Saturday, December 1, 2012

Phe bảo thủ đã chi phối quyền lực tại Trung Quốc như thế nào qua Đại hội 18?



Không phải ngẫu nhiên mà ông Hồ Cầm Đào chỉ nhắc đến Mao Trạch Đông một lần duy nhất trong suốt bài diễn văn khai mạc Đại hội 18. Cũng không phải ngẫu nhiên những hình ảnh của Karl Marx, Engel và Mao đã không còn được trưng bày trong Đại sảnh nhân dân từ Đại hội 18. Tất cả đã được chuẩn bị và thay đổi một cách khá gấp rút sau khi loại được phe khuynh tả thân Mao của Bạc Hy Lai qua vụ án Trùng Khánh vào tháng 2 năm 2012.
Ở bên ngoài, dư luận quốc tế đã nhận định rằng vụ án Bạc Hy Lai sẽ làm rối rắm thêm nội bộ lãnh đạo Trung Quốc trong tiến trình chuẩn bị Đại hội 18; nhưng theo một số thông tin từ các trang Blog của Trung Quốc, phe bảo thủ đã nhanh chóng khai thác “sự kiện Bạc Hy Lai” để thu tóm quyền lực, nắm thế chủ đạo về nhân sự và đường lối của Đại hội 18, qua sự hợp tác của Thái Thượng Hoàng Giang Trạch Dân. Tại sao?

Từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình đề xướng chính sách “hiện đại hóa” mà cụ thể là mở cửa kinh tế để giải quyết tình trạng nghèo đói triền miên của Trung Quốc, nội bộ lãnh đạo Bắc Kinh vào lúc đó chia làm hai phe: Phe bảo thủ chủ trương duy trì chủ nghĩa cộng sản với nền kinh tế tập trung đứng đầu bởi Trần Vân và Bạc Nhất Ba (cha của Bạc Hy Lai); Phe cải cách kinh tế theo xu hướng mở cửa thị truờng tự do đứng đầu bởi Đặng Tiểu Bình và Diệp Kiến Anh. Mặc dù phe cải cách của Đặng Tiểu Bình thắng thế và tiến hành các chính sách phát triển kinh tế với những bước nhảy vọt trong 3 thập niên vừa qua, nhưng về mặt chính trị luôn luôn phải thỏa hiệp với phe bảo thủ để ngăn chận mọi đòi hỏi cải tổ dân chủ hóa xã hội.

