Đã 40 năm hòa bình trở lại trên đất nước mà người dân Việt Nam vẫn sống dưới ách thống trị độc tài hà khắc của “bên thắng cuộc”
còn tệ hại hơn lúc đang bị trị dưới thời Pháp thuộc. Vẫn đàn áp, vẫn
bóc lột, vẫn bắt bớ, vẫn đánh đập, vẫn khảo tra, vẫn tù ngục, vẫn còn
những cái chết oan ức trong đồn bót công an…
Thương cho những con người can đảm cất lên tiếng nói đòi Tự do-Dân chủ
phải bị biết bao nỗi oan khiên, khổ nhục trong tù cũng như bị bao vây
khủng bố ngoài tù. Rồi cũng buồn thay cho những con người vì mù quáng mà
tiếp tay cho bọn cường quyền thống trị mang danh Chủ nghĩa Xã hội.
Trong thời gian gần đây nhà báo cộng sản Huy Đức đã can đảm cho ra tác phẩm “Bên thắng cuộc” vạch trần những cái tệ hại mà đảng CSVN đã gây ra cho dân tộc Việt Nam.
Ngay trong mấy trang đầu của Bên Thắng Cuộc, Huy Đức đã kể cho chúng ta nghe một điều cũ rích, ai cũng biết và cũng đã đặt thành vấn đề “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?” Ấy thế mà bên thắng cuộc mãi đến bốn mươi năm sau mới có vài người trả lời một cách rõ ràng và chân thật, Huy Đức viết:
“Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc”. (BTC - Mấy lời tác giả)
Cũng phải mất hơn mươi ba năm sau, cựu đại tá QĐND Bùi Tín, người đã từng có mặt tại Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 để chứng kiến sự đầu hàng của bên thua cuộc đã lên tiếng xác nhận rằng:
“Không, không có giải phóng, thống nhất.
Cuộc ăn cắp khổng lồ.
Những ngộ nhận vô duyên….
“Hôm nay tôi sẵn sàng nói to cho mọi người rõ: đất nước Việt Nam ta
sau ngày 30 tháng 4, đảng Cộng sản thắng, toàn dân Việt Nam vẫn thua,
vẫn bị thống trị bởi độc quyền đảng trị”. (ĐanChimViet online ngày 30-4-2008)
Ngày 30-4-1975, tại Dinh Độc Lập có một câu nói ngắn gọn đi vào lịch sử
ấy thế mà đã 40 năm nay tôi chưa tìm được tác giả, tôi muốn biết đích
thực ai là người nói ra câu ấy khi mà Tổng thống Dương Văn Minh nói:
“Thưa ông, chúng tôi chờ đợi các ông vào đã lâu rồi để bàn giao chính quyền”. Ông Bùi Quang Thận nói: “Các ông không có gì để bàn giao cả mà chỉ có đầu hàng vô điều kiện”. (BênThắngCuộc. I – trang 22)
Theo Huy Đức thì nói rằng câu ấy là do ông Bùi Quang Thận trả lời, còn theo ông Bùi Tín thì đã nhiều lần ông ấy bảo là chính ông ấy nói.
Một nhân vật thứ ba được VnExpress đưa lên trong bài “Điều trăng trở của Tướng Phạm Xuân Thệ”, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Nguyễn Hưng và Hoàng Thùy của VnExpress Tướng Thệ kể lại như sau:
“Tổng thống Dương Văn Minh nói: ‘Chúng tôi đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao’. Ngay lập tức tôi trả lời: ‘Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả”. (VnExpress online ngày 29-4-2011)
Ngay cả việc chiếc xe tăng nào tiến vào dinh Độc Lập trước tiên và húc đổ cổng dinh Độc Lập, họ cũng đã tranh cãi giữa chiếc 843 và chiếc 390. “Lục súc tranh công” mãi đến 16 năm sau chiếc xe 390 mới được công nhận là “bảo vật quốc gia”.
