Saturday, December 22, 2012

Chống và chặn “đối lập”

Khánh An, phóng viên RFA
Liên tiếp trong mấy ngày qua, các lãnh đạo Việt Nam lên tiếng chỉ đạo các cấp dưới phải “đề kháng”, “tham mưu” và “có biện pháp” với các trang mạng thông tin không chính thống.
AFP – Công an Hà Nội ngăn cản người dân biểu tình chống Trung Quốc hôm 09/12/2012.
Động thái trên cho thấy sự lo lắng của giới lãnh đạo cũng như tầm ảnh hưởng của các nguồn thông tin không chính thống trên người dân.

Âm mưu chiến tranh thông tin?

Trong cùng một ngày 17/12 vừa qua, ở hai đầu đất nước, Hà Nội và Sài Gòn, đã diễn ra hai hội nghị khác nhau nhưng đều có phần đề cập đến một nội dung mà dư luận chú ý, đó là việc đối phó với các trang mạng không chính thống, với âm mưu chiến tranh thông tin của các thế lực thù địch.
Cái lo lắng của ông Lê Thanh Hải là thực tế bởi vì xã hội Việt Nam chưa bao giờ có báo chí (báo in) đối lập cả. (Một công an nghỉ hưu)
Tại hội nghị công an toàn quốc diễn ra ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng an ninh chính trị đang đứng trước một thách thức lớn khi các thế lực thù địch sử dụng chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý làm nội bộ ta phân tâm, khiến nhân dân hoài nghi và mất lòng tin vào vai trò của Đảng, vào những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lực lượng công an phải “tham mưu” với Đảng các giải pháp để đối phó với các âm mưu này vì hiện đang có tới 1/3 dân số sử dụng internet. Đồng thời, ông cũng yêu cầu lực lượng công an phải ngăn chặn, không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập.
Trong khi đó tại Sài Gòn, Bí thư thành phố là ông Lê Thanh Hải trong hội nghị sơ kết thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng tại các cơ quan và đơn vị trên địa bàn thành phố, cũng lên tiếng nói rằng các trang mạng không chính thống như “Quan làm báo”, “Dân làm báo” là một “vấn đề lớn” và có ảnh hưởng trên nhận thức của thanh thiếu niên. Vì vậy, cán bộ, đảng viên cần phải tự trang bị “sức đề kháng” về nhận thức và bản lĩnh chính trị trước tác động của các trang thông tin trên.
Nỗi lo của ông Lê Thanh Hải, theo một cán bộ công an đã nghỉ hưu không muốn nêu tên, là hoàn toàn có cơ sở.
“Cái lo lắng của ông Lê Thanh Hải là thực tế bởi vì xã hội Việt Nam chưa bao giờ có báo chí (báo in) đối lập cả. Hiện nay báo mạng tuy chưa có tờ nào chính thức nhưng dưới dạng blog hay trang web, trang mạng xã hội thì chính quyền không thể ngăn chặn được. Người dân, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên vào truy cập các trang đó thì không gặp khó khăn gì cả. Nếu cách đây 10 năm thì không có hiện tượng như thế này, nhưng hiện nay thì nó như vậy và biết đâu sau này 10 năm nữa thì nó còn mạnh mẽ hơn. Nó là một cái lực lượng vô hình nào đó. Thế cho nên những người lãnh đạo chính quyền người ta lo lắng thế cũng là điều đương nhiên thôi.”
nguyen-tan-dung-cand-1812121-250.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Công an toàn quốc tại Hà Nội hôm 17/12/2012. Photo courtesy of chinhphu.vn
Tính cho đến nay đã hơn 3 tháng kể từ khi Thủ tướng chính thức ra lệnh xử lý nghiêm các trang mạng như “Quan làm báo”, “Dân làm báo”… bằng  nghị định 7169, số lượng người truy cập vào các trang mạng này không hề suy giảm, thậm chí còn tăng lên vào thời điểm ngay sau khi bị nêu đích danh. Bên cạnh đó, mạng Facebook và các trang blog, mạng xã hội khác vẫn tiếp tục phát triển mặc cho những nỗ lực mang tính “chủ động” của bộ máy chính quyền trong việc tạo lập ra các trang mạng xã hội khác thay thế mà có thể kiểm soát được.
Theo nhận định của nhiều trí thức thì nguyên nhân chính của sự tồn tại và phát triển của các nguồn thông tin không chính thống là do được Đảng và Nhà nước… nuôi! Một khi các cơ quan truyền thông chính thống còn bị cấm không được chạm đến những vấn đề “nhạy cảm” thì khi đó các trang thông tin ngoài luồng vẫn có đất sống.

