20/04/2015
Sự vô cảm, từ chối trách nhiệm và hành xử thiếu văn hóa đang trở thành “căn bệnh” lớn dần trong đời sống xã hội. Phải xem đây là chuyện quốc gia đại sự, cần xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ... Nếu không có những giải pháp ngăn chặn sẽ là tác nhân làm “lệch chuẩn” hay “loạn chuẩn” đạo đức.
Nhiều bạn trẻ cười nói rôm rả khi chứng kiến cảnh đánh nhau - Ảnh: cắt từ clip
Không
ít bạn trẻ coi sự dửng dưng, vô cảm là chuyện hết sức bình thường. Thậm
chí, có những người còn cổ vũ, reo hò trước nỗi đau của đồng loại.
“Không phải chuyện của mình”
Xem
những đoạn phim học trò đánh nhau trong thời gian gần đây, nhiều người
không khỏi bức xúc không chỉ bởi những cảnh ẩu đả, mà còn vì sự dửng
dưng, thậm chí cổ vũ của không ít người trẻ trước những hành động bạo
lực đó.
Tối
6.4, nhiều trang mạng xã hội lan truyền một clip quay cảnh đánh nhau
giữa hai nữ sinh ở tỉnh Quảng Ninh. Trong đoạn video, các học sinh,
thanh thiếu niên khác rôm rả nói cười khi chứng kiến cảnh ẩu đả. Một
người nam thậm chí thè lưỡi làm điệu và tươi cười trước máy quay.
Trước
đó, dư luận dậy sóng với đoạn phim học sinh THCS ở tỉnh Trà Vinh đánh
hội đồng bạn bằng ghế. Mỗi khi chồng ghế ném trúng nạn nhân, lại có
tiếng “Mày!” vang lên đầy thích thú…
Huỳnh
Hoàng Hải (học sinh lớp 12, ở H.Đức Hòa, Long An) nhận xét: “Em thấy
những hành vi thản nhiên đứng xem và cổ vũ trước những cảnh đánh nhau đó
rất phản cảm. Mâu thuẫn thường liên quan đến chuyện tình cảm hoặc ghen
tỵ trong việc học. Đôi khi từ những xích mích nhỏ như nhìn đểu, giẫm
phải chân của bạn…, hai bên không kiềm chế được mà dẫn đến đánh nhau”.
“Quá
lo ngại!” là lời cảm thán của ông Trần Công Bình, chuyên gia bảo vệ trẻ
em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại VN khi đề cập đến thái
độ vô cảm như trên.
Cũng
là một phụ huynh có hai con đang học THPT và THCS tại TP.HCM, ông Bình
chia sẻ: “Trong nhóm bạn như con tôi chẳng hạn, thay vì đứng ra ngăn
chặn những hành vi bạo hành đối với bạn bè của mình, thì đa phần dửng
dưng xem đó không phải là chuyện của mình. Các cháu sợ vô can ngăn sẽ bị
dìm hàng, bị gây hấn, bị đì nên không dám”. Theo ông Bình, ngay cả ban
giám hiệu, thầy cô đôi khi cũng không quan tâm đến những vụ học sinh ẩu
đả nhau. Họ nghĩ rằng những đứa trẻ này hư hỏng rồi, không còn thuốc
chữa nữa hoặc phải kỷ luật nặng mới được.
Thạc
sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM),
nhìn nhận bệnh vô cảm, không biết thương yêu đồng loại đang hoành hành
trong bộ phận người trẻ. Theo ông Hiếu, cơ chế xử lý những vụ bạo lực
học đường hiện còn nhiều bất cập. “Những vụ nào báo chí phản ánh thì mới
được quan tâm, Bộ GD-ĐT và chính quyền địa phương đôn đốc xử lý. Còn
không thì nhà trường thường coi đó là những chuyện nhỏ”, ông Hiếu nói.
