Saturday, January 18, 2014

Mùa Xuân sau song sắt

nhc-305
Tù nhân bất khuất Nguyễn Hữu Cầu.
File photo 
 
Thương tặng các cháu, các con của tù nhân chính trị.
Ngồi trước bàn phím hôm nay, tâm hồn tôi hướng về cảm xúc của ngày xưa quá vãng và nước mắt bỗng rơi xuống khi nghe tin người tù lương tâm xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu có thể được trả tự do trong những ngày sắp tới.
Những ngày xưa như hiển hiện từ sự thật của ngày hôm qua. Nó như mới đây thôi. Ngày xưa của hơn 40 năm về trước...

Mùa Xuân của người tù

Tôi muốn kể cho mọi người nghe về mùa Xuân. Mùa Xuân của người tù, mùa Xuân dành cho người tù. Tất nhiên, đó không phải là tôi. Tôi - một người thân của tù nhân - tù nhân chính trị.
Sau khi bị lộ do điềm chỉ bởi "chiêu hồi", ba tôi, anh tôi và chị gái tôi đã bị bắt vào một đêm đầu thập niên 70'. Thật ra, trước đó, anh trai tôi đã bị bắt cùng vợ trong một chuyến từ trong "bưng" về Sài Gòn ăn tết. Anh tôi - dưới lớp vỏ bọc của binh chủng Hải quân VNCH - một điệp báo của V.C.
Không lâu sau đó, vào lúc nửa đêm về sáng, tôi đã bị đánh thức và choàng tỉnh bởi tiếng chuông cửa vài hồi reo lên.
Cửa mở nhỏ. Từ trên tầng lửng tôi nhìn thấy, viên cảnh sát (chỉ huy của đoàn) lịch sự và lạnh lùng đúng mực, khi chìa một tờ giấy và nói gì đó với ba má tôi. Cửa mở rộng hơn. Ba má tôi lịch sự mời họ vào. Từ tốn và nhẹ nhàng, ba tôi, má tôi chủ động dẫn họ vào từng nơi mà họ yêu cầu. Mọi người trong đoàn (hình như) khoảng gần chục người tỏa ra theo kế hoạch (hình như họ đã khá quen nếp) vào từng phòng để khám xét. Không có sự chống đối, không có sự chửi mắng hay áp đảo, không có cả một tiếng quát tháo, tục tằn nào cả, nhưng không khí căng thẳng tột độ với việc khám xét nghiêm cẩn.
Cuộc lục soát kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ mà không có bằng chứng gì cụ thể, ngoài việc ba tôi và chị gái tôi phải ngồi vào chiếc xe bít bùng chờ sẵn ngoài vỉa hè. Tôi đứng cách đó khoảng chừng vài bước chân trong phòng khách. Mọi người ngồi trên bộ salon giữa nhà. Câu chuyện diễn ra êm ả đến nỗi những nhà hàng xóm quanh đấy không hề hay biết có một cuộc bắt người vào giữa đêm khuya. Má tôi, những anh chị em còn lại của chúng tôi thay vì đưa ba tôi, chị tôi đi ra, chỉ thẫn thờ đứng từ trong nhà nhìn theo 4 cánh tay bị còng và dẫn giải ra xe cùng với biên bản được lập mà ba tôi cùng chị tôi ký vào đấy. Trước khi tra tay vào còng, ba tôi thay bộ đồ Pijama đang mặc bằng chiếc áo chemise trắng ngắn tay cùng chiếc quần tây đen, còn chị tôi cũng thay bộ đồ bộ bằng chiếc áo kiểu và cái quần tây.
Khi mọi người lục tục ra xe, tôi chạy vội lên sân thượng và nhìn xuống vỉa hè trước sân nhà. Trong bóng tối thâm u của một đêm không trăng, nước mắt tôi bỗng rơi xuống khi bóng dáng ba và chị tôi cúi xuống để vào xe nhanh chóng. Bóng ba tôi và chị tôi in lên vỉa hè từ ánh đèn đường. Chiếc xe lướt đi và một chiếc nữa cũng lướt theo sau, bỏ lại khoảng trống lặng câm cho thằng nhỏ thiếu niên đang nghẹn họng nhìn từ trên cao và chấp chới...
Nó định gọi to lên, nhưng không hiểu sao nó câm bặt mà không thốt nên lời. Trong đầu nó, lúc đó, nó chẳng hiểu gì lắm về sự việc vừa diễn ra chớp nhoáng...
Má tôi khép cửa, khóa lại và chúng tôi ai về phòng nấy...
000_Hkg7952025-250.jpg
Biến cố đối với thằng thiếu niên trở nên quá lớn. Nó thấy chóng mặt, bởi dường như đất quanh chân nó chao đảo, khi người đàn ông trụ cột trong gia đình bỗng chốc biến mất sau màn đêm dày đặc, cùng bà chị mà nó hay làm khó, mỗi khi nó muốn bà làm cho nó chuyện gì đó...Có thể nó quá choáng ngợp cho gia cảnh lúc đó, mà mãi sau này, nó cũng không có thời gian riêng tư để tự ngồi ngẫm nghĩ...
Những ngày sau đó, nó vẫn đi học bình thường và hầu như không dám hỏi gì má nó. Má nó trở nên có vẻ tất bật và vội vã trong những ngày đầu khi ba và chị nó bị bắt.
Mọi gánh nặng trong gia đình kinh doanh, thợ thầy, má nó dường như giao phó hết cho người quản gia thân tín và trung thực sống với gia đình nó bao năm qua.
Nó lầm lũi đi học, tránh tiếp xúc với bạn bè và nói chuyện nhiều như mọi khi. Đám bạn thì vô tư.
Dần dần, nó bắt đầu quen với hoàn cảnh mới...