Thái độ ngạo mạn, hống hách của bên thắng cuộc khi tiến quân vào ủi sập
cổng dinh Độc Lập đã bày cho thế giới thấy rằng quân rừng về thành phố
dã man như thế nào. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã tỏ ra “bức xúc” khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Việt Hùng đài RFA rằng:
“Ngày đó nội các của Dương Văn Minh đã ngồi tề tựu cho người
xuống mở sẵn cửa dinh Độc Lập để đón người chiến thắng, người ta hành
động tốt đẹp như thế. Nghĩa là chiếc xe tăng mà vẫn thấy trên Tivi húc
đổ cánh cổng thì thực ra cánh cổng đã được mở rồi, không có sự húc đổ.
Nếu có húc đổ thì chỉ là sự húc đổ cái ta dựng để đóng phim thôi”. (Người Việt ngày 8-8-2005)
Ngày 30-4-1975 là ngày lịch sử đau buồn của dân tộc Việt Nam ở cả hai miền Nam - Bắc chứ không phải như ngài thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt nói “ngày ấy có hàng triệu người vui và cũng có hàng triệu người buồn”. Nói ra câu này có lẽ ông Kiệt sẽ thấy chua chát hơn khi nghe được câu chuyện của người bộ đội tên Nghê mà Trần Đức Thạch,
người chiến binh của Sư đoàn 341 cộng sản Bắc Việt đã ngậm ngùi kể lại
sự giết chốc, tàn sát của bộ đội Việt cộng khi họ tiến chiếm vào ấp Tân
Lập, tỉnh Long Khánh khiến những năm sau ông còn nhớ mãi “Hố chôn người
ám ảnh”. Trần Đức Thạch kể rõ trên đài RFA:
“Địch đâu chẳng thấy, chỉ thấy những người dân lành bị bắn đổ vật xuống như ngả vạ. Máu trào lai láng, tiếng kêu khóc như ri…
Tôi quay lại phía hàng trăm người bị giết và bị thương. Họ chồng đống
lên nhau máu me đầm đìa, máu chảy thành suối. Một cụ già bị bắn nát bàn
tay đang vật vã kêu lên đau đớn…Một chỗ thấy 5 người con gái và 5 người
con trai bị bắn chết châu đầu vào nhau…
Lại nữa, tôi ngó vào cửa một gia đình, cả nhà đang ăn cơm, anh bộ
đội cụ Hồ nào đó đã thả vào mâm một quả lựu đạn, cả nhà chết rã rượi
trong cảnh cơm lộn máu…
Công việc xong tôi gặp Nghê để chia buồn. Tôi không tránh khỏi cảm giác tội lỗi. Nghê đã đưa xác bố về chôn tạm ở nhà bếp. Tội nghiệp Nghê quá. Lặn lội theo cách mạng, ngày Nghê dẫn bộ đội về giải phóng ấp lại là ngày bộ đội cụ Hồ giết chết bố Nghê…
Đã mấy chục năm qua, khi hàng năm, khắp nơi tưng bừng kỷ niệm
chiến thắng 30-4 thì tôi bị ám ảnh nhớ về hàng trăm dân lành bị tàn sát ở
ấp Tân Lập. Cái hố chôn người ấy bây giờ ra sao?” (RFA online ngày 24-2-2015)
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Dương Thu Hương, người nữ bộ đội miền
Bắc theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn, kinh đô hoa lệ của Miền Nam, bà ta
bị choáng ngợp nên ủ rũ ngồi khóc bên vệ đường. “Vui sao nước mắt lại trào?” Để trả lời cho câu hỏi của một nhạc sĩ cộng sản nào đó, Dương Thu Hương
đã bộc bạch một cách chân thành cho chúng ta thấy được cái tâm trạng
của “một người” trong số “hàng triệu người vui” mà ông Kiệt nói như sau:
“Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cả mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí…Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người”. (Dân Luận online ngày 21-4-2012)
40 năm sau, vừa rồi từ Paris, Pháp Quốc, trả lời phỏng vấn của Tường An đài RFA nhà văn Dương Thu Hương vẫn còn giữ nguyên khái niệm lúc ban đầu và bà giải thích như sau:
“Vào Miền Nam tôi khóc vì sao? Là vì tôi hiểu đạo quân chiến thắng ở Miền Bắc phụ thuộc vào một chế độ man rợ.