Phát triển kinh tế trong điều kiện chính trị bị khống chế bởi một thiểu số quyền lực độc tài đã sản sinh ra một phó sản là tình trạng cách biệt giàu nghèo ngày một lớn trong xã hội. Trung Quốc hiện có khoảng 4% dân số sống giàu có tập trung vào gia đình các công thần của chế độ trong khi hơn 1 tỷ dân sống trong bần cùng và khốn khó. Đặc biệt là có đến 65% trong số 81 triệu đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay sống rất nghèo khổ. Tình trạng chênh lệch giàu nghèo này đã tạo ra tình trạng bất mãn ngấm ngầm trong dân chúng và trong nội bộ đảng.
Xuất Hiện 3 Phe: Cải Cách, Bảo Thủ, Khuynh Tả Theo Mao
Khai thác sự bất mãn nói trên, một thiểu số cán bộ đã hô hào cuộc cách mạng bình sản, với chủ trương lấy tiền của những nhà giàu chia cho người nghèo, từ đó hình thành ra xu hướng tả khuynh theo tư tưởng Mao trong nội bộ đảng. Từ năm 2002 khi ông Bạc Hy Lai, bí thư Trùng Khánh được bầu vào Bộ chính trị, xu hướng khuynh tả này đã phát triển lên thành một phe rõ rệt trong đảng. Bạc Hy Lai được sự ủng hộ của Chu Nguyên Khang, ủy viên thường trực bộ chính trị phụ trách công an và tư pháp; Trần Nguyên, chủ tịch Ngân hàng xây dựng Trung ương, con trai của Trần Vân, đã dùng Trùng Khánh làm căn cứ địa để mở rộng các ảnh hưởng ở trong đảng và trong xã hội.
Từ năm 2009, Bạc Hy Lai đã trở thành một nhân vật nổi tiếng nhất Trung Quốc khi tung ra chiến dịch thanh toán xã hội đen tại Trùng Khánh và được Nhật Báo Nhân Dân chọn là người của năm 2010. Kể từ đó, uy tín của họ Bạc lên rất cao và phe khuynh tả theo Mao đã phát triển rất nhanh ở trong đảng, đe dọa quyền lực của hai phe cải cách đứng đầu là Ôn Gia Bảo và phe bảo thủ đứng đầu là Hồ Cẩm Đào. Để tạo một phong thái riêng cho phe nhóm mình, Bạc Hy Lai đã phát động phong trào hát nhạc đỏ và trương hình ảnh Mao Trạch Đông ở các nơi công cộng tại Trùnh Khánh và “bắn tiếng” tranh ghế Tổng Bí Thư Đảng của Tập Cận Bình trong đại hội 18 vào mùa Thu 2012.
Sự phát triển của phe khuynh tả thân Mao và sự ngạo mạn của Bạc Hy Lai đã không chỉ đe dọa các chương trình kinh tế của phe cải cách do Ôn Gia Bảo chỉ đạo mà còn có thể đe dọa đến ghế Tổng Bí Thư của Tập Cận Bình mà Giang Trạch Dân hậu thuẫn.
Đốn Ngã Phe Khuynh Tả Theo Mao
Tháng 2 năm 2012, Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh và là đàn em của Bạc Hy Lai, nhưng sau khi phát giác ra vợ Bạc Hy Lai là bà Cốt Khai Lai dính líu vào vụ đầu độc một thương gia người Anh, đã phải chạy trốn vào Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Thành Đô. Biến cố này đã khiến cho tương quan đối đầu giữa 3 phe: bảo thủ, cải cách và khuynh tả theo Mao thay đổi một cách bất ngờ.
Ôn Gia Bảo đã ra mặt tấn công Bạc Hy Lai một cách công khai với hai dụng ý: vừa triệt hạ Bạc Hy Lai và phe khuynh tả theo Mao để ngăn chận những đe dọa đối với các chính sách cải tổ kinh tế mà phe cải cách đang theo đuổi; vừa nâng tư thế của các nhân vật thuộc phe cải cách như Uông Dương, bí thư Quảng Đông, và Lý Nguyên Triều, trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng trong cuộc chạy đua nhân sự trong đại hội 18.
Đốn Ngã Phe Cải Cách
Ôn Gia Bảo và phe cải cách tuy triệt hạ được Bạc Hy Lai (khai trừ ra khỏi đảng vào tháng 9/2012) và cô lập các ảnh hưởng của phe khuynh tả theo Mao; nhưng đã không tạo được hậu thuẫn rộng rãi ở trong đảng vì một cú đánh bất ngờ vào phút chót, mà cho đến nay dư luận đều cho là chính Giang Trạch Dân đã chỉ đạo bên trong. Đó là ngày 25 tháng 10, hai tuần lễ trước khi đại hội 18 khai mạc, Nhật Báo New York Times, đã tiết lộ một điều tra động trời của ký giả David Barboza tại Bắc Kinh, liên quan đến số lượng tài sản khổng lồ mà thân nhân của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã vơ vét được lên đến 2,7 tỷ Mỹ Kim, dựa vào quyền lực của họ Ôn.
Trong buổi phát thanh ngày 26 tháng 10, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã dẫn lời một phóng viên tại Bắc Kinh tên là Dong Fang đã tiết lộ rằng từ ngày 23 tháng 10, nhiều cơ quan thông tấn quốc tế tại Trung Quốc đã nhận được thông tin về gia đình Ôn Gia Bảo như nội dung tờ New York Times loan tải. Chủ bút một trang web tại Trung Quốc nói với hãng thông tấn AP rằng những loại thông tin như New York Times loan tải về họ Ôn, chỉ có cấp cao trong đảng tiết lộ chứ các ký giả không bao giờ có thể tiếp cận được các thông tin loại này.
Mặc dù Ôn Gia Bảo cho Luật sư riêng lên tiếng phản bác nội dung bài báo và phát ngôn nhân của Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng đây là âm mưu của những thế lực xấu muốn tạo những bất ổn chính trị tại Trung Quốc, nhưng không mấy ai quan tâm. Điều mà dư luận chú ý là từ nhiều năm qua, Ôn Gia Bảo được coi là nhân vật trong sạch và luôn luôn cổ võ cải cách chính trị dân chủ song song với cải cách kinh tế. Ôn Gia Bảo từng là bí thư riêng của cựu Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương trước khi ông này bị thất sủng qua vụ Thiên An Môn năm 1989.
