JB Nguyễn Hữu Vinh
Nếu có ai hỏi những nhà tuyên huấn, những thầy cô giáo dạy chính trị ở Việt Nam câu hỏi: Con người là gì? Thì thay việc định nghĩa con người là gì, lập tức sẽ nhận được một câu trả lời dứt khoát: “Trong chế độ XHCN ưu việt, con người là vốn quý”.
Nhưng, con người có là vốn quý thật không thì thực tế lại khác. Những ví dụ về giá trị của con người Việt Nam ra sao, con người được tôn trọng như thế nào… thì chắc thực tế đã chứng minh một điều ngược lại: Con người rất rẻ rúng và do vậy, quyền con người chẳng mấy ý nghĩa, thậm chí nhiều khi chỉ là sự hài hước.
- “Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2013 xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.610 vụ, giảm 55 người chết và giảm 3.045 người bị thương”. Như vậy, dù con số đã giảm thì năm 2013 vẫn có gần 39 nghìn người thương vong do tai nạn giao thông.
Như vậy, xét về số lượng người thương vong, con số này cao hơn bất cứ cuộc chiến hiện đại nào gần đây. Nó cứ đều đều như vắt chanh diễn ra trên đất nước này.
- Tại TP.HCM, nạn cướp giật không phải là một hiện tượng mà trở thành một vấn nạn của đô thị. Bọn cướp giật tại TP.HCM không chỉ táo tợn mà còn rất liều lĩnh, khi thấy người dân sơ hở là liều mình ra tay. Tính chất côn đồ của những tên cướp giật tăng lên từng ngày, khiến cho nhiều người dân luôn phập phồng lo sợ mỗi khi đi ra đường”.
- Thử đánh lên mạng Google một câu tiếng Việt “Chết trong đồn công an”, chưa đầy nửa giây sau, chúng ta được 606.000 kết quả về những vụ việc công dân đến đồn Công an để “tự tử” để chết… mà hình như lịch sử mới có một vụ công an tra tấn, dùng nhục hình với công dân dẫn đến cái chết được đưa ra xét xử. Hài hước thay, ở vụ án đó thì luật sư bảo vệ nạn nhân đã bị cả ba bên “tam quyền nhất… lãnh đạo” đồng thanh có công văn yêu cầu không cho làm luật sư nữa.
Cũng trên các phương tiện thông tin đại chúng, gần đây, người ta thấy các quan chức Cộng sản cỡ lớn, chuyên phát biểu những lời đạo đức, tư cách, trí tuệ và hào sảng đang dần dần “lộ sáng” những tài sản khổng lồ mà nếu hỏi 100 người dân thì 101 người sẽ khẳng định đó là tài sản do ăn cắp và tham nhũng mà có. Thế nhưng hệ thống pháp luật bó tay trước những con người này, dù họ bằng xương, bằng thịt trên đất nước luôn hô hào “bình đẳng trước pháp luật” này. Thay vì pháp luật ra tay, họ được một cái gọi là Ban Kiểm tra Trung ương Đảng “xử lý đề nghị cảnh cáo” và… chấm hết. Hẳn nhiên là nó khác với vụ án giật hai chiếc mũ, 4 học sinh bị án tù.
Chỉ cần những thông tin trên, thế giới này chắc rất dễ hiểu con người nào ở Việt Nam là vốn quý, còn những con người nào ở Việt Nam là vốn nhưng không quý.
Đến những vụ án oan
Những vụ án kinh hoàng như Trần Thanh Chấn – ơn đảng, ơn chính phủ, mới ngồi tù có… chục năm – cho đến khi thủ phạm tự thú, thì người ta mới biết rằng hệ thống Công an tài giỏi nhất thế giới đã dùng nhục hình, tra tấn nhằm đẩy người dân đến chỗ chết.
Sau vụ đó, nhiều vụ án khác liên tiếp được công luận nêu lên, đơn kêu oan bay khắp tứ phương thiên hạ, tiếng kêu oan dậy đất.
Điển hình gần đây là vụ án Hồ Duy Hải đã phải đình chỉ việc giết chết ngày 4/12 vừa qua trước áp lực của dư luận.
Dư luận chưa dứt bởi mới chỉ là một sự tạm hoãn đối với Hồ Duy Hải ở miền Nam, thì lại chấn động với vụ án Nguyễn Văn Chưởng sắp được thi hành án tử hình.
Cha mẹ tử tội Nguyễn Văn Chưởng: Xin đừng giết con tôi
Có thể người đi đường sẽ không chú ý lắm đến những dòng người dân oan ngày ngày đang lũ lượt kéo nhau về Hà Nội, nhưng thời gian gần đây, những người dân đi qua khu vực tượng đài Lý Thái Tổ sẽ không thể không nhìn hai người đang ngồi bệt bên vệ đường với tấm bảng trong tay: “Xin hãy cứu lấy Nguyễn Văn Chưởng sắp bị chết oan”. Họ là ai?