Cần công khai thông tin “nhạy cảm”

Cũng tại hội nghị trên ở TPHCM, ông Phó Bí thư thành phố Nguyễn Văn Đua nhận xét rằng một số cán bộ, đảng viên đã phát ngôn thiếu thận trọng, sử dụng thông tin trên mạng để bình luận, phân tích, trao đổi, không theo thông tin chính thống mà theo suy nghĩ cảm tính của cá nhân. Tuy nhiên, một số những nhân sĩ trí thức gần đây hay lên tiếng phát biểu thẳng thắn về những vấn đề liên quan đến tình hình đất nước như Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại TPHCM, cho biết những bài phát biểu hay đóng góp ý kiến của ông và nhiều người đã bị chặn lại ở các tờ báo chính thống như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… Chính vì vậy, ông và những người có lòng với đất nước buộc phải tìm đến các trang blog và mạng xã hội không chính thống để nêu lên quan điểm của mình. Ông nói trong một lần trả lời phỏng vấn với RFA:
Bây giờ thời kỳ bùng nổ thông tin thì anh không thể che đậy một cái gì cả. Thành ra nó chính là cái bước tiến quan trọng trong việc thực hiện dân chủ ở tại Việt Nam. Lê Hiếu Đằng
“Vấn đề hiện nay Trung Quốc đã lăm le, không phải là lăm le nữa mà đang dần lấn chiếm biển đảo của Việt Nam, thì tại sao không cho báo chí trong nước đấu tranh lại những luận điệu xuyên tạc, hiếu chiến của phe báo chí Trung Quốc, mà lại buộc tay buộc chân anh em báo chí. Tôi nghĩ đó là cái mà làm cho báo chí “lề phải” không còn uy tín để đi vào lòng dân nữa.”
Cũng chính nhờ vào các trang thông tin không chính thống mà có nhiều người dân biết đến biểu tình, biết đến việc Trung Quốc bắn giết ngư dân hay thực hiện các hành động gây hấn với Việt Nam hay các vụ bắt giữ các nhân vật bất đồng chính kiến.
Nhiều trí thức cho rằng chính các trang mạng không chính thống hiện nay đang thực hiện nhiệm vụ bù đắp những lỗ hổng thông tin của báo chí chính thống. Còn luật gia Lê Hiếu Đằng thì nói truyền thông đa chiều chính là xu hướng phát triển của một xã hội dân chủ thực sự.
“Bây giờ thời kỳ bùng nổ thông tin thì anh không thể che đậy một cái gì cả. Thành ra nó chính là cái bước tiến quan trọng trong việc thực hiện dân chủ ở tại Việt Nam. Bây giờ nói gì thì nói người ta cũng quen với chuyện biểu tình rồi, nhất là ở thủ đô Hà Nội. Qua biểu tình, người ta tò  mò vào xem các trang mạng, các hình ảnh, thì tự trong xã hội nó tạo ra một không khí dân chủ thực sự. Chính quyền dù muốn hay không cũng phải chịu cái áp lực xã hội này, chứ không thể nào làm ngơ được.”
000_Hkg8090460-250.jpg
Người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo.
Trong khi nhiều độc giả của báo mạng đánh giá cao về hiệu quả tích cực của một số trang mạng không chính thống thì bên trong bộ máy lãnh đạo chính quyền vẫn tiếp tục gọi các trang mạng trên là nằm trong âm mưu chiến tranh thông tin của thế lực thù địch, đồng thời chỉ đạo các cán bộ, đảng viên phải “đề cao cảnh giác”, không để tư tưởng bị “tự diễn biến” hay “tự chuyển hóa”. Có lẽ chính vì những mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực tế trên đã khiến cho không ít cán bộ, đảng viên lúng túng, như lời bà Bí thư quận ủy quận 8 Đổng Thị Kim Vui phân trần tại hội nghị rằng “rất khó phân biệt rạch ròi được các biểu hiện phản động, không chính thống trên nhiều trang mạng để phổ biến, quán triệt trong các sinh hoạt Đảng”.
Trong khi đó, người cán bộ công an về hưu không muốn nêu tên ở trên nói rằng ông không ngạc nhiên về những chỉ thị của thủ tướng hay các lãnh đạo của TPHCM.
“Từ trước tới nay, cái thể chế CHXHCN Việt Nam này chưa bao giờ và không bao giờ chấp nhận chuyện có ý kiến trái chiều hoặc là tổ chức đối lập với lại đảng và nhà nước. Thế cho nên việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu bên Bộ Công an hoặc ông Lê Thanh Hải nói trong TPHCM thì tôi thấy không có gì mới cả.”
Riêng các độc giả của báo mạng, một số người cho rằng một cách đơn giản để “diệt” báo chí không chính thống là tự do thông tin, công khai, minh bạch tất cả những vấn đề vẫn thường bị gọi là “nhạy cảm” trên các phương tiện truyền thông. Điều này, có thực hiện được hay không, lại là một câu hỏi phải đặt lại trong hệ thống mắc xích những vấn đề mang tính căn bản, cốt lõi của nhà cầm quyền hiện nay.

0 comments:

Powered By Blogger