Bình thường thành… bất thường
Chuyên
gia Bảo vệ trẻ em của UNICEF VN - ông Trần Công Bình cho rằng do ảnh
hưởng từ môi trường gia đình, môi trường học đường và ngoài cộng đồng,
nhiều học sinh ứng xử với nhau thiếu tôn trọng, chan hòa. Ông Bình kể
ngay cả hai đứa con của ông khi nói chuyện với nhau cũng hay chêm những
tiếng lóng và những từ khá “mạnh bạo”. Lần đầu tiên, ông cảm thấy hơi
sốc, đã hỏi con: “Ủa, sao con nói chuyện nghe ghê quá vậy?”. Những đứa
con ông Bình tỉnh bơ: “Bình thường thôi mà ba! Bạn bè con đều nói vậy
hết”.
Theo
ông Bình, có những thầy cô giáo xưng “mày - tao” với học trò và coi đó
là thể hiện sự thân thiện, gần gũi. Ông tâm tư: “Những điều mình dạy con
như lễ phép, hòa đồng với bạn bè đã trở thành điều không bình thường
trong môi trường của các con. Ngược lại, những điều bất bình thường lại
trở thành bình thường!”.
Đề
cập đến vấn đề giáo dục đạo đức trong trường hiện nay, ông Bình thẳng
thắn: “Học sinh cần phải biết những giá trị rất căn bản là yêu quý giá
trị bản thân các em cũng như tôn trọng bạn bè cùng trang lứa, phải có
những đối xử chan hòa, thân thiện với mọi người… Thế nhưng, có bao giờ
chúng ta nói đến những chuyện đó đâu? Chúng ta toàn đề cập đến những
chuyện vĩ đại, bao la, chung chung, tản mạn”.
Cũng
theo ông Bình, học sinh cần được trang bị những phản ứng tích cực trước
các hành vi xấu, bạo hành để phòng ngừa ngăn chặn. Mặt khác, cũng cần
có những chương trình trợ giúp trang bị các kỹ năng làm cha mẹ cho phụ
huynh.
Gần
đây, thạc sĩ Bùi Gia Hiếu cùng một số giáo viên khác tại TP.HCM đã có
buổi nói chuyện thân tình với những sinh viên năm cuối khối ngành sư
phạm. Trong đó, ông Hiếu và các đồng nghiệp nhấn mạnh sự cần thiết của
việc tích hợp giáo dục đạo đức, kỹ năng trong từng môn học. Theo ông
Hiếu, để ngăn ngừa bạo lực học đường và vô cảm với bạo lực học đường,
nhà trường cần tận dụng nắm bắt nhiều kênh thông tin đa chiều, từ giáo
viên, giám thị, cán sự lớp, phát phiếu đồng hành nắm bắt tâm tư học
sinh. Bên cạnh đó, hiệu trưởng và giáo viên nhiều lúc cũng cần “vi hành”
trên những trang mạng xã hội để hiểu thêm về muôn mặt cuộc sống của học
sinh.
Ý kiến
Cần đội ngũ tư vấn viên có năng lực
Theo
tôi, mỗi trường cần có phòng tư vấn tâm lý với tư vấn viên có năng lực
(hiện nay thường để y tế học đường hoặc trợ lý thanh niên, tổng phụ
trách kiêm nhiệm). Từ đó, có những hỗ trợ kịp thời giúp các em biết bạo
lực không phải là cách giải quyết xung đột mà là hành vi vi phạm pháp
luật; có khả năng nhận biết trách nhiệm và vai trò của mình, cần can đảm
lên tiếng chống lại cái xấu và điều không tốt. Đồng thời, giúp các em
có những mối gắn kết gần gũi với nhau để thân thiện, giúp đỡ và bảo vệ
nhau.