Rất nhiều dân tộc văn minh bị tiêu diệt bởi một chế độ man rợ hơn, bởi
vì họ hung hăng hơn, vì họ có thể văn minh hơn về văn hóa nhưng vì họ
kém về tổ chức quân sự.
“Sau này tôi mới hiểu tôi cũng ngây thơ tôi khóc thế thôi. 30-4 tôi còn khóc vì một lý do khác nữa là vì chúng tôi bị lừa”. (RFA online ngày 11-3-2015)
Cùng một nhận định với nhà văn Dương Thu Hương, Luật sư Nguyễn Văn Đài, người thanh niên miền Bắc thế hệ sau cũng đã thấy và hối tiếc vì:
“Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã thắng”. (BBC online ngày 29-4-2013)
Vì là một chế độ man rợ nên trong bài Quốc ca của Việt cộng dùng những lời sắt máu như “cờ pha máu… thề phân thây uống máu quân thù”.
Quân thù của Việt cộng ở đây không phải là quân Tàu cướp nước cướp biển
đảo của Tổ quốc mà là người cùng chủng tộc nhưng không cùng giai cấp.
Hảy nghe hai đại thi nô khát máu đằng đằng sát khí của chế độ làm thơ cổ
vũ cho bắn giết được ông Hoàng Văn Chí kể lại trong “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc” như sau:
Tố Hữu:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghĩ
Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin bất diệt”. (THĐNTĐB –trang 37)
Xuân Diệu:
“Anh em ơi! Quyết chung lòng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tư thù
Địa hào đối lập ra tro
Lưng chừng, phản động đến giờ tan xương
Thắp đước cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi”. (THĐNTĐB – trang 38)
Lúc đầu thì cộng sản Hà Nội tung bánh vẽ cho bọn Mặt trận tay sai miền Nam và những kẻ bệnh hoang tưởng “thành phần thứ ba”
là sẽ có chính phủ ba thành phần, nhưng rồi việc gì đến đã đến. Sau khi
thắng cuộc bọn cộng sản miền Bắc liền giải tán cái đám Mặt trận tay sai
và cho đám đầu sỏ giữ những chức vụ ngồi chơi xơi nước làm cây cảnh
trang trí cho chế độ và thành phần thứ ba không còn thấy đâu! Nhà báo Huy Đức đã kể rõ mánh khóe này như sau:
“Khi chiến dịch bắt đầu, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam đã tuyên truyền về việc sẽ lập ở miền Nam một ‘chính phủ ba thành phần’. Tuy nhiên, khi cờ đã cắm trên dinh Độc Lập, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn quyết định dẹp bỏ ý tưởng này.
Ngày 1-5-1975, Tố Hữu đã chuyển ‘lệnh’ tới Trung ương Cục:
“Gửi anh Tám, anh Bảy (Nhờ Trung ương cục chuyển anh Tám). Xin báo để các anh biết: Theo ý kiến anh Ba, về chính phủ, không có vấn đề ba thành phần.