Kết thúc không có hậu

Mùa Xuân đầu tiên - kể từ khi ba nó bị bắt, khi những ngày cuối năm, phố phường chộn rộn cho sắm sửa, làm đẹp nhà cửa, thì gia đình nó vẫn trĩu nặng âu lo, muộn phiền. Tối hôm giao thừa, thật bất ngờ, ba nó được về ăn tết trong vài giờ đồng hồ trước khi ra xe về lại trại giam. Nó không nhớ lắm những gì mà ba nó nói, nó chỉ còn nhớ, ba nó vỗ nhè nhẹ vào vai nó, khi ông chuẩn bị ra xe: "Tự tin nghe con!". Nó thật bất ngờ, bởi thời đó, tình cảm cha con còn nặng phong kiến, ít khi ba nó nói chuyện với nó như là một người lớn (!). Bấy giờ, khi ba nó khuất cùng chiếc xe bít bùng, nó biết, nó lớn rồi!
Bắt đầu là những chuyến thăm nuôi ở nhà tù Tam Hiệp. Nó đi với má nó. Những chuyến thăm tù đầu tiên, nó từ hồi hộp gặp ba chuyển sang chán ngán vì chờ đợi. Lâu lắm, mất thời gian lắm. Để gặp được ba, có khi phải ngồi đợi cả 2 -3 giờ đồng hồ, mà chỉ có thể nói chuyện với ba chỉ được nửa tiếng thôi.
Tuy thế, nó cũng vui, vì lần nào về, ba nó cũng cho nó món quà con con gì đấy, khi thì là bộ salon, ba nó làm từ lon sữa Guigoz (mà má nó gửi quà thăm nuôi), lúc lại là những con chim, con cá làm từ ống hút ba nó kết lại.
Đặc biệt, nó nhớ ba nó nhất là... "mùi tù". Cái mùi lạ lắm. Nó ngai ngái, nồng nồng, pha chút ẩm mốc của quần áo, và cũng dường như không được tắm rửa thường xuyên. Nhưng ba nó nói với nó, ở trong này cũng quen, không khắc nghiệt quá đỗi đâu. "Mình và mấy đứa nhỏ an tâm" - ba nó nói với má nó.
Dần dần, nó thay má nó đi thăm tù! Má nó nói: "Tự tin nghe con!", khi lần đầu tiên trao giỏ đồ cho nó tự đi. Nó hiểu ra, tự tin cũng cần được tập luyện. Hèn gì! Má nó đưa nó đi cả chục lần cho nó quen.
Giờ thì nó hiểu, nó lớn rồi...
Nó cho rằng, nó thật may mắn, khi những lần nó thay má nó đi thăm ba nó. Những cô chú ở trại giam ngạc nhiên và dần quen. Sau đó, họ còn dành cho nó cái nhìn thiện cảm, có chú nói với nó: "Cháu là một đứa con có hiếu" và giúp nó làm thủ tục nhanh chóng để được gặp ba. Ban đầu nó ghét mấy người bắt ba nó, nhưng nó hiểu nó cần phải hòa nhã để không gây ác cảm với họ. Sau nhiều lần được giúp đỡ gặp ba nhanh chóng, nó cảm thấy biết ơn họ.
Tuy vậy, nó vẫn không thích cái cảnh mỗi tháng đi thăm tù như thế. Nó chờ mùa Xuân. Ba nó nói với nó: "Tết ba về", nhưng ngoài cái tết vội vã hồi năm ngoái, nó không thấy ba nó về, mà lần nào ba nó cũng an ủi nó: "Tết ba về". Nó chỉ nghe vậy mà không chờ nữa!
Nó cứ thế, mỗi tháng vào chủ nhật, nó lại thay má nó đi thăm tù...
Mùa xuân chỉ đến với nó khi những ngày gần 30/4/1975 đến...
Một hôm, chị nó từ bệnh viện trở về sớm và nói với má nó: Ông bác sĩ trưởng vội vã ra sân bay trên chiếc xe hơi riêng, nói với những người xung quanh: "có ai đi không thì lên đi với tôi luôn". Con nghĩ, hòa bình rồi, về nhà thôi, đi đâu làm gì!.
Má nó cười hiền và đôi mắt bà ánh lên vẻ hy vọng mang dáng mùa Xuân. Lâu lắm rồi, nó mới thấy má nó cười như thế. Nó biết, má nó đang chờ anh trai cả của nó từ Côn Đảo trở về...
Lần đầu tiên, sau những năm tù đày của ba và anh nó, cả nhà nó được quây quần với một cái tết ấm cúng tuy đơn sơ.
Tuy vậy, không lâu sau, nó biết đó chỉ là mùa Xuân tạm bợ, bởi ngày 30/4/1975 không mang lại cái kết thúc có hậu cho gia đình nó...
Nó cứ tưởng mùa Xuân sau song sắt đối với ba nó, anh nó sẽ mãi chấm dứt từ ngày ấy!
Không, sau đó chỉ vài năm, cả gia đình nó chợt hiểu ra, không chỉ gia đình nó mà dân tộc này đang tiếp tục những "mùa Xuân sau song sắt"...
Nguyễn Ngọc Già, Việt Nam 17-01-2014

0 comments:

Powered By Blogger