Tuấn Thảo_RFI
Bắc Kinh không ngừng gia tăng đầu tư vào châu Phi, nhưng sự hiện diện
của các công ty Trung Quốc ngày càng bị phản đối. Tại Bắc Triều Tiên,
các vụ thanh lọc gần đây trong hàng ngũ quân đội là dấu hiệu cho thấy
đang có tranh giành quyền lực ở thượng tầng ban lãnh đạo, trong bối cảnh
Bình Nhưỡng chuẩn bị tiến hành cải tổ kinh tế. Trên đây là một số chủ
đề chính báo chí Pháp hôm nay.
Nhưng hình ảnh đáng chú ý nhất là vận động viên Lưu Tường bị chấn
thương ở gót chân trên sân thi đấu vào lúc anh đang thi môn chạy 110 mét
sào. Sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008, vận động viên Trung Quốc lại phải
bỏ cuộc do bị chấn thương tại Luân Đôn 2012. Anh là người duy nhất từng
đem lại huy chương vàng môn điền kinh cho Trung Quốc. Hy vọng tái lập
thành tích lần này coi như là đã tiêu tan.
Tinh thần bài Trung Quốc tại Zambia
Liên quan tới sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi, báo Le Figaro
đăng bài phóng sự nói về quan hệ căng thẳng giữa dân bản xứ với cộng
đồng người Hoa tại chỗ. Sau Congo, Guinée và Soudan, bạo động lại diễn
ra tại Zambia. Cách đây bốn hôm, một giám đốc người Trung Quốc bị các
thợ mỏ người châu Phi đánh chết. Trong vụ ẩu đả này, phụ tá của ông cũng
bị đánh trọng thương. Cảnh sát đã bắt giữ 12 người Zambia có liên can
đến vụ này.
Theo báo Le Figaro, đây không phải là một trường hợp lẻ loi, xung đột
thường xuyên diễn ra giữa giới chủ Trung Quốc và các thợ mỏ châu Phi.
Báo chí địa phương đặc biệt chú ý tới vấn đề nhạy cảm này mỗi lần có án
mạng, hay là vào thời điểm sắp có bầu cử. Vào năm 2010, hai ông chủ
Trung Quốc bị truy tố về tội mưu sát sau khi nã súng bắn vào nhân công
biểu tình, khiến 11 người bị thương. Tranh chấp nảy sinh từ sự bất công.
Giới chủ Trung Quốc ít khi nào tôn trọng các điều kiện hợp đồng, hay
chịu trả hơn đồng lương tối thiểu.
Theo một bản báo cáo gần đây, tổ chức Human Rights Watch cho biết là
tại miền nam Zambia, các công ty khai thác quặng mỏ Trung Quốc chỉ trả
lương bằng một nửa so với các công ty nước ngoài, chủ yếu là Ấn Độ và
Thụy Sĩ. Nếu thợ mỏ phàn nàn hay lên tiếng phản đối, là họ bị đuổi ngay.
Bản báo cáo ghi nhận là các hành vi lạm dụng, ngược đãi nhân công
thường thấy ở Trung Quốc nay lại xuất hiện ở miền nam Zambia.
Cung cách quản lý, điều hành nhân công của các ông chủ Trung Quốc bắt
đầu trở thành một đề tài nóng bỏng từ khi Bắc Kinh không ngừng đầu tư
vào châu Phi để khai thác nguyên liệu. Trong trường hợp của Zambia, trao
đổi mậu dịch với Trung Quốc là 100 triệu đô la vào năm 2000. Một thập
niên sau, kim ngạch thương mại lên tới 2,8 tỷ đô la, tức là đã tăng gần
gấp 30 lần chỉ trong vòng mười năm. Chỉ riêng trong năm 2010, Bắc Kinh
đã đầu tư vào Zambia đến một tỷ đô la, chủ yếu là để khai thác các mỏ
than và mỏ chì.