Nguyễn Văn Chưởng, tử tội đang chờ ngày thi hành án trong nhà giam. Còn bên ngoài, bố và mẹ nạn nhân đã chạy khắp nơi từ cao đến thấp để kêu oan cho con mình. Nhưng, hệ thống luật pháp và quan chức này như không có tai và không có tim, nên tính mạng con ông chỉ còn được tính từng ngày.
Chúng tôi tìm gặp bố mẹ tử tội Nguyễn Văn Chưởng tại một vườn hoa Hà Nội, hai ông bà thẫn thờ dắt nhau đi vô định từ phòng tiếp dân Trung ương đảng và nhà nước đến bờ hồ Hoàn Kiếm, tay giơ cao tấm bản cầu cứu mà chẳng biết tin vào ai hay hy vọng vào điều gì.
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Trường Chinh và bà Nguyễn Thị Bích cho chúng tôi biết:
Hai ông bà là cựu chiến binh, công nhân quốc phòng, quê ông ở Quỳnh Lưu, Nghệ An xây dựng cùng bà ở Kim Thành, Hải Dương.
Tai họa giáng xuống đầu con ông với một vụ án gắn với những cái tên mà nghe qua, những người lương thiện đã giật mình thon thót: Đỗ Hữu Ka, Thiếu tướng Giám đốc CA Hải Phòng, và tù nhân Đại tá Dương Tự Trọng, từng là Phó Giám đốc CA Hải Phòng.
Cũng qua công an, thì con ông, vốn là một thanh niên ngoan ngoãn chăm chỉ, được phong cho là nghiện hút lêu lổng và đưa ra tòa truy tố rồi kết án tử hình vì tội giết người cướp của.
Điều trớ trêu là nhiều nhân chứng khẳng định Nguyễn Văn Chưởng đã có mặt tại xã Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương ngay tối hôm xảy ra vụ án mạng.
Ông khẳng định với chúng tôi rằng: Bản án đã căn cứ trên hồ sơ ngụy tạo của Công an. Đại tá Dương Tự Trọng đã hãm hại con ông bằng hồ sơ giả. Đặc biệt là con ông đã bị dùng nhục hình đến tàn bạo để buộc nhận tội và lập hồ sơ giết người cướp của. Những thủ đoạn tra tấn, những vết tích trên người nạn nhân đã không được cái gọi là “tòa án” xem xét. Trước tòa, những yêu cầu của bị cáo, những tố cáo của nạn nhân đã không được tòa đếm xỉa đến. Những nhân chứng nhằm chứng minh sự vô tội của con ông đã không được tòa chấp nhận mời. Hồ sơ về việc dùng nhục hình và tra tấn cũng như những dấu vết trên cơ thể đã không được tòa cho phép mở ra xem xét.
Thậm chí là biên bản do chính Giám thị trại lập khi Nguyễn Văn Chưởng có nguy cơ mất mạng sau khi bị tra tấn cũng không được tòa lưu ý.
Nói chung, theo trình bày của ông, vụ án đã được dàn dựng cố tình đẩy con ông vào chỗ chết.
Quá trình kêu oan cho con ông đã kéo dài 7 năm nay, nhưng càng ngày càng mất hy vọng. Các cấp, các ngành từ cao nhất của Quốc hội, Nhà nước, Đảng… đã đùn đẩy quả bóng về chân người khác, mặc cho một mạng người sẵn sàng bị tước đoạt.
Hài hước nhất, là khi ông đang khiếu nại Công an Hải Phòng đã dựng vụ án làm oan con ông thì các cơ quan công quyền Việt Nam lại đẩy ông về cho Công an Hải Phòng giải quyết.
Nghe câu chuyện của ông, những quãng đường kêu oan và tình tiết vụ án. Không ai không khỏi ngậm ngùi và đau đớn để bật lên câu hỏi: Vì đâu, mà con người sẵn sàng vô cảm, tước đoạt mạng sống đồng loại một cách nhẫn tâm đến vậy? Vì sao mạng sống công dân không lấy gì để có thể đảm bảo trước nền “pháp luật XHCN” hiện nay.
Riêng tôi, qua những câu chuyện này, tôi không tin vào các câu chuyện hồn ma báo oán vẫn thường có trong dân gian. Bởi, nếu hồ ma có thể báo oán, thì tôi tin những kẻ cố tình đẩy người khác vào chỗ chết sẽ không bao giờ có cơ hội tồn tại nhởn nhơ như ngày nay.
Xem video phỏng vấn cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng tại đây:
https://www.youtube.com/watch?v=_JUpLb7DOk4&feature=youtu.be
Hà Nội, ngày 20/12/2014
• J.B Nguyễn Hữu Vinh
0 comments:
Post a Comment