Cấu tạo chính phủ không thể có bọn tay sai Mỹ, không để cho Mỹ có chỗ
dựa và phải làm cho quần chúng thấy rõ sức mạnh, thế mạnh của cách
mạng…” (Bênthắngcuộc.I – trang 31)
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ phô trương được sức mạnh của bạo lực
trong đấu tranh phá hoại và khủng bố thì hay còn tổ chức về kinh tế,
giáo dục, xây dựng xã hội thì đã cho dân Việt Nam thấy rõ cái yếu kém
của họ suốt 40 năm nay. Chính ngay tướng Trần Độ với nhiều trăn trở nên đã đem hết ưu tư của mình gửi vào trong Nhật Ký Rồng Rắn với sự “bức xúc” như sau:
“Hãy nhìn lại xem: từ năm 1975 đến 1985, mười năm xây dựng XHCN trong cả nước và nước có tên là: ‘Cộng hòa xã hội chủ nghĩa’ thì đất nước ra thế nào? Có phải suýt chết đói, suýt rơi xuống vực thẳm rồi không? Thắng lợi năm 1975, ta đã thu lại một nửa nước no đủ và đầy hàng hóa, thế mà ta đã phát huy thắng lợi đó ra sao, mà đến những năm đầu của thập kỷ 80, cả nước đói nghèo, ngắc ngoải”. (NKRR – trang 17)
Ngay khi vừa vào được Sài Gòn thì Việt cộng đã hô hoán lên là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chuyễn đi 16 tấn vàng, nhưng rồi mọi việc đã ngã ngũ, tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, cựu Phó thủ tướng VNCH đã giữ lại và “bàn giao cho cách mạng” đầy đủ. Ông Huỳnh Bửu Sơn, người quản lý giữ chìa khóa hầm vàng đã “bàn giao” cho Hoàng Minh Duyệt, chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân hàng đã trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên đài RFA như sau:
“Số lượng vàng có trong hầm như thế nào, thì khi được tiếp quản và
chuyển giao cho Ủy Ban Quân quản của Ngân hàng Nhà nước lúc đó được giao toàn vẹn không thiếu một nút vàng nào cả”. (RFA online ngày 5-1-2015)
Thế nên từ đó đến nay người ta không ai còn nghe tên nào nhắc đến chuyện
16 tấn vàng ấy nữa, nó đã lấp đầy họng mấy quan lãnh đạo cộng sản cả
rồi, nhất là ngài Lê Duẩn?
Vừa viết đến đây thì tôi đọc được bài “Thương vụ đặc biệt; bán vàng” của báo Tuổi Trẻ online viết, tôi trích lại đây để rộng đường dư luận
“Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lữ Minh Châu đã
trả lời câu hỏi này: ‘Nó được bán ra quốc tế trong tổng số hơn 40 tấn
vàng để giải quyết những vấn đề khó khăn cấp bách của quốc gia, trong đó
có miếng ăn của người dân”. (10-4-2015)
Người cộng sản vốn đã có máu tham nhũng từ hồi còn ở trong rừng, nên khi
vừa ra thành phố là đã biết lợi dụng chức quyền nhân vụ đổi tiền nên đã
biết “ngồi mát ăn bát vàng”. Theo lời kể của ông Trần Kiêm Đoàn, Bí thư đoàn trường Nguyễn Tri Phương ở Huế thì:
“Tôi trở về Đại Nội. Một vị chỉ huy lực lượng đổi tiền biết chuyện kêu lại nói: ‘Muốn đổi bao nhiêu cũng được nhưng phải chia 5:5.
Về xóm coi có ai thì kêu họ đổi luôn’. Tôi về lấy tiền và móc nối với
mấy người trong xóm. Đúng là đổi bao nhiêu cũng được thật”. (BênThắngCuộc.I - trang 77)
Ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ của CSVN tại Thái Lan thấy được sự thối nát của chế độ nên ông đã đem hết lòng viết nên “Hiểm họa đen?” dài 23 trang để cảnh báo nhà cầm quyền Hà Nội sự xuống cấp toàn diện của đất nước và chế độ.
“Sau 30-4-1975 đảng CSVN đã chọn con đường thừa thắng xông lên, tiến
nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH theo con đường của chủ nghĩa
Mác-Lênin.