Tại Lusaka, thủ đô Zambia, các doanh nhân đến từ Hoa Lục ngày càng
hiện diện đông đảo. Đến nỗi, một số ngân hàng cho phép sử dụng đồng nhân
dân tệ của Trung Quốc trong các vụ giao dịch tài chính thay vì dùng
đồng tiền của Zambia. Tầm ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh tại châu Phi
ngày càng lớn mạnh, nhưng đồng thời nuôi dưỡng tinh thần bài Hoa. Các
đảng đối lập châu Phi thường khai thác chủ đề này trong các cuộc vận
động tranh cử để lên nắm quyền. Vào năm 2011, ông Michael Sata được bầu
làm tổng thống Zambia, dù rằng về mặt cương lĩnh chính trị, ông chỉ chĩa
mũi dùi vào cộng đồng người Hoa.
Về phía Hoa Kỳ, kể từ năm 2009, nước Mỹ đã mất vị trí đối tác thương
mại hàng đầu của châu Phi. Theo các nhà quan sát, vòng công du 7 nước
châu Phi trong 11 ngày của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không nhằm
mục đích nào khác là thắt chặt lại quan hệ với các nước trong khu vực,
khoanh vùng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, tránh cho châu Phi biến thành
sân sau của Trung Quốc. Ngay lập tức, từ phía Bắc Kinh đã có phản ứng.
Theo nhận định của Tân Hoa Xã, chuyến đi của ngoại trưởng Mỹ là một mưu
đồ nhằm gieo rắc mầm mống bất đồng trong quan hệ giữa Trung Quốc và châu
Phi.
Bình Nhưỡng hạn chế vai trò của quân đội
Liên quan đến Bắc Triều Tiên, báo Libération đăng bài phân tích cho
rằng để tránh sụp đổ, chế độ Bình Nhưỡng phải tìm cách cải tổ kinh tế,
nhưng để đạt mục tiêu này, tân lãnh đạo Kim Jong Un phải giành lại các
quyền hạn nằm trong tay của quân đội. Cách đây hai ngày, Bình Nhưỡng đã
đóng cửa một công ty đầu tư tài chính do quân đội quản lý. Vào trung
tuần tháng 7, ông Kim Jong Un được phong làm thống chế quân đội Bắc
Triều Tiên, sau khi cách chức tổng tư lệnh Ri Yong Ho.
Theo Libération, những sự kiện này là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng
đang muốn giảm bớt vai trò của quân đội trong lãnh vực kinh tế. Ngoài
vấn đề quốc phòng, quân đội Bắc Triều Tiên còn nắm độc quyền trong việc
xuất khẩu quặng mỏ và nguyên liệu sang Trung Quốc. Và như vậy, Bắc Kinh
tuy là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, nhưng lại không tôn
trọng các nghị quyết Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên liên quan
đến hồ sơ hạt nhân.
Một cách chính thức, việc xuất khẩu nguyên liệu là một cách để cho
quân đội đủ nguồn kinh phí để nuôi 1,2 triệu binh lính. Trên thực tế,
việc xuất khẩu chủ yếu có lợi cho cấp tướng lãnh, họ tích lũy tài sản và
gia đình làm giàu một cách bất chính. Theo Libération, vào tháng 6, ông
Kim Jong Un đã cho thành lập một ‘‘nhóm phụ trách cải cách’’ mà mục
tiêu là hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế. Nhưng các động thái đầu
tiên của nhóm này là tịch thu tài sản và các khoản lợi nhuận của giới
tướng lãnh quân đội. Việc đóng cửa công ty đầu tư tài chính do quân đội
quản lý cũng như giành lại các hoạt động xuất khẩu cũng đi theo chiều
hướng này.
Ngoại trừ khi có đột biến bất ngờ vào giờ phút chót, thì đảng cộng
sản Bắc Triều Tiên sớm muộn gì cũng sẽ thông qua kế hoạch cải cách của
ông Kim Jong Un. Nhưng thật ra, người nắm quyền điều khiển từ trong hậu
trường là ông Jang Song Taek, năm nay 66 tuổi. Về vai vế, ông Jang Song
Taek được Kim Jong Un gọi là chú, bởi vì vợ ông là cô ruột của lãnh đạo
hiện thời và cũng là em gái của lãnh đạo quá cố Kim Jong Il. Một cách
chính thức, ông Jang Song Taek không phải là nhân vật số 2 của chế độ
Bình Nhưỡng, nhưng lại có tầm ảnh hưởng khá lớn đối với Kim Jong Un, xem
ông như một quân sư đáng tin cậy, một cố vấn đầy kinh nghiệm.
0 comments:
Post a Comment