Thạc sĩ xã hội học Vũ Thiện Toàn
Làm tổn hại hình ảnh học trò
Có
những chuyện lẽ ra chỉ cần nói với nhau, ai có lỗi thì xin lỗi là xong,
nhưng thực tế lại bị đẩy lên đến mức ẩu đả. Người ngoài nhìn vào nghĩ
học sinh bây giờ vô cảm, đánh nhau tùm lum làm tổn hại hình ảnh áo trắng
học trò. Theo mình, khi đã bước chân vào trường học rồi thì phải làm
sao xứng đáng với hình ảnh áo trắng.
Huỳnh Hoàng Hải
(Học sinh lớp 12, H.Đức Hòa, Long An)
Em sẽ tiếp tục can
Chuyện
học trò trong trường đánh nhau tung clip lên mạng hiện nay rất phổ
biến. Riêng bản thân em, em từng có mấy lần can bạn đánh nhau rồi. Nếu
thấy đánh nữa, em sẽ tiếp tục can. Khi thấy có người xung phong vào can
ngăn thì sẽ có những người khác cùng làm với mình. Mặt khác, học sinh
cũng nên báo cho thầy cô, cha mẹ biết những rắc rối mình đang gặp phải.
Tạ Đình Quý (Học sinh lớp 9, Trường THCS Thoại Ngọc Hầu, Q.Tân Phú, TP.HCM)
|
Như Lịch
Vô cảm và thiếu văn hóa đang lớn dần - Kỳ 2: Cú sốc lớn về văn hóa
21/04/2015
“Sốc” là từ rất nhiều nhà văn hóa, nhà giáo... đã thốt lên khi xem hình ảnh, clip đám đông chen lấn, giành giật, coi thường tính mạng bản thân và sẵn sàng đẩy con em mình vào tình huống nguy hiểm; sàm sỡ phụ nữ... ở công viên nước Hồ Tây hôm 19.4.
Du khách hò nhau trèo hàng rào vào công viên trong sự bất lực của lực lượng bảo vệ
Nhà
giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, thẳng
thắn: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây thực sự là một cú sốc lớn về văn
hóa. Trước hết, nhà tổ chức cũng phải nhận trách nhiệm về sự việc rất
đáng xấu hổ, thậm chí là nhục nhã này. Lẽ ra họ phải lường trước tình
huống và có những cách thức tổ chức chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn. Tuy
nhiên, trách nhà tổ chức một thì tôi trách ý thức của những người trèo
rào để vào công viên nước hơn nhiều. Tôi thật sự bị sốc khi xem những
hình ảnh này. Sốc vì không thể hiểu nổi. Cực kỳ phản cảm!”.
Hành xử a dua, trẻ em lãnh đủ
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến
sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em
(Bộ LĐ-TB-XH), nói ông không ngạc nhiên khi xem hình ảnh hỗn loạn với
dòng người chen lấn, xô đẩy. Bố mẹ cõng, bế, đẩy, công kênh con em lên
vai rồi đẩy qua hàng rào chi chít những mũi sắt nhọn như mũi chông để
được vào tắm, vui chơi miễn phí ở công viên nước Hồ Tây. Bởi lẽ, những
hình ảnh này đã thường thấy ở Hà Nội khi các nhà hàng, siêu thị có
chương trình ăn miễn phí, bán hàng giảm giá, khuyến mãi.
Theo
ông An, hiện tượng này cho thấy một thực trạng xã hội nghiêm trọng,
đáng báo động, khi mà cả người lớn lẫn trẻ em hành xử a dua theo đám
đông, bất chấp các chuẩn mực về ứng xử, đạo đức. “Nhưng đây không phải
là hành động bột phát mà là hệ lụy của sự giáo dục không đến nơi đến
chốn”, ông An thốt lên: “Khi mà ngay cả cha mẹ đã không là một tấm gương
tốt, chấp nhận sự rẻ mạt tính mạng của con trẻ, chỉ vì nhu cầu vui chơi
mà hào hứng đẩy con em mình vượt qua hàng rào, đứng trước nguy cơ tai
nạn thương tích, thì đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ hành vi ứng xử
của người lớn nên sự vô cảm, vô ý thức kỷ luật sẽ còn tiếp tục nối tiếp,
hình thành ở những thế hệ tiếp theo”.