Hệ quả: kinh tế đất nước vốn kiệt quệ sau chiến tranh đi ngay vào sụp
đổ cho đến khi phải tiến hành đổi mới. Đồng thời đất nước bị đẩy vào 2
cuộc chiến tranh lớn kéo dài 10 năm (1979-1989). (Boxitvn online ngày 22-7-2014 – (trang 12)
Nguyên do 40 năm cả nước đi xuống XHCN nên đất nước Việt Nam vẫn phải bị
lạc hậu là vì ngu dốt, tham lam và độc tài, chỉ biết sử dụng “hồng hơn
chuyên” xem trí thức không bằng khúc phân, do đó mà trong dân gian có
câu “Người khôn đi cải tạo, người ngu dạy đời”. Tướng Trần Độ đã nhận định:
“Nhưng rõ ràng có nhiều hiện tượng người dốt người kém lại cai
trị, điều khiển người có trí thức; người không biết chuyên môn lại có
quyền sai bảo dạy dỗ người có chuyên môn; người có trình độ rất thấp lại
đi dạy dỗ chỉ đạo khắp nơi khắp chốn”. (NKRR – trang 29)
Huy Đức đã cho thấy một chế độ “văn minh” và chế độ “man rợ” sử dụng những nhà trí thức khác nhau như thế nào?
“Một người từng hoạt động trong các phong trào chống đối dưới chế độ Sài Gòn, ông Huỳnh Kim Báu vẫn phải thừa nhận: ‘Trước 1975, mặc dù chính quyền bị coi là bù nhìn, nhưng trí thức vẫn được trọng dụng, họ có quyền thực sự trong chuyên môn. Sau giải phóng, chính quyền được nói là của mình nhưng trí thức gần như chỉ được dùng như bù nhìn, trong khi đa phần họ là những người khảng khái”. (BênThắngCuộc.I - trang 179)
Chính vì chủ trương sử dụng người hồng hơn chuyên cho nên chế độ đã có những tên lãnh đạo ngu dốt như Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đến nỗi Đại tá Phạm Xuân Phương, người nhiều năm công tác trong Cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam phải thốt lên:
“Cơ bản ông ấy không đủ khả năng để ông ấy hiểu nhưng bên cạnh ấy nó cũng có quyền lợi. Ông ta ngu dốt lại hưởng tất cả mọi quyền lợi thì việc gì mà thay đổi khi ông ta đang làm vua ở xứ sở này”. (RFA online ngày 30-10-2013)
Vì những tên lãnh đạo ngu dốt như Nguyễn Phú Trọng, Nông Đức Mạnh…cầm quyền nên nhà báo Huy Đức thấy xót xa cho số phận của đất nước mình.
“Văn hóa như Nông Đức Mạnh mà vẫn có thể làm Chủ tịch Quốc hội tới 9 năm, vẫn làm Tổng bí thư tới 10 năm…thì, đất nước không thế này mới lạ”. (BBC online ngày 25-2-2015)
Khi đã thắng cuộc, Việt cộng tỏ ra hung ác thẳng tay trả thù, trả thù từ
người lính đến người dân của miền Nam Việt Nam. Họ thẳng tay cho đi tù
khổ sai biệt xứ với mỵ danh cải tạo hoặc là đi đày đến cái gọi là kinh
tế mới nơi thâm sơn cùng cốc để ở đó mà “lao động vinh quang” mút mùa
bằng thủ đoạn lừa dối trả thù có kế hoạch, có chủ trương. Huy Đức kể:
“Theo ông Võ Văn Kiệt, đảng ủy Quân quản và Trung ương Cục cũng đã bàn luận rất nhiều, không chỉ là tính những thủ thuật để hàng trăm nghìn sĩ quan quân đội miền Nam tự khăn gói vào tù mà còn đề ra mục tiêu chính trị cho việc tập trung cải tạo”. (BTC.I - tr.65)
“Không ai biết rằng: từ ngày 18-4-1975, chỉ thị 218 CT-TW của Ban bí
thư đã quy định: “Đối với sĩ quan, tất cả đều phải tập trung giam giữ
quản lý, giáo dục và lao động; sau này tùy sự tiến bộ của từng tên sẽ
phân loại và sẽ có chính sách giải quyết cụ thể”. (BTC.I - tr.39)
“Trung ương Cục đã bàn cách đưa các sĩ quan của ông đi “cải tạo lâu dài”.
