Trong nhiều thập niên, Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (Association of South East Asian Nations – ASEAN) đã cố gắng kết hợp với nhau và tồn tại một cách êm thấm trước công luận mặc dù có nhiều khác biệt lớn lao về chính trị và kinh tế. ASEAN không có những thăng trầm như Liên Hiệp Âu Châu (European Union). Bây giờ đột nhiên tất cả đều thay đổi. Vào sinh nhật thứ 45, báo chí và những trang blogs đang chú ý nhiều đến ASEAN với nhiều thất vọng hơn là ca ngợi. Một số bàn cả đến vấn đề sống còn của tổ chức này.
Nguyên nhân của sự điên khùng này là sự chia rẽ ngày càng lớn giữa 10 thành viên về việc Trung quốc đòi chiếm Biển Đông (South China Sea). Sự chia rẽ này được phơi trần ra một cách công khai tại phiên họp vào tháng vừa qua của các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ASEAN đã không công bố được một thông cáo chung. Các thành viên không đồng ý phải nói gì về Trung Quốc. Một cách tổng quát, những quốc gia cũng đòi chủ quyền tại Biển Đông – Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, và Brunei, được hỗ trợ bởi Singapore và Thái Lan – muốn ASEAN đề cập đến những lo ngại nghiêm trọng về những hành động hiếu chiến của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền trên biển Đông và các đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và một số đảo khác. Tuy nhiên, những thành viên không đòi chủ quyền, Campuchia là nước chính, được Lào và có thể cả Miến Điện ủng hộ, không muốn làm Trung Quốc tức giận. Những quốc gia này hùa theo đòi hỏi kiên quyết của Trung Quốc rằng vấn đề phải được giải quyết song phương. Năm nay, Campuchia giữ chức chủ tịch luân phiên của khối ASEAN.
Ngay sau thất bại ở Phnom Penh, Ngoại Trưởng Nam Dương Marty Natalegawa đã vận động ngoại giao để vá víu những rạn nứt. Tuy nhiên từ đó đến nay, việc trách cứ công khai, trái với truyền thống ASEAN, vẫn tiếp diễn không ngừng. Đại Sứ Campuchia tại Manilla đã phải dời Phi Luật Tân về nước vào tuần vừa qua sau khi ông ta đã chỉ trích Phi Luật Tân và Việt Nam về việc chơi trò chính trị bẩn thỉu để cố đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình của ASEAN. Báo chí địa phương đầy những bài và thư chống lập trường của Campuchia.
ASEAN đã hi vọng qua khỏi cuộc khủng hoảng này bằng cách thiết lập nguyên tắc ứng sử (code of conduct) cho Biển Đông, tuy nhiên, Trung Quốc từ chối thảo luận về ý kiến này cho đến khi họ nói “tình trạng chin mùi”. Trong khi đó, một không khí ảm đạm bao trùm việc chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh toàn phần của ASEAN vào tháng 11. Vào thời gian này các quốc gia cần phải đồng ý về một lập trường chung cho công luận, tránh một cuộc tranh cãi không chính đáng khác. Nhưng vấn đề này còn nhiều điều phải lo âu.
Đặc biệt, một số nhà ngoại giao muốn biết nếu Campuchia bây giờ đã chắc chắn trở thành một con bài của Trung Quốc hay không. Nếu vậy, phương cách quyết định của ASEAN theo sự nhất trí từ nay đã chấm dứt. Campuchia dựa vào đầu tư của Trung Quốc và những lời nịnh hót nhiều hơn hầu hết những quốc gia khác trong vùng. Bây giờ người ta trông đợi quốc gia này theo lệnh của Bắc Kinh. Một nhà ngoại giao Campuchia nói rằng ngay cả chính phủ của ông ta cũng ngạc nhiên là Trung Quốc đã nhanh chóng và mạnh mẽ ép họ ủng hộ lập trường của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh. Nước Lào nhỏ bé cũng dựa rất nhiều vào tiền và thiện chí của Trung Quốc. Miến Điện cũng vậy. Một nhà bình luận đã viết rằng Trung quốc có thể đã có được quyền phủ quyết của một thành viên ngoại cuộc đối với ASEAN khi quyền lợi của Trung Quốc bị đe dọa.