Chỉ
những hình ảnh ông bố, bà mẹ bế con nhỏ cùng vượt rào, nhà giáo Nguyễn
Xuân Khang lắc đầu: “Nếu cứ gặp những gì cấm cản là bố mẹ chúng tìm cách
vi phạm, luồn lách thì chắc chắn đứa trẻ ấy lớn lên sẽ coi những việc
lách luật, vi phạm luật là hiển nhiên và chúng sẽ hành động như vậy một
cách bản năng”.
Còn
chuyên gia nghiên cứu về tâm lý, tiến sĩ Phạm Ngọc Linh, Khoa Công tác
xã hội, Học viện Thanh thiếu niên VN, phân tích: Khi phải chứng kiến
cảnh này, đứa trẻ bị tác động rất lớn đến cảm xúc, đứng trước nguy cơ
cao ám ảnh trong nhận thức. Trẻ dễ hình thành tính cách hiếu thắng, nảy
sinh tâm lý thích bắt chước hành động như người lớn, dễ chai lì cảm xúc,
không còn sợ hãi và nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm.
Phụ huynh cố đẩy, kéo con em qua hàng rào để vào công viên nước - Ảnh: Anh Tuấn
Vô cảm với cái xấu
Quan tâm hình ảnh chị em trèo tường, vượt rào thậm
chí rách cả quần áo, chuyên gia xã hội học, tiến sĩ Đỗ Thị Vân Anh,
Trường ĐH Công đoàn, nói: “Không giống với vẻ đoan trang, thùy mị vốn có
ở những người phụ nữ, họ vượt khỏi giá trị chân, thiện, mỹ chỉ để tranh
giành vào công viên vui chơi miễn phí”. Nhưng tiến sĩ Đỗ Thị Vân Anh
bức xúc hơn cả là hình ảnh hàng chục nam sinh vây quanh trong hồ bơi có
hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục giữa chốn đông người. Theo bà, nó liên
tưởng đến nhiều vụ nữ sinh bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng
không nhận được sự trợ giúp từ người khác, dù giữa chốn đông người. “Dù
vô cảm hay hèn nhát nhưng cả một đám đông mà không ai dám ra tay ngăn
chặn hành vi xấu, sợ ảnh hưởng, liên lụy đến bản thân đã cho thấy một xã
hội thực sự bất ổn, khi con người không đủ khả năng phản kháng, ngày
càng bất lực trong việc tự bảo vệ mình trước hành vi xấu và thiếu vắng
sự bảo vệ, can thiệp mạnh mẽ từ các cơ quan công quyền”, bà Anh nói.
Nhiều khách nữ đã trở thành nạn nhân trò chơi té nước của những nhóm khách nam
“Có
đáng không khi chỉ vì một vé bơi miễn phí, một cuộc chơi không phải có
một không hai gì mà họ phải trả giá quá đắt về nhân cách và ý thức như
vậy. Trong khi họ có thể thờ ơ đi qua những vụ tai nạn, những vụ mâu
thuẫn dẫn tới đánh chửi nhau ở ngoài đường, không một sự giúp đỡ, can
ngăn”, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang bức xúc. Theo ông, vụ việc ở công viên
nước Hồ Tây cũng như hành động bẻ hoa ở lễ hội hoa, tranh cướp đồ ăn ở
cửa hàng ăn miễn phí, tranh cướp ấn ở đền chùa… phản ánh rõ nét văn hóa
của một thế hệ. Không thể phủ nhận trách nhiệm của giáo dục, trong đó có
giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội.