Kế hoạch được gọi là Chiến dịch X-1. Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận: Việc
công bố ba mức thời gian học tập - hạ sĩ quan binh lính, ba ngày; cấp
úy, mười ngày; tướng tá, một tháng - là có ý để cho các đối tượng ngầm
hiểu rằng, thời gian học tập tối đa của các sĩ quan chỉ là một tháng”. (BTC.I - tr.40)
Bọn “man rợ” đã trịch thượng tuyên bố rằng:
“Đế quốc Mỹ và tay sai đã biến chúng từ con người thành ra dã thú. Cách mạng phải cải tạo chúng từ thú trở lại thành người. Phải giam chúng lại để chúng không làm hại nhân dân được nữa. Đồng thời phải cải tạo chúng để chúng cải tà quy chính”. (BTC.I – trang 66)
Nguyễn Chí Đức, người cộng sản trẻ đã từng đi biểu tình chống
Trung cộng xăm lược bị đồng chí công an đạp vào mặt đã can đảm ra khỏi
đảng CSVN và nói lên nhận định của mình một cách rõ ràng là:
“Tôi cho rằng họ cố tình gây chia rẽ khiến cho bên thua trận bị tổn
thương nhưng bên thắng trận cũng không lấy làm vẻ vang và tự hào gì khi
sự thật đã được bạch hóa nhan nhản trên internet. Ở đây tôi nhấn mạnh là
thua trận và thắng trận, chứ còn về đường lối chính trị theo xu hướng thế giới có khi phải nói ngược lại: bên thua trận thì thắng chung cuộc, còn bên thắng trận thì thua chung cuộc”. (Danlambao online ngày 17-2-2013)
Khác với sự trả thù hèn hạ của bên “man rợ” thắng cuộc ở Việt
Nam, bên thắng cuộc của đế quốc Mỹ văn minh đã thể hiện lòng nhân ái
khoan hòa với người anh em thua cuộc của họ, họ không trả thù, không
ngược đãi, không cải tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, người theo đảng cộng sản từ khi chống
Pháp đã chân thành kể chuyện chấm dứt chiến tranh Nam-Bắc của Mỹ người
ta đối xử với nhau như thế nào?
“Sau trận Gettinsburg 1983, Tổng thống Lincoln cúi đầu ngậm ngùi: ‘Những người lính miền Nam hay miền Bắc chết tại nơi đây đều chết cho đất nước Hoa Kỳ’.
Kết thúc nội chiến Nam-Bắc 1860-1865, binh sĩ bại trận miền Nam Hoa Kỳ
được thoải mái về quê, lại được cấp ngựa, cấp lương thực để có thể sinh
sống và tái tạo cuộc đời. Các sĩ quan bại trận vẫn được cho giữ gươm”. (Thông Luận online ngày 14-11-2007)
Khác với thái độ rừng rú của quân “man rợ” Việt Nam, tướng Ulysses S. Grant, vị chỉ huy bên thắng cuộc của Bắc quân Hoa kỳ năm 1865 đã có thái độ ôn tồn, hòa nhã tiếp nhận sự đầu hàng của tướng Robert E. Lee, vị chỉ huy của bên Nam quân thua cuộc một cách chân thành và đầy tính nhân bản.