Năm 2011, trong một buổi nói chuyện với các cán bộ đảng tại Thượng Hải, Ôn Gia Bảo đã cảnh báo rằng nếu Trung Quốc không cải cách kinh tế và chính trị cùng lúc thì đến năm 2020, xã hội Trung Quốc sẽ gặp rắc rối và bất ổn về chính trị. Quan điểm nói trên của Ôn Gia Bảo và cách giải quyết vụ Ô Khảm của Uông Dương, bí thư Quảng Đông vào cuối năm 2011, quả có tạo ra những mối lo cho phe bảo thủ. Quan điểm của phe bảo thủ, đặc biệt là đối với tầm nhìn của Giang Trạch Dân chủ trương giữ chặt quyền lực đảng bằng mọi giá và Trung Quốc phải bành trướng sức mạnh ra bên ngoài để nhanh chóng qua mặt Hoa Kỳ vào năm 2025.
Loại được Bạc Hy Lai, bôi được Ôn Gia Bảo bằng mấy bài báo liên tục của New York Times sau đó, phe bảo thủ với những ảnh hưởng lớn từ họ Giang, đã hoàn toàn chế ngự tiến trình chuẩn bị về nhân sự và đường lối chính sách của đại hội 18.
Phe Bảo Thủ và Giang Trạch Dân
Tuy đốn ngã được phe khuynh tả theo Mao và phe cải cách; nhưng đó chỉ là sự kiện nhất thời trong quá trình giành quyền lực của đại hội 18. Ảnh hưởng của phe bảo thủ không đủ mạnh để cầm chịch quyền lực, nhất là uy tín của Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường.. chưa bén rễ sâu ở trong đảng. Do đó, Hồ Cẩm Đào tuy không thích Giang Trạch Dân, nhưng nếu không tranh thủ sự ủng hộ của họ Giang thì việc chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường sẽ gặp khó khăn nên đã mời Giang Trạch Dân đến tham dự đại hội 18 với một tầm mức đặc biệt dù họ Giang đã về hưu từ năm 2002.
Họ Giang được giới thiệu và xuất hiện trong các hội nghị khoáng đại của đại hội 18 và có một bài phát biểu cổ xuý chủ trương “Trung Quốc phải vói tay ra các đại dương” và hoàn tất việc xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh vào năm 2020. Giang Trạch Dân huấn thị rằng đây là thời điểm tốt nhất đảng Cộng sản Trung Quốc gác lại những tư tưởng khuynh tả (tức là không nhắc đến Mao), và phải đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương Ba Đại Diện để đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành một lực lượng phục vụ lợi ích dân tộc Trung Quốc. Nói cách khác, họ Giang chủ trương đảng Cộng sản Trung Quốc hơn lúc nào hết khoác bộ áo “dân tộc”, lồng dưới chủ nghĩa yêu nước để thu phục nhân tâm.
Ít ai nhìn ra rằng vụ leo thang các xung đột về quần đảo Senkaku giữa Nhật với Trung Quốc trong suốt năm 2012 vừa qua, chính là ý tưởng của Giang Trạch Dân nhằm chuyển sự quan tâm của cả Hoa Lục ra bên ngoài với phong trào bài Nhật được dựng lên ở 80 thành phố lớn nhỏ của Trung Quốc để cho phe bảo thủ rảnh tay đối phó cùng một lúc hai phe khuynh tả theo Mao và phe cải cách. Nhờ sự hậu thuẫn của Giang Trạch Dân, phe bảo thủ đã nắm thế chủ đạo hiện nay tại Trung Quốc:
Về mặt nhân sự lãnh đạo: 7 nhân vật trong ban thường vụ Bộ chính trị có 4 người chịu ảnh hưởng của họ Giang là Tập Cận Bình, Du Chí Thanh, Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ.
Về đường lối chung: Thay đổi mô hình kinh tế xuất khẩu sang mô hình tiêu thụ nội địa, để bớt lệ thuộc vào kinh tế Hoa Kỳ và Phương Tây. Đề cao giáo dục chủ nghĩa dân tộc. Không chấp nhận bất cứ thay đổi chính trị nào trong 5 năm tới.
Những Vấn Đề Của Trung Quốc Hiện Nay
Trung Quốc hiện đang đối diện với ba vấn đề lớn:
1/Tăng trưởng kinh tế đang bị khựng lại vì các thị trường sản xuất sang Hoa Kỳ, Âu Châu bị suy thoái trong khi chưa xây dựng được mô hình kinh tế lấy tiêu thụ nội địa làm động lực tăng trưởng. Nếu Trung Quốc không vực lại đà tăng trưởng như 10 năm qua thì khó khăn kinh tế sẽ là ngòi nổ đe dọa sự tồn vong của chế độ.
2/Tình trạng giàu nghèo sau 3 thập niên phát triển kinh tế một cách bừa bãi và nạn tham nhũng tràn lan như một hệ quả đương nhiên của độc tài đã tạo ra hố sâu ngăn cách trong xã hội và không khác gì một trái bom nổ chậm tại Trung Quốc. Hàng ngày có hơn 200 cuộc biểu tình, đình công phản kháng của người dân trên toàn quốc.
3/Xung đột quyền lực giữa ba phe cải cách, bảo thủ, khuynh tả theo Mao chắc chắn sẽ tái diễn trở lại khi mà hai vấn đề kinh tế và bất ổn xã hội nói trên bùng phát lớn trong những năm tới. Hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ phải đối mặt với bất ổn chính trị xảy ra ngay ở thượng tầng lãnh đạo.
Học theo bài bản của Giang Trạch Dân, tân lãnh đạo Trung Quốc hiện đang che dấu những khó khăn nói trên bằng cách hướng quan tâm của dư luận ra bên ngoài. Họ đã cho Bộ công an phát hành Hộ Chiếu mới có in hình lưỡi bò, cho cảnh sát biển khám xét tất cả những tàu biển di chuyển trong vùng lưỡi bò, tiếp tục tung ra những luận điệu sẵn sàng dùng vũ lực đánh chiếm các đảo Sensaku và hùng hổ tạo căng thẳng trên vùng biển Hoa Đông.
Hiểu rõ được nội tình của Trung Quốc cùng với các thái độ hung hăng coi thường dư luận hiện nay của tân lãnh đạo Bắc Kinh, chúng ta thấy rằng phe bảo thủ đang đưa Trung Quốc đi vào một khúc quanh nguy hiểm.
Đoàn Hùng
Ngày 1/12/2012

0 comments:

Powered By Blogger