Nồi canh đầy sâu
Giáo
sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm phát triển và bảo tồn tín ngưỡng,
cho rằng: Lịch sử văn hóa ghi nhận một trường hợp đáng sợ trong cách ứng
xử với nhau. Bao giờ cũng thế, đám đông luôn dễ bị kích động. Nhưng
cách tổ chức đã tăng thêm sự hỗn loạn của đám đông. Sự hỗn loạn đấy là
một chỉ báo văn hóa, gọi tên ra nó là văn hóa ứng xử không được giáo dục
tử tế. Cả trong ứng xử với nhau, ứng xử với phụ nữ. Những năm gần đây,
có cảm giác cứ người VN ra đám đông là loạn. Bây giờ, nhiều khi chỉ hai
người cũng chen nhau. Quá đông thì còn chen kinh khủng hơn. Hiện tượng
như ở công viên nước là một chỉ báo cho thấy mức khó nói là con sâu làm
rầu nồi canh được. Phải nói là sâu nhiều quá, chiếm số đông, đặc xịt
trong nồi canh rồi.
Trinh Nguyễn (ghi)
|
Ý kiến
Quên hết mọi thứ chỉ vì lợi ích cỏn con
Thay
đổi ý thức là một việc có thể làm được, nhưng dân mình không chịu làm
thôi. Cứ có một việc gì có lợi cỏn con là quên hết mọi thứ xung quanh.
Trong nhiều vụ tranh giành, thấy phần lớn là thanh thiếu niên, những
người trẻ tuổi. Người trẻ như vậy mà không có ý thức thì làm sao mà thay
đổi được cách sống.
Phan Hà Anh
(Đang sống tại Đức)
Chỉ thấy cái lợi trước mắt
Chắc
chắn tôi không ủng hộ những hành động như vậy! Tâm lý của nhiều người
VN là hễ thấy cái gì miễn phí đều tập trung đông, chen chúc nhau. Trong
số đó có một bộ phận giới trẻ. Họ chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không
nghĩ tới tác hại lâu dài và hình ảnh của họ bị xấu đi trong mắt người
khác cũng như trong mắt người nước ngoài. Theo tôi, mỗi người phải có ý
thức giữ gìn văn hóa, biết kiềm chế những hành động bột phát.
Trần Bá Toàn
(Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)
Hành động thiếu văn hóa
Đây
là hành động thiếu văn hóa, rất nhức nhối trong xã hội. Nó có tính hệ
thống vì những vụ việc tương tự đã xảy ra lâu nay và xảy ra ở rất nhiều
nơi. Điều này bắt nguồn từ những nguyên nhân: nhà trường chưa chú trọng
dạy đạo đức; mỗi người chỉ biết phần mình, không quan tâm đến người
khác; hiệu ứng đám đông - thấy nhiều người khác làm thì làm theo, không
để ý đến hậu quả.
Những
hành động như vậy cần phải được răn đe, nhắc nhở. Bên cạnh đó là tăng
cường giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức, ý thức... của mọi người.
Đỗ Ngọc Thảo
(Quỹ phòng chống thương vong châu Á)
Dạy quá nhiều điều rỗng tuếch
Tôi
nghĩ đây là một thói đời, thói quen xấu. Về phía ban tổ chức, họ có cái
kém là không lường trước sự quá tải vì Hà Nội những ngày này rất nóng,
tâm lý ai cũng muốn tìm đến những nơi mát mẻ. Còn về phía những người
dân, họ cứ nghe miễn phí là chen chúc nhau đến, “cố đấm ăn xôi” để leo
rào vào cho bằng được, bất kể quần áo bị rách, lộ nội y... Ở nước ngoài,
tôi thấy ngay cả những chương trình miễn phí họ cũng xếp hàng đàng
hoàng, không chen lấn xô đẩy nhau để lấy cái miễn phí đó. Theo tôi, đó
là hậu quả của lối giáo dục con người với quá nhiều điều rỗng tuếch,
chuyên hô hào khẩu hiệu nên không có hiệu quả.
Thạc sĩ Trần Văn Hùng
(Phụ trách lớp học Xanh Sơn Nam, tỉnh Hưng Yên)
Như Lịch - Mỹ Quyên (ghi)
|
0 comments:
Post a Comment