn học viên Việt Nam tại các cơ sở đào tạo của Trung
Quốc. QĐND Việt Nam còn nhận được một khối lượng vũ khí, đạn dược, trang
thiết bị kỹ thuật và hậu cần tương đối lớn từ Trung Quốc. Nguồn vũ khí,
trang thiết bị chiến tranh đó đã được khẩn trương bổ sung, trang bị cho
các đơn vị trong lực lượng vũ trang, góp phần phục vụ trực tiếp công
tác huấn luyện và nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của QĐND Việt
Nam.”
Tuy không nói gì đến số 320,000 quân lính Trung Cộng và cố vấn đã tham
chiến ở Việt Nam giúp miền Bắc xâm lược Việt Nam Cộng hòa từ 1960 đến
1975, nhưng Lê Nguyên An đã kết luận: “Sự ủng hộ, giúp đỡ của Quân
Giải phóng nhân dân Trung Quốc đối với QĐND Việt Nam đến nay vẫn là dấu
ấm sâu đậm của tình hữu nghị Việt-Trung. Đó cũng là tài sản quý giá cần
được gìn giữ, phát huy trong giai đoạn cách mạng mới.”
Cũng ngạc nhiên không thấy có bài viết nào ghi ơn Nga và các nước thuộc
khối Liên Xô cũ đã giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo đuổi chiến tranh ở
Nam Việt Nam, Lào và Cao Miên.
Như vậy, viết ra công lao của Trung Cộng nhưng lại cố tình tránh không
dám nói đến những thảm họa cực kỳ dã man mà quân Trung Cộng đã gây ra
cho nhân dân 6 tỉnh biên giới trong cuộc chiến kéo dài từ 1979 đến 1989,
và số lượng vũ khí, đạn dược của Bắc Kinh dành cho quân Khmer đỏ trong
chiến tranh chống Việt Nam và tàn sát hàng ngàn dân lành ở biên giới Tây
Nam năm 1978 là hành động không có từ nào lên án nhẹ hơn là “khiếp
nhược” của báo Quân đội Nhân dân trước tội ác không thể quên được của
Bắc Kinh.
Như vậy thì Quân đội CSVN có còn là của dân, do dân và vì dân nữa không,
hay đã theo lệnh đảng để nịnh hót Trung Cộng từ lời nói đến hành động?
Đối với lực lượng “Công an nhân dân” thì có khá hơn trong những ngày tháng cuối năm 2014?
Tuy không có những luận điệu gay gắt, cực kỳ bảo thủ nhưng Bộ trưởng
Công an, Đại tướng Trần Đại Quang cũng đã công khai kế hoạch hợp tác
chặt chẽ với Quân đội để bảo vệ quyền lãnh đạo của đảng và chủ nghĩa
Mác-Lênin.
Trong bài viết ngày 19/12/2014 nhân kỷ niệm 70 năm Quân đội, Đại tướng Công an Trần Đại Quang nói:
“Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập
quốc tế của đất nước, quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa Công an
nhân dân và Quân đội nhân dân trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được nâng lên tầm cao mới dưới sự lãnh đạo
tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng.”
Tướng Quang còn chỉ thị Công an phải: “Kịp thời phát hiện, đấu
tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động phá hoại nội bộ, chia rẽ
giữa Công an và Quân đội của các thế lực thù địch, phản động và
các phần tử xấu.”
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương (UVTW) Đảng, Phó Bí thư
Đảng ủy CATW, Thứ trưởng Thường trực còn nói ngày 21/12/2014: "Nhiệm
vụ công tác công an năm 2015, cần tập trung nắm chắc tình hình, chủ
động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động
chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội
phạm, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành tổ chức chính trị
đối lập trong nước, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình
huống.”
Đưa ra quyến định như thế thì rõ ràng cả cái lực lượng Công an thường phô trương là bạn dân cũng không còn là của dân nữa.
Như vậy là cả hai lực lượng bảo vệ an ninh nòng cốt của Quốc gia, Quân
đội và Công an, đã vượt khỏi tầm tay của nhân dân để biến thành công cụ
cho đảng độc tài sử dụng bảo vệ chế độ y hệt như bên Trung Cộng đang
làm. -/-
(12/014)
0 comments:
Post a Comment