Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội
Trước các cuộc biểu tình của dân chúng nhằm phản đối những hành động
gây hấn và lấn chiếm biển đảo ngang ngược của Trung Quốc, nhà cầm quyền
Việt Nam có một chủ trương rõ rệt và bất khoan nhượng: Cấm. Nếu không
cấm được thì dẹp. Dẹp bằng nhiều biện pháp: một, đánh đuổi hay đạp vào
mặt; hai, lùa lên xe buýt chở về đồn công an để khủng bố tinh thần; và
ba, nếu ngoan cố, vu cho một tội gì đó rồi bắt giam hoặc lùa vào các
trại phục hồi nhân phẩm.Nhà cầm quyền thừa hiểu những chủ trương như vậy là thiếu khôn ngoan. Thứ nhất, chúng gây phẫn nộ cho nhân dân, ngay cả những người đã từng là đảng viên và đã từng tham gia các cuộc chiến tranh do Cộng sản lãnh đạo trước đây. Thứ hai, chúng tạo nên những ấn tượng cực kỳ xấu trong lòng quần chúng về hình ảnh của đảng và chính quyền: một, giữa Trung Quốc và nhân dân, họ sẵn sàng hy sinh nhân dân để làm vừa lòng Trung Quốc; hai, giữa đảng và dân tộc, họ sẵn sàng hy sinh dân tộc để bảo vệ quyền lợi của đảng. Thứ ba, như hậu quả của cả hai điều trên, dưới mắt dân chúng, đảng Cộng sản và nhà cầm quyền biến thành những kẻ hèn hạ và đang toan tính việc bán nước cho Trung Quốc.
Không thể nói nhà cầm quyền Việt Nam không biết những điều đó. Chúng quá hiển nhiên.
Biết, nhưng tại sao họ vẫn cấm và vẫn cương quyết dẹp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc?
Lý do, một cách chính thức, họ nêu lên là: Những cuộc biểu tình ấy gây trở ngại cho các nỗ lực đàm phán để tìm một giải pháp hòa bình với Trung Quốc. Nhưng một cách không chính thức, họ rỉ tai dân chúng: những cuộc biểu tình như thế có thể khiến Trung Quốc nổi giận, từ đó, có thể tấn công Việt Nam.
Nền tảng của những lập luận ấy là: Sợ. Nền tảng của cái sợ ấy là: Hèn. Nền tảng của cái hèn ấy là: Thiếu lòng yêu nước và sự tự hào dân tộc.
Tuy nhiên, vấn đề đáng cho chúng ta bàn luận là những lập luận ở trên có hợp lý hay không?
Theo tôi, hoàn toàn không.
Thứ nhất, dù có điên khùng đến mấy, Trung Quốc cũng không thể phát động chiến tranh xâm chiếm Việt Nam chỉ vì lý do dân chúng Việt Nam xuống đường biểu tình chống lại họ. Trong thời đại ngày nay, người ta có thể đem quân đánh dẹp một chính phủ, nhưng không ai dám tuyên bố đem quân để đánh dẹp nhân dân của một nước khác. Làm như thế, người ta không những chỉ là tội phạm chiến tranh mà còn là tội phạm diệt chủng.
Thứ hai, nhà cầm quyền muốn đàm phán với Trung Quốc nhưng họ lấy gì để thuyết phục được Trung Quốc trong các phòng họp? Ai cũng biết sức mạnh trên bàn hội nghị không nằm ở mớ giấy tờ. Có trưng ra bao nhiêu tấm bản đồ xưa cổ chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thì cũng vô ích. Trung Quốc đã thừa biết những điều đó từ lâu rồi. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã thừa kinh nghiệm trong việc đó: Những yếu tố quyết định chiến tranh Việt Nam trước năm 1975 không diễn ra ở các cuộc họp tại Paris mà là trên chiến trường Việt Nam; và yếu tố quyết định chiến trường ở Việt Nam không phải ở súng đạn mà là ở lòng dân Việt Nam, ở cả hai miền Nam và Bắc, cũng như lòng người, kể cả người Mỹ và người dân các nước Tây phương nói chung. Bây giờ, ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc với tư thế của những kẻ đạp vào mặt nhân dân, xua đuổi nhân dân và không sớm thì muộn cũng bị nhân dân xua đuổi, họ lấy gì để tăng thêm sức mạnh cho các lập luận của họ? – Không có gì cả!
Tổng thống Benigno Aquino của Phi Luật Tân hiểu rõ điều đó. Ngày 23 tháng 7 vừa qua, trước các hành động gây hấn của Trung Quốc, ông đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc Hội, trong đó, ông kêu gọi dân chúng đoàn kết trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Phi Luật Tân, dù trên những hòn đảo nhỏ nhoi và xa xôi nhất. Ông lập luận: “Nhiều người bảo chúng ta nên bỏ qua việc Bajo de Masinloc [tức bãi cạn Scarborough]; chúng ta nên tránh phiền phức. Nhưng nếu có ai vào vườn nhà bạn, bảo với bạn đó là vườn của hắn, bạn có đồng ý hay không? Liệu có đúng không việc chúng ta cho người khác những gì vốn thuộc về chúng ta một cách chính đáng?” Rồi ông kêu gọi: “Tôi kêu gọi nhân dân đoàn kết về vấn đề này. Chúng ta hãy nói cùng một tiếng nói. Hãy giúp tôi chuyển đến phía bên kia [Trung Quốc] những lý lẽ trong lập trường của chúng ta.”
Xin lưu ý đến câu cuối cùng vừa dẫn: “Hãy giúp tôi chuyển đến phía bên kia [Trung Quốc] những lý lẽ trong lập trường của chúng ta” (Help me relay to the other side the logic of our stand.) Dĩ nhiên, Aquino không cần dân của ông làm những thông tín viên hay liên lạc viên. Những gì ông muốn nói với Trung Quốc, ông có thể nói thẳng. Điều ông nhờ ở dân chúng là làm tăng trọng lượng cho tiếng nói của ông để Trung Quốc hiểu đó không phải là lập trường của cá nhân ông mà là lập trường của cả nước Phi Luật Tân.
Benigno Aquino hiểu điều đó. Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại không hiểu?
Như vậy, việc cấm đoán biểu tình chống Trung Quốc hẳn phải xuất phát từ những lý do khác. Chứ không phải những gì họ đã nói. Một cách chính thức hay không chính thức như đã nêu lên ở đầu bài viết này.
Lý do thực sự ấy là gì?
Câu trả lời, xin nhường lại cho các bạn.
0 comments:
Post a Comment