Khối ASEAN có thể trở thành nạn nhân của thời đại tranh chấp mới trong vùng giữa các cường quốc. Cho tới thời gian gần đây, ASEAN đã đạt được tiến bộ đều đặn trong việc thành lập một diễn đàn chính cho những cuộc đối thoại và thảo luận của các nước Á châu, và tổ chức những cuộc họp khác như hội nghị thượng đỉnh của ASEAN. Tuy nhiên bây giờ, ASEAN xem ra bị kẹt giữa một bên là Trung Quốc đang lớn mạnh và bên kia là Hoa Kỳ mới trở lại để tìm cách cân bằng lực lượng với Trung Quốc.
Đặc biệt là Phi Luật Tân và Việt Nam bây giờ công khai trông chờ vào sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ khi phải đối phó, trong vô số rắc rối, với một Trung Quốc cương quyết. Campuchia và Lào đã theo chân Trung Quốc, và Miến Điện có thể làm như thế. Thái Lan và Phi Luật Tân là đồng minh của Hoa Kỳ theo những cam kết trong hiệp ước giữa đôi bên. Singapore cũng đang tiến hành nhanh chóng sự hợp tác quân sự với Mỹ. Mối lo sợ là những liên minh này sẽ làm lu mờ những hấp dẫn trừu tượng của ASEAN, cùng với những cố gắng biến ASEAN thành một tổ chức chặt chẽ hơn.
Một thiệt hại rõ ràng nhất có thể là việc thiết lập một thị trường chung giống như Âu châu. Đó là Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC), dự trù bắt đầu có hiệu lực ba năm tới. Ian Storey của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết là trong 132 đoạn của thông cáo chung không phổ biến, chỉ có bốn đoạn đề cập đến việc đòi chủ quyền ở Biển Đông. Nhiều đoạn còn lại nói về việc hợp nhất kinh tế và thương mại. Những điều này đã mất. Việc AEC bắt đầu đúng hạn lại càng khó khăn hơn, hãy cứ để nó yên để có hiệu quả. Nghị trình rộng lớn của ASEAN đang đắm chìm vào Biển Đông.
Chỉ có Nam Dương là có thể thay đổi được tình thế. Quốc gia lớn này cung cấp trụ sở cho Văn Phòng Thư Ký của ASEAN tại thủ đô Jakarta. Nam Dương xem ra tự cảm thấy có trách nhiệm giữ cho ASEAN thành một khối. Bà Dewi Fortuna Anwar, cố vấn cao cấp về chính trị và ngoại giao cho chính phủ Nam Dương, lập luận rằng cuộc tranh cãi về Biển Đông là “một bài học tốt cho ASEAN về việc sống trong một thế giới thực với những cường quốc và những vấn đề lớn. Đây là môt phần của sự trưởng thành”.
Hiện nay, ASEAN hoạt động với một ngân sách eo hẹp. Những quốc gia thành viên chỉ trả một số tiền không đáng kể để giữ cho tổ chức hoạt động qua loa, dựa vào giả thuyết rằng ASEAN không bao giờ phải làm nhiều. Tuy nhiên trước sự đoàn kết của ASEAN gặp nguy khốn như hiện nay, một số nhà làm chính sách của Nam Dương suy luận rằng đây là lúc phải tăng cường tổ chức và cung cấp cho tổ chức những cơ chế, tiền, và nhân lực cần thiết để biện hộ cho quyền lợi của vùng một cách mạnh mẽ hơn. Như Bà Anwar nói, “Nếu những thành viên không chăm sóc ASEAN đầy đủ, tại sao những thế lực khác lại phải chiều theo ý kiến của ASEAN.”
ASEAN in Crisis – Divided We Stagger
The Economist, August 18, 2012
Bản tiếng Việt: Nguyễn Quốc Khải
0 comments:
Post a Comment