“Lần đầu tiên trong buổi hội kiến, gương mặt của tướng Lee
tươi hẳn. Như vậy nghĩa là sĩ quan và binh sĩ dưới quyền của ông sẽ
không bị giam giữ như tù binh chiến tranh. Có nghĩa là họ không bị đem
ra bêu riếu diễn hành, hạ nhục trên các đường phố. Có nghĩa là họ sẽ
không bị mang ra tòa về tội phản loạn…
Điều quan trọng với tướng Grant là phải làm sao để thắng trận, đồng thời cũng phải gìn giữ cho bằng được sự toàn vẹn tình cảm giữa những người cùng trong cộng đồng dân tộc Hoa Kỳ”. (Bao Toquoc online ngày 18-4-2010)
Hòa bình, thống nhất đã 40 năm mà CSVN không xây dựng được một xã hội
như người dân mong ước, cứ mãi còn lẹt đẹt phía sau, do vậy Luật sư Nguyễn Văn Đài,
người đã từng có dịp đi nước ngoài và đã nhìn thấy sự phồn vinh của
những nơi mà ông đến nên đã chân thành nói lên cái cảm nghĩ của mình như
sau:
“…tôi và rất nhiều người đều cho rằng ngày 30-4-1975, bên chiến thắng
là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể
chỉ thua duy nhất nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc
hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự”. (BBC online ngày 29-4-2013)
Nhưng rất tiếc là Việt cộng đã thắng cho nên hậu quả ngày hôm nay lòng tham và sự “độc tài cộng sản” làm cho đất nước bị tụt hậu vì nền kinh tế thị trường phải mang cái gông doanh nghiệp nhà nước chủ đạo thì làm sao mà “đuổi kịp được Asean”. Ngay cả viên đương kiêm Thủ tướng Việt cộng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thấy nhục và “ngây thơ” thắc mắc:
“Sao lại cứ phải đứng sau 6 nước Asean? Chúng ta có đuổi kịp được Asean-6 không? Không có lý do gì chúng ta không cải thiện được để bằng Asean-6”. (RFA online ngày 21-2-2015)
Nếu VNCH thắng cuộc thì Việt Nam ngày nay không chỉ như Luật sư Đài nghĩ
mà còn không phải bán đất, bán rừng, bán biển; không mất thêm hòn đảo
nào ở Trường Sa cũng như có thể đã lấy lại Hoàng Sa và cũng không phải bị lệ thuộc Trung cộng nặng nề như ngày hôm nay.
Cộng sản miền Bắc gây chiến tranh nồi da xáo thịt, thống nhất đất nước
để dâng trọn cho bọn bành trướng Bắc Kinh như lời thú nhận của Lê Duẩn:
“Tại sao chúng tôi dám trường kỳ kháng chiến? Chủ yếu phụ thuộc vào công việc của Mao chủ tịch…chúng tôi có thể tiếp tục chiến đấu vì Mao chủ tịch…
Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên xô, đánh cho Trung Quốc cho cả các nước XHCN và nhân loại”. (RFA online ngày 29-4-2011)
“Công việc của Mao chủ tịch” là gì? Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã chỉ rõ cho chúng ta biết là âm mưu bành trướng của Tàu mà Lê Duẩn làm tay sai như thế nào trong bài “Bộ mặt thật của những người lãnh đạo Trung Quốc...”
“Trong cuộc họp BCH TƯ đảng CSTQ tháng 8-1965, Chủ tịch Mao Trạch Đông khẳng định: ‘Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả Miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapor… một vùng như Đông Nam châu Á rất giàu, ở đây có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém và cần thiết để chiếm lấy…” (Boxitvn online ngày 27-7-2012)
Đại tá Phạm Đình Trọng, cựu đảng viên CSVN đã xác định “Cần gọi đúng tên cuộc chiến này”:
“Cuộc chiến tranh mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cộng
sản vẫn thần thánh hóa là cuộc chiến tranh ‘Giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước’, ‘Cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước’ thực chất là cuộc
nội chiến tội lỗi, người Việt bắn giết người Việt…” (RFA online ngày 22-4-2015)
- Ngày nào Việt Nam còn chưa có tự do-dân chủ, hòa giải thật sự thì vấn đề hòa hợp hãy còn lâu.
- Ngày nào toàn dân Việt Nam chưa có được cùng một chiến tuyến chống giặc Tàu xâm lược là ngày đó vấn đề hòa hợp hãy còn lâu.
- Ngày nào CSVN còn làm lễ “mừng 30-4” là ngày đó vấn đề hòa hợp hãy còn lâu.
0 comments:
Post a Comment